George Wilhelm Friedrich Hegel 1770-1831. |
"Chủ nghĩa duy vật là triết lý của chủ nghĩa Marx… Nhưng Marx không bị hạn chế vào chủ nghĩa duy vật thế kỷ 18, mà đã đi xa hơn. Marx đã làm nó phong phú thêm bằng những thành tựu của triết học cổ điển Đức, đặc biệt là hệ thống triết học của Hegel, hệ thống này đã đưa đến chủ nghĩa duy vật của Feuerbach. Phần chủ yếu trong những thành tựu ấy là biện chứng pháp" (Lênin. Ba nguồn và Ba phần thiết lập của Chủ nghĩa Marx).
Triết học của Hegel là hệ thống phong phú nhất trong lịch sử triết học trước Marx. Hegel đã tổng kết hầu như toàn bộ tư tưởng cũ ở Tây phương, trình bày mọi chủ nghĩa với ý nghĩa lịch sử của nó, bộc lộ những mâu thuẫn nội bộ xuất hiện trong tư tưởng ở mỗi giai đoạn, những mâu thuẫn ấy bắt phải thủ tiêu hình thái cũ và tiến lên một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, Hegel lại diễn tả quá trình đó một cách trừu tượng trong phạm vi tinh thần, và do đấy xây dựng chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Quá trình diễn biến tư tưởng trong tinh thần được coi như là một vận động hoàn toàn độc lập và tự túc, tách rời cơ sở thực tế khách quan, thậm chí lại phủ định thực tế khách quan. Theo quan niệm ấy, những sự vật trong tự nhiên và xã hội mất tính chất thực tại vật chất của nó, và chỉ còn là những hiện tượng bề ngoài phản ánh công cuộc phát triển thần bí của cái mà Hegel gọi là "Ý niệm tuyệt đối". Trong cuốn Chống Dühring, Engels viết: "Hegel là duy tâm, nghĩa là theo ông thì những ý kiến trong đầu óc của ông không phải là phản ánh một phần nào những thực thể và hiện tượng khách quan, mà trái lại, chính những thực thể và biến chuyển của chúng, theo ý ông, chỉ là hình ảnh thể hiện ý niệm, cái ý niệm này đã có ở đâu đâu ấy, trước khi có trần gian". Nghĩa là quá trình lịch sử có thật, đi từ tự nhiên lên xã hội, xây dựng tư tưởng trên cơ sở hoạt động thực tế, bị Hegel đảo lộn thành một quá trình tư tưởng phát sinh thực tại, tinh thần sáng tạo vật chất: nguyên nhân biến thành kết quả, kết quả trở thành nguyên nhân, thực chất biến thành ngoại diện, ngoại diện trở thành thực chất.
Nhưng trong lúc trình bày cuộc tiến hóa một cách trái ngược như thế, Hegel lại phát triển một cách có hệ thống và đến một mức chưa từng có trong lịch sử, phương pháp phân tích mâu thuẫn và hình thái biến chuyển, tức là phương pháp biện chứng. Chính phương pháp này Karl Marx đã xây dựng lại trên cơ sở duy vật, và đặt thành phương pháp tư tưởng của chủ nghĩa duy vật mới. Như Marx nói: "Tuy biện chứng pháp trong tay Hegel đã bị thần bí hóa, nhưng chính Hegel là người đầu tiên đã trình bày một cách tổng quát và có ý thức những hình thái biện chứng phổ cập của sự biến chuyển. Với Hegel biện chứng pháp đi đường đầu. Chúng ta phải lộn nó lại, để bóc trần cái hạt nhân duy lý ẩn trong cái vỏ thần bí" (1).
Nhưng vì sao với một lý luận duy tâm triệt để, Hegel lại xây dựng được một phương pháp tư tưởng xét theo thực chất là chân chính và cách mạng, tuy có bị sử dụng một cách lộn ngược? Chúng ta biết rằng lập trường duy tâm là lập trường bảo thủ của những giai cấp áp bức bóc lột: nó quy định tính chất duy tâm của biện chứng pháp Hegel, nó không thể nào giải thích thực chất biện chứng của phương pháp ấy. Nghĩa là biện chứng pháp duy tâm của Hegel, phần nào mà nó đã nắm được thực sự những hình thái mâu thuẫn và biến chuyển, dù chỉ có trong phạm vi tinh thần, thì cũng không thể nào xuất phát từ lập trường duy tâm. Vì nguồn gốc mâu thuẫn, lý do biến chuyển trong tinh thần căn bản vẫn là ở thực tế khách quan, không phải là ở tinh thần thuần túy. Thực chất tinh thần là phản ánh thực tế khách quan, vậy nếu không có mâu thuẫn và biến chuyển trong thực tế khách quan, thì cũng không thể nào có mâu thuẫn và biến chuyển trong tinh thần. Trên cơ sở tinh thần thuần túy chỉ có thể có hiện tượng tĩnh và bảo thủ, không thể nào có động và tiến. Nghĩa là tuy biện chứng pháp của Hegel xuất hiện với một hình thức triệt để duy tâm, nhưng cái mặt chân chính của nó - nêu mâu thuẫn trong nội bộ sự việc và tính chất tất nhiên của sự biến chuyển - lại là đối lập với chủ nghĩa duy tâm, và chỉ có thể bắt nguồn từ một cơ sở duy vật nào đấy. Thực ra thì ngược hẳn với lập trường duy tâm, nhờ ảnh hưởng của phong trào cách mạng đương thời ở Âu châu, Hegel đã tiếp thu trong tư tưởng một nội dung duy vật phong phú, tuy nội dung ấy cũng như phương pháp đã bị hoàn toàn đảo lộn, do tình trạng lạc hậu của giai cấp tư sản Đức mà Hegel đại diện. Engels nhận định: "Xét tới cùng, hệ thống triết học của Hegel chỉ là một chủ nghĩa duy vật lộn ngược chân lên đầu theo kiểu duy tâm"(2). Trong tập Bút Ký về Triết Học, Lênin phê đoạn cuối của cuốn Luận Lý Họccủa Hegel như sau đây: "Ý niệm luận lý chuyển thành tự nhiên. Chủ nghĩa duy vật đã gần đây rồi. Engels nói đúng: hệ thống triết học Hegel là một chủ nghĩa duy vật lộn ngược".
Vì nội dung tư tưởng Hegel căn bản xuất phát từ thực tế khách quan, xét tới cùng thì cũng có tính chất duy vật, mà nội dung ấy lại bao quát hầu như toàn bộ lịch sử thế giới, Hegel đã xây dựng được quan điểm tiến hóa và phương pháp luận lý biện chứng, quan điểm và phương pháp ấy tuy có bị lập trường duy tâm đảo lộn, nhưng cũng đã làm tiền đề cho chủ nghĩa Marx. Giới thiệu cuốn Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học của Karl Marx, Engels đã viết: "Đặc điểm của phương thức tư tưởng của Hegel đối với các triết gia khác là quan điểm lịch sử lớn lao làm cơ sở cho nó. Dù hình thức có trừu tượng và duy tâm đến đâu chăng nữa, quá trình phát triển tư tưởng bao giờ cũng đi song song với quá trình lịch sử thế giới, lịch sử thế giới hình như kiểm tra cuộc diễn biến tư tưởng. Và tuy do đấy quan hệ chân chính giữa thực tại và tư tưởng đã bị đảo ngược đầu xuống chân, nhưng nội dung thực tế của nó cũng đã thấm nhuần toàn bộ triết học… Hegel là người đầu tiên đã cố gắng chứng minh rằng lịch sử có đường lối phát triển, có quan hệ liên kết bên trong. Và dù bây giờ chúng ta có cho nhiều điểm trong triết học lịch sử của ông ta là kỳ quái, nhưng tính chất vĩ đại của quan niệm cơ bản của triết học ấy, đến ngày nay vẫn còn đáng phục… Cái quan niệm lịch sử ấy đã đánh dấu một thời đại, và đã làm tiền đề lý luận trực tiếp cho quan điểm duy vật mới, và do đấy cũng là một khởi điểm cho phương pháp luận lý".
… "Marx là người độc nhất có năng lực nêu lên trong triết học Hegel cái hạt nhân bao gồm những phát kiến chính đáng của Hegel, gạt bỏ cái màn duy tâm và thiết lập phương pháp biện chứng với hình thức đơn giản và độc nhất đứng đắn để phát triển tư tưởng. Công trình xây dựng phương pháp đó là cơ sở trên ấy Marx đã phê phán kinh tế chính trị học, và chúng tôi coi nó là một thành tích quan trọng gần như cái quan niệm duy vật cơ bản"(3).
Marx đã lộn lại biện chứng pháp Hegel, gạt bỏ cái màn duy tâm để nêu lên cái hạt nhân duy lý, thiết lập phương pháp biện chứng duy vật. Cần phải nhận rõ tính chất sáng tạo trong công trình ấy. Marx không phải chỉ có cải tạo một cách đơn thuần biện chứng pháp Hegel, nhưng thực ra thì đã sáng tạo lại hoàn toàn phương pháp biện chứng trên lập trường duy vật, theo một nội dung mới. Vì tuy nội dung hệ thống triết học của Hegel có bao gồm lịch sử thực tại, nhưng Hegel lại thu hẹp nó vào phần tinh thần, biến nó thành hiện tượng duy tâm thuần túy, do đấy phương pháp biện chứng cũng phải xuất hiện dưới một hình thức thần bí. Chỉ có trên lập trường duy vật mới có thể phát triển nội dung chân chính phản ánh đúng đắn thực tế khách quan, và nhờ đấy xây dựng phương pháp tư tưởng ăn khớp với quy luật mâu thuẫn và biến chuyển của thực tại. Chính như thế là "lộn lại" biện chứng pháp Hegel, thiết lập biện chứng pháp duy vật.
Như Marx đã nói: "Phương pháp biện chứng của tôi về căn bản không những là khác, mà là đối lập hẳn với phương pháp biện chứng của Hegel. Theo Hegel, quá trình diễn biến tư tưởng, mà dưới tên ý niệm, ông ta đã biến thành một chủ thể độc lập, là vị Thần sáng tạo ra thực tại, thực tại này chỉ là ngoại diện của vị thần kia. Trái lại, theo ý tôi, thì cái biến chuyển của tư tưởng chỉ là phản ánh cái biến chuyển thực tại. Nó là cái biến chuyển thực tại chuyển vào và lặp lại trong đầu óc của người ta"(4).
Nói một cách khác, biện chứng pháp chân chính là biện chứng pháp duy vật. Và tuy trong ấy có sử dụng những phát kiến chính đáng của Hegel, nhưng xét về căn bản và thực chất thì nó là một phát kiến mới trên một cơ sở mới, một công trình sáng tạo của Karl Marx , mở một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại. Tuy nhiên không phải vì thế mà triết học Hegel đã mất giá trị tiến bộ của nó. Để thấy rõ sự khác nhau sâu sắc giữa biện chứng pháp duy vật và biện chứng pháp duy tâm và tính chất ưu việt tuyệt đối của biện chứng pháp duy vật, đồng thời nội dung phong phú và tác dụng xây dựng của biện chứng pháp Hegel, chúng ta có thể đi vào từng vấn đề đặc biệt của triết học Hegel và phân tích cụ thể cái căn bản khoa học chân chính cùng với cái tình trạng lộn ngược của nó. Chúng ta sẽ thấy rằng chính cái phần chân lý trong ấy cũng phải có vận dụng phương pháp biện chứng duy vật mới có thể nêu rõ, nhưng mặt khác thì biện chứng pháp Hegel, một khi đã được lộn lại, lại cung cấp những tài liệu tốt để học tập chủ nghĩa Marx. Trả lời tòa soạn tạp chí Dưới Lá Cờ Chủ Nghĩa Marx, Lênin khuyên răn như sau đây: "Những cộng tác viên của tạp chí Dưới Lá Cờ Chủ Nghĩa Marx phải nghiên cứu một cách có hệ thống biện chứng pháp Hegel đứng trên lập trường duy vật. Chính cái biện chứng pháp ấy Marx đã áp dụng một cách thực tiễn trong cuốn Tư Bản Luận và trong những tác phẩm lịch sử và chính trị, và đã thành công đến chỗ mà bây giờ, ngày ngày… những dân tộc mới, những giai cấp mới thức dậy hoạt động càng ngày càng xác nhận thêm chủ nghĩa Marx".
… "Noi gương phương pháp của Marx áp dụng biện chứng pháp Hegel quan niệm theo nghĩa duy vật, chúng ta có khả năng và nhiệm vụ phát triển cái biện chứng pháp ấy về mọi mặt, in lại trong tạp chí những đoạn trích ở những tác phẩm chính của Hegel, giải thích nó theo nghĩa duy vật, minh họa nó bằng những đoạn của Marx ứng dụng biện chứng pháp, và bằng những thí dụ biện chứng pháp trong những quan hệ kinh tế, chính trị. Nhóm biên tập và cộng tác viên của tạp chí Dưới Lá Cờ Chủ Nghĩa Marx, theo ý tôi, phải làm như một "hội của những người bạn duy vật của biện chứng pháp Hegel".
***
Nơi trình bày hệ thống phạm trù biện chứng của Hegel là cuốn Luận Lý Học (1812). Cuốn này đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuốn Tư Bản Luận của Karl Marx. Trong tập Bút Ký về Triết Học, Lênin viết: "Không thể nào hiểu thấu cuốn Tư Bản Luận của Marx, đặc biệt là chương đầu, nếu không nghiên cứu triệt để và hiểu toàn bộ cuốn Luận Lý Học của Hegel". Những khái niệm luận lý đây lại xuất hiện một cách hoàn toàn trừu tượng, với tính chất là hình thái thuần túy của sự biến chuyển, tách rời nội dung biến chuyển thực sự. Để tìm hiểu ý nghĩa thực tế của biện chứng pháp Hegel, bước đầu phải trở lại cuốn Hiện Tượng Luận của Tinh Thần (1807), cuốn này trình bày lịch sử tiến hóa của ý thức tư tưởng từ hình thái thấp nhất, tức là ý thức cảm giác, lên đến hình thái cao nhất theo Hegel, "khoa học tuyệt đối", tức là hệ thống triết học của bản thân tiên sinh. Đây có nội dung tương đối rõ ràng, và chính những hình thái biến chuyển thực sự trình bày ở đây sẽ trở thành những phạm trù thuần túy trừu tượng trong cuốn Luận Lý Học. Trong cuốn Kinh Tế Chính Trị Học và Triết Học viết năm 1844, lúc chuyển từ duy tâm sang duy vật, Karl Marx đã nói: "Phải bắt đầu từ cuốn Hiện Tượng Luận của Hegel, vì chính đây là nơi sinh nở của triết học Hegel, bí quyết của nó nằm ở đấy".
Trong phạm vi bài này, chỉ có thể phân tích một đoạn làm thí dụ. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu và phê phán phần đầu của một chương nổi tiếng rất nhiều, chương IV nhan đề là: "Ý Thức Bản Ngã - Chân Lý của Sự Tin Tưởng ở Mình". Ý thức bản ngã là ý thức về mình, tin tưởng ở mình. Ở trình độ cảm tính nó trải qua ba hình thái, theo danh từ Hegel, là: Lòng Ham Muốn, Chiến Đấu Sống Chết, Chủ Nô và Nô Lệ. Dưới một hình thức huyền bí, Hegel đã diễn tả trong đoạn này quá trình diễn biến tâm trạng bản ngã chủ quan trong mấy bước đầu của lịch sử tiến hóa nhân loại, từ đời sống động vật lên xã hội nhân loại nguyên thủy, rồi đến chế độ chiếm hữu nô lệ và sự tan rã của nó.
Giới thiệu(5)
Ý thức bản ngã chỉ thấy mình, tin tưởng ở mình, tức là phủ định tính chất độc lập của đối tượng khách quan.Sự phủ định ấy ở trình độ thấp nhất, trình độ động vật, thể hiện trong sự ham muốn vật bên ngoài. Lòng ham muốn không thấy đối tượng khách quan, tức là vật làm mồi, trong cái thực tại độc lập của nó, mà lại cho nó cũng là mình, rồi lôi cuốn, hấp thu nó vào mình. Nghĩa là ý thức nhằm đối tượng ham muốn chính là ý thức về mình, ý thức bản ngã, vì chỉ thấy mình trong con vật kia. Hoạt động thủ tiêu vật làm mồi và đồng hóa nó với mình là bước đầu thực hiện cái ý nghĩ duy tâm vốn có trong ý thức bản ngã: đối tượng không có thực tại độc lập mà chỉ là mình thôi.
Nhưng trong sự thỏa mãn ấy, tính chất độc lập khách quan của thực tại bên ngoài thực ra chưa bị thủ tiêu. Vì vẫn phải có thực tại độc lập khách quan thì mới có đối tượng mà hấp thu vào mình. Cụ thể thì thực tại bên ngoài luôn luôn xuất hiện với hình thức mồi này hay mồi kia, mà sự ham muốn cũng luôn luôn trở lại, tức là không bao giờ thực sự được thỏa mãn. Đấy là mâu thuẫn nội bộ bộc lộ trong "kinh nghiệm" của lòng ham muốn, chứng minh rằng cái thực tại mà nó phủ định và luôn luôn thủ tiêu thực ra thì vẫn tồn tại ngoài nó, nghĩa là vẫn giữ tính chất độc lập đối với nó. Do tính chất độc lập của thực tại khách quan, ý thức bản ngã có thể được thỏa mãn nếu đối tượng tự nó phủ định nó. Nhưng chỉ có một vật có ý thức đầy đủ, tức là một người, mới có thể tự mình phủ định mình, cụ thể trong lúc công nhận một người khác. Vì công nhận một người khác chính là hạn chế, có khi thủ tiêu phần của mình. Phải chuyển lên quan hệ giữa người với người, công nhận cho nhau quyền làm người, mới có thể giải quyết mâu thuẫn xuất hiện trong lòng ham muốn và thực hiện cái thỏa mãn đầy đủ mà sự ham muốn trực tiếp, ở trình độ động vật, không thể nào đạt được. Nói tóm lại, người chỉ có thể được thỏa mãn trong một người khác, hay theo danh từ Hegel: "Ý thức bản ngã chỉ có thể được thỏa mãn trong một ý thức bản ngã khác"(6).
Phê phán
Trên đây Hegel đã mô tả tâm trạng một cách hoàn toàn chủ quan, do đấy quá trình biện chứng chân chính xuất hiện với một hình thức lộn ngược.
Vì theo cách Hegel trình bày, hoạt động sinh vật, thủ tiêu vật làm mồi và đồng hóa nó với mình, chỉ là thực hiện cái ý nghĩa vốn có trong ý thức bản ngã, phủ định đối tượng bên ngoài và cho nó cũng là mình. Tức là hiện tượng sinh vật khách quan, theo Hegel, lại xuất phát từ tâm trạng chủ quan của lòng ham muốn: sở dĩ con vật bắt và hấp thu một thức ăn, chính là vì nó muốn cái thức ăn ấy. Rõ ràng như thế là đảo lộn thứ tự thực tế. Vì thực ra thì trước khi ham muốn, cũng đã phải có kinh nghiệm hưởng thụ. Nếu chưa có kinh nghiệm hưởng thụ, thì cũng chưa biết đối tượng nào mà ham muốn. Mà kinh nghiệm hưởng thụ xét tới cùng là bắt nguồn từ một quá trình tự phát trong vật thể, trong những quan hệ khách quan hỗ tương tác dụng giữa cơ thể và hoàn cảnh. Một con vật gặp một thức ăn, buổi đầu thì vì đói mà ăn, sau kinh nghiệm ấy rồi mới biết đi tìm thức ăn kia. Nghĩa là điều kiện sinh sống khách quan, gây nên kinh nghiệm hưởng thụ, là cơ sở thực tế trên ấy phát triển những phản xạ có điều kiện quy định đối tượng làm mồi, tức là đối tượng ham muốn. Vậy lòng ham muốn xuất phát từ quan hệ sinh vật khách quan chứ không phải là quan hệ sinh vật xuất phát từ lòng ham muốn.
Tuy nhiên, chủ nghĩa duy tâm của Hegel cũng không phải là hoàn toàn không có căn cứ. Vì một khi đối tượng ham muốn đã được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm hưởng thụ tự phát, do quan hệ thực tế giữa cơ thể và hoàn cảnh gây nên, thì con vật tự nó đi tìm mồi, bắt và hấp thu: hình như là ý thức chủ quan đây đã quy định sự hoạt động của cơ thể thủ tiêu đối tượng khách quan. Và xét theo hiện tượng tâm lý bản thân, thì trong lúc ham muốn, ta cho đối tượng bên ngoài như đã đồng hóa với mình, không đếm xỉa gì đến tính chất độc lập khách quan của nó, rồi lôi cuốn nó về mình, hấp thu nó vào mình. Đây là ý thức chủ quan căn bản của lòng ham muốn, mà Hegel đã tiếp thu một cách trung thành và đem vào công thức triết học. Cái ý thức chủ quan ấy là một hiện tượng tất yếu trong quá trình phát triển tâm sinh lý. Nó phản ánh hoạt động trực tiếp tiêu thụ ở trình độ động vật. Lòng ham muốn phủ định tính chất độc lập khách quan của đối tượng và cho nó cũng là mình, chính là lập lại trong ý thức cái kinh nghiệm động vật thủ tiêu đối tượng và hấp thu nó vào mình. Nhưng một khi cái cơ cấu tâm lý đã được xây dựng, nó lại phát triển một cách tương đối tự chủ trong phạm vi của nó, và hình như là chính cái ý thức chủ quan, phủ định tính chất độc lập khách quan của đối tượng, lại gây ra cái hoạt động sinh vật thực tế thủ tiêu vật làm mồi. Vì thế mà Hegel cho rằng hoạt động sinh vật khách quan chỉ là thực hiện cái ý nghĩa sẵn có từ trước trong ý thức bản ngã chủ quan: "Ý thức bản ngã chỉ có thể tin tưởng ở mình bằng cách phủ định con vật xuất hiện đằng kia; đấy là lòng ham muốn. Tin tưởng rằng con vật kia chỉ là hư không, ý thức bản ngã lấy cái tính chất hư không ấy làm chân lý cho mình, thủ tiêu đối tượng độc lập và do đấy làm cho cái lòng tin tưởng ở mình thành một tin tưởng chân thực, một tin tưởng đã được thực hiện trongthực tế khách quan"(7).
Tiếp thu ý thức chủ quan căn bản của lòng ham muốn, Hegel đã nắm vững nguồn gốc của toàn bộ truyền thống duy tâm trong lịch sử. Vì nếu ở trình độ cảm thức thuần túy của đời sống động vật, lòng ham muốn chỉ có thể phủ định một cách tiêu cực tính chất độc lập khách quan của đối tượng, thì lên đến trình độ nhân loại, tức là trình độ nhận thức, nó sẽ phát triển thành hệ thống tích cực. Dựa vào nhận thức, bước đầu là nhận thức cảm tính, ý thức chủ quan của lòng ham muốn sẽ xây dựng những ý tưởng thần bí của các tôn giáo, phủ định thế giới thực tại để hưởng thụ trong mơ mộng những đối tượng ham muốn không đạt được trong xã hội hiện tại. Với sự phát triển của nhận thức lý tính, tôn giáo sẽ chuyển thành triết học duy tâm lấy hình thức khái niệm thế vào ý tưởng cảm tính, nhưng ý nghĩa căn bản cũng là xây dựng những đối tượng ham muốn thành một thế giới mơ hồ an ủi đời sống thực tế. Và cuối cùng cuốn Hiện Tượng Luận của Tinh Thần của Hegel trình bày lịch sử tư tưởng nhân loại như là lịch sử của ý thức chủ quan phủ định thực tế khách quan của thế giới vật chất để tự thực hiện mình trong một thế giới tinh thần thuần túy: chính đấy là bản tổng kết trung thành của truyền thống tư tưởng duy tâm xuất phát từ ý thức chủ quan căn bản của lòng ham muốn.
Tuy nhiên, quan điểm lịch sử và phương pháp biện chứng vận dụng trong bản tổng kết ấy, lại không thể bắt nguồn từ lập trường duy tâm. Vì ý thức chủ quan căn bản chỉ có thể tự mình khẳng định mình, nắm vững và duy trì nội dung hiện tại, không thể nào tự nó mà nó tạo ra những mâu thuẫn nội bộ làm động cơ chuyển biến. Cụ thể như lòng ham muốn ở trình độ động vật thì chỉ có thể đi từ mồi này đến mồi khác. Nó không thể nào tự nó thấy mâu thuẫn trong nó, và cho rằng cứ thủ tiêu đối tượng khách quan bằng cách ấy thì không bao giờ xong, hết đối tượng này lại có đối tượng khác, vậy ý thức bản ngã cũng không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn.
Thực ra thì sở dĩ có xuất hiện mâu thuẫn nội bộ trong ý thức ham muốn chính là vì đã có mâu thuẫn và biến chuyển trong thực tại. Tất nhiên đã phải có công trình lao động tạo ra xã hội loài người, thì mới có những nhu cầu cao hơn nhu cầu sinh vật trực tiếp, cụ thể là nhu cầu bảo đảm cơ sở sản xuất, phân công và phân phối kết quả sản xuất trong xã hội. Trước những nhu cầu mới này, hoạt động trực tiếp tiêu thụ theo kiểu động vật không thỏa mãn được nữa. Vì bây giờ đời sống sinh vật thông qua bộ máy sản xuất, vấn đề chủ yếu bây giờ là tổ chức công trình sản xuất xã hội, vì chính những nhu cầu sinh vật cũng chỉ có thể được bảo đảm trong tổ chức xã hội. Nghĩa là những quan hệ giữa người với người phải được quy định, quyền lợi của mọi cá nhân và tập đoàn phải được công nhận, trong sự công nhận ấy mỗi người phải hạn chế, có khi hy sinh phần mình, tức là "tự mình phủ định mình". Vậy sở dĩ mâu thuẫn nội bộ đã phát sinh trong lòng ham muốn và "ý thức bản ngã" đòi hỏi "được hoả mãn trong một ý thức bản ngã khác", là vì điều kiện sinh sống vật chất đã thay đổi về căn bản, người chỉ có thể sinh sống nếu được công nhận trong xã hội. Đấy là nội dung khách quan chân chính mà Hegel đã tiếp thu, nhưng đồng thời lại hạn chế vào phần tinh thần và đảo lộn đầu xuống chân. Quá trình biện chứng thực tế là quá trình xây dựng quan hệ sản xuất và ý thức hệ đầu tiên của xã hội loài người trên cơ sở sức sản xuất mới phát triển. Với Hegel, nó biến thành biện chứng pháp thần bí của "ý thức bản ngã", ý thức này vì không được thoả mãn trong "kinh nghiệm" của lòng ham muốn ở trình độ động vật, nên đặt ra quan hệ "công nhận" lẫn nhau giữa người với người. Lịch sử tiến hoá động vật chuyển lên nhân loại chỉ còn là một kết quả ngoại diện của lịch sử tinh thần sáng tạo thế giới.
Tuy nhiên, một khi quan hệ "công nhận" lẫn nhau đã được xây dựng trong xã hội loài người, cái biện chứng pháp mà Hegel trình bày xuất hiện như một "kinh nghiệm" chủ quan trong tinh thần: người ta thấy rằng vấn đề căn bản không phải là theo đuổi liên miên những đối tượng ham muốn, mà là được công nhận giá trị làm người. Chính các kinh nghiệm này là cơ sở trên ấy các triết gia đời xưa đã phát triển tư tưởng chán nản sự đời, đòi vượt ra khỏi phạm vi thế giới ham muốn của người phàm tục, vì lòng ham muốn là vô cùng tận, vậy không bao giờ có thể thực sự được thoả mãn. Theo họ, thì người ta chỉ có thể được thoả mãn hoàn toàn nếu được công nhận một giá trị tuyệt đối, ngoài trần gian. Trước cái giá trị tuyệt đối ấy thì những người khác phải quy phục, "tự mình phủ định mình". Lịch sử tôn giáo và huyền học chứng minh rằng các hiện tượng lộn ngược diễn tả trong biện chứng pháp duy tâm của Hegel là một hiện tượng có thật. Chính trong ý thức chủ quan trước đây, ở thời nguyên thủy và dưới những chế độ áp bức bóc lột, quá trình thực tế xây dựng những giá trị nhân đạo chân chính trên cơ sở sinh vật và điều kiện sinh hoạt xã hội đã bị đảo lộn thành một quá trình thần bí: tinh thần phủ định vật thể, gạt bỏ những đối tượng ham muốn sinh vật để xây dựng một đời sống duy tâm, đời sống của những tâm hồn thuần tuý thoả mãn lẫn nhau bằng cách công nhận: "ý thức bản ngã chỉ có thể được thỏa mãn trong một ý thức bản ngã khác".
Trần Đức Thảo
Chú thích:
(1) Karl Marx. Tư Bản Luận. Bài của bản in lần thứ hai.
(2) Friedrich Engels. Ludwig Fuerbach và Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức. II
(3) Friedrich Engels. Cuốn "Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học" của Karl Marx. II
(4) Karl Marx. Tư Bản Luận. Bài của bản in lần thứ hai.
(5) Những đoạn giới thiệu dưới đây in bằng chữ ngả, vì viết theo quan điểm duy tâm của Hegel. Trong ấy chúng tôi cũng có thêm một vài danh từ cụ thể cho dễ hiểu. Để tiện cho việc theo rõi, chúng tôi sẽ phê phán từng bước, tuy như thế phần nào cũng có mất liên tục.
(6) Hegel. Phanomenologie des Geistes (Hiện Tượng Luận của Tinh Thần). Herausgegeben von J. Hoffmeister. Leipzig, 1937. Tr. .139.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét