Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Một phút minh triết (5)

"Hoài niệm" - Hot girl Trung Quốc
Khi nghe những lời này, một đệ tử trẻ tuổi sụt sùi: "Loại giáo huấn đó không phải dành cho người sống mà cho kẻ chết".
Và anh ta bỏ đi mà không bao giờ trở lại. (ảnh không liên quan đến bài viết)
PHẦN VII
- Tổn thương: Minh Sư đề nghị một giải pháp tuyệt hảo cho một cặp vợ chồng cãi cọ nhau mãi.
Ngài nói: "Hãy chấm dứt đòi hỏi như một quyền lợi điều mà người ta có thể có được như một đặc ân.”
Tức thì cãi cọ chấm dứt ngay.
- Đối lập: Một người có đầu óc canh tân cảm thấy chán nản vì hay bị chỉ trích. Minh Sư bảo ông ta: "Bạn hãy lắng nghe những lời nói của người chỉ trích. Người ấy tiết lộ những điều mà bạn bè che giấu bạn."
Nhưng Minh Sư cũng nói: "Bạn đừng để bị nặng lòng vì những điều mà người chỉ trích nói. Không bao giờ có ai dựng tượng để tôn vinh một người chỉ trích. Những bức tượng chỉ được tạc cho những người bị chỉ trích."
- Vô tận: Không thể nào thuyết phục Minh Sư nói về Thượng Đế hay những chuyện linh thiêng. Ngài nói: "Về Thượng Đế, chúng ta chỉ có thể biết là chúng ta không biết gì hết."
Ngày kia, ngài nói về một người đã suy nghĩ rất lâu và đã có rất nhiều thao thức trước khi trở thành đệ tử. "Anh ta đã đến học hỏi với thầy đây; và kết quả là anh ta chả học được điều gì hết."
Chỉ có vài đệ tử hiểu được: Những điều Minh Sư cần dạy bảo thì không thể nào học được. Cũng chẳng dạy được. Vì vậy điều mà người ta thực sự có thể học hỏi được từ nơi Minh Sư là không có gì cả.
- Ngược đãi: Ngày kia một đệ tử nhắc lại việc những người đương thời đã dán nhãn hiệu phản loạn và lạc đạo cho Đức Phật, Chúa Giêsu và ngài Mahomet.
Minh Sư nói: "Không ai có thể nói được là mình đã đạt tới đỉnh cao của Chân Lý cho tới khi cả ngàn người chân thật tố cáo rằng mình lộng ngôn."
- Chuộc lỗi: Một người đàn ông gặp nhiều khó khăn trong đời sống vợ chồng đến thỉnh ý kiến Minh Sư. Ngài phán bảo ông: "Bạn hãy tập lắng nghe vợ mình"
Ông ta ghi nhớ trong lòng lời chỉ bảo của Minh Sư và một tháng sau, ông trở lại nói rằng đã tập lắng nghe từng lời vợ nói.
Với một nụ cười, Minh Sư bảo: "Giờ đây bạn hãy trở về nhà và lắng nghe từng lời mà vợ bạn không nói."
- Cao cả: Minh Sư thở dài nói: "Khó khăn cho thế giới ngày nay là nhân loại từ chối không chịu trưởng thành."
Một đệ tử hỏi: "Khi nào một người có thể nói được là đã trưởng thành?”
“Ngày nào mà người đó thấy không cần thiết phải nói dối về bất cứ điều gì."
- Gíac ngộ: Minh Sư là người cổ võ cả kiến thức lẫn Minh Triết.
Khi được hỏi về điều đó, ngài trả lời: "Kiến thức có được bằng cách đọc sách hay lắng nghe các bài giảng thuyết."
“Còn Minh-Triết?"
“Bằng cách đọc một quyển sách, ấy là chính bản thân mình."
Sau khi suy nghĩ, ngài nói thêm: "Đây không phải là một công việc dễ dàng chút nào, bởi vì mỗi phút trong ngày đều phát hành một ấn bản mới về quyển sách đó!"
- Biểu thị: Khi một đệ tử nhập môn trình diện Minh Sư, thông thường anh ta được học qua một lớp giáo lý như sau:
"Con có biết ai sẽ không bao giờ bỏ con suốt cả hành trình cuộc sống của con không?"
“Là ai vậy?"
“Là con.”
“Và con có biết câu trả lời cho mọi câu hỏi mà con đặt ra không?”
“Là gì vậy?”
“Là con.”
“Và con có thể đoán xem đâu là giải pháp cho mỗi một vấn đề của con không?”
“Con chịu thua.”
“Là con."
- Chiêm niệm: Minh Sư thường bảo rằng chỉ có Thinh Lặng mới mang lại sự biến đổi.
Nhưng không ai có thể làm cho ngài định nghĩa Thinh Lặng là gì? Khi hỏi ngài, ngài chỉ cười, rồi để ngón tay trỏ lên đôi môi se kín lại - điều đó chỉ làm tăng thêm sự hoang mang của các đệ tử.
Ngày kia, vấn đề vỡ ra khi có người hỏi: « Vậy làm thế nào người ta đạt được sự Thinh Lặng mà thầy đề cập tới?"
Câu trả lời của Minh Sư thật đơn giản đến nỗi các đệ tử chỉ nhìn chăm chăm vào mặt ngài để tìm kiếm một dấu hiệu cho thấy rằng ngài nói đùa. Ngài không hề nói đùa. Ngài nói: "Bất cứ các con ở nơi nào, hãy nhìn, cho dù xem ra không có gì để thấy; các con hãy lắng nghe, cho dù xem ra hoàn toàn chỉ có im lặng."
- Ngây thơ: Trong một cuộc du ngoạn ngoài trời, Minh Sư nói: "Các con có muốn biết cuộc sống đã giác ngộ giống như thế nào không? Các con hãy nhìn xem bầy chim đang bay lượn trên mặt hồ."
Khi các đệ tử nhìn xem, Minh Sư la lên:
"Lũ chim đang tỏa xuống một hình ảnh phản chiếu trên mặt nước. Thế mà chúng chẳng lưu tâm đến hồ nước - và hồ nước cũng không hề níu kéo chúng."
- Nghệ thuật: Có người hỏi: "Minh Sư dùng để làm gì?"
Đệ tử trả lời: "Để dạy bạn điều bạn đã từng biết, để chỉ cho bạn điều bạn đã từng nhìn thấy."
Khi khách hành hương hoang mang về điều đó, đệ tử la lên:
"Nhờ những bức tranh, họa sĩ giúp ta thấy rõ cảnh hoàng hôn. Do những giáo huấn, Minh Sư dạy tôi nhìn thấy thực chất của từng khoảnh khắc."
- Cô đơn: “Con muốn sống với Thượng Đế trong khi cầu nguyện."
"Điều mà con mong muốn là một việc phi lý.”
“Tại sao?”
“Bởi vì khi nào con có mặt, thì Thượng Đế vắng bóng. Khi nào Thượng Đế có mặt, thì con lại vắng bóng. Vậy thì làm thế nào con có thể sống với Thượng Đế được?"
Về sau, Minh Sư nói thêm:
"Con hãy tìm kiếm sự cô tịch. Khi con ở với người nào khác, con không ở một mình. Khi con ở 'với Thượng-Đế', con không ở một mình. Cách hay nhất để thực sự sống với Thượng Đế là phải hoàn toàn sống một mình. Như thế, may ra, Thượng Đế sẽ có đó và con sẽ không có."
- Nghi ngờ: Một khách hành hương hỏi làm thế nào để có thể phân biệt một người thầy chân chính với một người thầy giả mạo; Minh Sư trả lời vắn tắt như sau: "Nếu chính bạn không lừa dối ai thì bạn sẽ không bị ai lừa dối."
Sau đó, Minh Sư nói với đệ tử: "Tại sao những người tìm kiếm tự cho rằng mình thành thật, mà điều duy nhất họ cần lại là trắc nghiệm để phát hiện sự lừa dối nơi các Minh Sư.”
- Tỷ lệ: Một khách hành hương đầy ước vọng đã hết sức nản lòng vì những câu nói vô vị mà Minh Sư đã ngỏ với mình.
Ông đã than phiền với một đệ tử: "Tôi đến đây truy tầm một Minh Sư. Thế mà tôi chỉ gặp một người không khác gì bao nhiêu kẻ khác."
Đệ tử trả lời: "Minh Sư là một người thợ đóng giày; ngài có cả một kho da dự trữ đầy ắp. Nhưng thầy chỉ cắt da để đóng giày theo ni tất chân ông thôi."
- Hung hăng: Một đệ tử nhiệt tâm tỏ bày ý muốn đi truyền bá Chân Lý cho người khác và hỏi Minh Sư nghĩ thế nào? Minh Sư đáp: "Con hãy đợi."
Hằng năm, đệ tử cứ thỉnh nguyện lại như thế và lần nào, Minh Sư cũng trả lời như nhau: "Con hãy đợi."
Ngày kia, đệ tử thưa với Minh Sư: "Chừng nào con mới sẵn sàng thuyết giảng?"
Minh Sư đáp: "Khi nào con quên đi sự hăng say thái quá đối với việc thuyết giảng”
-Cầu nguyện: Minh Sư không ngừng đả kích những ý niệm khôi hài của người đời về Thượng Đế.
Ngài thường nói: "Nếu Thượng Đế của bạn đến cứu giúp bạn thoát khỏi cảnh ngặt nghèo, thì đã đến lúc bạn nên bắt đầu truy tầm vị Thượng Đế đích thực."
Khi người ta xin ngài dẫn giải thêm, ngài thuật lại câu chuyện sau đây:
Một người lơ đễnh để chiếc xe đạp mới toanh của mình trước chợ rồi vào chợ mà mua sắm.
Ngày hôm sau ông mới sực nhớ đến chiếc xe đạp - thế là ông cắm đầu cắm cổ chạy ra chợ, đinh ninh là xe đạp đã bị mất trộm. Chiếc xe đạp vẫn còn ở ngay nơi ông đã để quên.
Rất đỗi vui mừng, ông chạy ù vào đền thờ gần đó để cảm tạ Thượng Đế đã giữ gìn xe đạp của ông khỏi bị mất cắp - để rồi khi ra khỏi đền thờ, ông nhận ra là chiếc xe đạp đã biến mất!
- Quá độ: Ngày kia các đệ tử muốn biết hạng người nào thích hợp nhất để trở thành đệ tử.
Minh Sư nói: "Đó là hạng người chỉ có hai chiếc áo, nhưng bán bớt một chiếc và với số tiền bán được, đã đem mua hoa.”
- Mánh lới: Minh Sư ngồi nghe một người đàn bà than phiền về chồng mình.
Cuối cùng ngài nói: “Thưa bà, hôn nhân của bà sẽ hạnh phúc hơn, nếu bà là một người vợ tốt hơn."
“Và làm thế nào tôi có thể được như vậy?”
“Bằng cách đừng cố làm cho ông ấy trở thành một người chồng tốt hơn."
- Quyến luyến: “Con không biết điều gì sẽ xảy tới ngày mai nên con muốn chuẩn bị cho sẵn sàng."
“Con lo sợ cho ngày mai - mà không nhận thức rằng ngày hôm qua cũng đầy dẫy những bất trắc."
- Trình diễn: Khi một đệ tử ngỏ ý muốn truyền bá Chân Lý cho kẻ khác, Minh Sư đề nghị một cuộc trắc nghiệm: "Con hãy thử giảng thuyết và chính thầy sẽ tham dự để xem con đã sẵn sàng chưa?"
Bài thuyết giảng của đệ tử thật là truyền cảm. Khi chấm dứt, một người ăn xin tiến lại gần, đệ tử đứng lên và trao tặng chiếc áo choàng - khiến cho toàn thể cử tọa đều rút ra được bài học.
Sau đó, Minh Sư tuyên bố: "Con ạ, lời lẽ của con rất hùng hồn, nhưng con chưa sẵn sàng."
Đệ tử chán nản hỏi: "Sao lại chưa?”
“Vì hai lý-do: Con không để cho người đó có cơ hội thổ lộ nhu cầu của mình. Và con không nên làm hoa mắt người khác về đức độ của con."
- Hài lòng: Xem ra nghịch lý khi Minh Sư luôn nhấn mạnh rằng nhà cải cách đích thực là người có khả năng thấy rằng mọi sự đã hoàn hảo trong hiện trạng - và có thể để yên như thế.
Các đệ tử phản đối: “Vậy tại sao người ấy thường muốn cải cách một điều gì đó?”
“Đúng thế, có hai hạng người cải cách khác nhau: Một hạng người để cho hoạt động tuôn chảy qua họ trong khi chính bản thân họ không làm gì cả; họ giống như những người làm thay đổi hình dáng và dòng chảy của sông. Hạng người kia tiến hành hoạt động riêng của họ; họ giống như những người cố gắng làm cho con sông ẩm ướt hơn.”
"Phá cách" - diễn viên Hồng Hà
- Ân huệ: Một thanh niên đến gặp Minh Sư và nói: "Con ao ước được Minh Triết. Làm thế nào con có thể toại nguyện?"
Minh Sư thở dài đáp: "Xưa có một người trai trẻ như con. Anh ta ao ước được Minh-Triết và lòng ao ước của anh rất mãnh liệt. Một ngày kia, người ấy thấy rằng mình ngồi đúng vào chỗ mà thầy đang ngồi đây. Trước mặt người đó, một chàng thanh niên cũng ngồi đúng vào chỗ mà con đang ngồi bây giờ. Và chàng thanh niên đó nói: "Con ao ước được Minh Triết."
- Ưu việt: Một đệ tử Á châu hãnh diện về điều mà anh cho là nền linh đạo Đông Phương, anh đến gặp Minh Sư và nói: "Tại sao Tây Phương có được tiến bộ vật chất, còn Đông Phương lại có linh đạo?"
Minh Sư trả lời vắn tắt: "Bởi vì từ ban đầu, khi các kho dự trữ thực phẩm được phân phối trên mặt đất thì Tây Phương được quyền lựa chọn trước tiên."
- Kém cỏi: Minh Sư thường nhấn mạnh rằng cái trở ngại cuối cùng ngăn cản chúng ta đạt tới Thượng Đế, ấy là từ ngữ và ý niệm về 'Thượng Đế'.
Điều đó làm cho vị linh mục sở tại phẫn nộ đến nỗi ông giận dữ đến tranh luận vấn đề này với Minh Sư.
Vị linh mục nói: "Nhưng chắc chắn từ ngữ 'Thượng Đế' có thể dẫn đưa chúng ta đến Thượng Đế chứ?”
Minh Sư điềm tĩnh trả lời: "Vâng, có thể.”
“Làm sao mà một điều lại có thể vừa hỗ trợ vừa cản trở?”
Minh Sư đáp: “Con lừa đưa ngài tới cổng không phải là phương tiện ngài dùng để vào trong nhà được."
- Bạo gan: Một khách hành hương thất vọng nói: "Tại sao thời gian tôi lưu lại đây chả mang lại chút lợi ích gì cả?"
Minh Sư ân cần đáp: "Có lẽ tại bạn không đủ can đảm để rung một cây cổ thụ chăng?"
- Tính chất công cụ: Một đệ tử đến giã từ Minh Sư để có thể quay về với gia đình và công việc làm ăn, anh ta xin ngài ban cho điều gì để mang theo.
Minh Sư bảo: "Con hãy nghiền ngẫm những điều nầy:
Không phải lửa nóng
Mà chính con cảm thấy nóng.
Không phải mắt con thấy 
Mà chính con thấy.
Không phải cái thước vẽ nên vòng tròn
Mà chính là người họa viên."
- Hiệp thông: Khi biết chắc chắn Minh Sư sắp từ trần, đệ tử muốn tổ chức một tang lễ xứng hợp với ngài. Minh Sư biết được điều đó nên nói: "Lấy trời đất làm mồ; lấy mặt trời, mặt trăng và các tinh tú làm vật trang sức cho tang lễ; và tất cả tạo vật sẽ tiễn đưa thầy ra nơi mộ phần - thầy còn có thể mong ước điều gì khác hợp nghi thức hơn và vĩ đại hơn?"
Minh Sư không muốn chôn đất, nhưng đệ tử không muốn nghe lời ngài, họ phản đối rằng ngài sẽ bị chim trời và thú vật rút tỉa.
Minh Sư mỉm cười nói: "Vậy thì các con hãy cẩn thận đặt cây gậy bên thầy để thầy có thể đánh đuổi chúng đi."
"Làm sao thầy có thể làm được? Thầy có còn ý thức nữa đâu?"
“Như vậy, có quan trọng gì việc thầy bị chim trời và thú vật rút tỉa?"
- Đấm vào cái bóng: Với những người mới tới, Minh Sư thường nói: "Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho."
Với một vài người đó, về sau ngài lại nói một cách đầy ẩn ý: "Làm sao phải đợi cánh cửa mở khi mà nó chả bao giờ đóng cả?"
- Diễn đạt: Một học giả đến tham vấn Minh Sư. ngài hỏi: "Ông tìm gì?"
Học giả trả lời: "Sự sống."
Minh Sư nói: "Nếu ông sống, ngôn từ tất phải chết."
Về sau, khi được hỏi ngài muốn nói gì, Minh Sư đáp: "Các con đã lạc đường và chới với vì các con sống trong một thế giới ngôn từ. Các con được nuôi dưỡng bằng ngôn từ, các con an phận thủ thường với ngôn từ trong khi điều các con cần chính là thực chất. Một thực đơn sẽ không làm cho các con hết đói. Một công thức nước giải khát sẽ không làm cho các con hết khát."
- Kín đáo: Một người nổi tiếng đạo đức tìm tới Minh Sư và nói: "Con không thể cầu nguyện, con không thể hiểu Thánh Kinh, con không thể thực hành những bài tập tu đức mà con chỉ bảo người khác..."
Minh Sư vui vẻ trả lời: "Vậy thì con hãy bỏ rơi mọi thứ đi.”
Nhưng làm sao con có thể làm được? Con được tiếng là người thánh thiện, vì có nhiều người theo con trong vùng nầy."
Về sau, Minh Sư thở dài và nói: "Ngày nay, Thánh Thiện là một danh xưng mà không có thực chất. Thánh Thiện chỉ chân chính khi nào nó là một thực chất mà không có một danh xưng."
- Vô tư: Muốn trung thành với giáo thuyết của mình, ấy là không nên quan trọng hóa bất cứ điều gì, kể cả chính những điều mình dạy, nên Minh Sư thích kể câu chuyện sau đây về chính ngài:
"Người đệ tử đầu tiên của tôi yếu đuối đến nỗi những việc tu luyện đã giết chết anh ta. Đệ tử thứ hai đã trở nên khùng điên do thực hành đúng đắn những bài tập tu đức mà tôi đã dạy. Khả năng trí thức của người thứ ba đã bị cùn nhụt do chiêm niệm quá nhiều. Nhưng người thứ tư đã thành công trong việc duy trì sức khỏe tinh thần."
Có người hỏi ngài: "Tại sao như vậy?"
"Có thể vì đệ tử đó là người duy nhất khước từ thực hành các bài tập tu đức!" Câu nói này của Minh sư hẳn đã chìm trong những tiếng cười ồ.
- Hư ảo: Minh Sư thường nhắc nhở đệ tử là sự thánh thiện, cũng như sắc đẹp, chỉ chân chính khi tự nó không có ý thức về chính nó. Ngài thích ngâm những vần thơ sau đây:
Hoa hồng nở vì nó nở,
Mà không tự hỏi vì sao.
Và cũng không khoe sắc màu
Để cho tôi phải chú ý.
Và câu ngạn ngữ thường được lưu truyền: "Một vị thánh chỉ thánh thiện cho tới ngày nhận ra rằng mình là thánh."
- Gíao dục: Dù ngờ vực đối với kiến thức và học vấn về những vấn đề thần thiêng, Minh Sư không bao giờ bỏ qua một cơ hội để khuyến khích nghệ thuật, khoa học và mọi hình thức hiểu biết khác. Vì vậy không lấy làm lạ là ngài đã sẵn sàng chấp nhận lời mời để phát biểu trước một hội nghị đại học.
Ngài đã đến sớm trước một giờ để dạo quanh khu đại học và chiêm ngưỡng các phương tiện tối tân dành cho việc học hỏi chưa từng có trước kia vào thời của ngài.
Đặc biệt diễn văn của ngài kéo dài không đầy một phút. Ngài nói:
"Những phòng thí nghiệm, những thư viện, những dãy hành lang, những mái hiên, những phòng giảng thuyết - tất cả những thứ ấy chả ích lợi gì, nếu thiếu một tâm hồn minh triết và cặp mắt biết nhìn."
- Khốn quẫn: Minh Sư nói: "Hoạn nạn có thể làm cho ta thăng tiến và giác ngộ.”
Và ngài đã giải thích điều đó như sau:
Một con chim hằng ngày thường tìm nơi trú ẩn trên những cành khôâ héo của một cây đại thụ mọc giữa cánh đồng hoang vắng. Ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên làm tróc rễ cây đại thụ, buộc con chim đáng thương kia phải vỗ cánh cả trăm dặm đi tìm một nơi trú ẩn khác - cuối cùng, nó đến được một khu rừng với những cây cối nặng trĩu hoa trái.
Rồi ngài kết luận: "Nếu cây đại thụ khô héo kia còn sống, không có gì thúc đẩy nổi con chim rời bỏ nơi an ổn sẵn có để vỗ cánh tung bay."
- Bất úy: “Tình yêu là gì?"
Minh Sư đáp: "Vắng bóng hoàn toàn sự sợ hãi.”
“Chúng ta sợ hãi điều gì?”
Minh Sư đáp: “Tình yêu."
- Ảo giác: Có lần Minh Sư cắt nghĩa sự đạt ngộ xảy đến như thế nào, không phải do cố gắng mà do nhận thức.
"Hãy thử tưởng tượng tất cả các con đang bị thôi miên để tin tưởng có một con hổ ở trong căn phòng nầy. Vì sợ hãi, các con sẽ cố thoát thân, chống trả, tự bảo vệ mình khỏi con hổ đó và chế ngự nó nữa. Nhưng khi sự mê hoặc bị phá vỡ thì không cần làm gì nữa. Và tất cả các con đều được biến đổi đến tận gốc rễ.
Như vậy sự nhận thức phá tan sự mê hoặc,
Sự mê hoặc một khi bị phá vỡ mang lại sự thay đổi,
Sự thay đổi đưa đến vô vi,
Vô vi là một năng lực:
Các con có thể làm bất cứ việc gì trên đời nầy,
Bởi vì không phải là các con làm nữa."
- Thanh luyện: Minh Sư nhấn mạnh rằng điều ngài dạy chẳng là gì, điều ngài làm chẳng là gì.
Dần dần đệ tử của ngài khám phá ra rằng sự Minh Triết đến từ những người không học điều gì cả, xóa bỏ mọi điều đã học.
Sự biến đổi, không phải là kết quả của một điều ta làm, mà của một điều ta xóa bỏ.
- Thiên tài: Một văn hào đến tu viện để viết một quyển sách về Minh Sư.
Ông ta hỏi: "Người ta đồn rằng ngài là một thiên tài. Ngài có phải như vậy không?"
Minh Sư trả lời bằng một giọng không khiêm tốn quá đáng: "Có thể là như vậy.”
“Và điều gì làm cho một người trở thành thiên tài?”
“Khả năng nhận biết.”
“Nhận biết điều gì?”
“Con bướm ở trong con sâu; con chim phượng hoàng ở trong cái trứng; và vị thánh nhân ở trong một người phàm-phu tục-tử."
- Nhân loại: Một chiến dịch quảng cáo sâu rộng liên quan đến bài diễn văn của Minh Sư nói về Sự Hủy Diệt Của Thế Giới và một đám đông vô số đã tụ tập quanh tu viện để nghe ngài.
Chưa đầy một phút, bài diễn văn đã kết thúc. Ngài chỉ nói vẻn vẹn:
"Những điều nầy sẽ hủy diệt nhân loại:
Chính trị thiếu nguyên tắc,
Tiến bộ thiếu lòng nhân,
Giàu mạnh thiếu lao động,
Học thức thiếu thinh lặng,
Tôn giáo thiếu bất úy,
Thờ phượng thiếu ý thức."
- Bác bỏ: “Sự Giác Ngộ sản sinh loại người nào?”
Minh Sư đáp:
"Có tinh thần cộng đồng mà không thuộc một phe phái nào,
đi đứng không bị giới hạn vào một con đường cố định,
chấp nhận mọi chuyện trong hiện trạng chúng xảy tới,
không ân hận về dĩ vãng,
không lo lắng cho tương lai,
di động khi bị xô đẩy,
chuyển dịch khi bị lôi cuốn,
trở nên giống một trận cuồng phong dữ dội,
giống một cọng lông trước gió,
giống một cọng cỏ lềnh bềnh trên sông,
giống một cối xay êm ái nghiền bột,
yêu thương mọi thọ tạo như nhau,
cũng như trời đất đối xử như nhau với mọi loài .
- đó là sản phẩm của sự Giác Ngộ.”
Thất Sơn Phu Tử
"Dấu mặt" - người mẫu Nhật Bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét