"Mầm Xuân" - Hot girl Trung Quốc |
Đã không trung thực với chính mình, với bạn văn lại còn ngụy bạn đọc và nhất là tạo ra ảo tưởng cho người viết ấy rằng họ có tài. Mà ác thay, làm thơ viết văn là cái nghề dễ tạo ra nhiều hoang tưởng cho người hành nghề xưa nay. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Với nhiều nhà văn thực sự, họ biết quý mến tài năng của đồng nghiệp, hơn thế nữa họ còn nâng niu, tìm cách góp ý hay chỉnh sửa những sai sót nếu có và muốn giới thiệu, phổ biến tác phẩm mà theo họ là có giá trị. Đó là chuyện xưa nay không hiếm trong làng văn, nhiều cặp đôi tri âm tri kỷ mà tình cảm họ dành cho nhau làm lay động bao thế hệ yêu văn chương sau này. Cũng nhờ những ngòi bút có tâm có tài đó mà nhiều tài năng được phát hiện và tỏa sáng trên văn đàn, với những tác phẩm hay, làm giàu sang cho đời sống văn hóa của xã hội. Cũng vì thế mà không hiếm những người cầm bút còn trẻ hay mới bước vào nghề, muốn cho ra mắt một tác phẩm thường tìm đến một nhà văn (hay nhà thơ, nhà lý luận phê bình) có uy tín để nhờ họ viết cho lời giới thiệu hay lời tựa, lời bạt, để in trong tác phẩm hay đưa lên báo… như một “con dấu vàng” đóng lên cho thêm phần danh giá, nhất là trong nền kinh tế thị trường thì những lời ca ngợi của các tác giả nổi tiếng sẽ là một show quảng cáo đáng giá giúp sách bán chạy.
Điều đó cũng không có gì xấu nếu giữa lời giới thiệu của một bậc “đàn anh, đàn chị” nào đó trong giới văn chương có chút tương đồng hay ít ra cũng được chín hay tám, bảy phân so với cái “mười phân vẹn mười” mà họ ngợi ca. Nhưng hỡi ơi, không hiếm những người đọc vì mê những lời bốc thơm ấy nên khi mua sách về đọc thì thất vọng đến nỗi như cứ từ trên chín tầng mây rơi xuống… Thì chắc cũng do cái tính cả nể của nhiều nhà văn đi trước hay nổi tiếng hơn, do nhẹ dạ hay trao đổi cái gì đó, hoặc thấy tác giả kia tội tội hay năn nỉ, ton hót, tự nhủ thôi khen cho nó sướng, sách nó bán được mà mình có mất gì thế là hào hiệp phóng bút với những mỹ từ, thậm xưng, ngoa ngôn… tuôn ra như thác lũ. Có một trường hợp cụ thể mới đây mà tôi biết, một nhà thơ - nhà văn nữ cao tuổi và cũng có tiếng tăm, có uy tín chưa bao giờ đánh giá cao, mà còn xem thường những sáng tác của một tác giả sồn sồn khác, dù vào nghề đã lâu, là Hội viên của nhiều Hội nhưng tác phẩm vẫn cứ tầm tầm, viết ngày càng tệ hơn và cũng chưa bao giờ sống được bằng ngòi bút. Thế mà mới đây, thật ngạc nhiên khi nhà văn cao tuổi này ca ngợi hết lời trong một bài giới thiệu về tác phẩm mới ra của nhà văn nữ sồn sồn nọ, khiến tôi đọc mà cứ muốn té ngữa, sao người ta nói (với tôi) một đàng mà làm một nẻo vậy trời? Đã không trung thực với chính mình, với bạn văn lại còn ngụy bạn đọc và nhất là tạo ra ảo tưởng cho người viết ấy rằng họ có tài. Mà ác thay, làm thơ viết văn là cái nghề dễ tạo ra nhiều hoang tưởng cho người hành nghề xưa nay.
Đền thờ chính của thành Nam Định - ảnh Việt Nam xưa |
Hiện nay, có những tác phẩm mới ra mà hai phần cánh gấp vào lẫn bìa sau của cuốn sách, in kín mít những lời khen của các tác giả khác nhỉnh hơn. Nhưng đọc sách xong, không hiếm người cứ ngẩn ngơ, không biết mình có mua nhầm sách không hay người ta giới thiệu nhầm! Vì giữa lời khen và độ hay của tác phẩm thật là một trời một vực. Đó còn chưa kể là có nhà văn còn viết bài tự bốc thơm tác phẩm của mình một cách mê say, “tự sướng” bằng cách so sánh mình với những tác phẩm, tác giả lừng danh khác trên thế giới rồi ký tên một nhà nghiên cứu, lý luận phê bình khác (tất nhiên là họ thân nhau). Tại sao lại có những “nhà phê bình” chịu tương tác với tác giả “mật thiết” đến như vậy cà? Có trời mà biết!
Nhưng được “bốc thơm” nhiều nhất chính là các tác giả vốn đang “thơm”, tức là đang ăn khách, cứ sách của các nhà văn này ra lò là nhiều nhà văn, nhà phê bình, nhà báo chực chờ xếp hàng để viết bài khen, dù thực tế có khi tác giả đó sức viết đã xuống, đỉnh cao của họ cũng đã qua rồi – điều này là bình thường- nhưng vẫn khen như khen “chiếc áo mới của hoàng đế”. Chắc họ tin rằng khen những nhà văn vốn nổi tiếng thì an toàn và nhất là mình cũng được thơm lây!
Nhưng cũng không hiếm khi “nội bộ xích mích” lắm nhà văn đã thẳng tay bôi đen tác giả mình từng ca ngợi. Nhưng bi hài nhất là có một nữ tác giả nọ cách đây vài năm đã gặp “tai nạn nghề nghiệp”, người ta mượn lời của những “nhà phê bình” là sinh viên, kỹ sư, cán bộ về hưu, luật sư, nhà báo … đánh chị tưng bừng trên mặt báo. Rồi một nhà văn nọ gọi điện đến an ủi, hứa hẹn viết bài “cứu giá”, nhưng tiếc thay nhà văn nữ nọ lại chậm hiểu, vô tư không biết cách “tạm ứng” điều mà nhà văn, nhà lý luận kia cần, thế là vốn không thiết thân cũng không thù không oán, ông ta viết bài đăng lên báo Văn Nghệ để “bồi” thêm cho nữ tác giả nọ thêm mấy đòn theo kiểu đánh hôi. Nhớ lại cái giọng tán tỉnh, đạo đức giả của nhà văn ấy nhà văn nữ nọ còn thấy rởn tóc gáy. Bây giờ bình tĩnh lại, gặp những kẻ đánh mình chị đều vui vẻ nói “Chào ân nhân!”.
Chỉ tiếc rằng có những tác phẩm có giá trị thực sự lại không được giới thiệu, được đánh giá đúng mức. Chắc tại tác giả ấy vẫn còn giữ niềm tin rằng “Hữu xạ tự nhiên hương” hoặc họ quá tự trọng, không muốn nhờ vả ai. Như cách đây ít lâu, tôi nhận được hai tác phẩm khá hay của hai đồng nghiệp, một tập lý luận phê bình của một nhà thơ nữ và tập truyện ngắn của một nhà văn lớn tuổi, viết cũng đã khá nhiều, thế mà rất ít thấy được báo chí “điểm sách”. Kể cũng thiệt cho những người cầm bút đứng đắn, tâm huyết như vậy. .. Và gần nhất, trong tháng 8- 2012 nổ ra một vụ bốc thơm “hoành tráng” xưa nay chưa từng có trong giới cầm bút ở VN, một sự lố bịch đã vượt khỏi mức khôi hài khi nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình chuyên nghiệp, có chức sắc trong làng văn lẫn những người ít học, ít đọc không biết chút gì về văn chương đồng loạt tụng ca những “thi phẩm” của một tay GS-TS, viện trưởng của một viện khoa học nọ “hay đến lạnh người”, là thơ thiền, thơ của “thần nhân mượn bút” … đến nỗi khiến tay “tác giả” đó đâm ra mắc bệnh hoang tưởng ở thể vĩ cuồng với biểu hiện là … gởi tác phẩm của mình đi dự giải Nobel! Cũng may nhiều người nhận ra sự bất thường của vụ này và đã khám phá ra đó là một vụ đạo văn vô cùng thô thiển, ấu trĩ … Trong chuyện sáng tác thì người ta có thể viết hay, viết dở nhưng đạo văn là điều tối kỵ, là hiểu biết sơ đẳng nhất mà một người cầm bút nào cũng phải biết.
"Họa mi" - thiếu nữ Nhật Bản |
Nhưng tại sao hiện nay người ta tha hồ bốc thơm nhau, kể cả những thứ vô giá trị như vậy? Phải chăng vì thiếu vắng những “viên hoa tiêu”, những “vị nhạc trưởng” trong văn học. Đó là những nhà lý luận phê bình có tâm huyết, có trình độ, có khả năng chuyên môn và có trách nhiệm? Xin thưa, không phải như vậy. Có nhiều nhà lý luận phê bình có trình độ cao, học vấn rộng, thông minh, nhạy bén có thừa nhưng hầu hết họ thường im lặng. Một số nhà phê bình thì “sống trong sợ hãi” nên chỉ muốn yên thân, một số nhà phê bình sắc sảo hay tiến sĩ văn chương thứ thiệt thì họ rất khảnh nên chỉ “phê”, hay điểm sách, giới thiệu và “bình” khi tác phẩm đó là của những người có đẳng cấp cao, có vị trí xã hội như chủ tịch, giám đốc, tiến sĩ, giáo sư, đại gia hay những nhà văn lớn thì họ mới “thêm hoa cho gấm” … Còn như tình hình hiện nay ai cũng có thể là nhà phê bình, tha hồ lên tiếng “bình loạn” khi có ai đó khích hay “đặt hàng”. Thậm chí còn có tình trạng “ăn theo”, khi tác phẩm nào đó bị xem là “có vấn đề”, “sai quan điểm” là họ hùa nhau đấu tố hoặc “ném đá” mà chưa hề đọc tác phẩm đó hoặc có đọc nhưng không hiểu. Cũng có khi chỉ vì ganh ghét cá nhân nếu tác giả nào đó được đồng nghiệp quý mến, ngưỡng mộ thì họ cũng tìm cách “ném đá giấu tay” xúi người khác “chụp mũ” và huy động lực lượng để “đánh hội đồng”, tạo nên những báo động giả để cơ quan quản lý văn hóa chú ý và họ có cơ hội được lập công.
Chỉ e rằng khi nào còn tình trạng “phê bình” bát nháo như hiện nay và nhất là những người cầm bút tìm cách “liên kết” để bốc thơm nhau để hai bên đều có lợi, thì lỗ to chỉ thuộc về bạn đọc và nền văn học nước nhà khi những tác phẩm viết bằng tâm huyết không được quảng bá còn nhà văn viết dở mà vẫn ảo tưởng rằng mình viết hay và tiếp tục viết, in… để rồi bạn đọc thất vọng tới một “tột đỉnh” nào đó họ sẽ quay lưng với văn chương Việt. Có thể nói, hiện tượng bốc thơm văn thơ của nhau một cách vô trách nhiệm của một số người cầm bút chính là “thảm họa” cho nền văn chương đương đại.
Văn chương là một chốn mà lẽ ra phải trong trẻo, đẹp đẽ thì làng văn ngày nay cũng vô cùng rối rắm, đầy những ngõ ngách tối tăm. Hay là, khi nước nguồn bị ô nhiễm, cái “bộ lọc” chính bị hỏng thì dòng chảy nào cũng đục như nhau?
Nguyễn Thúy Ái
"Ma núi" - tranh của họa sĩ Từ Bi Hồng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét