Karl Marx |
Tất cả đều thuộc về thế giới vật chất. Bộ não người là cơ quan vật chất của ý thức, con người chết đi là hết, ý thức không còn nữa...
Có nhiều chỗ không ổn trong học thuyết của Mác như sau:
- Học thuyết không khuyến cáo ở trình độ xã hội nào thì học thuyết có thể áp dụng. Mặc dù trong triết học duy vật lịch sử Mác đã nêu rằng phải có trình độ lực lượng sản xuất cao thì mới có quan hệ sản xuất tốt, từ đó mới tiến tới kiến trúc thượng tầng đỉnh cao. Nhưng điều này có thể vẫn là khó hiểu đối với các tín đồ của ông. Ở Việt Nam có Hồ Chủ tịch đã hiểu được. Dưới danh nghĩa Đảng Cộng sản Việt Nam để nhờ cậy phong trào Cộng sản quốc tế về vấn đề giải phóng dân tộc, Đảng đổi thành Đảng Lao động Việt Nam (sau Đảng cộng sản Đông dương). Người thông minh và sáng suốt như cụ Hồ chẳng khi nào lại đưa cả nước mình đi theo một thứ trừu tượng, mơ hồ, phụ thuộc, bỏ qua đặc thù dân tộc. Như vậy, Đảng đã từng thay đổi vai trò cho phù hợp sao cho có lợi cho đất nước. Mặc dù cụ Hồ lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, mọi người vẫn nhớ cụ là Chủ tịch nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh (chí hướng cụ thể rõ ràng). Cụ chỉ mong muốn rằng dân tộc Việt Nam sẽ bước lên đài vinh quang để sánh vai được với các cường quốc năm châu.
- Mắc phải ngộ nhận: học thuyết cho rằng công hữu tư liệu sản xuất thì sẽ chung tay làm, xây một xã hội cao mãi. Còn sở hữu tư nhân thì sẽ vì lợi nhuận mà cạnh tranh nhau. Ngộ nhận về sở hữu công cộng ở chỗ đã giả thiết rằng nguyên vật liệu, nhân công, thiết kế là có sẵn. Nhưng việc chung chẳng ai chịu làm, gạch ngói sắt thép bản vẽ không có thì làm sao xây được nhà. Trong khi cạnh tranh tư bản thì chắc chắn sẽ đem lại một ngôi nhà do bên có năng lực hơn làm ra.
- Trong triết học duy vật biện chứng, mọi sự vật hiện tượng đều vận động theo qui luật khách quan. Một trong 6 cặp phạm trù triết học là "Tất nhiên" và "Ngẫu nhiên". "Ngẫu nhiên" thì có thể thế này, có thể thế kia. Vậy khi đó vật chất quyết định hay ý thức quyết định?
Vật chất và ý thức hay vật chất và tinh thần?
Trong vũ trụ bao la, những gì chúng ta biết là vô cùng nhỏ bé so với những gì chúng ta chưa biết. Nói vật chất sinh ra ý thức là một phát biểu mơ hồ. Bởi nếu thế giới vật chất đề cập ở đây là toàn thể vũ trụ vô tận, ở đó chứa đựng muôn vàn những điều chúng ta chưa biết, điều chưa biết không thể nằm trong một khẳng định. Mặt khác, thế giới vật chất mà con người cảm nhận được là vô cùng nhỏ bé, ngoài ra không có điều gì có thể kết luận. Chính cái không giải thích được ấy là nền tảng của cảm xúc lãng mạn, nảy nở ước mơ, đâm chồi sáng tạo, vượt qua không gian và thời gian để làm nên điều kỳ diệu.
Sao không coi trái đất cũng là một sinh thể biết cảm thụ. Đã như mọi dạng vật chất đều có thuộc tính phản ánh, sao còn bỏ ngỏ phần còn lại của vũ trụ bất tận mà chúng ta vẫn gọi là “ông trời”. Sao sóng thần bỗng nhiên đổ xuống Fukushima. Phải chăng ông trời muốn thử thách tinh thần của người Nhật Bản, muốn xem khả năng làm chủ thiên nhiên ở một nước công nghiệp tiên tiến đến đâu. Can thiệp vào tự nhiên một thì tự nhiên sẽ trả đũa lại ta mười lần.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng (CNDVBC) cho rằng: "Chỉ có một thế giới duy nhất và thống nhất là thế giới vật chất". Sau đó lại nói ý thức độc lập với vật chất và không mang tính vật chất. Đây là mâu thuẫn trong lý luận. Ý thức là kết quả của quá trình tiến hoá của thuộc tính phản ánh có ở mọi dạng vật chất, nhưng chúng ta lại dứt khoát không cho động vật là có ý thức. Chính vì suy nghĩ rằng con vật không có ý thức mà chúng ta không coi chúng là một phần của cuộc sống, sẵn sàng làm thịt bất cứ con vật nào. Vì ý thức đến từ hiện thực khách quan, tất nhiên sẽ có nên chẳng cần phải suy nghĩ, trăn trở, đâu sẽ có đó. Điều này sinh ra tính ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm. Dưới đẩy lên trên, trên đùn xuống dưới và công việc dừng chân tại chỗ. Tất cả đều thuộc về thế giới vật chất. Bộ não người là cơ quan vật chất của ý thức, con người chết đi là hết, ý thức không còn nữa...
CNDVBC phân tích cấu trúc của ý thức, rồi còn định nghĩa tình cảm. Tình cảm con người là tự nhiên và thiêng liêng, tại sao lại phải phân tích mổ xẻ, nếu không phải là muốn dùng ý chí để áp đặt lên ý thức con người?
Tư tưởng tình cảm của con người là thiêng liêng và riêng tư, và phải được tôn trọng. Có lẽ chúng ta không cần bàn đến khái niệm ý thức nữa. Thay vào đó là sự quan tâm đến đời sống tinh thần của con người. Có thể phát biểu lại: "Không có gì ngoài đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người”. Theo định nghĩa của CNDVBC tri thức là yếu tố cơ bản, cốt lõi của ý thức. Vậy người nông dân suốt đời lam lũ để làm ra bát cơm cho chúng ta nên không được học hành, thì có ý thức kém? Nếu quả vậy thì một anh nông dân chăm chỉ làm ăn trong một xã hội hài hòa thì sẽ đủ ăn, cuộc sống hạnh phúc và tinh thần sảng khoái, mà vẫn kém ý thức? Chu Nguyên Chương là một anh nông dân. Tri thức của một nông dân sao bỗng chốc có thể trở thành tri thức của một ông vua. Điều giải thích ở đây là tinh thần làm vua. Ông có cái nhìn toàn cục và rất bất bình trước sự chia rẽ của các cánh nghĩa quân. Tầm nhìn ấy phải xuất phát từ tinh thần mà có chứ học mãi cũng không thể lĩnh hội được. Khi tập hợp được hàng vạn binh mã ông đã trao trả cho cha nuôi, chỉ cùng mấy anh em độc lập gây dựng lại từ đầu, rất có đạo lý. Sau khi đuổi hết quân Nguyên, Chu Nguyên Chương lập nên triều Minh. Ông rất coi trọng kỷ cương phép nước, đã từng trảm một loạt các nghĩa tử của mình mắc tội quấy nhiễu nhân dân. Trước sức ép phải gây dựng triều đại, tinh thần của ông mệt mỏi dần. Ông không xây dựng kịp thể chế, một công cụ đắc lực giúp cho việc điều hành đất nước được xuôi chèo mát mái, cuối cùng ông đã trở nên tàn bạo. Thế thì ý thức con người là mục tiêu cấn nhắm tới hay việc đảm bảo đời sống tinh thần là quan trọng hơn? Ý thức nằm nơi bộ não kèm theo sự giả dối của cõi tục ô nhiễm thị phi, còn tinh thần xuất phát từ trái tim nhiệt huyết, chân thành và lãng mạn. Một phật tử thiền định đạt tới cõi niết bàn hoàn toàn vô thức sẽ trở thành chân tu tuyệt đỉnh. Một người chiến sỹ phải có tinh thần khỏi cần tính toán thì mới có thể chiến đấu quả cảm với quân thù, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tinh thần là điểm chung trước nhất để hội ngộ quần hùng. Tinh thần là nền tảng của sự sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, trong đó điện ảnh là đại diện hữu hiệu nhất của nền văn hóa trong lòng quần chúng. Muốn cải thiện tinh thần thì phải tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí và tôn trọng quyền riêng tư như những điều kiện ắt có. Từ đó mới có thể xuất hiện các nhân tài phục vụ xây dựng đất nước. Vì quyền riêng tư và quyền tự do nói trên là xuất phát từ tinh thần chân thành nên đương nhiên sẽ không đụng chạm đến các qui tắc chung của xã hội, nếu không luật pháp cần phải sửa đổi cho phù hợp.
Học thuyết tìm tòi các qui luật phát triển, sáng tỏ vấn đề. Điều này chống lại các luận điểm lòe bịp hay mê tín dị đoan, giải thoát con người khỏi nỗi sự hãi về các thế lực thần bí, vô hình. Như vậy xương sống của học thuyết là tính thực tế.
Oái ăm thay, học thuyết càng có vẻ thực tế bao nhiêu thì đến khi ứng dụng nó càng phi thực tế bấy nhiêu. Điểm chốt ở đây là đối tượng chịu tác động ứng dụng của học thuyết không phải là vài ba người có bộ óc hàn lâm trong phòng thí nghiệm, mà là toàn thể xã hội với đầy đủ các thành phần trong một thế giới biến đổi không ngừng. Trong trường hợp này, lý thuyết càng chi tiết, sai lầm càng lớn, bởi chi tiết xã hội không phải là đối tượng của khoa học, trong khi các nhà nghiên cứu chưa có thực tiễn về mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Thế giới luôn vận động, cân bằng là tạm thời, mất cân bằng là vĩnh viễn. Việc cố gắng nắm bắt hết thảy, cũng như cố chớp lấy trạng thái cân bằng là vô cùng khó khăn, nếu được cũng chỉ là tạm thời trong khi chân lý đã thuộc về quá khứ. Thêm nữa, quán tính suy luận luôn có xu hướng đẩy vấn đề vượt quá dung sai, mà khả năng có thể dừng lại trong biên độ cho phép của chân lý là vượt quá kiến thức trung bình của xã hội. Cho thấy, tính phi thực tế thể hiện rất rõ ràng.
Thế giới vạn vật là hệ thống mở, nó không chấp nhận sự cài đặt sẵn như mảng logic cố định (Unprogramable logic array). Thời đại này là thời đại của thông tin. Khuynh hướng nghiên cứu qui luật hóa không còn hữu dụng, hay nói chính xác hơn nó đã bão hòa. Các phương pháp tìm kiếm thông tin cổ điển như tìm kiếm theo chiều rộng, tìm kiếm theo chiều sâu, tìm kiếm sâu dần mức k, kể cả tìm kiếm kết hợp định hướng kinh nghiệmHeuristics đều không giải quyết được các bài toán lớn. Khi số cấu hình bài toán lên tới con số hàng tỉ thì giải pháp khả thi lại là nhờ cậy đến các vấn đề tự nhiên như quy lạp, mạng neuron, giải thuật di truyền(*). Các phương pháp cổ điển, trong khi, tìm kiếm dựa trên tri thức đã biết (là các chân lý đã thuộc về quá khứ) sẽ chỉ (nếu có- đối với các bài toán có tính giải được) cho ra kết quả với cấp độ tri thức thấp hơn. Ngược lại, các phương pháp mới là các phương pháp tổng hợp tri thức, đem lại tri thức với cấp độ cao hơn tri thức nguồn, trong mọi trường hợp luôn cho kết quả tối ưu. Vấn đề xã hội là vấn đề rất lớn và phức tạp. Sự áp đặt chủ quan dù tích cực hay tiêu cực không phải là hướng đi của thời đại, không hiệu quả, trong một số trường hợp là không giải được. Chính quá trình sàng lọc tự nhiên là cách lựa chọn cho giải pháp giải vấn đề đạt kết quả tối ưu.
Như vậy học thuyết Mác mâu thuẫn giữa ước muốn và tính ứng dụng của nó.
Theo Chuyên toán Thái Phiên
(*)Thuật giải di truyền là một thuật giải trong đó duy trì n cá thể trong một quần thể. Sau khi quần thể sản sinh ra thế hệ mới, kích thước quần thể tăng lên, độ thích nghi được đánh giá toàn bộ các cá thể, loại bỏ các cá thể có độ thích nghi thấp để giữ lại chỉ n cá thể thích nghi cao nhất (có thể bao gồm các cá thể ở mọi thế hệ). Quần thể lại tiếp tục sản sinh… cho đến khi độ thích nghi thỏa mãn yêu cầu. Chu kỳ sống của mỗi thế hệ càng ngắn, tức là quần thể sản sinh càng nhanh thì tốc độ tìm kiếm càng đạt hiệu quả.
(Chủ blog xin lỗi tác giả vì bài có cắt bớt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét