Đội bóng FC Start năm xưa. |
Cho đến nay, đã có thể lật lại lịch sử để khẳng định một điều: không có bất cứ bằng chứng nào nói lên rằng quân Đức từng hành quyết các cầu thủ ở Kiev vì kết quả một trận bóng đá. Đấy là sự thật chắc chắn.
Giới hâm mộ bóng đá thế giới, qua nhiều thế hệ khác nhau, đa số đều đã nghe nói về "trận đấu tử thần" của Liên Xô nói chung cũng như thành phố Kiev của Ukraine nói riêng trong Thế chiến II.
Đại khái, đấy là trận đấu giữa các cầu thủ Kiev và binh sĩ Đức, trong thời gian Kiev bị phát xít Đức chiếm đóng hồi năm 1942. Để quảng cáo cho sự ưu việt của dòng giống Aryan, quân Đức đã gửi đến các cầu thủ Kiev thông điệp rõ ràng trước khi trận đấu diễn ra: thua hay là chết! Các cầu thủ Kiev thà hy sinh chứ không lùi bước. Họ thi đấu một cách can trường, bất chấp mọi sự thiệt thòi của loại hình bóng đá đã bị dàn xếp. Họ đã thắng để bảo vệ niềm kiêu hãnh của thành phố Kiev. Và rồi, họ đã gục ngã dưới họng súng của phát xít Đức.
Tuy nhiên, 70 năm sau sự kiện đã được lưu truyền qua bao thế hệ này, giới nghiên cứu bóng đá thế giới vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi đeo đẳng suốt bấy lâu nay: "Trận đấu tử thần" là sự thật hay chỉ là hư cấu?
"Penalti" - Hot girl Từ Hạnh Vân |
Huyền thoại ra đời từ... sách, báo
Theo sách, báo, và các tác phẩm văn học, điện ảnh có liên quan, thì "trận đấu tử thần" là trận đấu giữa đội bóng địa phương FC Start ở Kiev với đội bóng của không quân Đức Luftwaffe. Trước đó, các binh lính Đức đồn trú tại Kiev đã thi đấu và thua tan nát trước FC Start nên quân Đức mới đưa đến một đội bóng điêu luyện hơn về kỹ thuật, đại diện cho không quân Đức.
Còn FC Start là đội bóng được thành lập từ 8 cầu thủ của Dynamo Kiev và 3 cầu thủ của Lokomotiv Kiev. Khi Kiev bị quân Đức chiếm đóng thì các cầu thủ này không còn đội bóng nữa. Họ đến làm việc ở lò bánh mì Số 3 tại Kiev, từ đó hình thành FC Start.
Sau khi thắng hàng loạt trận giao hữu khác, vốn đã làm cho quân Đức điên tiết, FC Start thắng luôn đội bóng tinh nhuệ do Luftwaffe đưa đến, trong "trận đấu tử thần". Trên sân, trọng tài thiên vị các cầu thủ Đức một cách lộ liễu, còn các cầu thủ Kiev phải vừa chơi bóng, vừa tránh những cú "chém giò" cực ác. Trước khi bóng lăn, và trong giờ giải lao, các cầu thủ FC Start đều đã được cảnh báo là nên "biết điều" và hãy nghĩ đến hậu quả thảm khốc nếu họ chiến thắng.
Nhưng các cầu thủ Kiev nhắc nhau: hãy chiến đấu để bảo vệ danh dự Kiev. Thủ quân Nikolai Ranevich tuyên bố: "Có những thứ xứng đáng cho chúng ta hy sinh tính mạng". Khi viên trọng tài là một sĩ quan SS nổi còi kết thúc trận đấu, tỷ số là 5-3 nghiêng về FC Start.
Vài ngày sau đó, các cầu thủ FC Start lần lượt bị Gestapo bắt bớ. Mykola Korotkykh bị tra tấn đến chết. Các cầu thủ khác bị đưa đến trại tập trung Syrets. Tại đấy, Ivan Kuzmenko, Oleksey Klimenko và Mykola Trusevich bị hành quyết vào tháng 2-1943. Một vài thành viên khác của FC Start, như Makar Honcharenko, Fedyr Tyutchev hoặc Mikhail Sviridovskiy rút cuộc thoát chết và trở thành đầu mối cho những thông tin được công bố sau chiến tranh.
-Mình đã túm được nó rồi...!!! |
Nảy sinh những nghi ngờ
Chuyện về "trận đấu tử thần" đã được biết đến từ lâu. Còn đây là chuyện nảy sinh sau khi Liên Xô tan rã: thật ra, có hay không có trận đấu đã đi vào điện ảnh, sách báo và văn học ấy? Đa số không trả lời được, hoặc chỉ trả lời được phần nào câu chuyện. Rút cuộc, thông tin về trận đấu kỳ lạ đều do các nhân chứng còn sống sót, như Honcharenko, kể lại.
Vì sao toàn đội anh dũng hy sinh vì dám thắng quân Đức trong khi Honcharenko và một vài cầu thủ khác lại không bị hành quyết? Chính ông cũng không trả lời được và không có dòng nào giải thích điều này trong cuốn hồi ký của mình. Cuốn sách khác của tác giả Andy Dougan tuy hay và đầy ắp chi tiết, nhưng đoạn kết lại rất mơ hồ. Vả lại, tư liệu mà tác giả này thu thập để viết chủ yếu cũng chỉ là lời kể chứ không có những tài liệu cụ thể chứng minh đấy là sự thật. Thế là "trận đấu tử thần", một thời lừng lẫy danh tiếng, bắt đầu rơi vào vòng nghi ngờ kể từ đầu thập niên 1990.
Tại Đức, văn phòng công tố ở Hamburg khép lại hồ sơ vụ án vào năm 2005, sau khoảng 30 năm điều tra sự việc, với kết luận: không tìm ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy các cầu thủ Kiev bị hành quyết vì họ đã thắng trong trận đấu giao hữu với không quân Đức.
Thực tế là có những cựu cầu thủ ở Kiev đã bị quân Đức hành quyết trong chiến tranh, như Korotkykh, Klimenko, Trusevich hoặc Kuzmenko. Vấn đề là không ai chứng minh được rằng cái chết của 4 nhân vật ấy có liên quan đến một trận bóng đá. Mọi người đều biết nguồn gốc của đội Dynamo Kiev. Và khi các cựu cầu thủ của đội bóng này bị quân Đức bắt bớ trong thời gian chiếm đóng thì cũng chẳng lạ. Có quá nhiều nguyên nhân khiến họ bị bắt, tra tấn, hoặc hành quyết. Là thành viên của đảng cộng sản Ukraine thì cũng đã quá đủ để bị án tử hình trong trại tập trung rồi.
Câu hỏi đặt ra, nếu như quả có chuyện các cầu thủ bị hành quyết vì không chịu cố ý thua trên sân bóng, tại sao suốt hàng chục năm không ai tìm ra được chút manh mối nào trên giấy tờ, để những gì từng được viết về "trận đấu tử thần" trở nên thuyết phục hơn (trong khi rất nhiều vụ án, nghi vấn khác liên quan đến Thế chiến II đều có hồ sơ, tư liệu rất rõ ràng).
Thế nên, giới bình luận cho rằng chính quyền Ukraine mới đây cấm cho trình chiếu bộ phim "The Match" nói về trận đấu này chủ yếu vì tính xác thực của sự kiện chưa được kiểm chứng, hơn là vì nguy cơ bùng nổ hooligan hoặc sợ dân chúng ghét cầu thủ Đức. "Trận đấu tử thần" suy cho cùng là của Liên Xô hơn là của Ukraine. Vấn đề nằm ở chỗ ấy!
Cho đến nay, đã có thể lật lại lịch sử để khẳng định một điều: không có bất cứ bằng chứng nào nói lên rằng quân Đức từng hành quyết các cầu thủ ở Kiev vì kết quả một trận bóng đá. Đấy là sự thật chắc chắn. Đã có những cựu cầu thủ Kiev bị hành quyết trong thời gian quân Đức chiếm đóng, nhưng nguyên nhân vì sao họ bị hành quyết thì khá mơ hồ. Còn trận bóng huyền thoại là có hay không, đấy cũng là một câu hỏi khác đang thách đố lịch sử.
Kinh Kha
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Dù ĐT Brazil không tham dự Euro 2012 nhưng mỹ nhân xứ Samba, Bueri Lorraine vẫn hết mình vì trái bóng tròn. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét