Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Cái xấu của "Tư bản đỏ"

Milovan Djilas, tác giả cuốn "Giai cấp mới".
"Tư bản đỏ" là những kẻ theo Chủ nghĩa Cộng sản nhưng lại vơ vét tài sản của xã hội cho vào túi riêng, hô hào xóa bỏ tư sản bóc lột nhưng chính mình lại biến thành những nhà tư sản... Cách gọi này khá phù hợp với lý thuyết về "giai cấp mới" mà Milovan Djilas đề cập trong cuốn sách cùng tên, "Giai cấp mới".
"Giai cấp mới" gồm những ai?
Đó là một nhóm người mang danh Đảng Cộng sản, có quyền quản lý và phân phối toàn bộ khối tài sản đã được quốc hữu hóa và tập thể hóa. Chính vai trò độc quyền quản lý và phân phối thu nhập quốc dân cũng như mọi tài sản khác của quốc gia đã biến tầng lớp này trở thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi. 

Dựa trên một loại hình sở hữu đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử loài người, đó là "sở hữu tập thể", giai cấp mới này chiếm đoạt thành quả lao động của xã hội, tự cho mình hưởng thụ những đặc quyền đặc lợi to lớn. Để duy trì quyền lợi của mình, giai cấp mới tiếp tục phải sử dụng tới bạo lực và tuyên truyền. Điểm khác biệt giữa giai đoạn đầu và giai đoạn sau của cách mạng là, quyền lực, từ chỗ là mục đích (phải chiếm được quyền lực để cải thiện xã hội) trở thành phương tiện (là công cụ duy trì quyền lợi).
"Giai cấp mới" có những đặc điểm gì nổi bật? 
Một số đặc điểm quan trọng của "Giai cấp mới" này là: 
1) Do sự bấp bênh về vị trí xã hội và kinh tế, cũng như xuất thân từ một đảng chính trị, giai cấp mới buộc phải cực kỳ cố kết, luôn hành động một cách có ý thức với một kế hoạch thật rõ ràng. Như vậy, giai cấp mới có tổ chức và ý thức hơn bất kỳ giai cấp nào trước đó. 
2) "Giai cấp mới" cũng tham lam giống như giai cấp tư sản thời kỳ đầu, nhưng lại không cần cù và tiết kiệm bằng các nhà tư sản. Nó là tổ chức cố kết và khép kín, giống như giai cấp quý tộc, nhưng lại thiếu tâm hồn tinh tế và phẩm chất của người hiệp sĩ. 
3) Quyền lực tạo ra cho những kẻ cầm quyền thói ham hố quyền lực, giả dối, nịnh bợ, ghen tị. Tham quyền và chủ nghĩa quan liêu là hai căn bệnh nan y của chủ nghĩa cộng sản. 
4) Quyền lực của giai cấp mới thể hiện qua khả năng kiểm soát tài sản xã hội và khả năng kiểm soát tư tưởng của dân chúng. Khi mất một trong hai, hoặc cả hai, quyền kiểm soát này, "Giai cấp mới" sẽ bị lột trần và thủ tiêu: Mất quyền kiểm soát tài sản xã hội, nó sẽ mất đặc quyền đặc lợi và lý do gắn kết giai cấp tan vỡ. Nếu mất khả năng kiểm soát tư tưởng, nó sẽ mất luôn lý do để kiểm soát tài sản xã hội, dẫn tới tan vỡ.
Mâu thuẫn lớn nhất của "Giai cấp mới" là gì? 
Giai cấp mới không có chính danh: Nó chiếm đoạt và hưởng thụ tài sản của toàn xã hội, nhưng lại phải nhân danh "sở hữu tập thể", "tài sản xã hội chủ nghĩa"... tức là không được nói thật rằng tài sản này là của nó. Từ đây sinh ra chuyện "nói một đằng, làm một nẻo": Một mặt nó phải liên tục bảo vệ quyền sở hữu của mình, chiếm đoạt một cách bất công thành quả lao động của người khác; một mặt khác, nó lại hứa hẹn công bằng và bình đẳng xã hội. Mâu thuẫn này sẽ ngày càng lớn, dẫn tới sự sụp đổ của "Giai cấp mới".
"Giai cấp mới" duy trì một chế độ đàn áp cả về tinh thần lẫn kinh tế khiến cho người dân luôn sống trong sợ hãi, luôn lo sợ mình làm gì sai để biến thành "kẻ thù". "Giai cấp mới" đầu độc giết chết đời sống tinh thần của dân tộc mình, khiến con người ngu đần đi vì tuyên truyền, không còn nhận thức được sự thật và không vươn tới được các ý tưởng mới.
Milovan Djilas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét