Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Một phút minh triết (1)

"Giáng tiên" - người mẫu Hoa ngữ
Chỉ cần một phút để đọc mỗi một giai thoại sau đây. Có thể quí vị sẽ thấy ngôn từ của Minh Sư chói tai, gây phẫn nộ, hoặc hoàn toàn vô nghĩa. (ảnh không liên quan đến bài viết)

PHẦN I
- Phép lạ: Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư.
Ông ta hỏi một đệ tử: "Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?"
"Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi Thánh Ý Thượng Đế!"
- Trưởng thành: Một đệ tử suốt ngày cầu nguyện, Minh Sư bảo: "Chừng nào con mới thôi nương tựa vào Thượng Đế và đứng vững trên đôi chân của con?”
Đệ tử sửng sốt: "Nhưng chính thầy là người đã dạy chúng con nhìn lên Thượng Đế như một người Cha mà!”.
“Chừng nào con mới hiểu được rằng người cha không phải là một kẻ để con có thể nương tựa mà là một kẻ giúp con vứt bỏ cái khuynh hướng tựa nương.”
- Nhạy cảm: "Thưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là một?"
Minh-Sư đáp: "Bằng cách lắng nghe.”
“Và con phải lắng nghe như thế nào?”
“Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ. Khi con nghe thấy chính tiếng nói của con thì con hãy thôi nghe."
- Phi lý: Minh Sư cố cọ xát một viên gạch trên sàn căn phòng mà đệ tử đang tọa thiền.
Ban đầu, đệ tử xem ra thích thú, lấy đó làm một trắc nghiệm đối với năng lực tập trung của mình. Nhưng khi không thể chịu đựng tiếng động được nữa, đệ tử la lên: "Trời đất ơi! Thầy làm gì vậy? Thầy không thấy con đang thiền định hay sao?"
Minh Sư đáp: "Thầy cọ giũa viên gạch này để làm thành một tấm kiếng soi mặt.”
“Thầy điên rồi! Làm sao thầy có thể làm một tấm kiếng từ một viên gạch?”
“Thầy không điên hơn con đâu! Làm sao con có thể biến cái tôi của con thành một con người thiền định?”
- Minh bạch: Minh Sư bảo: "Đừng tìm kiếm Thượng Đế. Các con chỉ cần nhìn thôi - và mọi chuyện sẽ được tỏ bày."
"Nhưng phải nhìn như thế nào?”
“Mỗi khi nhìn vật gì, các con chỉ thấy vật đang ở đó thôi và không thấy vật gì khác nữa."
Các đệ tử hoang mang nên Minh Sư giảng giải cách đơn giản hơn: "Chẳng hạn, khi các con nhìn mặt trăng thì các con chỉ nên thấy mặt trăng thôi mà không thấy gì khác nữa."
“Khi người ta nhìn mặt trăng, thì người ta có thể thấy gì khác ngoại trừ mặt trăng?”
“Người đói bụng có thể (nhìn mặt trăng mà) thấy một mẩu phó mát hình tròn. Người si tình có thể thấy khuôn mặt người yêu."
- Tôn giáo: Nhân một chuyến công du, vị Tổng Trấn sở tại dừng chân đảnh lễ Minh Sư.
Ông nói: "Thưa ngài, Việc Nước bề bộn không cho phép tôi có nhiều thì giờ luận bàn viển vông. Có thể nào ngài tóm gọn cốt lõi của tôn giáo trong một hai câu, cho một người quá bận rộn như tôi không?"
"Vì lợi ích của Thượng Quan, tôi xin tóm tắt điều cốt yếu đó trong một từ (kép)”
“Tuyệt vời! Và từ siêu việt đó là gì?”
“Thinh-Lặng.”
“Và đường nào dẫn tới Thinh-Lặng?”
“Chiêm-niệm.”
“Và xin cho phép tôi được hỏi chiêm-niệm là gì?”
“Thinh-Lặng."
- Linh đạo: Mặc dù đó là Ngày Tịnh Khẩu của Minh-Sư, một khách hành hương đã van lơn ngài ban bố một lời minh triết để có thể hướng dẫn suốt hành trình cuộc sống.
Minh Sư ân cần gật đầu, lấy một tờ giấy và viết gọn lỏn hai chữ: “Thức Tỉnh”.
Lữ khách lúng túng: "Quá vắn tắt. Có thể nào xin thầy vui lòng khai triển thêm chút xíu?”
Minh Sư lại cầm miếng giấy lên và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh.”
Người khách lạ không hiểu ất giáp gì cả nên nói: "Nhưng những chữ đó nghĩa là gì?"
Minh Sư với lấy tờ giấy và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh nghĩa là THỨC TỈNH”
- Tỉnh thức: “Có điều gì con có thể làm để được Thức Giác?”
"Không có điều gì, cũng như con không thể làm cho mặt trời mọc ban sáng được."
“Vậy thì những bài tập tu đức mà thầy truyền dạy, dùng để làm gì?”
“Để chắc chắn con không còn ngủ mê khi mặt trời bắt đầu mọc lên."
- Hiện diện: “Ở đâu con sẽ tìm được sự Thức Giác?”
“Ở nơi đây.”
“Chừng nào điều đó xảy ra?”
“Đang xảy ra ngay bây giờ đây.”
“Vậy tại sao con không cảm nghiệm được?”
“Bởi vì con không nhìn.”
“Con phải nhìn để tìm gì?”
“Không để tìm cái gì hết. Chỉ nhìn thôi.”
“Nhìn gì?”
“Nhìn cái mà mắt con dán xuống.”
“Con có phải nhìn một cách đặc biệt không?”
“Không. Con chỉ nhìn một cách bình thường mà thôi”
“Nhưng phải chăng con không luôn luôn nhìn một cách bình thường?”
“Không.”
“Tại sao không.”
“Vì muốn nhìn, con phải hiện diện ở đó. Thường khi con vẫn ở đâu đâu.”
- Chiều sâu: Minh-Sư nói với doanh nhân: "Cũng như con cá phải chết ở trên đất khô, bạn cũng phải chết như vậy khi bạn vướng mắc thế sự. Con cá phải trở về với nước - bạn cũng phải trở về với sự cô tịch."
Doanh nhân cảm thấy bàng hoàng: "Tôi phải bỏ việc kinh doanh của tôi để vào sống trong tu viện sao?”
“Không, không phải. Bạn cứ duy trì doanh nghiệp của bạn và hãy đi vào trong nội tâm của bạn."
- Nội tâm: Đệ tử thỉnh cầu một lời minh triết.
Minh Sư đáp: "Con hãy ngồi trong tịnh xá của con và tịnh xá của con sẽ dạy con sự minh triết.”
“Nhưng con không có tịnh xá. Con không phải là một đan sĩ.”
“Dĩ nhiên con có một tịnh xá. Hãy nhìn vào bên trong.”
- Đoàn sủng: Một đệ tử là người Do Thái hỏi: "Con phải làm việc lành nào để được Thượng Đế chấp nhận?"
Minh Sư trả lời: "Làm sao thầy biết được. Thánh Kinh nói rằng tổ phụ Abraham thực thi lòng hiếu khách và Thiên Chúa ở với ông. Tiên tri Elia say mê việc cầu nguyện và Thiên Chúa ở với ông. Vua David chăm lo việc trị nước và Thiên Chúa cũng ở với ông nữa.”
“Có cách gì con có thể tìm ra việc mà Thượng Đế đã phân định cho riêng con không.”
“Có chứ. Hãy tìm kiếm trong nội tâm con khuynh hướng sâu thẳm nhất, rồi nương theo đó mà hành động."
- Hòa điệu: Trái với lẽ thường, Minh Sư ít tôn trọng luật lệ và truyền thống.
Một đệ tử và con gái ông cãi vã nhau vì ông đòi hỏi cô phải tuân theo luật lệ của đạo giáo khi chọn lựa người chồng tương lai.
Minh Sư công khai theo lập trường của người con gái .
Khi người đệ tử ấy ngạc nhiên vì sao một người thánh thiện như Minh Sư mà hành động như thế, ngài nói: "Con phải hiểu rằng cuộc sống cũng giống như âm nhạc, nghĩa là được hình thành bằng bản năng và cảm nhận hơn là bằng những luật lệ."
Thông cảm: “Làm thế nào để con được ơn đừng bao giờ đoán xét người lân cận?"
"Bằng cầu nguyện.”
“Vậy tại sao con chưa được ơn đó?”
“Tại vì con không cầu nguyện đúng chỗ.”
“Chỗ đó ở đâu?”
“Ở trong cung lòng Thượng Đế.”
“Và con vào đó như thế nào?”
“Con phải hiểu rằng ai phạm tội cũng đều không biết việc mình làm, nên họ đáng được thứ tha."
- Ảo tưởng: “Làm thế nào để đạt tới sự Sống Vĩnh Cửu?"
“Sự Sống Vĩnh Cửu chính là bây giờ đây. Con hãy trở về với hiện tại.”
“Nhưng con đang sống trong hiện tại bây giờ đây, không phải sao?”
“Không phải đâu.”
“Sao lại không?”
“Tại vì con không buông bỏ quá khứ.”
“Tại sao con phải buông bỏ quá khứ? Không phải tất cả những gì thuộc về quá khứ đều xấu cả.”
“Ta buông bỏ quá khứ, không phải vì quá khứ xấu xa, nhưng vì quá khứ đã chết rồi."
- Lời tiên tri: “Con muốn trở thành một người dạy Chân Lý."
“Con có sẵn sàng để bị chế giễu, ghét bỏ và đói khổ cho đến năm bốn mươi lăm tuổi không?”
“Thưa được. Nhưng xin thầy nói cho con biết: điều gì sẽ xảy ra khi con quá bốn mươi lăm tuổi?”
“Con sẽ quen sống như thế."
- Cải tiến: Một người trai trẻ hoang phí hết gia tài vừa được thừa hưởng. Như thường xảy ra trong cảnh ngộ như thế, lúc anh bị cháy túi thì bạn bè bỏ rơi anh.
Cùng đường, anh tìm tới Minh Sư và nói: "Con mất hết tiền tài, bạn hữu. Điều gì sẽ xảy đến cho con nữa đây?"
"Con đừng lo. Hãy ghi nhớ lời thầy nói đây: mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp trở lại."
Chàng thanh niên lóe lên một tia hy vọng trong ánh mắt: "Con sẽ giàu có trở lại ư?”
“Không phải. Con sẽ quen sống cô đơn và không một đồng xu dính túi."
- Thực dụng: Nữ đệ tử chuẩn bị tiệc cưới, tuyên bố là do lòng yêu thương kẻ nghèo, chị đã thuyết phục gia đình đi ngược lại tục lệ bằng cách sắp xếp những khách nghèo hèn ngồi ở bàn đầu, còn những khách quyền quí ngồi ở cửa ra vào.
Chị nhìn vào mắt Minh Sư, chờ đợi ngài tán thành.
Minh Sư suy nghĩ một lát rồi nói: "Con ơi, đó là điều rất đáng tiếc. Đám cưới ấy không làm ai hài lòng hết. Gia đình con sẽ khó xử. Khách quyền quí sẽ bị xúc phạm và khách nghèo hèn sẽ đói meo, vì khi phải ngồi bàn đầu thì họ e dè nên không ăn uống no nê được."
- Ngu muội: Đệ tử trẻ tuổi là một thần đồng đến nỗi học giả khắp nơi tìm đến tham vấn và rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết của anh ta.
Khi vị Tổng Đốc sở tại muốn tìm một người cố vấn, ông đã đến gặp Minh Sư và hỏi: "Xin ngài nói cho tôi biết có đúng là cậu thanh niên đó đã biết nhiều điều như người ta đồn đãi?"
Minh Sư gượng gạo trả lời: "Thật tình mà nói, người thanh-niên đó đã đọc nhiều đến nỗi tôi không hiểu làm sao cậu ta có thể tìm ra thì giờ để biết được một điều gì."
- Huyền thoại: Minh Sư truyền đạt giáo huấn của ngài qua những mẩu chuyện hay dụ ngôn mà đệ tử lãnh hội một cách thích thú hay đôi khi bực dọc vì họ mong ước được nghe những diễn từ sâu sắc hơn.
Minh Sư vẫn thản nhiên. Đối với những phản kháng của đệ tử, ngài chỉ trả lời như sau: “Các con thân mến, các con chưa bao giờ hiểu rằng khoảng cách ngắn nhất giữa con người và Chân Lý là một mẩu chuyện.”
Lần khác ngài nói: “Các con đừng xem thường những mẩu chuyện. Chính nhờ cây nến một xu mà người ta tìm được đồng tiền bằng vàng; xuyên qua những câu chuyện tầm thường, người ta khám phá được những chân lý sâu sắc độc đáo.”
- Hạnh phúc: “Con rất cần đến sự giúp đỡ của thầy - nếu không, con sẽ quẫn trí luôn. Chúng con ở trong một căn phòng độc nhất, gồm có vợ chồng, con cái, và dâu rể! Do đó chúng con luôn bị căng thẳng thần kinh, la hét cãi cọ nhau om sòm. Căn nhà thật là chốn địa ngục."
Minh Sư đáp một cách trịnh trọng: "Con có hứa là làm bất cứ những gì thầy dạy bảo không?”
“Con xin thề là sẽ làm bất cứ điều gì.”
“Được rồi. Con có bao nhiêu gia súc?”
“Một con bò cái, một con dê và sáu con gà.”
“Con hãy đem hết các con vật đó vào trong căn phòng của con. Rồi con hãy trở lại sau một tuần lễ."
Đệ tử kinh hoàng. Nhưng đã trót hứa vâng lời. Do đó, anh ta đã mang các gia súc vào nhà. Một tuần lễ sau anh ta trở lại, gương mặt rầu rĩ thảm não và nói: "Con bị thần kinh căng thẳng đến tột độ. Nào là nhơ uế! Hôi hám! Ồn ào! Tất cả chúng con sắp sửa hóa điên mất!"
Minh Sư truyền dạy: "Con hãy trở về và đem hết súc vật ra ngoài."
Anh ta chạy một mạch về nhà. Và hôm sau, anh ta trở lại, ánh mắt rực sáng niềm vui: "Đời êm đẹp làm sao! Các gia súc đã đi khỏi. Căn phòng là một thiên đường: Yên tĩnh làm sao! Sạch sẽ làm sao! Và khoảng khoát làm sao!"
- Thiền định: Một đệ tử nằm ngủ và mơ thấy mình vào Thiên Đường. Rất đỗi ngạc nhiên, anh ta thấy Minh Sư và các đệ tử khác cũng đang ngồi ở đó, đắm mình trong thiền định.
Anh la lên: "Đó là phần thưởng trên nước Thiên Đường hay sao? Lạ nhỉ! Đúng là điều mà người ta đã làm ở trên mặt đất!"
Anh nghe một tiếng la lớn: "Đồ ngu! Con tưởng những người thiền định đó đang ở trên Thiên Đường sao? Hoàn toàn ngược lại - Thiền Đường ở trong tâm của họ."
- Thực tế: Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư: "Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ gian bạc lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?"
Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói: "Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt."
Các đệ tử giật mình nên hỏi: "Sao thầy không khuyên bảo anh ta đừng chơi bài nữa?"
Minh Sư trả lời một cách ngắn gọn và đầy ý nghĩa như sau: "Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi."
- Tin đồn: Đệ tử nóng lòng muốn thuật lại Minh Sư tiếng đồn nghe ngóng ngoài chợ.
Minh Sư nói: "Hãy thư thả. Con định thuật lại những gì? Chuyện có thực không?”
“Con không tin như thế.”
“Chuyện hữu ích không?”
“Dạ không.”
“Chuyện vui không?”
“Dạ không.”
“Vậy tại sao chúng ta phải nghe những chuyện đó."
- Thoải mái tâm linh: Minh Sư thường nói rằng không một từ ngữ nào là thô tục nếu chúng được sử dụng trong một ngữ cảnh thích hợp.
Khi người ta nói cho ngài hay là một đệ tử có thói quen hay thề thốt, ngài đã đưa ra nhận xét như sau: "Mọi người thừa biết rằng những lời thề thốt sẽ mang lại sự thoải mái tinh thần khi nào kinh nguyện không đem đến được."
- Chuyện tầm phào: Một đệ tử thú nhận có tật xấu thích ngồi lê đôi mách.
Bằng một giọng ranh mãnh, Minh Sư đáp: "Lặp đi lặp lại những chuyện tầm phào thì không đến nỗi tệ nếu con không thêm thắt vào đấy.”
- Náo động: Các đệ tử không ngừng xin Minh-Sư ban bố những lời minh triết; ngài phán bảo họ: "Minh triết không được biểu thị bằng lời nói. Minh triết được biểu lộ bằng việc làm."
Nhưng khi thấy đệ tử lăn xả vào hành động, Minh Sư cười thoải mái và nói: "Đó không phải là hành động mà là náo động."
- Tù ngục: Minh-Sư nói với đệ tử: "Con quá tự hào về trí thông minh của con. Con chẳng khác nào một tù nhân hãnh diện về chiều rộng của xà lim nhốt mình.”
"Múa cột" - Thiếu nữ Nhật Bản
PHẦN II
- Căn tính: “Người ta tìm kiếm sự hợp nhất với Thượng Đế như thế nào?”
"Con càng khổ công tìm kiếm bao nhiêu thì con càng tạo ra khoảng cách giữa Chúa và con bấy nhiêu.”
“Vậy người ta nên làm gì đối với khoảng cách đó?”
“Con phải hiểu rằng khoảng cách đó không có.”
“Điều đó có nghĩa là Chúa và con chỉ là một ư?”
“Không phải một, cũng không phải hai.”
“Làm sao có thể như thế được?”
“Mặt trời và ánh sáng mặt trời, đại-dương và những đợt sóng của đại-dương, ca-sĩ và bài ca - không phải một. Cũng không phải hai."
- Phân biệt: Người bị tình phụ nói: "Con bị phỏng tay một lần. Con sẽ không bao giờ si tình nữa."
Minh Sư đáp: "Con chẳng khác nào con mèo bị phỏng vì ngồi ở trên lò lửa, rồi từ chối sẽ không bao giờ ngồi xuống nữa."
- Máy móc: Ngày kia, Minh Sư hỏi đệ tử: "Điều nào quan-trọng hơn: minh triết hay hành động?"
Các đệ tử đều nhất trí trả lời: "Hành động dĩ nhiên rồi. Có ích lợi gì nếu sự minh triết không được thể hiện bằng hành động?"
Minh Sư đáp: "Và hành động có ích lợi gì nếu phát xuất từ một quả tim không thức giác?"
-Tôn kính: Đối với một đệ tử tỏ ra tôn kính một cách thái quá, Minh Sư bảo: "Ánh sáng phản chiếu trên tường. Tại sao phải tôn kính bức tường? Con nên chú tâm vào ánh sáng thì hơn."
- Tránh né: Một du khách xem xét chân dung các vị Minh Sư quá cố ở trong đền thờ và nói: "Còn có những Minh Sư nào ở trên đời này nữa không?"
Hướng dẫn viên trả lời: "Còn có một vị."
Du khách van nài được diện kiến vị Minh Sư đó và bắt đầu đặt câu hỏi: “Ngày nay người ta có thể tìm gặp những vị đại Minh-Sư ở đâu?"
Minh Sư la lên: "Này lữ khách!"
Du khách kính cẩn trả lời: "Thưa ngài!"
"ÔNG đang ở đâu vậy?"
- Số phận: Một bà than vãn về số phận của mình, Minh Sư bảo: "Chính bà làm nên số phận của bà."
"Nhưng chắc chắn không phải tôi chịu trách nhiệm việc tôi sinh ra làm đàn bà?"
"Sinh ra làm đàn bà không phải là số phận. Đó là định mệnh. Số phận là cách thức mà bà chấp nhận nữ tính của mình và là điều mà bà làm nên với cái nữ tính ấy."
- Tái sinh: Minh Sư bảo: "Hãy đoạn tuyệt với quá khứ và con sẽ giác ngộ."
“Con đang thực hiện điều đó từng giai đoạn một"
"Sự tăng trưởng đạt được qua từng giai đoạn. Giác ngộ thì nhất thời."
Về sau, Minh Sư nói: "Hãy nhảy vọt! Con không thể vượt qua cái hố bằng những bước nho nhỏ được."
- Mơ mộng: “Chừng nào con Giác Ngộ?”
Minh Sư trả lời: "Khi con thấy được.”
“Thấy được gì?”
“Thấy cây cối, bông hoa và trăng sao.”
“Nhưng con thấy các thứ đó mỗi ngày.”
“Không, những gì con thấy là những cây cối bằng giấy, bông hoa bằng giấy, và trăng sao bằng giấy. Bởi vì con không sống trong thực tại mà sống trong ngôn ngữ và tư duy của con mà thôi."
Và vì cẩn trọng, Minh Sư dịu dàng nói thêm: "Khổ nỗi, con sống một cuộc sống bằng giấy và con sẽ chết một cái chết bằng giấy."
- Biến đổi: Một đệ tử không ngừng than phiền những người chung quanh; Minh Sư phán bảo anh ta: "Nếu con muốn được yên tĩnh, con phải lo thay đổi chính con, chứ không phải thay đổi người khác. Bao bọc chân mình bằng đôi hài thì dễ hơn là lót thảm khắp cùng mặt đất."
- Phản ứng: Người ta hỏi Minh Sư dựa trên tiêu chuẩn nào để chọn lựa đệ tử.
Ngài bảo: "Nhất cử nhất động, tôi đều thực thi trong sự phục tùng khiêm tốn. Do đó, những người tỏ ra cao ngạo trước sự khiêm tốn của tôi, tôi chối từ ngay. Đối với những người quá tôn kính tôi vì tôi có thái độ khiêm tốn, thì tôi cũng từ chối nhanh như thế.”
- Triết lý: Trước khi xin làm đệ tử, thỉnh sinh muốn Minh Sư xác quyết đôi điều.
“Thầy có thể dạy bảo con về mục đích của nhân sinh không?"
“Thầy không thể.”
“Hay ít ra, thầy có thể dạy con về ý nghĩa cuộc đời chứ?”
“Thầy không thể.’
“Thầy có thể cắt nghĩa cho con bản chất sự chết và sự sống ở đời sau không?”
“Thầy không thể."
Khách hành hương ra về, lòng đầy khinh miệt. Đệ tử chán nản vì Minh Sư đã để lộ sự kém cỏi của mình.
Bằng một giọng dịu dàng, Minh-Sư giải thích như sau: "Tìm hiểu bản chất và ý-nghĩa cuộc sống để làm gì, nếu các con không bao giờ cảm nếm cuộc sống? Thầy mong muốn các con nên thưởng thức mẩu bánh của mình hơn là nói dông nói dài về cái bánh ấy."
- Làm đệ tử: Một khách hành hương muốn trở thành đệ tư,û Minh Sư nói với ông: "Bạn có thể sống với tôi, nhưng bạn đừng trở thành người theo tôi.”
“Như vậy, con sẽ theo ai?”
“Không theo ai hết. Ngày nào bạn theo một ai đó thì bạn hết theo Chân-Lý."
- Mù quáng: “Con có thể trở thành đệ tử của thầy không?”
"Con chỉ là đệ tử vì mắt con nhắm nghiền lại. Ngày nào mắt con mở ra, con sẽ thấy rằng không có gì để con có thể học hỏi với thầy hay với bất cứ ai.”
“Như vậy Minh Sư để làm gì?”
“Để cho con thấy rằng không cần phải có Minh Sư."
- Trung gian: Một khách hành hương hỏi một đệ tử: "Tại sao bạn cần tới Minh Sư?"
Đệ tử trả lời: "Để được đun nóng, nước cần tới một cái ấm để làm trung gian giữa nó với lửa."
- Sống còn: Ngày nào cũng thế, đệ tử chỉ hỏi Minh Sư mỗi một câu: "Làm thế nào con gặp được Thượng Đế?"
Và ngày nào Minh Sư cũng trả lời một câu giống nhau, đầy bí ẩn: "Bằng sự ước muốn.”
“Nhưng con ao ước Thượng Đế hết tâm-hồn! Vậy tại sao con không gặp được Ngài?"
Ngày kia, có dịp Minh Sư cùng đệ tử đó đi tắm trong một dòng sông. Ngài dìm đầu đệ tử xuống nước và cứ giữ như thế trong khi đệ tử đáng thương kia vùng vẫy một cách tuyệt vọng để cố thoát thân.
Hôm sau, Minh Sư bắt đầu gợi chuyện: "Tại sao con cố vùng vẫy như thế khi thầy dìm đầu con xuống nước?”
“Bởi vì con muốn hít thở không khí.”
“Khi con nhận lãnh ơn khao khát hít thở Thượng Đế cũng như con khao khát hít thở không khí thì con sẽ gặp gỡ Ngài."
- Lệ thuộc: Một đệ tử quá lệ thuộc vào sách vở, Minh Sư bảo anh:
"Một người đi chợ bị mất mảnh giấy ghi chép các món hàng phải mua. Nhưng khi kiếm lại được, anh ta rất đỗi vui mừng, vội vàng đọc đi đọc lại và bám vào đấy cho đến khi mua sắm xong - sau đó anh vứt đi như một mảnh giấy lộn vô giá trị."
- Tốn thoát: Minh Sư đã trở thành một huyền thoại trong khi còn sống. Tiếng đồn ngày kia Chúa hỏi ý kiến như sau: "Cha muốn chơi trò cút bắt với loài người. Cha đã hỏi các thiên sứ chỗ nào tốt nhất để ẩn trốn. Có thiên sứ nói ở dưới đáy đại dương. Thiên-sứ khác nói ở trên đỉnh núi cao. Thiên sứ khác lại nói ở mặt tối phía sau mặt trăng hay ở một hành tinh xa xôi nào đó. Còn con, con đề nghị thế nào?"
Minh Sư thưa: "Xin Cha hãy ẩn núp trong tâm con người. Đó là nơi cuối cùng mà người ta nghĩ tới!"
- Bất bạo động: Một con rắn độc ở trong làng đã cắn nhiều người đến nỗi ít ai dám mạo hiểm đi ra ngoài đồng.
Người ta nói rằng Minh Sư thánh thiện đến nỗi ngài đã chế ngự con rắn và khuyên bảo nó thực thi tinh thần bất bạo động.
Chẳng bao lâu, dân làng khám phá ra rằng con rắn đã trở thành vô hại. Họ bắt đầu ném đá và kéo đuôi nó.
Họ đánh đập con rắn một cách tồi tệ và một đêm kia nó đã bò vào nhà Minh Sư để ta thán. Ngài bảo nó: "Bạn ơi, bạn không làm cho dân làng sợ nữa, tội nghiệp thật!"
"Nhưng phải chăng chính ngài đã dạy tôi thực thi tinh thần bất bạo động?”
“Tôi bảo bạn đừng cắn - chứ không bảo bạn đừng rít lên."
- Đãng trí: Các đệ tử bàn cãi sôi nổi để xem công việc nào là khó khăn nhất:
Viết ra điều mà Chúa mạc khải là Thánh Kinh, hiểu những gì Chúa đã mạc khải trong Thánh Kinh hoặc giải nghĩa cho kẻ khác về Thánh Kinh sau khi mình đã lãnh hội được.
Khi được hỏi kiến, Minh Sư trả lời: "Thầy biết được một công việc khó khăn hơn bất cứ việc nào trong ba việc kể trên."
"Đó là gì?”
“Là cố gắng làm cho một đám ngu muội như các con nhận thức đúng thực tế."
- Hồi hương: Minh Sư bảo: "Có ba giai đoạn trong tiến trình tu đức đối với mỗi người: giai đoạn thể chất, giai đoạn tâm linh và giai đoạn thần linh."
Các đệ tử nôn nóng hỏi: "Giai đoạn thể chất là gì?”
“Đó là giai-đoạn mà người ta thấy cây cối là cây cối và núi non là núi non.
“Giai đoạn tâm linh là gì?”
“Đó là khi người ta nhìn sự vật một cách thâm sâu hơn - và rồi người ta nhận thấy cây cối không còn là cây cối nữa và núi non không còn là núi non nữa.”
“Và giai đoạn thần linh là gì?"
Minh Sư cười sảng khoái trả lời: "À! Đó là Giác Ngộ, khi cây cối trở lại cây cối và núi non trở lại núi non."
- Cằn cỗi: Minh Sư cho rằng những bài diễn văn uyên bác chẳng ích lợi gì. Ngài gọi đó là "Những viên ngọc quí của sự minh triết."
Các đệ tử hỏi: "Nếu những diễn từ đó là những viên ngọc quí, sao thầy tỏ vẻ khinh miệt như thế?"
Minh Sư trả lời: "Các con biết có viên ngọc quí nào từng mọc lên khi người ta ươm trồng chúng trong một cánh đồng không?"
- Thinh lặng: "Kiến thức và lòng mộ đạo của các con thì có ích lợi gì? Một con lừa có trở thành khôn ngoan chăng vì sống ở trong thư viện? Hay một con chuột có đạt sự thánh thiện chăng vì sống ở trong nhà thờ?”
"Vậy thì chúng con cần phải có điều gì?”
“Một con tim.”
“Làm thế nào để có được?"
Minh Sư lặng thinh không nói. Ngài phải nói sao để họ không biến mọi sự thành một môn để học hoặc một đối tượng để thờ?
- Tới đích: “Con đường đưa tới thức giác khó hay dễ?"
"Cũng không khó, cũng không dễ.”
“Tại sao vậy?”
“Tại vì thức giác không thực hữu.”
“Vậy phải đi như thế nào để tới đích?”
“Không phải đi. Đó là một hành trình không có khoảng cách. Hãy dừng bước và các con sẽ tới."
- Tiến hóa: Ngày hôm sau Minh Sư bảo: "Trời hỡi! Đi thì dễ hơn dừng lại."
Các đệ tử muốn biết tại sao.
“Vì ngày nào các con còn bước đi để đạt tới một mục đích, thì các con còn có thể bám víu vào một ước mơ. Khi dừng lại, các con phải đối diện với thực tế."
Các đệ tử đâm ra hoang mang nên hỏi: "Làm thế nào các con có thể thay đổi được nếu không có mục tiêu hay những điều ước mơ?”
“Thay đổi thực sự là thay đổi mà không cần ý chí. Hãy đối diện với thực tế, rồi sự thay đổi không ý chí sẽ xảy ra."
- Vô ý thức: “Con có thể tìm thấy Thượng Đế ở đâu ?"
"Ngài đang ở trước mặt con đây.”
“Vậy tại sao con không nhìn ra Ngài?”
“Tại sao người say rượu không thể nhìn ra ngôi nhà của mình?"
Về sau, Minh Sư nói: "Con hãy tìm cho ra điều đã làm cho con say sưa. Muốn nhìn ra, các con phải điều độ hơn."
- Trách nhiệm: Minh Sư đi chu du với một đệ tử. Tới gần làng, họ gặp phải ông Thống Đốc. Vị này tưởng nhầm hai thầy trò tới chúc mừng ông đến thăm làng nên tuyên bố: "Thật không cần thiết phải phiền quí vị đến đây để đón tiếp tôi."
Đệ tử trả lời: "Thưa ngài, ngài lầm rồi, chúng tôi đi chu du. Nhưng giả như chúng tôi có biết ngài đến thăm, chúng tôi sẵn sàng nhọc công hơn nữa để đến đón tiếp ngài."
Minh Sư không thốt lời gì. Chiều tối, ngài nói: "Có thật cần thiết để con nói ra là chúng ta đã không đến để chúc mừng ông thống-đốc? Con có nhận ra là ông ta cảm thấy mình ngớ ngẩn như thế nào không?”
“Nhưng nếu chúng ta không nói lên sự thật, chẳng phải là chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi vì đã dối gạt ổng sao?”
“Chúng ta không hề dối gạt. Chính ông ta tự lừa dối mình thôi."
- Vô thần: Các đệ tử rất vui mừng khi được Minh Sư cho biết là ngài mong muốn có được một chiếc áo mới cho ngày sinh nhật của ngài. Người ta đã mua vải tốt nhất. Ông thợ may trong làng đã đến lấy ni cho Minh Sư và hứa rằng, nếu Thượng Đế muốn, chiếc áo sẽ hoàn tất trong một tuần lễ.
Sau một tuần, một đệ tử được phái tới nhà ông thợ may trong khi Minh Sư đang hết sức mong đợi chiếc áo mới. Ông thợ may phân trần: "Vì có một chút trục trặc. Nhưng nếu Chúa muốn, chiếc áo sẽ hoàn tất ngày mai."
Hôm sau, ông thợ may lại phân bua: "Rất tiếc, chiếc áo chưa xong được. Xin vui lòng trở lại ngày mai nữa và, nếu Chúa muốn, chiếc áo sẽ xong, chẳng chút sai chạy."
Hôm sau nữa, Minh Sư bảo đệ tử: "Con hãy hỏi ông ta phải mất hết bao lâu nếu ông để Chúa đứng ngoài công việc ấy?"
- Phóng tâm: “Tại sao mọi người ở đây đều hạnh phúc đến thế, chỉ trừ một mình con thôi?"
Minh Sư trả lời: "Bởi vì họ đã học cách thấy đâu đâu cũng đều thiện hảo và đẹp đẽ cả.”
“Tại sao con không thấy thiện hảo và tốt đẹp ở đâu hết?”
“Tại vì con không thể nhìn thấy ở bên ngoài con điều mà con không thấy được ở bên trong con."
- Ưu tiên: Theo một huyền thoại, Thượng Đế đã sai một Thiên Sứ đến với Minh Sư kèm theo sứ điệp như sau: "Con hãy xin sống tới một triệu năm và lời cầu xin đó sẽ được chấp nhận. Cho dẫu một triệu triệu năm cũng được. Vậy con muốn sống bao nhiêu năm?"
Minh Sư trả lời không chút do dự: "Tám chục năm."
Các đệ tử rầu rĩ: "Nhưng, thầy ôi, nếu thầy sống tới một triệu năm, thầy thử xem bao nhiêu thế hệ sẽ được hưởng lợi ích do sự minh triết của thầy.”
"Nếu thầy sống tới một triệu năm, người đời sẽ tha thiết muốn kéo dài đời sống hơn là trau dồi sự minh triết."
- Không cần nỗ lực: Có một người do dự dấn thân vào việc thăng tiến tâm linh vì sợ phải nỗ lực và từ bỏ; Minh Sư bảo người ấy:
"Phải cần đến bao nhiêu nỗ lực và từ bỏ để mở mắt ra mà nhìn thấy?"
Thất Sơn Phu Tử
Trong bộ bikini gợi cảm, Thu Hà khéo léo khoe vẻ đẹp căng tròn của thiếu nữ 17.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét