Tâm thức của con người bị hôn loạn đã lâu, không thể một lúc mà an định. Cho nên người niệm Phật nếu tâm không thanh tịnh thì đừng quá vội lo, chỉ cần khi niệm mỗi chữ mỗi câu đều do nơi tâm phát ra, dụng công bên lâu sẽ có hiệu quả.
Trong thế giới của những tôn giáo tin tưởng và thờ phượng Thượng đế (là Đấng tối cao, toàn năng, toàn thiện, toàn trí đã sáng tạo ra thế gian, vũ trụ, và được xem là thủy tổ của muôn loài), thì cầu nguyện có nghĩa là thỉnh cầu ở nơi Ngài một sự chỉ đạo, hộ trì, hoặc cầu xin Ngài ban cho sức khỏe, hạnh phúc, cơm no, áo ấm và đôi khi xin Ngài tha thứ những tội lỗi đã vi phạm.
Nhưng trong Phật giáo không có vấn đề tội lỗi (hiểu theo nghĩa xúc phạm ý trời). Khi một người hành động phi luân lý hay phản đạo đức, thì Phật giáo gọi đó là hành động không khôn ngoan hay bất thiện. Sở dĩ có hành động sai lầm hay bất cẩn là vì si mê, thiếu sáng suốt, nhưng tôn giáo thờ phượng Thượng đế thì xem đó là có tội một khi vi phạm hay bất tuân những điều răn do vị giáo chủ hay trời phán định. Trái lại, theo giáo lý nhà Phật dù là Phật tử hay không mà trộm cắp, tà dâm, dối trá… thì đó là hành động sai lầm, bất thiện vì chính họ đã tạo ra cái nghiệp xấu cho mình và dĩ nhiên là họ sẽ tự chuốc lấy kết quả xấu xa hay nghiệp báo đau thương sau nầy. Chẳng hạn như một kẻ ngu si đưa tay vào lửa thì dĩ nhiên là bị phỏng chứ không phải là tội lỗi hay xúc phạm trời thần gì cả. Những hành động không khôn ngoan, sai lầm, hay bất cẩn này sẽ làm trì trệ tiến trình giải thoát của họ mà thôi.
Theo Phật giáo, tất cả những hành động mang tánh chất cố ý đều gọi là nghiệp mà nó được phát xuất từ Thân, Khẩu, Ý. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về kết quả của những hành động thiện hay ác này dù kết quả đó tốt hay xấu, vui hay khổ. Như vậy, không có vấn đề cầu nguyện trong Phật giáo theo ý nghĩa thông thường tức là cầu xin Thượng đế ban ơn, tha tội, vì mọi người phải chịu trách nhiệm với chính mình chứ không ai khác về những hành động tội, phước, lành, dữ do mình tạo ra.
Theo đạo Phật, thì con người là Thượng đế của chính mình chứ không ai khác bởi vì tất cả các điều kiện, kể cả nghiệp đều có thể tự mình sửa đổi được. Bởi thế, hạnh phúc hay khổ đau đều do chính chúng ta tự tạo lấy cho mình. Hay nói một cách khác được tự do hay nô lệ tùy thuộc ở chỗ con người làm chủ các điều kiện hay bị các điêu kiện làm chủ. Thêm nữa, những tín đồ thờ thần linh cầu xin được ban phước hay cứu rỗi, nghĩa là đời đời họ muốn lệ thuộc vào vị thần linh hay Thượng đế của họ. Người Phật tử thì trái lại, chúng ta kính cẩn tôn thờ Đức Phật chỉ vì Ngài là người đã đi trước, là người hướng đạo. Và với tinh thần bình đẳng Đức Phật lúc nào cũng khuyến khích chúng sinh cố gắng diệt trừ vô minh để cắt đứt dây luân hồi sanh tử mà chứng được Niết Bàn.
Một thí dụ điển hình nữa là chúng ta hãy tạm so sánh giữa hai chế độ dân chủ ngày nay và quân chủ ngày xưa. Trong chế độ quân chủ ngày xưa, mọi người dân là con cái hoặc nô lệ của vị Đế vương. Họ phải tuân phục mọi phán xét, thưởng phạt của vua và vì thế mới có câu: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Nhưng chúng ta đang sống trong chế độ dân chủ ngày nay, người dân có quyền bình đẳng, cho dù Tổng thống cũng là một công dân như bao người khác. Chúng ta kính trọng vị nguyên thủ quốc gia bởi vì vị nầy thay thế chúng ta để lãnh đạo, để lo việc nước, làm ích quốc lợi dân. Và tất cả mọi người dân đều có thể trở thành nhà lãnh đạo nếu họ có đủ tài, đủ đức.
Trước khi nhập diệt, Đức Phật còn nhắc nhở chúng tăng là: “Sau khi Như Lai tịch diệt, các con hãy lấy giới luật làm thầy. Thực hiện đứng đắn những lời giáo huấn của Như Lai, Đó là cách cúng dường Như Lai cao thượng nhất”.
Đức Phật cũng dạy rằng: "Lễ bái tượng Phật không có nghĩa là chúng ta tin rằng Đức Phật sau khi nhập diệt vẫn còn hiện diện trên thế gian để thị hiện trong các pho tượng khiến cho các pho tượng này trở nên linh ứng để có thể hộ trì cho những người lễ bái hay quở phạt những người bất tôn kính đối với Ngài”.
Hình tượng chỉ để nhắc nhở lại những hình ảnh sống động lúc Đức Phật còn tại thế, khiến cho chúng ta có cảm tưởng được đối diện với chính Đức thế Tôn mà thôi.
Như thế, việc thờ cúng tụng niệm của người Phật tử không phải là để cầu xin Đức Phật cứu vớt mà chỉ có mục đích tôn kính Đức Phật và tự nguyện noi gương Ngài để hoàn thành sứ mạng tự giác và giác tha.
Chính Đức Phật đã đặt ra năm pháp để nhắc nhở chúng ta hằng ngày siêng năng tu tập để đạt thành chánh quả như Ngài và mỗi pháp có một ý nghĩa cao thâm của riêng nó:
- Hương (nhang): tượng trưng cho mùi hương thơm thanh khiết của hoa sen ngàn cánh.
- Hoa: tượng trưng cho hoa sen ngàn cánh và cũng tượng trưng cho tâm Bồ đề của chúng ta. Vì mỗi người tu hành đều có một hoa sen ngàn cánh trong ao báu ở trên cõi Phật. Kẻ nào tu niệm càng nhiều thì hoa sen càng lớn, phẩm Phật càng cao.
- Quả: tượng trưng cho quả vị Phật, bởi vì sự tu hành của chúng ta phải cố gắng đạt đến thành quả viên mãn.
- Đèn: tượng trưng cho trí tuệ bát nhả của chúng ta. Dùng trí tuệ để phá si mê và cúng dùng trí tuệ để phân biệt đâu là chánh, đâu là tà, đâu là chân, đâu là giả.
- Nước: tượng trưng cho tâm thanh tịnh, tinh khiết,và không bị ô nhiễm. Nước cũng còn tượng trưng cho tấm long từ bi vô bờ vô bến.
Dâng hoa cúng đến Phật đà
Nguyện mau giải thoát sinh già khổ đau.
Do đó chúng ta phải cố gắng nghe theo lời dạy của Đức Phật để tu hành ngỏ hầu tự độ và độ tha thì cũng như đã cúng dường cho chư Phật rồi vậy.
Đối với Đức Phật thì Ngài không cần chúng ta quỳ gối bái lạy để vinh danh Ngài mà Ngài chỉ muốn chúng ta cung kính Ngài như cung kính chính bản thân của chúng ta. Vì sự cung kính này, chúng ta bái lạy Ngài với một tấm lòng chân thật và quyết tâm noi gương Ngài cố gắng tu sửa để dứt trừ vô minh vọng tưởng và đạt cho được chơn tâm thanh tịnh.
Tâm thức của con người bị hôn loạn đã lâu, không thể một lúc mà an định. Cho nên người niệm Phật nếu tâm không thanh tịnh thì đừng quá vội lo, chỉ cần khi niệm mỗi chữ mỗi câu đều do nơi tâm phát ra, dụng công bên lâu sẽ có hiệu quả.
Ánh Đạo Vàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét