Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Người Phật tử đừng chỉ vì... cúng dường

Nhiều Phật tử tin rằng cứ cúng dường thật nhiều tiền của cho thầy mình, đáp ứng mọi mong muốn của thầy, giúp thầy sống xa hoa, sung sướng nhất là mình sẽ được phước đức vô lượng cho nên không quan tâm tu học, hành trì pháp Phật theo bản hoài của Chư Phật, Chư Tổ mà chỉ lo cung cúc cúng dường.
Trong Phật giáo ngày nay đã có những “đạo sư” vì nhiều lý do luôn tư lợi riêng nên chúng ta cần tỉnh giác, trí tuệ hơn để không bị lợi dụng làm mất quyền lợi giác ngộ giải thoát của một đời học theo Phật.
Khi học Phật, người Phật tử được hiểu Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni không phải là đấng có quyền năng để dùng thần lực của mình thống trị chúng sanh. Đức Phật chỉ là bậc giác ngộ, giác hạnh viên mãn, là một đại y vương; Ngài thị hiện vào cõi Ta Bà để độ chúng sanh “nhập trì kiến Phật”, giúp chúng sanh thành Phật để giải thoát luân hồi sanh tử và tiếp tục cứu độ tha nhân.
Ngài không hề dành địa vị độc tôn ở ngôi cao khi tuyên bố “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Như thế Ngài cũng xác nhận toàn thể chúng sanh đều có sẵn Phật tánh, ai hành trì theo bậc danh y thì sẽ lành bệnh, hết khổ mà thôi.
Chỉ có điều chúng sanh bị vô minh sâu dày che lấp chân tâm nên không nhận đúng bản hoài của Chư Phật mà tu tập cho có kết quả để cứ trầm luân trong đêm sâu thẳm tối mỗi Pháp của Phật là “pháp vũ” như cơn mưa phủ đầy khắp thế gian tùy căn cơ, hoàn cảnh của chúng sanh mà cảm thọ sai biệt.
Ngài không dành riêng cho tầng lớp hay cá nhân nào vì đức từ bi của Phật bao trùm vạn pháp. Có nghĩa là tu sĩ hay cư sĩ đều được nghe pháp Phật và được Phật bình đẳng đối đãi. Cho nên người Phật tử không bao giờ là “đầy tớ” của bất cứ “đạo sư” nào trên thế gian này cả!
Thời Đức Phật còn tại thế, giáo đoàn của Ngài có tứ chúng đồng tu, không phân biệt giai cấp, màu da, tiếng nói nào. Tứ chúng ấy gồm có: tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, đó là hai giới tu sĩ và cư sĩ. Mỗi chúng sanh đều có nghiệp thiện, ác khác nhau để chọn hình thức tu học và tùy căn cơ khác biệt mà họ cảm thọ Pháp Phật.
Tuy nhiên tu sĩ hay cư sĩ đều “đồng tu” theo lời Phật dạy. Chớ nghĩ rằng chỉ người tu sĩ mới tu còn người cư sĩ luôn hèn kém không thể tu! Do còn nhiều nợ thế gian, người cư sĩ phải đa đoan chạy theo ngũ dục tìm cầu tiền bạc để giải quyết những nhu cầu cho sự sống của cá nhân và gia đình, người thân.
Vì thế người cư sĩ ít có, điều kiện tịnh tâm hành trì Pháp Phật và dĩ nhiên mức độ chứng đạo phải xếp sau hàng tu sĩ.
Nhưng không có cư sĩ hộ pháp thì người tu sĩ liệu có thể tự cung, tự cấp mà tu hành viên mãn không? Như vậy, giữa tu sĩ và cư sĩ phải có mối tương tác hữu cơ không thể tách rời nhau, hai giới đều cần nương vào nhau mà tinh tấn tu học và hoằng dương chánh pháp để đền ân Phật, Tổ.
Vậy, tại sao có những đạo sư muốn người Phật tử phải “ngoan”, suốt đời chỉ biết phụng sự cúng dường?
Nhớ xưa Đức Phật từng dạy tứ chúng bốn điều kiện để quan sát về đức hạnh của một người tu là trên cơ sở: sát - đạo - dâm - vọng. Nếu ai vi phạm một trong bốn điều trên thì không phải là đạo sư và chớ nương tựa những người ấy.
Hơn nữa, tôn chỉ của đạo Phật là “duy tuệ thị nghiệp” và muốn đi đúng hướng phải lấy “Giới - Định - Tuệ làm kim chỉ nam. Bởi vì được cúng dường Phật hay A la Hán mới thật sự có phước còn cứ mê muội theo bất cứ vị tu sĩ, cư sĩ nào tự nhận là “đạo sư” là “thầy của nhân thiên” để đi theo sự hướng dẫn đầy “vọng tưởng” có khi là “mê tín” thì người Phật tử chỉ “gieo lúa trên đường nhựa”!
Người Phật tử học Phật đều biết Đức Thế Tôn của chúng ta không chủ trương yêu cầu đệ tử phải phủ phục, cúng dường các tiện nghi vật chất cao sang cho Ngài. Ngài cũng không hề muốn cứ tin tuyệt đối vào lời giảng của Ngài mà phải hiểu bằng trí tuệ qua câu nói: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”.
Vậy mà từ vua quan đến trưởng giả, trí thức và mọi tầng lớp bà la môn, kẻ nghèo hèn đều nằm vóc sát đất đảnh lễ Ngài vì tôn kính, ngưỡng mộ đức hạnh, cách sống bình đẳng, giản dị và đức độ vô lượng của Ngài đối với mọi chúng sanh!
Cho nên mấy ngàn năm rồi Ngài vẫn là bậc Đạo sư tuyệt vời nhất trong ba cõi.
Gần đây đã xuất hiện các vị “đạo sư” trá hình, “mượn đạo tạo trời” dùng nhiều thủ đoạn biến hóa người Phật tử trở thành các “đầy tớ” nhằm cung phụng cho họ say đắm ngũ dục.
Và cũng còn nhiều Phật tử tin rằng cứ cúng dường thật nhiều tiền của cho thầy mình, đáp ứng mọi mong muốn của thầy, giúp thầy sống xa hoa, sung sướng nhất là mình sẽ được phước đức vô lượng cho nên không quan tâm tu học, hành trì pháp Phật theo bản hoài của Chư Phật, Chư Tổ mà chỉ lo cung cúc cúng dường.
Chẳng may cúng dường nhằm “Tà sư” thì đọa thêm chứ làm sao có phước? Hơn nữa, vật cúng dường không phải là “tịnh tài - tịnh vật” mà do những thủ đoạn lừa lọc trong thế gian, từ những đồng tiền bóc lột, dối trá, gian tham thì thử hỏi cả người cúng và người nhận cúng dường có giúp gì được cho nhau trên đường tu đạo giải thoát?
Hơn lúc nào hết, người Phật tử trẻ tuổi, người có trí tuệ phải tìm hiểu giáo lý Phật Đà, phải hiểu lời Phật dạy trên tinh thần “liễu nghĩa” mới mong tu học đúng bản hoài của Chư Phật để được lợi lạc thực sự trong kiếp người ngắn ngủi này.
Tâm Quả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét