Juda - kẻ bán Chúa |
Điều duy nhất tạo cho Thiên Chúa giáo được như ngày nay, nền móng duy nhất để Thiên Chúa giáo nương dựa vào đó, chính là Giê-su Kitô, hay đúng hơn, những khẳng định về Giê-su Kitô. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Bữa Tiệc cuối cùng
Kinh Thánh hầu như chẳng cho ta thông tin gì về cuộc đời của Giê-su cho đến khi Ngài bắt đầu giảng dạy vào khoảng 30 tuổi. Và ngay cả sau khi công khai bắt đầu truyền đạo, cũng có sự lẫn lộn lớn lao về chuyện gì đã xảy ra và xảy ra khi nào. Chẳng hạn, Kinh Phúc Âm của John khẳng định việc quét dọn ngôi đền xảy ra khi Giê-su bắt đầu giảng đạo (Jn, 2:13-14), nhưng Phúc âm của Luke lại khẳng định việc quét dọn ngôi đền xảy ra vào lúc kết thúc (Lk, 19:45-46). Một mặt, chúng ta nghe nói rằng Giê-su ở trong nhà Peter và đã chữa lành một người cùi (Mk, 1:29-45), nhưng mặt khác, chúng ta lại nghe nói Ngài chữa lành một người cùi rồi mới vào nhà Peter (Matt, 8:1-2, 8:14). Một mặt, chúng ta nghe nói viên Bách phu trưởng chuyện trò riêng với Giê-su (Matt, 8:5), trái ngược hoàn toàn với chuyện cũng viên Bách phu trưởng đó, nhưng lại sai người nhân danh mình để nói với những người Do thái (Lk, 7:1). Kinh Phúc Âm của Mark nói với chúng ta rằng Giê-su rời Tyre và xuyên qua Sidon trên đường ngài đến biển Galilee (Mk, 7:31). Nhưng nếu ta nhìn vào bất kỳ một bản đồ Do Thái nào, ta sẽ thấy chắc chắn không thể được vì Sidon nằm ở một hướng hoàn toàn khác.
Nói tóm lại, bốn ông Tông đồ (John, Luke, Mark, Matthew) cùng theo Giê-su trong một hành trình truyền đạo nhưng mỗi ông thì kể lại một cách khác nhau. Như vậy, hoặc cả bốn ông đều kể sai hết, hoặc không có chuyến hành trình đó, các ông chỉ hư cấu mà thôi. Trong cả hai trường hợp, làm sao chúng ta còn tin được vào những điều khác do các ông kể trong Kinh Thánh nữa.
Vài tín đồ Thiên Chúa giáo tiến bộ sẽ miễn cưỡng thừa nhận những sai lầm này nhưng họ sẽ nói chúng chỉ là chuyện nhỏ và chẳng đáng kể. Có lẽ thế, nhưng chúng chứng tỏ rằng Kinh Thánh không phải là không sai lầm, và nếu Kinh Thánh đã nhầm lẫn về những gì Giê-su đã làm, thì cũng sẽ dễ sai lầm về những gì Giê-su đã nói. Nhưng ngay cả khi chúng ta nhìn vào sự kiện quan trọng trong đời sống Giê-su, chúng ta cũng thấy nhiều sự lộn xộn. Chúng ta thử nhìn vào Bửa Tiệc Cuối Cùng, vốn là một biến cố quan trọng trong Thiên Chúa giáo. Theo Kinh Phúc Âm của Mathew, Mark và Luke, bửa tiệc cuối cùng của Giê-su xảy ra vào ngày lễ thánh Quá Hải của người Do thái (Matt, 26:17-20, Mk, 14:12-17, Lk, 22:7-14). Nhưng Kinh Phúc Âm của John, mặt khác, lại khẳng định bửa tiệc đó xảy ra trước lễ Quá Hải (Jn, 19:14). Matthew, Mark, Luke và John được cho là các tông đồ cùng dự bửa tiệc đó với Giê-su. Họ cũng được xem như các tông đồ đã nhớ lại và ghi chép mọi lời giảng dạy của Giê-su dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Nếu họ không thể nhớ bửa tiệc cuối cùng vào ngày nào thì làm sao chúng ta biết họ nhớ được chính xác lời giảng dạy của Giê-su?
"Trăng tròn" - người mẫu Việt Nam |
Vụ Xử án Giê-su
Bây giờ chúng ta hãy nhìn sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời Giê-su, cuộc phán xét ngài. Như Kinh Thánh mô tả thì cuộc phán xét nầy dĩ nhiên đầy mâu thuẫn, thậm chí còn nảy sinh ra nhiều vấn đề khó trả lời. Cuộc phán xét và các sự kiện dẫn đến chuyện đó thường do tín đồ Thiên Chúa giáo mô tả như thế này – Giê-su cởi trên một con lừa đi vào thành phố Jesusalem và được dân chúng trong thành hoan nghinh. Ngài bị các tay sai của các tăng lữ Do Thái chận bắt đánh đập và giao cho người La Mã. Viên thủ hiến La Mã, Pontius Pilate, không thể tìm ra tội của Giê-su nhưng các tăng lữ Do Thái khăng khăng Ngài có tội. Không thể tự mình quyết định được, viên thủ hiến La Mã quyết định hỏi đám đông họ muốn gì, hoặc thả Giê-su hoặc thả một kẻ phản loạn Do Thái. Đám đông la to thả kẻ phản loạn và đóng đinh Giê-su. Vì thế Pilate phải miễn cưỡng lên án Giê-su.
Cuộc phán xét có thực sự tiến hành như thế không? Chúng ta hãy xem. Chúng ta nghe nói rằng “ khi Giê-su đi vào Jesusalem, đám đông vui vẻ chào đón Ngài, trải áo choàng của họ lên mặt đường và tán dương Ngài như là vua của họ” (Mk, 11:8). “Nhưng chỉ một ngày sau, đám đông lại la hét đòi đóng đinh Giê-su” (Mk, 15:12-14).
Việc thay đổi đột ngột này của đám đông từ bợ đở sang thù ghét chỉ trong vòng một ngày thật khó giải thích. Kế đến, việc Giê-su được mang đến trước Pontius Pilate cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Kinh Thánh mô tả Pilate không thể tìm ra tội của Giê-su nhưng bị đám tăng lữ Do thái xúi dục đóng đinh Ngài. Điều này rõ ràng không thể xảy ra được. Người La Mã nổi tiếng về sự cai trị mạnh bạo và hiệu quả của họ; hệ thống tư pháp của họ được biết là công bằng, và họ không bổ nhiệm những quan chức yếu kém và ba phải đến cai trị những phần đất lộn xộn bất an của đế quốc La Mã. Ai có thể tin được rằng một thủ hiến La Mã lại có thể để cho đám dân chúng mà mình cai trị, quyết định cho mình và bảo mình phải điều hành phiên toà của mình như thế nào? Kinh Thánh nói rằng Pilate hỏi đám đông là họ muốn thả Giê-su hay Barabbas (Lk, 23:1318), và khi đám đông chọn Barabbas, thì hắn ta được thả, và Giê-su bị xử tội. Bây giờ thì sự đáng tin của Kinh Thánh đã bị kéo dãn đến tận cùng. Chúng ta được đòi hỏi phải tin rằng một thủ hiến La Mã uy quyền phải kết án một người mà ông ta tin là vô tội, và trả tự do cho một kẻ phản loạn đã từng giết người La Mã và đã từng tìm cách lật đổ sự cai trị của La Mã(Lk, 23:19). Người La Mã đã không chinh phục và cai trị Châu Âu, Châu Phi và Trung đông bằng cách thả những kẻ nổi loạn nguy hiểm như thế. Họ hùng mạnh, công bằng và cực kỳ tàn nhẫn với tất cả những ai chống đối họ. Vì thế, chuyện mô tả phiên tòa phán xét Giê-su là không thuyết phục.
Thêm nữa, nếu chúng ta nghiên cứu điều Giê-su đựơc cho là đã nói trong phiên tòa xử Ngài, chúng ta càng hiểu thêm rằng tất cả mô tả phiên tòa chỉ là bịa đặt. Thật vậy, theo Phúc Âm của Matthew, Giê-su “không trả lời”,(Matt, 27:12) và “ không trả lời, ngay chỉ để trả lời một lời buộc tội, trước sự sững sờ tột độ của viên thủ hiến” (Matt, 27:14) trong suốt phiên xử ngài. Điều nầy mâu thuẫn hoàn toàn với Phúc Âm của John khẳng định rằng Giê-su đã phản biện những lời cáo buộc, đặt các câu hỏi, và nói khá nhiều trong phiên tòa phán xử Ngài (Jn, 18:33-37). Nhưng nếu chúng ta so sánh tường thuật của John về những gì đã xảy ra và tường thuật của Luke, một tông đồ khác nữa, chúng ta sẽ thấy hầu hết mọi chuyện kể đều khác nhau (So sánh Jn, 18:33-37 với Lk, 22:66-70). Như vậy, rõ ràng là dù tín đồ Thiên Chúa giáo có khẳng định Kinh Thánh của họ là một tài liệu lịch sử chính xác đáng tin, thì khẳng định đó là hoàn toàn không đúng.
Biến cố quan trọng nhất trong đời Giê-su và cũng là hòn đá tảng của đức tin Thiên Chúa giáo là điều cho rằng Giê-su đã sống lại sau khi chết (phục sinh). Tông đồ Paul đã nói rất đúng rằng “Lại nếu đấng Giê-su Kitô đã chẳng sống lại thì sự giảng dạy của chúng ta sẽ trống rỗng và đức tin của anh em cũng vô ích” (1 Cor, 15:14). Với một thái độ thẳng thắn ít khi xảy ra, Paul cũng thú nhận rằng chuyện Giê-su phục sinh có thể cứu rỗi được kẻ có tội thì vô nghĩa (1 Cor, 1:21) và chỉ có khùng mới tin vào chuyện đó (1 Cor, 3:18). Khi Paul giảng về phép lạ phục sinh tại Athens, thủ đô nước Hy Lạp, thành phố được xem là cái nôi của logic, lý trí và triết học, quần chúng cười vào mặt ông ta (Acts, 17:32).
Có lẽ vì Phật tử quá lễ độ nên sẽ không cười vào mặt ông Paul, nhưng họ sẽ không tìm được lý do nào để tin chuyện này. Vậy ta hảy thử xem Kinh Thánh nói gì về chuyện phục sinh của Giê-su. Đến đây, độc giả nên có sẵn một cuốn Kinh Thánh trong tay để kiểm chứng các trích dẫn.
1- Cái chết của Giê-su
Tông đồ Matthew kể rằng khi Giê-su chết, “cái màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới” và nhiều chuyện lạ lùng khác xảy ra. Nhưng điều khác thường nhất mà Matthew khẳng định là “Xác chết của nhiều người vừa mới chết đội mồ sống lại, đi vào thành Jerusalem và hiện ra cho nhiều người thấy” (Matt, 27:52). Nếu đúng như vậy thì đây là một ngày làm sững sốt nhiều người trong lịch sử của nhân loại. Chắc chắn nhiều người sẽ nhắc đến ngày lạ lùng đó trong nhiều năm. Tin đó chắc cũng được loan truyền rộng rãi khắp nơi, và vài kẻ sống lại thế nào cũng viết lại kinh nghiệm lạ lùng đó của mình. Vì vậy, thật là khó hiểu khi sự cố quái lạ đó, ngoài Matthew ra, đã không được ai nhắc lại trong bất kỳ một tài liệu lịch sử nào cả, kể cả trong Kinh Thánh.
Nhưng sự cố nhiều người sống lại trong thành Jerusalem lại nêu lên một câu hỏi quan trọng. Thật vậy, khi tín đồ Thiên Chúa giáo nói rằng Giê-su sống dậy sau khi chết, ta có thể hỏi họ “Thì đã sao ? Theo Kinh Thánh, ngay cả trước khi Giê-su sống lại thì đã có hàng tá người chết rồi sống lại như vậy rồi. Giê-su chỉ là một trong nhiều người đó thôi thì có gì là đặc biệt?”
2- Phục sinh xảy ra khi nào?
Theo Mark thì Giê-su chết một ngày trước lễ Vượt Qua (Mk, 14:12 và 15:25), trong khi đó thì John lại viết là sau lễ Vượt Qua (Jn, 19:14) Cả bốn Phúc Âm đều đồng ý là phục sinh xẩy ra vào sáng sớm Chủ nhật (Matt 28:1, Mk 16:1, Lk 24:1, Jn 20:1) và đó là điều duy nhất bốn tông đồ đồng ý với nhau.
3- Ai đã đi vào hầm mộ?
Đến đây thì bắt đầu có vấn đề: Matthew nói là hai bà Mary (một bà Mary mẹ của Giê-su và một “nữ tông đồ” tên là Mary Magdalene) đi vào hầm mộ (Matt, 28:1); nhưng Mark thì nói hai bà Mary và Salome cũng đi vào (Mk, 16:1); còn Luke bảo rằng hai bà Mary, Joanna và vài phụ nữ khác đi vào (Lk, 24:10); và riêng John thì nói chỉ có một mình Mary đi vào mà thôi (Jn, 20: 1). Tín đồ Thiên Chúa giáo luôn khẳng định rằng nội dung Kinh Thánh không bao giờ sai lầm nhưng ở đây chắc chắn là có vài lầm lẫn rồi. Họ khẳng định những gì họ viết là được mặc khải từ Chúa Trời, nhưng hình như ở đây, Chúa Trời mặc khải không đủ nên bốn ông tông đồ đếm như thế nào mà trật lất.
4- Đã có một vụ động đất không?
Matthew nói với chúng ta rằng có một “trận động đất lớn” (Matt, 28:2), nhưng tại sao ba Phúc âm kia lại không đề cập chuyện này? Chắc chắn một trận động đất lớn, đặc biệt xảy ra vào lúc đáng kể như thế, sẽ khó mà quên đi được. Riêng điều này, hình như Matthew chỉ xạo ra câu chuyện động đất để thêm thắt kịch tính vào bản phúc trình của mình, nói cách khác, Matthew đã nói láo. Và nếu ông đã nói láo điều nầy thì còn bao nhiêu điều khác ông cũng nói láo trong Kinh Thánh mà ta không được biết.
Kế đến, Matthew khẳng định rằng có một thiên thần xuất hiện trước mặt hai phụ nữ, rồi thiên thần đóng cánh cửa đá lại và ngồi lên đó (Matt, 28:2). Ông cũng bảo rằng những người lính gác sợ hãi đến nỗi ngất xỉu đi (Matt, 28:4). Câu chuyện của Mark thì lại hoàn toàn khác hẳn. Mark khẳng định rằng cánh cửa đã được dời đi từ trước khi những người phụ nữ đến, vì thế những người phụ nữ nầy đã đi vào hầm mộ và thấy thiên thần ở trong đó (Mk, 16:4-5). Và Mark đã không đề cập đến bất kỳ lính gác nào. Còn câu chuyện của Luke thì thậm chí còn nhiều sáng tạo hơn. Luke khẳng định rằng những phụ nữ đi vào hầm mộ và thấy không những một mà đến hai thiên thần (Lk, 24:4). Rõ ràng là trong ba vị tông đồ nầy phải có ít nhất hai người đã không nói đúng sự thật. Riêng tông đồ John, ông khẳng định rằng bà Mary đi đến hầm mộ một mình, thấy cửa hầm mộ đã mở toang nên chạy đi gọi các tông đồ, và khi họ đi vào hầm mộ thì bà ta đợi bên ngoài. Sau khi mọi người về nhà, Mary vẫn đang đợi thì hai thiên thần xuất hiện, và rồi Giê-su cũng xuất hiện mặc dù bà ta không nhận ra được Ngài (Jn, 20:12-14). Đấy là những chứng tích mâu thuẫn đã được trích chọn một cách có hậu ý, để trên cơ sở đó, Thiên Chúa giáo đã dựa vào để xây dựng nội dung giáo lý của mình.
6- Giê-su hiện ra sau khi sống lại.
Có nhiều chuyện kể về Giê-su hiện ra cho các tông đồ và cho người khác sau khi sống lại, nhưng những chuyện nầy lại làm phát sinh thêm nhiều câu hỏi khác. Paul nói rằng Giê-su hiện ra trước một đám đông 500 người và nhiều người trong số nầy vẫn còn sống (1 Cor, 15:6). Có người nghĩ rằng với 500 nhân chứng về một sự kiện thì đã đủ là một chứng cớ thuyết phục rằng sự kiện thực sự đã xảy ra. Nhưng thật là lạ lùng vì Paul không cho biết sự kiện nầy xảy ra ở đâu và cũng không cho biết tên ít nhất là một nhân chứng. Cả 500 người nầy cũng không ai viết gì về điều họ thấy hết. Càng lạ lùng hơn nữa là cuộc hiện ra nầy của Giê-su lại không được 4 tông đồ kia nhắc nhở gì hết.
Thông thường, khi kể đi kể lại một câu chuyện, người ta có xu hướng trau chuốt kỹ lưỡng thêm câu chuyện đó, nhất là khi muốn gây ấn tượng hay muốn thuyết phục người nghe. Cũng thông thường là khi một người nói láo thì họ không nhớ nổi tất cã những điều mình đã nói láo nên lắm khi mâu thuẫn với chính mình. Những chuyện Paul kể về Giê-su phục sinh là những thí dụ điển hình. Trước hết, Kinh Thánh viết rằng Paul bị một tia sáng làm chóa mắt rồi nghe một giọng nói phán ra. Những người bạn đồng hành của Paul cũng nghe tiếng nói đó nhưng lại không thấy tia sáng (Acts, 9:3-8). Sau đó, khi Paul lập lại chuyện nầy, ông đảo ngược câu chuyện rằng những người bạn đồng hành té nhào xuống đất (Acts, 26:14) và có thấy tia sáng nhưng không nghe giọng nói (Acts, 22:9). Càng về sau, mỗi lần Paul kể lại những gì mà Giê-su cho là đã nói với ông ta, thì lời nói đó càng lúc càng dài ra và thêm nhiều chi tiết (so sánh Acts, 9:6 với Acts, 26:15-18).
7- Tài liệu ghi chép chuyện phục sinh.
Những chuyện kể về phục sinh được ai chép lại, và chép lại lúc nào ? Trong hai thế kỷ vừa qua, các học giả đã nghiên cứu các phúc âm của 4 tông đồ một cách chi li và từ rất nhiều góc độ khác nhau một cách không thể tưởng tượng nổi. Có lẽ không một văn bản nào trong lịch sử được nghiên cứu một cách tường tận và cẩn thận như thế. Và sau đây là kết luận của các học giả Thiên Chúa giáo đó: Không một Phúc âm nào do tông đồ của Giê-su, nghĩa là Matthew, Mark, Luke và John, viết ra cả. Còn về thời gian các phúc âm đó được viết lúc nào thì của Mark là vào khoảng 40 năm sau khi Giê-su chết, Luke và Matthew thì từ 65 đến 70 năm sau, và John thì có lẽ 100 năm sau Tây lịch. Cả 4 phúc âm đều bị biên tập lại một cách rốt ráo. Ví dụ chuyện của Mark kể về Giê-su từ chết sống lại (Mk, 16:9-19) thì không có trong nguyên bản và chỉ được thêm vào nhiều năm sau đó. Tóm lại, không một phúc âm nào về phục sinh thì được kể lại như chuyện mắt thấy tai nghe cả, thậm chí nghe kể lại qua nhiều người cũng không có. Tất cả đều được viết hàng mấy thập kỷ sau khi phục sinh được cho là có xảy ra, ngay cả phiên bản nguyên thủy của phúc âm của Mark cũng không nhắc nhở gì đến chuyện chết đi sống lại nầy.
8- Chuyện gì đã xảy ra?
Vì Giê-su không sống lại sau khi chết, vậy thì chuyện gì đã xảy ra cho (xác) Giê-su? Tại vì ngoài chuyện kể trong Kinh Thánh ra, chúng ta không có một tài liệu hay bằng cớ lịch sử nào khác nên không bao giờ và không ai biết được. Tuy nhiên, ta có thể phỏng đoán một cách thông minh.
Chúng ta biết rằng vào thời điểm đó, thành phố Jerusalem đang ở vào một tình trạng rất loạn lạc mà Giê-su cũng đã là một trong những nguyên nhân của tình trạng xáo trộn nầy, và chính quyền thành phố thì rất muốn vãn hồi an ninh. Do đó, rất có thể là các vị Trưởng lão Do Thái hay chính quyền La Mã đã di chuyển xác chết của Giê-su ra khỏi mộ để xác chết đó khỏi bị sử dụng như tâm điểm của những rối loạn mới. Ta biết rằng, theo Kinh Thánh, chính quyền đã cho lính gác mộ Giê-su có thể vì họ sợ xác của Giê-su sẽ được các tông đồ di chuyển đi (Matt, 28:4). Thật ra, không có chứng cớ cho giả thuyết trên cũng như chẳng có chứng cớ gì cho giải thích về phục sinh của tín đồ Thiên Chúa giáo cả. Nhưng giả thuyết nầy thì nghe thuận tai và đáng tin hơn cả ngàn lần.
Nếu có ai đến tiếp cận bạn và nói rằng họ thấy một người chết đi rồi sống lại, bay lên trời và biến mất sau những đám mây, có lẽ bạn sẽ phải ngờ vực vì những hiện tượng như thế thì chống lại với những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của đời sống. Nếu bạn hỏi người đó có ai thấy hiện tượng đó không thì được trả lời là có 500 người khác cùng chứng kiến, hỏi thêm nữa thì họ không biết tên ngay chỉ một người trong số 500 người kia, vậy thì bạn có thấy khả nghi và đáng ngờ không. Lúc đó, nếu bạn hỏi thêm chuyện xảy ra lâu mau rồi, và được trả lời là hơn 60 năm rồi (Matthew và Luke là hai tông đồ nhắc đến phục sinh sớm nhất, khoảng hơn 60 năm) thì sẽ không ai trách bạn nếu bạn cho chuyện nầy chỉ là một ảo giác, một chuyện tầm phào hay một chuyện hoang đường.
Judas là tông đồ đã phản lại Giê-su. Sau khi làm điều đó, người ta nói ông đã chết, Nhưng ông ta đã chết như thế nào? Điều này, cũng giống như quá nhiều chuyện khác, Kinh Thánh đã kể cho chúng ta nhiều tường thuật lộn xộn. Theo tông đồ Matthew, đây là điều đã xảy ra:
Judas, sau khi phản bội, thấy Giê-su bị buộc tội, ông ta tràn ngập hối hận và trả lại ba mươi đồng bạc cho vị Thầy Cả và các Trưởng tăng lữ. Judas nói “Tôi có tội”, “vì tôi đã phản bội giòng máu vô tội”. Các Tăng lữ Do Thái bèn trả lời “Điều đó thì có dính líu gì đến chúng tôi?”, “Đấy là trách nhiệm của ông!”. Vì thế, Judas ném các đồng tiền vào đền và bỏ đi. Thế rồi Judas bỏ đi và treo cổ tự sát. Vị Thầy Cả nhặt các đồng tiền và nói “Đưa những thứ này vào ngân khố là trái pháp luật, bởi vì đấy là tiền máu”. Thế rồi họ quyết định dùng tiền đó để mua cánh đồng của người thợ gốm để làm nơi hoả thiêu người nước ngoài. Đó là lý do tại sao cho đến bây giờ, nơi đó được gọi là cánh đồng máu (Matt, 27:3-8).
Ở chỗ khác chúng ta lại được nghe một câu chuyện khác:
Với tiền thưởng nhận được do hành động đồi bại của ông ta, Judas đã mua một cánh đồng, mà ở đó, ông đã bị đâm đầu té ngã, thân xác bể tung tóe phơi bày ruột gan. Mọi người trong thành Jesusalem đều nghe chuyện này, vì thế họ gọi cánh đồng đó, theo tiếng của họ, là Akeldama, có nghĩa cánh đồng máu (Acts, 1:18-19).
Vậy Judas hay các Trưởng tăng lữ, ai đã mua cánh đồng này? Judas đã treo cổ hay bị té ngã thân xác bể tung tóe?
Trong khi người Phật tử không đồng ý với hầu hết những gì liên quan đến cuộc đời và lời dạy của Giê-su thì cũng có nhiều điều người Phật tử có thể ngưỡng mộ về Giê-su. Vậy thì một Phật tử có kiến thức đầy đủ sẽ nghĩ gì về Giê-su?
Trước hết, họ cho rằng Giê-su là một vị thầy dạy về đạo đức vĩ đại đứng ngang hàng với Khổng Tử, Mahavira, Kahir, Lão Tử, Krishna hay hiền giả Namak, những vị không giác ngộ như Đức Phật nhưng dù sao cũng khá vĩ đại. Lời dạy mà Phật tử khâm phục nhất là Giê-su nhấn mạnh đến đức nhẫn nhục, tình thương và ý muốn phục vụ tha nhân. Những đức tính nầy thì rất giống những điều Đức Phật đã dạy từ 500 năm trước nên ứng hợp được với những người Phật tử chân chính. Giê-su dạy rằng “chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Jn, 15:13) thì Đức Phật cũng dạy hoàn toàn giống như vậy (Digha Nikaya, kinh số 31). Khi Giê-su nói rằng “hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Matt, 25:40) thì chúng ta liền nghĩ đến câu Phật dạy rằng “Ai trông nom cho ta thì cũng chính là trông nom cho kẻ bịnh hoạn” (Vinaya, Mahavagga, VIII:25).
Thứ đến, Phật tử kính trọng Giê-su nhất về hai đức tính Lương thiện và Liêm chính. Dù ở mặt nào đó, lời dạy của Giê-su thì bất cập và rối rắm, nhưng ta không thể nghi ngờ được rằng Giê-su đã không hoàn toàn thành thật và tin tưởng sâu sắc vào những điều Ngài làm.
Cuối cùng, Giê-su thì xứng đáng cho người Phật tử thương cảm và yêu thương. Chuyện Ngài bị phản bội, bị tra khảo, bị xử án và cuối cùng bị chết một cách thảm khốc như thế thì thật là cảm động và chắc chắn gợi lên nỗi buồn thương nơi tất cả mọi Phật tử.
Người Phật tử không thể chấp nhận khẳng định của tín đồ Thiên Chúa giáo rằng Giê-su là Chúa Trời, và như ta đã thấy, không có bằng chứng nào cho thấy chính bản thân Giê-su tuyên bố khẳng định nầy. Nhưng một vài khẳng định khác về Giê-su thì lại chỉ xác nhận thêm tính đúng đắn của học thuyết Phật giáo. Theo Phật giáo, những người hiền lương tốt lành thì tái sinh vào cõi trời. Giê-su là môt người khá hiền lương tốt lành, nên Phật tử có thể đồng ý với Kinh Thánh khi viết rằng Giê-su lên Thiên đàng sau khi chết. Phật tử cũng có thể đồng ý với Kinh Thánh rằng Giê-su sẽ trở lại. Khi đời sống ở cõi trời chấm dứt, Giê-su có thể tái sinh vào cõi người và tiếp tục nhiệm vụ với nhiều tình thương và hy sinh hơn trước kia. Có lẽ với thời gian, Giê-su có thể phát triển trí huệ để trở thành một vị Bồ Tát, hay ngay cả một vị Phật.
(Trích từ Chương 5 của tác phẩm “Tin không nổi - Một phê bình Thiên Chúa giáo bảo thủ từ góc độ Phật giáo” (Beyond Belief - A Buddhist Critique of Fundamentalist Christianity) của A.L. de Silva).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét