"Lạnh lùng" - Hot girl Hàn Quốc |
Quan niệm về sự học vấn tư tưởng của các cụ ta ngày xưa vụ thực quá, học để mà làm chứ không học để cho biết, cho nên sự học không ra ngoài phạm vi việc làm, không siêu việt được lên cõi lý tưởng cao thượng thuần tuý như ở các nước văn minh khác, đó cũng là một khuyết điểm trong văn hóa của ta vậy. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Kém óc khoa học
Trong đám trí thức chúng ta đã có nhiều kẻ tự nhận mà tuyên bố lên rằng người Việt Nam thiếu óc phê bình, không có óc khoa học. Rồi coi ai cũng thim thíp chịu cả, ai cũng làm thinh, không cãi lại.
Phải, chịu chứ còn cãi sao được!
Các sách Nho ta thường học mở ra thấy đầy những chữ như là tam tài, tam quang, ngũ luân, ngũ hành (1)… còn bao nhiêu nữa không kể hết — mới nghe như là rành về óc phân loại lắm, mà kỳ thực nào có phải.
Những chữ số mục trên một danh từ ấy, chẳng qua bởi người ta thấy cái gì được đến đâu thì kể đến đó, chứ chẳng phải có chủ ý làm một sự phân tích cho hợp với lẽ đương nhiên.
Trong lúc nền học thuật nước ta bắt đầu độc lập, tôi thấy như ai nấy có khuynh hướng về văn học hơn khoa học.
Ấy là cái hiện tượng đáng cho chúng ta không lấy làm mãn ý. Có người đã ví văn học và khoa học như hai cánh chim, chích (2) một không bay nổi.
Chuyên chuộng văn học thì lâu ngày nó sẽ thành ra vô thực dụng, cái gương Hán học hồi trước vẫn còn treo mãi cho chúng ta.
(1) tam tài: trời, đất, người; tam quang: mặt trời, mặt trăng, sao; ngũ luân: năm mối quan hệ là vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè; ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ
(2) Đại nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích chích có nghĩa là lệch nghiêng; chích cánh là gãy cánh, còn có một cánh, cũng là lẻ đôi, chích bạn
Phan Khôi
Người Việt Nam và óc khoa học, Tao đàn, 1939
Óc tồn cổ
Trong làng, hễ động mưu công cuộc gì thoát ra ngoài lề lối tục lệ trong làng người ta đều bị coi như những sự quái gở, những tội ác đáng phạt.
Khi óc tồn cổ tha hồ còn hoành hành thì bao nhiêu sáng kiến đều bị dìm dập.
Hoàng Đạo
Bùn lầy nước đọng, 1939
Quá vụ thực trong tư duy
Coi như nước ta văn hiến đã từ bao giờ, tuy những bậc hiền nhân quân tử chẳng thiếu gì, mà trước sau gọi là bậc đại triết học có người nào? Chỉ vì cái quan niệm về sự học vấn tư tưởng của các cụ ta ngày xưa vụ thực quá, học để mà làm chứ không học để cho biết, cho nên sự học không ra ngoài phạm vi việc làm, không siêu việt được lên cõi lý tưởng cao thượng thuần tuý như ở các nước văn minh khác, đó cũng là một khuyết điểm trong văn hoá của ta vậy.
Phạm Quỳnh Thư gửi bạn, 1919
Điều hòa với nghĩa… chắp vá bừa bãi
Điều hòa là một thói quen của người nước ta.
Người mình hễ ró ra (1) đâu là điều hòa đó, cái trên trời, cái dưới đất cũng điều hòa phứt đi được.
Rượu thì pha rượu trắng với rượu chát; đầu thì đùm tóc sùm sùm mà đội mũ; hết “Tây Nam đắc bằng” thì “Pháp Việt đề huề“ (2); tu thì tu tam giáo; nực cười nhứt là đạo Cao Đài “nảy” kia thờ cả năm ông giáo chủ là Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, Gia Tô, và Mô-ha-mét!
Phải, việc dễ nhất trong thiên hạ là chỉ có điều hòa, điều hòa thì vô sự mà!
Sau cuộc chiến tranh 1914-18 ở bên Tây có một số người hoảng hốt mà kêu lên rằng văn minh Âu châu đã đến ngày phá sản. Rồi ở Đông phương cũng có một số người ó lên mà bài kích văn minh Âu châu. Thuyết điều hòa có, một phần bởi lời đồn huyễn văn minh phá sản. Thật là sợ hoảng, đúng như tục ngữ nói “Chưa giàu đã lo ăn cướp”.
(1) hiện ra, lấy ra (chữ được ghi trong Đại nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của)
(2) Tên một tác phẩm của Hoàng Cao Khải và một luận thuyết mà Phan Bội Châu thường được coi là bị xúi giục, đã trình bày trong một bài tiểu luận trước 1925. Theo tôi nhớ bài tiểu luạn này có tên là Dư thập niên lai cửu trì chi chủ nghĩa.
Phan Khôi
Bác cái thuyết tân cựu điều hòa, Đông Pháp thời báo, 1928
Áp đặt chuyên chế mọi nơi mọi chỗ
Chẳng những vua quan chuyên chế, họ lại còn kéo cả kẻ làm cha kẻ làm chồng vào cái cạm độc ác ấy nữa. Ôi hủ nho! Cũng vì mấy câu tà thuyết của các người mà luân lý gia đình nước ta truỵ lạc đến thế này!
Cha mẹ coi con như của, muốn thế nào thì buộc con phải thế; không muốn đi xa, cũng không muốn cho con đi xa; luồn cúi cửa ông lớn này ông lớn nọ thì cũng bắt con như thế.
Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như nhà nghèo dạy con thì tát thì chửi thì đánh không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ.
Khi còn ở trong gia đình thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thở cái không khí chuyên chế trong trường học, thì làm sao khi bước ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ chịu luồn cúi người?
Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ trong gia đình chuyên chế ra vậy.
Phan Châu Trinh Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925
Gọt chân cho vừa giày
Vô luận là vấn đề gì, về quốc kế hay dân sinh cũng như về luân lý hay triết lý, kẻ sĩ nước ta đều thấy các thánh hiền Trung quốc giải quyết sẵn cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì.
Trái lại cái gì của Trung quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm lại cô lại cho vừa với kích thước khuôn khổ của chúng ta. Bởi thế chính trong thời kỳ toàn thịnh của nho học nước ta, người ta thấy có những nhà nho kinh luân như Tô Hiến Thành, nhà nho anh hùng như Trần Quốc Tuấn, nhà nho cao khiết như Chu An, nhà nho khẳng khái như Nguyễn Trãi, mà tuyệt nhiên vẫn không thấy một nhà nhà tư tưởng một nhà triết học nào. Chúng ta chỉ có những nhà nho lao tâm khổ tứ để bắt chước thánh hiền mà cư xử và hành động cho hợp với đạo lý chứ không có nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn với đạo lý xưa mà băn khoăn khao khát đi tìm đạo lý mới.
Đào Duy Anh Việt Nam văn hoá sử đại cương, 1950
Chỉ suy nghĩ bằng khuôn sáo
Trong phạm vi học thuật, các nhà nho nước ta chưa hề gây dựng được những tác phẩm vĩ đại, hoặc góp được công phu độc đáo vào trong tư tưởng thế giới.
Vì rằng chỉ suy nghĩ bằng khuôn sáo tư tưởng văn chương nước ngoài thì làm thế nào mà sáng tác được cho văn học quốc gia.
Các cụ già cụ non vẫn tán dương Khổng học, Hán học và Nho giáo, mà không biết gì là Nho là Khổng là Hán cả. Một nhà nho nước ta đã phê bình “những người vì từ chương mà nổi tiếng thì gọi là danh nho, nhưng tìm cho được người hiểu biết cái thực học nho giáo thì không có”.
Đây không phải là lỗi của họ, nhưng đấy vẫn là một sự thực.
Đặng Thai Mai
Địa vị văn hóa Trung quốc trong học thuật
nước ta sau này, Thanh Nghị, 1945
Không chịu được những tìm tòi phá cách
Chúng ta không có những nhà tư tưởng xây dựng được những công trình huy hoàng phong phú.
Chúng ta chỉ cốt sống được, và trong địa hạt sinh hoạt vật chất cũng như trong địa hạt tư tưởng nghệ thuật, chỉ nghĩ đến cái gì có thể giúp cho mình thích ứng với hoàn cảnh ác liệt, để theo đuổi một cuộc sống tầm thường kín đáo mà thôi.
Bởi thế nếu thỉnh thoảng có một người nào có khí độ phóng khoáng, không chịu ép mình làm nô lệ thánh hiền mà vượt ra ngoài vòng lề lối - mới vượt ra ngoài chứ chưa chắc đã xây dựng được cái gì mới - thì xã hội đã xem là quái vật mà không dung.
Hoặc giả khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường như pho tượng thánh Trấn Vũ ở Hà Nội (1) chẳng hạn, thì cái mái nặng nề của ngôi đền lại đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò của gian chính tẩm (2). Những cái thái độ và quan niệm xuất kỳ (3) ấy thường bị cái tính thiết thực của dân tộc kìm hãm hay bài xích ngay.
(1) pho tượng này cao 3, 95m, đặt ở chùa Quan Thánh
(2)gian nhà to rộng ở giữa
(3)Bày ra kế lạ, có những tư tưởng mới mẻ
Đào Duy Anh
Việt Nam văn hoá sử đại cương, 1950
Bỏ cũ theo mới một cách nông nổi
Những người theo Nho học xưa nay thường hay trọng cái hình thức bề ngoài thái quá để đến nỗi tinh thần sai lầm đi rất nhiều. Người mình lại cứ quen một mặt thuận thụ (1) theo cái khuôn nhất định của tiền nhân để lại, việc phải trái hay dở thế nào cũng chỉ ở trong cái khuôn đó chứ không chệch ra ngoài được, sự phê bình phán đoán càng ngày càng hẹp lại, không biết còn có tư tưởng nào nữa.
Đến nay thời cục đã biến đổi, khoa cử bỏ đi rồi, sự học cũ không phải là cái cầu ở con đường sĩ hoạn nữa, thì Kinh Truyện xếp lại một chỗ mà đạo thánh hiền cũng chẳng ai nhắc đến.
Sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại đi, thành thử cái xấu cái dở của mình thì vị tất đã bỏ được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh tuý đã giữ cho xã hội ta được bền vững mấy nghìn năm.
Cái tình trạng nước ta hôm nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra biển, không biết phương hướng nào mà đi cho phải.
(1) xuôi theo, tự nguyện chấp nhận
Trần Trọng Kim Nho giáo, 1930
Thói quen cam chịu
Ở nhà quê, dù khốn khó đến đâu, nhiều người cũng chỉ rên rỉ trong mồm chứ không gầm gào ra ngoài miệng, đôi khi nằm bẹp chứ không chạy kêu như dân thất nghiệp bên Tây, nên không mấy người biết tới. Đó cũng là nhờ được có cái tính di truyền lành hiền và ăn hèn ở khó đã quen.
Nguyễn Trọng Thuật
Hương chính tình nghĩa, Nam Phong, 1927
Dễ dãi thô thiển thế nào cũng xong
Người An Nam vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa(1), dễ am hiểu, dễ thu nạp lấy những cái khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người mà hóa (2) làm của mình ; nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chỉ là cái khóe tinh (3), biết xem xét và bắt chước của người, chỉ phảng phất ở bề ngoài chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để (4) chỗ tinh túy.
Tỷ như thợ An Nam thì phóng chép tài lắm; những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ cũng bắt chước được như hệt cả.
Học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu thấu đã hóa được những cái người ta dạy mình.
Một người trí não khô cạn, hay là vì không được tiêm nhiễm những cái tinh hoa của nòi giống mà thành ra khô cạn đi - một người như thế không thể không thể nào hiểu thấu được cái tinh thần của Tây phương. Có đồng hóa chỉ đồng hóa được cái bề ngoài, chỉ bắt chước được cái hình thức.
Cái cách đồng hóa dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt, mà có thể cho là cái tính xấu được. Chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
Đồng hóa một cách cấp tốc, một cách vô độ - há chẳng phải là hại hơn lợi?
(1) tiếp nhận
(2) biến cải
(3) ngón nghề, mánh lới
(4) gốc rễ, cơ bản
Phạm Quỳnh
Giải nghĩa đồng hóa, Nam phong, 1931
Tùy tiện thay đổi, chỉ cốt có lợi
Trong lịch sử ta biết bao thế hệ nhà nho kế tiếp nhau mài miệt trong sách vở của thánh hiền mà nào có sáng tác được gì đâu.
Ta không có một nền quốc học nếu quốc học là học thuật riêng của nước. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ta cơ hồ không có sáng tác gì về học thuật. Ấy cũng vì ta kém óc trừu tượng khái quát, điều kiện căn bản để phát minh về tư tưởng.
Người phương Tây rất ngạc nhiên thấy ta hôm qua chỉ biết có Tứ thư Ngũ kinh mà hôm nay bỗng tin theo những thuyết rất mới mẻ rất cấp tiến của khoa học hiện kim. Họ không biết rằng học thuật tư tưởng không phải là những căn bản tinh thần của dân tộc ta. Tư tưởng nào có lợi cho đời sống của dân tộc thì ta theo, nhưng một khi tình thế đổi thay, tư tưởng ấy trở nên có hại cho đời sống chung, ta sẽ trút bỏ dễ dàng không tiếc hối.
Hoài Thanh
Có một nền văn hóa Việt Nam, 1946
Trích từ chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh” đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007. Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn.
Vương Trí Nhàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét