Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. |
Nhưng chỉ sau chưa đầy hai ngày, trong cuộc họp báo của Mạc Ngôn tại làng Cao Mật tỉnh Sơn Đông, nhà văn lớn này đã lên tiếng trước một rừng nhà báo trong và ngoài nước đòi tự do cho Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba đang bị giam cầm trong nhà tù Trung cộng. Việc làm này khiến nhà cầm quyền Trung Quốc chưng hửng, ngẩn tò te vì cú sút bóng chính trị bất ngờ vào gôn đảng cộng sản.
Ngày 11-12-2012, chỉ sau 10 phút Ủy ban Nobel Thụy Điển công bố giải Nobel văn chương năm 2012 thuộc về nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, nhà báo kiêm nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh của BBC đã gọi điện thoại từ Luân Đôn phỏng vấn chúng tôi về tin này. Tôi đã khẳng định giải Nobel văn chương năm 2012 trao cho ông Mạc Ngôn là quá chính xác, chỉ hiềm nỗi cuốn “Ma chiến hữu” của ông Mạc Ngôn tuy có phần lên án chiến tranh, nhưng quan điểm của nhà văn này đứng hẳn về phía quân Trung Quốc xâm lược, gọi chiến tranh xâm lược là chiến tranh vệ quốc là xúc phạm dân tộc Việt Nam.
Tôi chỉ được đọc ba tác phẩm của Mạc Ngôn: “Ma chiến hữu”, “Vú to mông lớn” (Báu vật của đời) và cuốn tiểu thuyết tôi cho là kiệt tác “Đàn hương hình”; chỉ cần hai tác phẩm sau, cũng đủ để Mạc Ngôn lĩnh giải Nobel văn học.
Thông qua hai cuốn sách được dư luận quốc tế cho là tiêu biểu của Mạc Ngôn: “Báu vật của đời” và “Đàn hương hình”, cả thế giới đã thấy nhân dân Trung Quốc chỉ là phận con sâu cái kiến, nạn nhân của các thế lực cầm quyền tàn bạo: nhà Thanh, Trung Hoa dân quốc, Nhật xăm lăng và chế độ độc tài đẫm máu Mao Trạch Đông dày vò, hành hạ, xỉ nhục.
Thông qua hai tác phẩm trên, người ta thấy dân tộc Trung Hoa trong thế kỷ hai mươi với những biến cố lịch sử rùng rợn và tàn nhẫn vô cùng đã bị đưa lên đoạn đầu đài có tên là chính trị, là cách mạng, là giải phóng, là cái ác ngụy trang mặt nạ cái thiện để tước đoạt quyền làm người của hàng tỉ con người bị đầy đọa trong địa ngục của các thể chế phi nhân...
Mạc Ngôn đang là đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc, là phó chủ tịch hiệp hội các nhà văn Trung Hoa, từng là sĩ quan cao cấp trong quân đội cộng sản, từng tôn thờ và hai năm trước từng tôn vinh bài nói tại Diên An của bạo chúa Mao Trạch Đông; nhưng trong văn học, ông lại dám đứng hẳn về phía nhân dân Trung Hoa bị nô lệ hóa, bị đầy đọa trong nhà tù vĩ đại là nước Trung Hoa núi xương sông máu trong suốt thế kỷ 20 bi thảm, để cất lên tiếng khóc ngất trời, khóc cho thân phận con người bị đầy đọa thảm khốc dưới bàn tay bạo chúa mà Tần Thủy Hoàng nếu so với tân bạo chúa Mao Trạch Đông cũng chỉ là hội viên hội từ thiện mà thôi.
Kỳ lạ thay, những tác phẩm gào khóc vì con người, thét vang nỗi đau buồn uất hận vì số phận con người bị chà đạp, bị dày xéo trong một nước Trung Hoa duy ác, bạo tàn vào bậc nhất nhân loại của Mạc Ngôn lại được nhà nước cộng sản Trung Quốc cho xuất bản. Nhờ thế, tác phẩm Mạc Ngôn mới có được cơ hội bước ra thế giới.
Với bút pháp tổng hợp các bút pháp: truyện kể dân gian, pha trộn hiện thực huyền ảo, truyện chương hồi, ngụ ngôn kèm thần thoại, Mạc Ngôn tựu trung vẫn là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực mới – một thứ chủ nghĩa hiện thực lãng mạn, phúng dụ, mộng du… khiến câu chuyện ông kể rất hấp dẫn như có ma lực.
Trong một xã hội độc đảng toàn trị như Trung Quốc, việc các tác phẩm lên án tội ác, lên án cường quyền tàn bạo, đồng cảm nỗi đau bị chà đạp, bị bóp nát của dân đen, thét lên nỗi căm hận ngút trời của một nhân loại bị đọa đầy trong địa ngục trần gian của Mạc Ngôn được ra với thế giới và được giải Nobel quả tình như một phép lạ, như là một hiện tượng kỳ quặc rất khó giải thích.
Mạc Ngôn mà ở Việt Nam, chắc chắn đã bị bắt chứ nằm mơ cũng không hình dung ra những“Báu vật của đời”, "Đàn hương hình” được xuất bản. Tuy nhiên, Việt Nam đã cho in hai tác phẩm quan trọng này của Mạc Ngôn với chiếc kéo kiểm duyệt đã cắt khá nhiều trang nhậy cảm và đổi cả tên tác phẩm từ “Vú to mông lớn” thành “Báu vật của đời”. Xem ra, dù nước Trung Cộng khá khắc nghiệt trong cơ chế kiểm duyệt văn chương , báo chí cũng như các nghệ thuật khác, vẫn thoáng hơn nhiều cơ chế kiểm duyệt dễ sợ của Việt cộng. Người viết bài này từng là nạn nhân của việc cấm tự do sáng tác, năm 1982, bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” (Cho một nhà văn nằm xuống) đã bị chính quyền quy kết là thơ phản động; và năm 1989 với tiểu thuyết “Ly thân” bị thu hồi sau khi in đã làm chúng tôi càng cảm thông, cảm phục tinh thần sáng tạo của Mạc Ngôn để có được những kiệt tác ngay trong lưỡi kéo kiểm duyệt của chế độ độc tài.
Nhà cầm quyền Trung cộng đã hoan hỉ chúc mừng Mạc Ngôn được giải văn chương Nobel, coi như một thắng lợi của nước Trung Hoa cộng sản. Mười hai năm trước, khi nhà văn Pháp gốc Trung Hoa Cao Hành Kiện được giải thưởng Nobel văn học cho cuốn “Linh Sơn”, truyền thông chính thống Trung Cộng đã cho đây là bọn địch chơi xấu chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa và coi Cao Hành Kiện như không phải người Hoa. Vài năm trước, giải Nobel hòa bình được trao cho nhà ly khai số một trong nước là Lưu Hiểu Ba đang ngồi tù, đảng cộng sản Trung quốc đã nguyền rủa giải này và trừng phạt nước Na Uy tới bến.
Các nhà đấu tranh dân chủ chống chế độ Trung Cộng độc tài ngoài nước như Ngụy Kim Sinh, trong nước như Ngải Vị Vị… đều chê bai dè biễu giải Nobel văn chương của Mạc Ngôn, coi ông là nhà văn của đảng, người vẫn còn tôn sùng bạo chúa Mao Trạch Đông… Rằng họ coi việc trao giải Nobel văn học cho Mạc Ngôn là hành vi xuống thang của Ủy ban giải Nobel, bợ đỡ chế độ Trung cộng, đền bù thiệt hại cho việc họ đã trao Nobel hòa bình cho Lưu Hiểu Ba - kẻ thù không đội trời chung với chế độ cộng sản Trung Hoa…
Nhưng chỉ sau chưa đầy hai ngày, trong cuộc họp báo của Mạc Ngôn tại làng Cao Mật tỉnh Sơn Đông, nhà văn lớn này đã lên tiếng trước một rừng nhà báo trong và ngoài nước đòi tự do cho Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba đang bị giam cầm trong nhà tù Trung cộng. Việc làm này khiến nhà cầm quyền Trung Quốc chưng hửng, ngẩn tò te vì cú sút bóng chính trị bất ngờ vào gôn đảng cộng sản. Xin xem ba đoạn trích dưới đây rút trong ba bản tin của đài Pháp ngữ tiếng Việt (RFI) để minh tường sự việc: “Theo AFP, từ quê hương của mình, làng Cao Mật, phía đông Trung Quốc, Giải Nobel Văn học 2012, tuyên bố: "Tôi hy vọng ông Lưu sẽ được tự do sớm nhất có thể".
Một ngày sau khi nhà văn Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn học 2012, chính quyền Trung Quốc mới lên tiếng hoan nghênh sự kiện này.
Theo Tân Hoa Xã, ông Lý Trường Xuân, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách lý luận và tư tưởng, tuyên bố: "Giải Nobel được trao tặng cho nhà văn Mạc Ngôn chứng tỏ sự phong phú và tiến bộ của văn học Trung Quốc và không ngừng củng cố sức mạnh và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc nói chung".
Trong thư chúc mừng, lãnh đạo công tác lý luận và tư tưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi các nhà văn quan tâm chú ý đến nhân dân, gắn bó với thực tế, cuộc sống và quảng đại quần chúng.
Trả lời phỏng vấn Đại chúng nhật báo của tỉnh Sơn Đông, giải Nobel Văn học 2012 nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với nhà văn phải đề cập đến các chủ đề chính trị, xã hội và có đầu óc phê phán.
Ông Mạc Ngôn là phó chủ tịch Hiệp hội các nhà văn Trung Quốc và là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giới ly khai Trung Quốc chỉ trích ông là người của chế độ và đặc biệt là đã tham gia, hồi tháng Năm vừa qua, kỷ niệm 70 năm ngày Mao Trạch Đông đọc diễn văn về nghệ thuật và văn học ở Diên An, trong bài diễn văn này, Mao cho rằng các nhà văn cần phải phục vụ đảng Cộng sản.
Ông Mạc Ngôn đã đáp trả rằng giải Nobel mà ông được trao tặng ngày hôm qua là "một giải thưởng văn học, không phải là giải thưởng chính trị". Về bài diễn văn của Mao Trạch Đông tại Diên An, nhà văn này cho rằng "một số nhận xét của Mao về nghệ thuật là hợp lý". http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121012-trung-quoc-nobel-van-hoc-mong-muon-nobel-hoa-binh-duoc-tu-do
Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc đã không che giấu niềm tự hào khi ghi nhận «Đây là giải Nobel Văn học đầu tiên được trao tặng cho một nhà văn Trung Quốc. Các văn sĩ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đã đợi quá lâu» để được vinh dự này. http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121012-mac-ngon-ong-la-ai
“Trong số những người phải chạy ra nước ngoài tỵ nạn, nhà văn Dư Kiệt bình luận trên báo chí Đức như sau về giải thưởng dành cho Mạc Ngôn: «Đây là một vụ tai tiếng xấu lịch sử. Trao giải Nobel cho một nhà văn từng chép tay một văn kiện của Mao Trạch Đông, kẻ đã gây tội ác hơn cả Stalin và Hitler».
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị, người đang bị chính quyền trả đòn thù bằng biện pháp «truy thuế» bình luận: Không biết nên cười hay nên khóc vì Mạc Ngôn luôn đứng về phía chính quyền. http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121012-bi-cao-buoc-than-chinh-quyen-khoi-nguyen-nobel-van-hoc-mac-ngon-bien-minh-0
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, trên blog Quê Choa đã hết lời ca ngợi việc Mạc Ngôn đòi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba người đoạt giải Nobel Hòa bình đang bị tù tội ngay trong ngày họp báo đầu tiên của ông sau khi nhận Nobel văn học. Rổi ông Lập nói giả dụ một nhà văn Việt Nam trong 1200 nhà văn được giải Nobel, xem họ chỉ ngậm miệng ăn tiền mà mọp lưng trước nhà cầm quyền để yên thân, đâu có được nhân cách lớn như Mạc Ngôn, nghe mà tủi nhục ghê gớm:
“RFI loan tin Nobel Văn học mong muốn Nobel Hòa bình được tự do: “Trả lời phỏng vấn từ quê hương của mình, làng Cao Mật, phía đông Trung Quốc, Giải Nobel Văn học 2012 nói: “Tôi hy vọng ông Lưu sẽ được tự do sớm nhất có thể”.
Chính phát ngôn đó đã cho thấy tầm vóc lớn lao của Mạc Ngôn. Hoan hô bác Mạc Ngôn, từ nay em nguyện yêu bác mãi mãi! Cho dù Tàu có đem quân xâm lăng nước Việt một lần nữa thì em vẫn yêu bác.
Chợt nghĩ nếu ai đó trong 1200 nhà văn Việt đương đại đoạt giải Nobel thì họ sẽ nói gì khi được nhắc đến ông Cù Huy Hà Vũ, đến Điếu Cày và nhiều người khác nữa? Chẳng biết họ sẽ nói gì nhưng chắc chắn họ không “dại mồm” như bác Mạc Ngôn, mình xin cá 1 ăn một trăm đấy! Được cái giải nhà nước đã cảm ơn Đảng rối rít, nói gì đòi tự do cho ai!” http://quechoa.vn/2012/10/12/hoan-ho-bac-mac-ngon/
Như vậy, trong xã hội Trung cộng, một đảng viên, một vị quan chức lớn: phó chủ tịch hiệp hội các nhà văn Trung Quốc, người từng được coi là nhà văn của đảng, tất nhiên Mạc Ngôn đã được ĐẢNG TIN. Ông lại được nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới quý trọng, coi như ông đã được DÂN MẾN. Mạc Ngôn lại được Ủy ban Nobel Thụy Điển (bị các báo lề phải Trung cộng gọi là bọn địch) trao giải Nobel, được báo chí của Mỹ và châu Âu là thế lực thù địch đang giãy chết hết lời ca ngợi, coi như nhà văn này đã được ĐỊCH YÊU.
Sống trong xã hội độc đảng độc quyền cộng sản, Mạc Ngôn có lẽ là nhà văn thứ hai sau Solokhov, tác giả kiệt tác “Sông Đông êm đềm” từng đoạt giải Nobel văn học đã đạt được danh hiệu VIẾT CHO ĐẢNG TIN, DÂN MẾN, ĐỊCH YÊU.
Người viết bài này trong đại hội 4 hội nhà văn Việt Nam đã lên diễn đàn đại hội nói vo nhiều chuyện, trong đó chúng tôi đã tuyên bố nhà văn Việt Nam phải viết sao như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… viết sao cho ĐẢNG TIN, DÂN MẾN, ĐỊCH YÊU, viết vượt lên yếu tố chính trị, tuyệt đối không được làm con ở (con sen) cho chính trị mới có tác phẩm lớn. Viết như Nguyễn Du viết Truyện Kiều vậy.
Năm 1965, miền Bắc Việt Nam đang đánh nhau với miền Nam mà ở Hà Nội, ông Trường Chinh vẫn chủ tọa cuộc kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du; cùng ngày đó, ở Sài Gòn, quốc trưởng Phan Huy Quát, cũng chủ trì lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trong hội trường Nhạc viện Quốc gia. Rõ ràng, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã hội đủ ba yếu tố làm nên đại thi hào dân tộc: đảng tin, dân mến, địch yêu đó sao?
Từ Sài Gòn, một nhà văn đang bị cấm viết, cấm in sách trên khắp các kênh sách báo lề phải, chúng tôi (Trần Mạnh Hảo) chúc mừng nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn được giải Nobel văn học, báo chí thế giới đã và đang xếp ông ngang ngửa với đại văn hào Market, tác giả kiệt tác“Trăm năm cô đơn”.
Cám ơn ông Mạc Ngôn đã trưng ra cho thế giới thấy sự tàn bạo có một không hai đã và đang thống trị nước Trung Hoa, rằng cái ác đang hủy diệt thế giới, con người đang bị dày xéo và đau đớn tận cùng, vẫn kiên gan tìm sự sống trong nỗi chết. Những trang văn của ông đau đớn đến tận cùng trời mây cây cỏ.
Mạc Ngôn, ông đang tiếp tục truyền thống nhân văn của đại văn hào Lỗ Tấn (người bị giải Nobel làm ngơ cũng như giải này đã làm ngơ nhà văn số một thế giới Lep Tostoi) rằng, hỡi con người, mi lấy ở đâu cái quyền đầy đọa dân tộc ngươi, đồng loại của người kinh hãi hơn mọi thứ ma quỷ trên đời đến thế?
Trần Mạnh Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét