"Hoa loa kèn" - Hotgirl châu Á |
Chỉ cần một phút để đọc mỗi một giai thoại sau đây. Có thể quí vị sẽ thấy ngôn từ của Minh Sư chói tai, gây phẫn nộ, hoặc hoàn toàn vô nghĩa. (ảnh không liên quan đến bài viết)
- Buông thả: “Con phải làm gì để được thức giác?"
"Không làm gì hết"
“Sao lại không?”
“Tại vì không phải làm một điều gì mà người ta đạt tới thức giác.
Thức giác xảy tới tự nhiên.”
“Vậy thì không bao giờ có thể đạt tới thức giác?”
“Ồ! Có chứ.”
“Bằng cách nào?”
“Bằng vô vi.”
“Và người ta phải làm gì để đạt đến vô vi?
“Người ta phải làm gì để thiếp ngủ và để thức giấc?"
- Diễn đạt: Một văn hào sưu tầm đạo giáo quan tâm đến những
quan điểm của Minh Sư nên hỏi: “Người ta khám phá Thượng Đế như thế nào?”
Minh Sư trả lời sắc bén: “Qua việc làm con tim trắng trẻo bằng
thiền quán, chứ không phải bôi đen những trang giấy bằng những diễn từ đạo
giáo."
Và quay sang các đệ tử trí thức, Minh Sư nói thêm bằng giọng châm
biếm: “Hoặc làm cho không khí trở nên dày đặc bởi những cuộc tranh luận uyên
bác.”
- Khám phá: "Xin thầy giúp con tìm thấy Thượng Đế."
"Không ai có thể giúp con được.”
“Tại sao vậy?”
“Cũng một lý do là không ai có thể giúp cá biển khám phá ra đại
dương."
- Ẩn dật: “Con sẽ giúp đỡ thế giới như thế nào?"
Minh Sư đáp: "Bằng cách tìm hiểu thế giới.”
“Và con sẽ tìm hiểu thế giới như thế nào?”
“Bằng cách xa lánh thế giới.”
“Như vậy con sẽ phục vụ nhân loại thế nào?”
“Bằng cách tìm hiểu chính con.”
- Tiếp thu: “Con muốn học tập. Thầy sẽ chỉ dạy cho chúng con
không?"
Minh Sư đáp: "Thầy không nghĩ rằng con biết cách học tập.”
“Có thể nào thầy chỉ dạy con cách học tập không?”
“Chúng con có thể học cách thức để cho thầy dạy không?"
Thấy những đệ tử hoang mang, về sau Minh-Sư nói thêm: "Chỉ có
'dạy' khi nào có 'học'. Chỉ có 'học' khi nào con 'dạy' một điều gì đó cho bản
thân mình.
- Hoán cải: Một nhóm đệ tử nóng lòng đi hành hương, Minh Sư
bảo họ: "Hãy mang quả mướp đắng này theo các con. Hãy nhớ nhúng nó vào
những giòng sông thánh và mang nó vào mọi nơi linh thiêng."
Khi đệ tử trở về, trái mướp đắng được đem nấu chín và thở thành
một món ăn nhiệm tích.
Sau khi nếm món ăn đó Minh Sư nói bằng một giọng ranh mãnh:
"Lạ thật, nước thánh và những đền đài linh thiêng không làm cho quả mướp
đắng trở nên ngọt hơn!"
- Nhân quả: Mọi người rất đỗi ngạc nhiên về ẩn dụ mang tính
cách rất thời sự của Minh Sư: "Đời sống chẳng khác gì một chiếc xe
hơi."
Các đệ tử đợi chờ trong thinh lặng vì biết rằng trước sau gì rồi
cũng được nghe lời giải thích:
Cuối cùng Minh Sư bảo: "Ồ, phải rồi. Người ta có thể dùng một
chiếc xe hơi để vượt đèo cao."
Mọi người lại im lặng.
"Nhưng đa số người ta nằm trước xe hơi, tự ý để cho xe cán
lên. Rồi họ đổ thừa cho chiếc xe hơi gây ra tai nạn."
- Cưỡng bách: Đối với những người muốn trở thành đệ tử, Minh
Sư đòi hỏi phải nghiêm túc trong mục đích của mình.
Tuy nhiên, Minh Sư quở trách những đệ tử quá căng thẳng trong
những nỗ lực tu đức. Thái độ ngài đề xướng là một sự nghiêm túc thoải mái hay
một sự thoải mái nghiêm túc - cũng như thái độ của vận động viên trong trận đấu
hay của kịch sĩ trên sàn diễn.
Và cần phải rất là kiên nhẫn. Ngài nói: "Những bông hoa bị ép
nở thì mất đi hương thơm. Những hoa trái bị ép chín thì mất đi vị ngọt."
- Tính toán: Minh Sư thường hay trêu những đệ tử suy nghĩ
miên man trước khi quyết định.
Ngài nói thế này: "Những ai suy nghĩ cho đến độ chín muồi
trước khi bước tới một bước thì sẽ đứng mãi trên một chân cho đến suốt
đời."
- Cải cách: Tu viện có những luật lệ, nhưng Minh Sư luôn luôn
cảnh cáo đệ tử về sự câu thúc của luật lệ.
Ngài thường bảo: "Đức vâng lời giúp ta giữ luật. Tình yêu
giúp ta biết rõ lúc nào phải phá luật."
- Bắt trước: Sau khi đạt ngộ, Minh Sư bắt đầu sống giản dị,
vì ngài nhận thấy sống đơn giản thích hợp với sở thích của mình.
Minh Sư cảm thấy buồn cười khi biết đệ tử bắt đầu sống giản dị vì
bắt chước mình.
Ngài nói: "ích lợi gì đâu khi mô phỏng lối sống của thầy mà
thiếu độâng cơ thúc đẩy như thầy. Hoặc chọn động cơ thúc đẩy của thầy mà thiếu
cái quan điểm đã phát sinh ra động cơ đó?”
Các đệ tử được hiểu rõ hơn khi nghe ngài nói: "Một con dê mọc
râu thì có trở thành một Rab-bi được chăng?"
- Đơn độc: Có một đệ tử lúc nào cũng tìm kiếm những giải đáp
từ Minh Sư, ngài bảo anh: "Ở trong con có sẵn giải đáp cho mọi vấn nạn của
mình - con chỉ cần biết cách tìm ra giải đáp ấy thôi."
Và ngày kia, ngài tuyên-bố: "Ở trong thế giới tinh thần, con
không thể bước đi nhờ vào ánh sáng của ngọn đèn người khác. Con muốn mượn cây
đèn của thầy. Thầy thấy tốt hơn hết là dạy con cách tự làm lấy cây đèn cho chính
con."
- Thiển cận: Minh Sư nói với một đệ tử sống trên mây:
"Nếu con biến thầy thành một người có thẩm quyền đối với con, thì con đã
làm hại chính con, vì con không nhìn xem mọi việc bằng chính đôi mắt của
con."
Và nghĩ một chút, ngài nói nhỏ nhẹ: "Con cũng làm hại thầy
nữa, vì con không nhìn thầy đúng như con người thực của thầy."
- Khiêm tốn: Một du khách tự cho mình là người truy tầm Chân
Lý, Minh Sư bảo ông: "Nếu bạn tìm kiếm Chân Lý, thì bạn phải có một điều
vượt lên trên hết mọi điều khác.”
"Tôi biết. Đó là lòng say mê không thể cưỡng được đối với
Chân-Lý.”
“Không phải đâu. Đó là thái độ sẵn sàng chấp nhận rằng bạn có thể
sai lầm.”
- Trấn áp: Minh Sư đã hôn mê từ nhiều tuần lễ và ở trong tình
trạng thập tử nhất sinh. Ngày kia, thình lình mở mắt ra, ngài nhận thấy người
đệ tử mà ngài quý mến đang ngồi bên cạnh.
Ngài hỏi nhỏ nhẹ: "Con không rời cạnh giường thầy chút nào
phải không?”
"Thưa thầy, không. Con không thể nào rời được.”
“Tại sao vậy?”
“Vì thầy là ánh sáng đời con."
Minh Sư thở dài não nuột: "Con ơi, có phải thầy làm lóe mắt
con rồi không, nên con đành không nhận ra ánh sáng ở trong con?"
- Phát triển: Minh Sư ngồi say mê chăm chú khi một kinh tế
gia nổi tiếng cắt nghĩa kế hoạch phát triển của mình.
Ngài hỏi: "Trong một lý thuyết kinh tế, xem sự phát triển là
điều duy nhất đáng quan tâm có nên chăng?"
“Vâng, mọi phát triển tự bản chất là tốt rồi."
Minh Sư nói: "Chẳng phải đó cũng là cách suy nghĩ của tế bào
ung thư sao?”
- Chấp nhận: “Làm thế nào để tôi có thể trở thành một vĩ nhân
như thầy."
Minh Sư đáp: "Tại sao phải trở thành một vĩ nhân? Thành nhân
đã là một kỳ công vĩ đại rồi!"
- Bạo lực: Minh Sư luôn giảng dạy rằng mặc cảm tội lỗi là một
cảm xúc không lành mạnh và người ta nên xa lánh như ma quỉ vậy - mọi mặc cảm
tội lỗi.
Ngày kia một đệ tử hỏi: "Nhưng người ta phải chê ghét tội lỗi
của mình chứ?"
"Khi con có mặc cảm tội lỗi thì điều con ghét không phải là
tội lỗi mà chính là bản thân mình.”
- Không thích đáng: Trong buổi thảo luận công khai hôm đó,
mọi câu hỏi đều quay chung quanh đời sống sau khi chết.
Minh Sư chỉ cười và không trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Các đệ tử hỏi cho biết tại sao Minh Sư đã tránh né, về sau ngài
đáp cho họ: "Các con có nhận thấy chăng chính những người không biết phải
sống đời sống này như thế nào mới khao-khát một đời sống khác, một đời sống
vĩnh cửu?”
Một đệ-tử khẩn-khoản hỏi: "Nhưng có hay không có sự sống sau
khi chết?"
Minh-Sư trả lời cách bí ẩn: "Có sự sống trước khi chết không?
Đó mới là vấn đề!"
- Thách đố: Một đệ tử thích dễ dãi, than phiền là không
bao-giờ cảm nhận được sự thanh tịnh mà Minh Sư hằng khuyến khích.
Ngài giảng giải: "Sự thanh tịnh chỉ đến với người hoạt động
mà thôi."
- Ý thức hệ: Một nhóm người tranh đấu chính trị cố trình bày
cho Minh Sư cách thức mà ý thức hệ của họ có thể thay đổi bộ mặt thế giới.
Minh Sư chăm chú lắng nghe.
Ngày hôm sau ngài nói: "Một ý thức hệ tốt hay xấu cũng tùy
thuộc những người sử dụng nữa. Nếu một triệu con chó sói tụ tập lại để tranh
đấu cho công lý thì có phải vì thế mà chúng không còn là một triệu con chó sói
nữa chăng?"
- Luân lý: Các đệ tử thường mải mê về những câu hỏi đúng hay
sai. Đôi khi câu giải đáp khá minh bạch. Đôi khi rất là vu vơ.
Nếu Minh Sư tình cờ có mặt trong các buổi thảo luận đó, ngài không
can dự vào.
Ngày kia người ta hỏi ngài câu này: "Giết kẻ tìm cách giết
mình; điều đó đúng hay sai?”
Minh-Sư đáp: "Làm sao thầy biết được."
Các đệ tử sửng sốt trả lời: "Vậy làm thế nào để phân biệt
đúng hay sai?"
Minh Sư nói: "Bao lâu các con còn sống, hãy giết chết cái tôi
của mình, cho nó chết thật. Rồi hãy hành động như các con muốn và hành động các
con sẽ đúng."
- Tưởng tượng: “Kẻ thù lớn nhất của thức giác là gì?"
"Là sự sợ hãi.”
“Và sự sợ hãi do đâu mà đến?”
“Do ảo tưởng.”
“Và ảo tưởng là gì?”
“Là tưởng rằng những bông hoa quanh mình là những con rắn độc.”
“Làm thế nào để con có thể đạt được giác thức?”
“Con hãy mở mắt để thấy.”
“Thấy gì?”
“Thấy rằng không có con rắn độc nào ở chung quanh con."
- Điều khiển từ xa: Đối với một đệ tử nhút nhát muốn trở nên
tự tin, Minh Sư bảo: "Con tìm điều xác quyết trong ánh mắt kẻ khác và con
nghĩ đó là sự tự tin."
“Vậy thì con không nên xem trọng ý kiến của kẻ khác ư?”
‘Ngược lại là khác. Con hãy xem trọng mọi điều kẻ khác nói, nhưng
đừng để ý kiến họ khống chế con.”
“Làm thế nào để đập tan sự khống chế đó?”
“Làm thế nào để người ta đập tan một ảo tưởng?"
- Đầu tư: “Làm thế nào để con có thể thoát khỏi sự sợ
hãi?"
"Làm thế nào để bạn thoát khỏi cái mà bạn đang bám vào?”
“Thầy muốn ám chỉ là con đang bám vào những sự sợ hãi của con? Con
không thể đồng ý điều đó."
“Bạn hãy xét xem sự sợ hãi đang che chở bạn điều gì và bạn sẽ đồng
ý! Rồi bạn sẽ thấy sự điên rồ của mình."
- Nhận thức: “Sự cứu rỗi đạt được nhờ hành động hay nhờ thiền
quán?"
"Không nhờ hành động cũng như thiền quán. Sự cứu rỗi đạt được
khi người ta thấy.”
“Thấy gì?”
“Thấy rằng cái kiềng bằng vàng mà bạn mong có được thì đang tròng
vào cổ của bạn. Thấy rằng con rắn mà bạn khiếp sợ chỉ là một khúc nhợ kéo lê
lết trên mặt đất."
- Mông du: Minh Sư cởi mở khiến đệ tử bạo dạn hỏi: “Xin nói
cho chúng con biết thầy đạt được điều gì khi Giác Ngộ. Thầy đã đạt tới thiên
tính chưa?”
"Chưa.”
“Thầy đã trở thành một vị thánh chưa?”
“Chưa.”
“Vậy thầy đã đạt được điều gì?”
“Một người thức giác."
- Buông bỏ: Các đệ tử tò mò muốn biết tại sao Minh Sư sống
rất đạm-bạc nhưng không bao giờ kết án những môn đồ giàu có.
Ngày kia ngài nói: "Thật là hiếm-hoi, nhưng không phải là
không có, một người vừa giàu có vừa thánh thiện."
“Như thế nào?”
“Khi tiền tài ảnh hưởng trên con tim người ấy giống như bóng tre
ngả xuống sân."
Đệ tử quay lại để nhìn bóng tre quét mặt sân mà không lay động một
hạt bụi nào.
- Phân biệt: Minh Sư cùng vài đệ tử dạo chơi dọc theo bờ
sông.
Ngài nói: "Các con hãy xem, cá tung tăng lội bằng thích.
Chúng khoái trá thật.”
Có người khách lạ nghe trộm như thế liền nói: "Làm sao ngài
biết cá khoái trá - ngài có phải là cá đâu?"
Các đệ tử kinh ngạc vì sự hỗn xược đó. Minh Sư mỉm cười về điều mà
ngài nhận ra là thái độ vô uý trong vấn đề học hỏi .
Ngài đáp trả cách nhã nhặn: "Còn bạn, làm sao bạn biết tôi
không phải là cá - bạn có phải là tôi đâu?"
Các đệ tử cười khoái trá, cho đó là một câu trả đũa đích đáng.
Riêng người khách lạ cảm thấy bàng hoàng vì những lời nói thâm thúy đó.
Ông ta suy nghĩ suốt ngày rồi tìm tới tu viện và nói: "Có lẽ
ngài không khác loài cá như tôi đã tưởng. Và tôi cũng không khác ngài."
- Sáng tạo: Người ta biết Minh Sư đứng về phía cách mạng, bất
chấp việc làm phật ý chính quyền.
Khi được hỏi lý do tại sao chính ngài lại từ chối tham gia tích
cực công việc cách mạng xã hội, Minh Sư trả lời bằng câu ngạn ngữ đầy bí ẩn sau
đây:
"Ta ngồi yên
Ta vô vi
Xuân vẫn đến
Cỏ vẫn mọc.
- Triển vọng: Thấy Minh Sư vui tính nên đệ tử đặt nhiều câu hỏi. Họ hỏi có bao giờ ngài xuống tinh thần không.
Minh Sư bảo rằng có.
Họ lại khăng khăng hỏi: “Thế nhưng lúc nào ngài cũng hạnh phúc, có đúng như vậy không ?”
“Đúng như vậy!”
Họ muốn biết bí quyết là gì.
Minh Sư nói: “Bí quyết như thế nầy: mọi chuyện có thể trở nên tốt hay xấu do ý tưởng của người ta đối với việc đó."
- Chia ly: Những giáo huấn của Minh Sư đã làm phật lòng Chính Phủ nên ngài bị đày biệt xứ.
Khi đệ tử hỏi ngài có cảm thấy nổi sầu viễn xứ không, Minh Sư trả lời: “Không.”
Họ phản đối lại: "Nhưng không nhớ nhà thì không phải là con người! “
Minh Sư đáp lại: "Ta chỉ hết cảm thấy bị lưu đày ngày nào ta khám phá ra rằng thế giới này là nhà mình."
- Thay đổi: Một sử gia thăm viếng Minh Sư, ông rất ưa tranh luận.
Ông ta hỏi: "Những cố gắng của chúng ta không làm thay đổi giòng lịch sử nhân loại sao?"
Minh Sư trả lời: "Ồ! Có chứ.”
“Và lao động của con người không làm thay đổi trái đất sao?”
Minh Sư đáp: “Chắc chắn rồi.”
“Vậy tại sao ngài dạy rằng những cố gắng của con người không mang lại chút kết quả gì hết?"
Minh Sư đáp: "Bởi vì khi gió lặng, thì lá vẫn rơi rụng như thường."
- Nhìn nhận: Khi Minh Sư trở nên già yếu, tàn-tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa trần. Minh Sư bảo: "Giả như thầy không rời các con, làm sao các con thấy được?"
Các đệ tử hỏi: "Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?"
Nhưng Minh Sư không nói lời nào.
Khi ngài sắp lìa trần, các đệ tử hỏi: "Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?"
Với một cái chớp mắt, Minh Sư nói: "Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông. Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông."
- Nhìn vào nội tâm: Các đệ tử hăng say tranh cãi về nguyên nhân đau khổ của nhân loại.
Người này bảo là do tính ích kỷ. Người kia thì nói là do ảo tưởng. Kẻ khác thì cho là không biết phân biệt giữa hiện thực và không hiện thực.
Khi được hỏi ý-kiến, Minh Sư trả lời: "Mọi đau khổ đến từ sự việc con người không thể ngồi thinh lặng một mình."
-An nhiên tự tại: Minh Sư xem ra hững-hờ với những gì mà người đời nghĩ tưởng về ngài. Khi đệ tử hỏi ngài làm thế nào mà đạt tới sự an nhiên tự tại như thế, Minh Sư cười lớn và nói: "Tới khi thầy hai mươi tuổi, thầy không chút ưu tư về những gì người ta nghĩ tưởng về mình. Sau hai mươi tuổi, thầy thường bận tâm về những gì hàng xóm láng giềng suy nghĩ. Rồi một ngày kia, sau khi thầy được năm mươi tuổi, thầy mới nhận ra rằng, trong thực tế, không ai nghĩ tưởng về thầy hết!"
- Miễn nhiễm: Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Minh Sư xem ra không sốt sắng lắm đối với việc dạy giáo lý cho giới trẻ.
Khi được hỏi lý do tại sao, ngài nói: "Chích ngừa chúng khi còn trẻ, tức là quí vị cản trở chúng nắm bắt thực tế khi chúng trưởng thành."
- Thực chất: Minh Sư không bao giờ cảm thấy lóa mắt vì bằng cấp. Ngài để ý tới con người, chứ không phải văn bằng.
Có lần người ta nghe ngài nói: "Khi các con có tai để nghe một loài chim hót, thì các con chả cần xét xem chúng có chứng chỉ gì."
- Thành kiến: Minh Sư nói: "Không có điều gì là xấu hay tốt. Chính tư duy làm cho mọi chuyện trở nên xấu hay tốt."
Khi người ta xin Minh Sư cắt nghĩa, ngài nói: "Một người có thể giữ chay theo tôn giáo mình bảy ngày một tuần một cách vui vẻ. Còn người hàng xóm thì chết rũ khi nhịn đói như thế."
- Tự mãn: Minh Sư yêu thích những người tầm thường và ngờ vực những người nổi tiếng thánh thiện.
Một đệ tử thỉnh ý Minh Sư về vấn đề hôn nhân, ngài bảo: "Con phải cầm chắc là đừng bao giờ cưới một bà thánh."
“Tại sao không bao giờ?"
Minh Sư vui vẻ trả lời: "Bởi vì đó là cách chắc chắn nhất để biến mình thành một người tử đạo."
- Hứng thú: Một bà than vãn sự giàu có đã không làm cho bà được hạnh phúc, Minh Sư bảo: "Bà nói như thể đời sống xa hoa và sự tiện ích là những đồ gia vị đem lại hạnh phúc; trong khi đó, điều duy nhất bà cần để thực sự hạnh phúc chính là một cái gì đó để mà hứng thú"
- Chuyên chế: Đệ tử ngỡ ngàng vì có lần Minh Sư nói với một giám mục rằng những người đạo đức có khuynh hướng tự nhiên hướng về sự độc ác.
Khi vị giám mục đi rồi, các đệ tử đã hỏi: “Tại sao vậy?”
Minh Sư đáp: “Bởi vì tất cả họ dễ dàng hy sinh con người để đạt tới một mục đích.”
- Ích kỷ: Một kỹ nghệ gia giàu có hỏi Minh Sư: "Ngài làm nghề gì?"
Minh Sư trả lời: "Vô nghề nghiệp."
Kỹ nghệ gia cười ngạo nghễ: "Có phải đó là lười biếng không?"
"Trời hỡi, không phải đâu! Lười biếng thường là một tật xấu của những người lăng xăng hoạt động."
Về sau Minh Sư bảo đệ tử: "Đừng làm gì hết và mọi chuyện sẽ được thực hiện qua các con. Không làm gì hết thật sự là làm nhiều lắm đấy - hãy thử đi!”
- Minh triết: Minh Sư luôn sung sướng khi thấy người ta nhận ra sự vô minh của mình.
Ngài tuyên bố: "Minh Triết có khuynh hướng lớn lên tương ứng với giác thức về sự vô minh của chính mình."
Khi người ta xin ngài cắt nghĩa thêm, ngài trả lời: "Khi bạn nhận thấy rằng hôm nay bạn không minh triết như bạn nghĩ về mình hôm qua, thì hôm nay bạn đã minh triết hơn rồi."
- Tình yêu: Một đôi vợ chồng mới cưới hỏi: "Chúng con sẽ làm gì để tình yêu chúng con bền bỉ luôn mãi?"
Minh Sư đáp: "Các con hãy cùng nhau yêu thương những điều khác đi."
- Giàu có: Nhà kinh doanh hỏi: "Làm sao đời sống tâm linh có thể hữu ích cho một người trần tục như tôi?"
Minh Sư đáp: "Điều đó sẽ giúp bạn có được nhiều hơn.”
“Như thế nào?”
“Bằng cách dạy bạn ham muốn ít hơn."
- Phước hạnh: Một nhân viên mãi dịch cổ phần chứng khoán rất đau khổ vì gia tài khánh tận, đã đến một tu viện để tìm sự thanh thản nội tâm. Nhưng vì quá thất vọng nên không thể chiêm niệm được.
Sau khi ông ta ra về, Minh Sư đã nói một câu chua chát như sau: "Những ai nằm đất sẽ không bao giờ bị té khỏi giường."
- Phổ quát: Minh Sư thường khuyên bảo người ta đừng nên sống trong một tu viện.
Ngài hay nói: "Muốn tìm lợi ích của sách, bạn không cần phải sống trong một thư viện."
Có khi ngài còn nói một cách đanh thép hơn: "Bạn có thể đọc rất nhiều sách mà chẳng bao giờ đặt chân đến một thư viện nào cả; cũng như thực hành tu đức mà chẳng bao giờ vào một đền thờ nào."
- Dòng chảy: Khi biết chắc Minh Sư sẽ từ trần, đệ tử vô cùng thất vọng.
Minh Sư tươi cười bảo họ: "Các con không thấy rằng cái chết làm cho đời sống đáng yêu sao?"
“Dạ không. Chúng con chỉ ước mong thầy đừng bao giờ ly trần thì hơn."
"Bất cứ cái gì thực sự sống thì đều phải chết. Các con hãy nhìn xem bông hoa: chỉ những hoa giả mới không bao giờ chết."
- Mạo hiểm: Đề tài thảo luận của Minh Sư là Sự Sống.
Ngày kia Minh Sư thuật lại việc ngài gặp gỡ viên phi công đảm trách việc chuyên chở những người lao động từ Trung Hoa sang Miến Điện trong thời Đệ-Nhị Thế-Chiến để lo xây đắp những đường sá qua rừng rú. Chuyến bay thật dài và thật chán nản nên đám người lao động chơi trò đánh bạc. Vì không có tiền, họ đã đem mạng sống ra để đánh bạc - người nào thua phải nhảy khỏi máy bay không dù!
Các đệ tử kinh-hoảng la lên: "Ghê quá!"
Minh Sư nói: "Đúng thế. Nhưng đó mới làm cho cuộc đánh bài trở nên hào hứng."
Về sau, cũng trong ngày đó, ngài nói thêm: "Các con không bao giờ sống những giây phút trọn vẹn như thế cho bằng khi các con đánh bạc với chính sinh mệnh của các con."
- Tử vong: Có một đệ tử van xin Minh Sư chỉ bảo sự Minh Triết, ngài nói: "Con hãy làm thử điều nầy: nhắm nghiền mắt lại và tưởng tượng con bị rơi xuống vực thẳm với mọi sinh vật bị cuốn lôi theo con. Mỗi lần con bám vào bất cứ vật gì để chận con lại cho khỏi bị rơi thì con hãy biết rằng vật đó cũng đang rơi.”
Đệ tử đã thử như thế và anh ta không bao giờ còn là một người như trước nữa.
- Giải thoát: “Làm thế nào để con được giải thoát?"
Minh Sư đáp: "Hãy tìm cho ra ai đã trói buộc con."
Sau một tuần lễ, đệ tử đó trở lại và nói: "Dạ không ai trói buộc con hết.”
“Vậy tại sao con mong được giải thoát?"
Ngay lúc đó đệ tử được giác ngộ và lập tức anh ta cảm thấy tự do.
- Giới hạn: Minh Sư hết sức lịch sự đối với những giáo sư Đại học thăm viếng ngài nhưng không bao giờ trả lời các câu hỏi của họ hay để bị lôi cuốn vào những biện minh thần học.
Các đệ tử ngạc nhiên về điều đó và ngài bảo họ: “Có thể nào nói về đại dương với một con ếch ngồi đáy giếng - hay về thần học với những người bị giới hạn bởi những quan niệm của họ.”
- Dấn thân: Mặc dù rất ưu ái đối với mọi đệ tử, Minh-Sư không thể che giấu sự yêu chuộng những người sống “ngoài đời” như những cặp vợ chồng, thương-gia, nông-dân...hơn là những người đang sống trong tu viện.
Khi được hỏi về điều nầy, ngài nói: "Tu đức được thực thi trong một tình trạng họat động thì hơn hẳn tu đức được thực thi trong tình trạng ẩn dật.”
- Thiên nhiên: Một diễn giả cho biết chỉ một phần rất nhỏ của những số tiền khổng lồ mua bán vũ khí hiện nay sẽ đủ để giải quyết mọi vấn đề vật chất của toàn thể nhân loại.
Sau bài diễn văn, đương nhiên các đệ tử phản ứng như sau: "Vậy tại sao người ta ngu muội đến thế?"
Minh Sư trịnh trọng trả lời: "Bởi vì người ta chỉ biết đọc những quyển sách in mà thôi. Họ đã quên nghệ thuật đọc những quyển sách chưa hề xuất bản.”
Xin thầy cho chúng con một thí dụ về một quyển sách chưa hề xuất bản."
Nhưng Minh Sư không cho thí dụ nào.
Ngày kia, họ cứ dai dẳng hỏi, ngài đã trả lời như sau: "Tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng rên-rĩ, tất cả đều vang vọng Chân Lý. Cỏ cây hoa lá chỉ cho ta Con Đường trở về. Các con hãy lắng nghe! Hãy nhìn xem! Chính đó là điều phải đọc!"
- Tiên đàng: Một đệ tử bị ám ảnh bởi ý nghĩ về cuộc sống sau khi từ trần; Minh Sư nói với anh: "Tại sao con phải mất thời giờ nghĩ tới thế giới bên kia?"
"Nhưng có thể nào không nghĩ tới được sao?”
“Được chứ.”
“Như thế nào?”
“Bằng cách sống trên thiên đàng, ngay tại bây giờ và nơi đây.”
“Và thiên đàng ở đâu?”
“Ở tại nơi đây và bây giờ."
- Hiện tại: Khi các đệ tử xin một công thức về linh đạo để theo đó mà thực tập, Minh Sư chỉ trả lời giản dị như sau: "Hà! Hãy lắng nghe!"
Và khi họ nghe âm thanh của đêm trường ở bên ngoài tu viện, Minh-Sư ngâm bài thơ ngắn sau đây:
"Tuy cái chết gần kề
nhưng không hề lo lắng,
Ve sầu vẫn ve ve."
- Nhận thức: “Thức giác mang lại lợi ích gì cho thầy?"
"Sự an vui.”
“Và an vui là gì?”
“Là nhận chân rằng khi mất hết mọi sự, ta chỉ mất một món đồ chơi thôi."
- Tin tưởng: Minh Sư thường nhấn mạnh sự thánh thiện không hề tại ở điều mình "làm" cho bằng điều mình 'cho phép' xảy ra.
Vì một số đệ tử không hiểu rõ điều đó, nên Minh Sư trả lời bằng cách thuật câu chuyện sau đây:
Có một con rồng một chân ngày kia nói với con rết (trăm chân) như sau: "Làm sao bạn có thể điều khiển tất cả bao nhiêu chân đó được? Riêng tôi, tôi chỉ có thể điều khiển mỗi một chân mà thôi."
Con rết (trăm chân) trả lời: "Thật ra, tôi chả điều khiển gì hết."
- Tiếng động: Mỗi ngày Minh Sư bị người ta tới tấp đặt những câu hỏi mà ngài phải trả lời nghiêm nghị, bông đùa, lịch sự hay cứng rắn.
Có một nữ đệ tử luôn ngồi trong thinh lặng suốt mỗi buổi diển thuyết.
Khi người ta hỏi chị nghĩ gì về các buổi diển thuyết đó, chị trả lời: “Tôi không nghe được một tiếng nào của ngài. Tôi bị lo ra vì sự im lặng của ngài.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét