Chính sử Trung Quốc từ Tiền Hán cho đến cuối đời nhà Thanh đều cho thấy điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam; hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) không được ghi nhận là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc.
Minh sử là bộ sử nhà Minh do Trương Đình Ngọc, Thái tử Thái bảo, Bảo Hoà điện đại học sĩ, kiêm Thương thư Bộ Lại, Bộ Hộ chủ trì biên soạn. Bộ sử hoàn tất việc biên soạn, dâng vua Thanh năm thứ 4 Càn Long (1739). Bộ sử này có hai phần liên quan đến điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc và các chuyến đi của Trịnh Hoà sang “Tây Dương”.
Chương “Dư địa chí” chép về phủ Quỳnh Châu như sau :
“Quỳnh Châu phủ : Càn Ninh quân dân an phủ ty đời Nguyên. Năm Nguyên Thống thứ 2 (1334) tháng 10 đổi làm Càn Ninh an phủ ty thuộc Hải Bắc Hải Nam đạo tuyên uý ty. Năm đầu Hồng Vũ (1368), tháng 10 đổi làm Quỳnh Châu phủ. Năm thứ 2 (1369) hạ làm châu. Năm thứ 3 (1370) lại nâng lên làm phủ, lãnh 3 Châu 10 huyện. Cách bố chính ty (Quảng Châu) 1750 dặm.
Quỳnh Sơn : Nam có (núi) Quỳnh Sơn, Bắc giáp biển, có Thành Ứng Cảng còn gọi là Hải Khẩu có Ngự thủ thiên hộ sở, đặt năm thứ 2 Hồng Vũ (1369). Tây Nam có thôn Thuỷ Tiên. Năm Vạn Lịch thứ 28 (1600) đặt Thuỷ Hội thủ vệ thiên hộ sở tại đây. Nam có Thạch Sơn, lại có Thanh Lan tuần kiểm ty, đã bỏ.
Trừng Mại : ở Tây Bắc phủ Quỳnh Châu, Bắc giáp biển. Nam có Lê Mẫu Giang. Đông có Trừng Giang. Tây Bắc có Trừng Mại tuần kiểm ty, đóng ở Thạch Cù Đô. Nam có Miễn Hiệp tuần kiểm ty đóng ở Tăng Gia Đông Đô, sau dời đến địa điểm cũ của Nam Lê Đô. Tây Nam có Đồng Cổ tuần kiểm ty đóng ở Tây An Đô, sau dời đến địa điểm cũ của Tây Lê Đô, lại có Nà La tuần kiểm ty đóng ở Nà La thị, sau dời đến địa điểm cũ của Sâm Sơn thị phía Tây Huyện.
Lâm Cao: phía Tây phủ Bắc giáp biển, Nam có Lê Mẫu Giang, có Điều Bài tuần kiểm ty, sau dời đến Phần Hoành Cương. Lại có địa điểm cũ của hai tuần kiểm ty Định Nam ở phía Đông, Bắc phố ở phía Bắc.
Định An : Phía Nam phủ, đặt tháng 6 năm thứ 29 Chí Nguyên (1293), đời Nguyên. Năm Thiên Lịch thứ 2 (1329) tháng 10 nâng làm Nam Kiến Châu. Năm đầu Hồng Vũ (1368), tháng 10 nâng làm Nam Kiến Châu. Năm đầu Hồng Vũ (1368), tháng 10 đổi làm huyện. Nam có Ngũ Chỉ Sơn, còn gọi là Lê Mẫu Sơn, người Lê sống chung quanh núi, ngoài là Thục Lê, trong là Sinh Lê. Bắc có Kiến Giang bao quanh địa giới quận, chảy vào Nam Độ Giang ở Tây Bắc. Đông có Đàm Lãm đồn điền thiên hộ sở, đặt từ đời Nguyên. Đời Hồng Vũ (1368-1399) theo như thế. Năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) bỏ. Tây có Thanh Ba tuần kiểm ty. Đông có Ninh Thôn tuần kiểm ty đóng ở Đàm Lãm thôn sau dời đến Nam Tư Đô, Đông Nam huyện, vẫn dùng tên như thế.
Văn Xương : phía Đông phủ, Tây Bắc có Thất Tinh Sơn, Nam có Tử Bố Sơn. Đông Bắc giáp biển, Đông Nam có Văn Xương Giang chảy vào Biển. Đông Bắc còn có Thanh Lan thủ vệ thiên hộ sở, đặt tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 27 (1394). Năm Vạn Lịch thứ 9 (1582) dời đến Trần Gia thôn Nam Thác Đô Đông Nam huyện. Tây Bắc có Phố Tiền tuần kiểm ty. Đông Bắc có Thánh Lan Đầu tuần Kiểm ty, sau dời đến Bao Lăng cảng, phía Đông huyện.
Hội đồng: phía Đông Nam phủ, đặt tháng 6 năm Chí Nguyên thứ 29 đời Nguyên (1292). Đống giáp biển. Tây có Lê Bàn Khê. Đông có Điều Khiếu tuần Kiểm ty, đóng tại Đoan Triệu Đô sau dời đến Nam Thương Thôn, đông Nam huyện.
Lạc hội : Đông Nam phủ, Tây có Bạch Thạch Sơn, Đông giáp biển. Tây bắc có Vạn Tuyền Hà, có Lê Bàn Thuỷ chảy vào.
Đảm Châu : Nam Ninh quân đời Nguyên, thuộc Hải Bắc Hải Nam tuyên uý ty. Năm đầu Hồng Vũ (1368) tháng 10 đổi làm Đảm Châu thuộc phủ. Năm Chính Thống thứ 4 (1439), tháng 6 đặt châu lỵ ở huyện Nghi Luân, liền sáp nhập vào. Tây Bắc có Long Môn ty Trấn Giang và An Hải. Đông có địa điểm cũ của Quy Khương tuần kiểm ty. Đông bắc cách phủ 370 dặm, lãnh một huyện.
Xương hoá: phía Nam (Đảm) châu, thành cũ ở Đông Nam. Thành hiện nay nguyên là Xương Hoá thủ vệ thiên hộ sở. Đặt năm thứ 25 Hồng Vũ (1392). Năm Chính Thống thứ 6 (1441) tháng 5 dời huyện lỵ. Tây giáp biển, Nam có Xương Giang.
Vạn Châu: đời Nguyên là Vạn An quân thuộc Hải Bắc Hải Nam tuyên uý ty. Năm Hồng Vũ thứ 1 (1368) tháng 10 đổi làm Vạn Châu thuộc Phủ. Năm Chính Thống thứ 4 (1439) tháng 6 đặt châu lỵ ở Vạn An, liền sáp nhập vào. Bắc có Lục Tiên Sơn, Long Đầu Hà. Trong biển phía Đông Nam có Độc Châu Sơn. Đông có Liên đường tuần kiểm ty, sau bỏ. Tây Bắc cách phủ 470 dặm, lãnh huyện 1.
Lăng Thuỷ : phía Nam Châu (Vạn Châu). Đông Bắc có huyện thành cũ. Nay đóng ở Bản Nam Sơn thủ vệ thiên hộ sở, đặt năm Hồng Vũ thứ 27 (1394) ở đây. Những năm Chính Thống (1436-1450) dời huyện đến đây. Tây có Tiểu Ngũ Chỉ Sơn. Đông giáp biển. Trong biển có Song Nữ Dữ. Đông Bắc có Ngưu Lĩnh tuần kiểm ty.
Nhai Châu : đời Nguyên là Cát Dương quân thuộc Hải Bắc Hải Nam đạo tuyên uý ty. Năm đầu Hồng Vũ (1368) tháng 10 đổi làm Nhai Châu thuộc Phủ. Năm Chính Thống thứ 4 (1439) tháng 6 đặt châu lỵ ở huyện Ninh Viễn liền sáp nhập vào. Nam có Nam Sơn. Bắc có Đại Hà từ Ngũ Chỉ Sơn phân dòng chảy ra biển. Đông có Thắng Kiều. Có 3 ty tuần kiểm. Thắng Kiều ở phía Đông, Bao Tuế ở phía Tây, Thông viễn ở phía Tây Bắc. Bắc cách phủ 1410 dặm, lãnh huyện 1.
Cảm Ân: phía Tây Bắc châu (Nhai Châu), trước thuộc Đảm Châu, chuyển thuộc (Nhai) Châu năm Chính Thống thứ 5 (1440). Tây giáp biển. Nam có Nam Tương Giang bắt nguồn từ Lê Mẫu Sơn chảy ra biển ở phía Tây Nam. Đông Nam có Diên Đức tuần kiểm ty” (quyển 45, tờ 9b-10a).
Như vậy, theo phần Dư địa chí của Minh sử thì cương giới phủ Quỳnh Châu không bao gồm bất kỳ quần đảo nào ở Biển Nam Trung Hoa. Điều đó cho thấy lập luận của học giả Hàn Chấn Hoa trong “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên” và trong bài viết “Quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc” của Phan Thạch Anh được đề cập ở phần trên rằng “Quần đảo Nam Sa thuộc Vạn Châu tỉnh Quảng Đông (nay là huyện Vạn Ninh và huyện Lăng Thuỷ tỉnh Hải Nam) quản hạt là không có cơ sở.
Trong phần “Bản kỷ” của Minh sử có chép về những chuyến đi sứ “Tây Dương” của Thái giám Trịnh Hoà vào những năm Vĩnh Lạc thứ 3 (1405), thứ 6 (1408), thứ 10 (1412), thứ 14 (1416), thứ 19 (1421), thứ 22 (1424) không chép chuyến cuối cùng (quyển 6,7 và 8). Phần “Liệt truyện” cũng chép 6 chuyến đầu vào những năm trên. Chuyến cuối cùng chép vào năm thứ 5 niên hiệu Tuyên Đức (1430). Phần “Liệt truyện” trong Minh sử có chép về chuyến đi đầu tiên như sau : Hoà “mang theo hơn 27.800 người, 28 tàu dài 44 trượng (132 m), 62 tàu dài 18 trượng (54 m), khởi hành từ Lưu Gia Hà ở Tô Châu, ra biển đến Phúc Kiến, rồi từ Cửa Ngũ Hổ ở Phúc Kiến dong buồm đến nước đầu tiên là Chiêm Thành, sau đó đi khắp các nước Phiên tuyên đọc chiếu chỉ của Thiên Tử, ban thưởng cho quân trưởng, không phục mệnh thì răn đe bằng vũ lực. Năm thứ 5 (1407) tháng 9 bọn Hoà trở về. Sứ giả các nước theo Hoà vào triều cống. Hoà dâng tù trưởng Cựu Cảng mà Hoà bắt sống được. Vua rất mừng, ban tước thứ bậc có khác nhau. Cựu cảng là Tam Phật Tề xưa. Tù trưởng là Trần Tổ Nghĩa vẫn cướp bóc khách buôn. Hoà sai sứ gọi đến. Tổ Nghĩa trá hàng rồi bày mưu cướp thuyền. Hoà đánh bại đồng bọn, bắt sống Tổ Nghĩa, mang về dâng tù rồi giết ở chợ”.
Minh sử cho biết trong 7 chuyến đi, Trịnh Hoà đã đến cả thảy hơn 30 nước. Theo tuyến đường mà Trịnh Hoà đã đi được thể hiện trên “Trịnh Hoà Hàng hải đồ” thì đoàn thuyền của Trịnh Hoà xuất phát từ Nam Kinh nơi có xưởng đóng tàu, theo sông Trường Giang ra biển, men theo bờ biển các tỉnh Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, tạt qua bờ biển phía Đông đảo Hải Nam qua Độc Chư Sơn, sau đó tạt sang bờ biển Chiêm Thành, qua Ngoại La Sơn (Cù Lao Ré), Dương Dữ (Cù Lao Xanh), Linh Sơn (Mũi Đại Lãnh), Côn Lôn Sơn (Côn Đảo), tiếp đó chia 3 ngả, một ngả đi Thái Lan, một ngả đi đảo Java, một ngả đi eo biển Ma-lắc-ca. Cuối cùng hợp nhất qua eo biển Ma-lắc-ca sang Ấn Độ Dương.
Qua mô tả các chuyến đi của Trịnh Hoà có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
- Một là, Minh sử đã ghi rõ sứ mệnh của Trịnh Hoà là đi phủ dụ các nước phiên thuộc của mình ở vùng Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á được gọi chung là “Tây Dương”, không có nhiệm vụ gì liên quan đến các quần đảo ở Biển Đông.
- Hai là, tuyến đường hàng hải của Trịnh Hoà theo Trịnh Hoà hàng hải đồ là đi theo bờ đại lục Trung Quốc, bờ đảo Hải Nam, bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay, qua Côn Đảo rồi toả đi các hướng, không qua bất kỳ quần đảo nào ở Biển Đông (còn gọi là Biển Nam Trung Hoa).
6. Khâm định Đại Thanh hội điển đồ:
Khâm định Đại Thanh hội điển đồ là một bộ sách thể hiện dưới dạng đồ hoạ các lĩnh vực lễ, nhạc, triều phục, nghi trượng, vũ bị, thiên văn, địa lý, gồm 270 quyển. Đây là bộ bản đồ địa lý chính thức của Trung Quốc được vẽ vào cuối đời Thanh, thời Khang Hy-Càn Long. Theo Phàm Lệ, Hoàng dư toàn đồ trong “Dư địa” được vẽ theo “Nội phủ đồ”, tức bản đồ đo vẽ dưới thời Khang Hy, Càn Long (có kinh vĩ tuyến). Bản đồ các tỉnh, các phủ vẽ theo ô vuông 100 dặm và 50 dặm.
Bộ sách được 134 quan chức triều Thanh biên soạn do Tôn Thất Côn Cương (Đông các đại học sĩ), Từ Đồng (Thể nhân các đại học sĩ), Tôn Gia Đỉnh (Hiệp biện đại học sĩ) làm “chánh Tổng tài”; do Hy Kính (Thượng thư Bộ lại), Khái Tú (Thượng thư Bộ lễ), Liêu Thọ Hằng (Thượng thư Bộ Lễ), Từ Phụ (Thượng thư Bộ binh), Dụ Đức (Thương thư Lý Phiên viện), Từ Dụng Nghi (Tả Đô ngự sử Đô sát viện) làm “Phó Tổng tài”.
Phần Dư địa chí được chép từ quyển 139 đến quyển 270. Hoàng dư toàn đồ (bản đồ toàn quốc) đính kèm quyển 139, tức quyển 1 về “Dư địa” là tấm bản đồ Trung Quốc, vẽ màu, có kinh vĩ độ. Lời giải Hoàng dư toàn đồ viết : “Cực Đông là đảo Sakhalin thuộc Tam Tính, chếch Đông 31 độ 20 phút. Cực Tây là phía Tùng Lĩnh, châu Su lơ Tân Cương, chếch Tây 47 độ. Cực Bắc là 61 độ. Cực Nam là Nhai Sơn, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông, độ Bắc Cực là 18o 13 phút. Đông Tây cách nhau hơn 78 độ, Nam Bắc cách nhau hơn 42 độ”. Giới hạn cực Nam lãnh thổ Trung Quốc trên Hoàng dư toàn đồ là đảo Hải Nam.
Địa giới cực Nam tỉnh Quảng Đông trên Quảng Đông tỉnh toàn đồ cũng là đảo Hải Nam. Lời giải bản đồ tỉnh Quảng Đông chép phạm vi giới hạn tỉnh này là: “Đông đến địa giới Phúc Kiến, tây đến địa giới Quảng Tây, Bắc đến địa giới Giang Tây, Nam đến biển, Tây Bắc đến địa giới Hồ Nam.”
Bản đồ phủ Quỳnh Châu “Quỳnh Châu phủ đồ” cũng không bao gồm bất kỳ quần đảo nào ở Biển Đông. Lời giải bản đồ phủ Quỳnh Châu chép giới hạn địa giới phủ này là “bốn bể đều giáp biển.” Cả bản đồ và lời giải đều thể hiện rõ điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, cương giới của phủ Quỳnh Châu cũng không vượt quá bờ biển đảo Hải Nam.
Qua nghiên cứu Khâm định Đại Thanh hội điển đồ, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
- Một là, Hoàng dư toàn đồ trong Khâm định Đại Thanh hội điển đồ là bản đồ chính thức của Trung Quốc, có giá trị pháp lý cao chứng minh phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc đời Thanh.
- Hai là, Hoàng dư toàn đồ, các bản đồ khác như Quảng Đông tỉnh toàn đồ và bản đồ phủ Quỳnh Châu cùng lời giải kèm theo đều thể hiện rõ điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Như vậy, vào đời nhà Thanh, các quần đảo ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) chưa bao giờ được vẽ vào bản đồ chính thức của Trung Quốc.
Nhận xét:
Sau khi nghiên cứu các bộ chính sử và sử liệu chính thức của Trung Quốc như Tiền Hán thư, Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Khâm định Đại Thanh hội điển đồ, người ta có thể rút ra một số nhận xét sau đây :
- Một là, chính sử Trung Quốc từ Tiền Hán cho đến cuối đời nhà Thanh đều cho thấy điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam; hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) không được ghi nhận là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc.
- Hai là, từ Tiền Hán cho đến cuối đời nhà Thanh, các quần đảo ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa), chưa bao giờ xuất hiện trong các bộ bản đồ Trung Quốc cổ.
- Ba là, chính vì các lý do trên mà lập luận trong các nghiên cứu của các học giả Trung Quốc và trong các tài liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc là Trung Quốc đã phát hiện quần đảo Nam Sa (Trường Sa) từ thời cổ đời, đã tiến hành quản lý và thực thi chủ quyền chậm nhất là từ đời Đường - Tống cho đến ngày nay là không có cơ sở khoa học, lịch sử và pháp lý.
Các nhận xét rút ra từ việc nghiên cứu về sự tồn tại hay không tồn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các bộ chính sử Trung Quốc được nêu trong bài viết này cũng trùng với các nhận xét của Nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ địa dư Trung Quốc, ông Phạm Hồng Quân. Sau khi nghiên cứu các bản đồ hành chính cổ của Trung Quốc, nhà nghiên cứu cổ sử này rút ra kết luận : “Các địa đồ sau này trải qua các đời Nguyên, Minh như Quảng dư đồ của La Hồng Tiên, hoàn thành năm 1541, khắc in năm 1555; Hoàng triều chức phương địa đồ khắc in năm Sùng Trinh thứ 9 (1636); Dư địa đồ của Dương Tử Khí khắc in năm 1526... là những địa đồ hành chính toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền trung ương các đời. Những địa đồ này thực hiện dưới sự ảnh hưởng phần nào của kỹ thuật vẽ địa đồ phương Tây, điểm cực nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không quá đảo Quỳnh Châu (Hải Nam).” Hay nói một cách khác, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) không được vẽ trên các bản đồ hành chính cổ nói trên của Trung Quốc.
Nguyễn Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét