"Lửa hồng" - người mẫu Việt Nam |
Nguyễn Tuân là một người hiếu khách phong lưu mã thượng, tiêu tiền đã cháy túi rồi nhưng lúc nào cũng “gân tây ma dọ” không để lộ cho ai biết là mình hết tiền tiêu, phải đi vay mượn lãi mươi mười lăm phân, có khi cầm đợ cố bán để làm vui lòng bạn hữu. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Nếu quả là người trần thế, chúng ta chết xuống âm phủ hay lên thiên đường mà vẫn gặp nhau trò chuyện, tôi quyết đi tìm cho kỳ được Nguyễn Tuân bắt tay lia lịa một hồi rồi nói thẳng với anh không úp mở: “Này anh em nói thật, cả khi sống cũng như lúc chết, tớ không thể thương nổi cậu”. Thương đây không hoàn toàn có nghĩa là thương yêu; thương còn hàm ý là “ngửi được nhau”, “chịu được nhau”.
Tôi không sợ gì mà phải nói dối: ngót ba mươi năm trời làm bạn với Nguyễn Tuân, tôi không mấy lúc chịu được anh. Xa mỏi chân, gần mỏi miệng. Ngồi tính đốt ngón tay thì chơi với Tuân, những phút bực tức, uất ức về phần tôi có phần nặng hơn những phút xứng ý vừa lòng. Phải nói thực một câu nữa rằng trong các bè bạn giao du từ thuở nhỏ đến nay, tôi chưa gặp một người nào lập dị như thế, chướng ách như thế, nham nhở như thế.
Biết như vậy, mà cứ phải nhịn như nhịn cơm sống là vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì anh em văn bút với nhau, có người thế nọ, có người thế kia, cầu toàn trách bị làm sao cho được? Thứ nhì là sống mãi rồi cũng có kinh nghiệm: bạn mới khó kiếm chớ bạn cũ được người nào phần nhiều chắc người ấy, có “chơi” nhau cũng ít “chơi” những vố quá đau. Thứ ba: Nguyễn Tuân, dù muốn nói cách nào đi nữa, cũng là một văn tài, mà đã tài thì phải có tật, người ta đã chơi với bạn phải yêu luôn cả những cả cái tật của bạn thì tình thân hữu mới có thể lâu dài được.
"Hoa" - tranh của họa sĩ Nguyễn Cao Tuấn |
Người bị câu lưu ở Thanh Hóa
Tôi biết Nguyễn Tuân lúc tôi làm báo Trung Bắc Tân Văn của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Trong những ngày cuối cùng của báo này, Nguyễn Văn Vĩnh sống tâm trạng của Hạng Võ trong trận Cai Hạ: tứ diện sở ca thanh. Công nợ réo tít mù. Trước khi bỏ Việt Nam để đi tìm vàng ở Ai Lao, cụ Vĩnh trao lại tờ Trung Bắc Tân Văn cho cụ Nguyễn Văn Luận.
Để cho báo khởi sắc, mới từ hình thức đến nội dung, cụ Luận tăng cường tòa soạn cũ và tìm thêm phóng viên ở các tỉnh giúp về tin tức.
Nguyễn Doãn Vượng phụ trách công tác này. Đến Thanh Hóa, Vượng ở nhà bác sĩ Dương Cẩm Chương, liên lạc với nhà phát hành báo và do nhà phát hành này đã gặp Nguyễn Tuân để nhờ giúp đỡ về tin tức địa phương.
Lúc đó, không mấy ai biết Nguyễn Tuân. Trước đó anh làm gì? Sống ra sao? Không mấy ai lưu ý. Chỉ biết lúc Vượng và tôi tìm anh tại nhà riêng tiệm sách “Thư Lâm” ở phố Chính, thì anh là một người bị thực dân Pháp câu lưu. Anh sống trong một phạm vi nhỏ hẹp ở tỉnh Thanh, một tháng đôi lần lại phải đến trình diện các nhà hữu trách. Anh sống bình thường. Không có gì lạ lắm. Tôi chỉ thấy anh hơi phiền: muốn cái gì thì làm cho kỳ được. Đây cũng là thời kỳ tôi ngủ một đêm ở trên gác nhà anh, anh không cần biết mình mệt hay không, hết nói chuyện lại rủ uống rượu, rồi nhè lúc bốn năm giờ sáng mình vừa chợp mắt thì dựng dậy bảo đi ăn bánh ướt! Trời rét như cắt ruột, phải buộc lòng mặc áo đi trong sương lạnh và bóng tối đã là một cái ức, đến nơi bà hàng lại chửa dậy tráng bánh, cứ ngồi thế mà đợi, đó là cái ức thứ hai; đến lúc bà hàng dậy, Tuân cứ ngồi thế mà lè nhè nói chuyện cà kê dê ngỗng, đó là ức thứ ba. Nhưng ba cái ức ấy chưa thấm vào đâu với cái ức này: anh không chịu chấm bánh với thứ nước mắm giấm đã pha sẵn cho vào trong chai, anh yêu cầu bà hàng phải đi tìm cho kỳ được một bình nước mắm nguyên với ớt hiểm pha riêng vào hai chén và anh chịu trả thêm một đồng - mà lúc đó thì hai người bạn ăn bánh với tàu hủ chiên và giò no kễnh ruột cũng chưa hết năm hào bạc!
Jenna Pietersen - Vẻ đẹp "nóng bỏng" Nam Phi |
Bịnh lập dị mỗi ngày mỗi trầm trọng
Nào có ngờ đâu đó là một trong các bịnh kinh niên của Nguyễn Tuân.
Vì làm phái viên cho báo Trung Bắc Tân Văn và do đó có thẻ nhà báo cấp, Tuân ngày một ngày hai có “thế” với nhà hữu trách ở tỉnh Thanh hơn. Anh được phép đi khắp tỉnh và đôi khi được về Hà Nội. Lúc đó, tôi mới hỏi anh tại sao anh bị câu lưu thì Tuân cho hay là anh nuôi mộng giang hồ vặt từ lúc thôi học và cũng như hết thảy thanh niên có tâm hồn lúc đó, anh định trốn đi ngoại quốc để gia nhập phe cách mạng ở hải ngoại, đánh Tây, giành độc lập cho đất nước. Anh định vượt sông vượt biển sang Thái Lan, rồi từ đó đi Hồi đi Nhật nhưng Tây biết, bắt được anh, giam mấy tháng trong ngục tối rồi câu lưu. Trong suốt thời gian này anh sống những ngày vô biên “lên lầu rồi lại xuống lầu”. Chán quá thì đọc sách, nhưng đọc sách nhiều khi “không vô” cho nên không biết làm gì khác hơn là khề khà uống trà, uống rượu để “ám sát” ngày tháng rỗng như đít bụt. Có thể cái tính lừng khừng của anh bắt đầu từ lúc này. Bảo là dở người cũng được, bảo là lập dị cũng được, nhưng đa số bạn hữu nhận rằng anh lập dị nhiều hơn dở người, bởi vì thường thường những lúc ăn chơi ở trà đình tửu điếm, anh khôn như quỷ.
Vì công việc làm ăn, và cũng vì các nhà hữu trách ở Thanh mỗi ngày mỗi rộng rãi với anh hơn, Nguyễn Tuân về sau được về Hà Nội luôn. Nhờ các cuộc tiếp xúc thân mật và thường xuyên, tôi mới biết lập dị là một bịnh kinh niên của anh và bịnh ấy đã biến thành cái tật thiên nhiên gắn liền với lề lối sống còn của anh không có thuốc nào trị nổi - trong khi chính anh tự biết là trong bạn hữu ít có người chịu được anh. Chính Bô Luận là người đầu tiên không thể nào ngửi được Nguyễn Tuân. Làm chủ nhiệmTrung Bắc Tân Văn, Bô Luận đã “thét” lên khi nhận được cái tin đầu tiên của Nguyễn Tuân gửi về.
Nguyên hồi đó, vua Bảo Đại có dịp đi kinh lý từ Huế ra Vinh, nhà báo muốn có tin tức đầy đủ hơn các báo - nhất là hơn báo Đông Pháp của Ngô Văn Phú - đánh điện cho Nguyễn Tuân đi theo Bảo Đại để làm phóng sự. Bô Luận đọc bài Nguyễn Tuân đã lắc đầu lia lịa và thét lên là vì cái văn của Nguyễn Tuân khi ấy là tiếng “la tinh”. Tôi còn nhớ câu mở đầu đại khái như thế này: “Vào một buổi sáng mù sương tôi lấy cái xe hỏa mười giờ rưỡi đi Vinh”. Lấy cái xe hỏa mười giờ rưỡi! Cả tòa soạn cùng cười ầm lên: Văn chương còn kỳ hơn cả Hoàng Tích Chu và Nguyễn Văn Lịch! Hai ba bỉnh bút phải họp nhau để sửa lại cho hợp với giọng văn báo lúc bấy giờ. Mặt khác, cụ Luận lại ủy cho Nguyễn Doãn Vượng “rỉ tai” Tuân “Việt Nam hóa” giọng văn đi một chút, nhưng Tuân lì lợm một cây, cứ cái giọng vắn tắt viết mãi, thét rồi nhà báo cũng phải chịu đựng và Tuân cứ như thế mà làm phóng viên cho Trung Bắc Tân Văn một thời kỳ khá lâu.
Nói cho thực, làm phóng viên lúc ấy có khi hàng tuần không có một cái tin. Điều cần là để cho có một cái cạc phóng viên đi lại cho oai chớ tiền thù lao không đáng kể. Riêng về Nguyễn Tuân thì tôi biết anh còn phải mang tiền nhà ra mà bù đắp là đàng khác vì nhà anh biến thành một trạm tiếp khách ở Hà Nội về thăm Thanh Hóa hay là đi ngang Thanh Hóa về các vùng xa xôi hơn ở quá phía Nam. Một thí dụ: Ngọc Thỏ, Vượng và Hồ Khắc Tráng đi điều tra về vụ vàng Sầm Sơn. Việc đầu tiên là đến đóng ngay tổng hành dinh ở nhà Nguyễn Tuân, ăn chơi rả rích, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn như Tào Tháo đãi ngộ Quan Hầu - rồi đêm nào cũng đến nằm nhà Phủ Thắng nghe hát và phiện phò sáng đêm, cứ như thế suốt cả tuần. Muốn nói gì thì nói, ta cứ phải nhận Nguyễn Tuân là một người hiếu khách phong lưu mã thượng, tiêu tiền đã cháy túi rồi nhưng lúc nào cũng “gân tây ma dọ” không để lộ cho ai biết là mình hết tiền tiêu, phải đi vay mượn lãi mươi mười lăm phân, có khi cầm đợ cố bán để làm vui lòng bạn hữu.
Cái điểm “chơi được” của Nguyễn Tuân là điểm đó. Nhưng chính vì điểm ấy mà Nguyễn Tuân ngày một ngày hai tự không thể ở Thanh Hóa nữa. Anh tìm các cách vận động để hủy cái án câu lưu, đi lên Hà Nội tìm cách sanh sống, nhưng anh đã thất vọng vì các nhà báo và nhà xuất bản chưa biết anh mấy chút.
Đó là khoảng 1935, 1936, sau một thời gian trở về Thanh để nằm nhà chữa bịnh “thương hàn nhập lý” trong ba tháng, Nguyễn Tuân gặp Nguyễn Doãn Vượng và Đàm Quang Thiện rủ đi Hương Cảng “vẽ mặt bôi hề” trong phim Cánh đồng ma. Nói cho thực, lúc đáp tàu qua Hoa Nam, thủ một vai khán hộ, Tuân “không lấy gì làm nặng lòng với việc chớp bóng, mà chỉ biết ngay đấy là một cơ hội giang hồ”.
Cái máu giang hồ ấy, Tuân cho là cái nghiệp, một cái số. Ở Hương Cảng về, thấy vợ sanh thêm một cháu gái, Tuân đã viết như sau: “Để kỷ niệm một cái gì đã xảy đến trong cuộc sống rối bận của tôi hồi ấy, tôi bèn nghĩ đặt luôn tên cho trẻ lọt lòng và gọi nó là con Hương Cảng. Tôi có ngỏ ý ấy với thầy tôi, nói xong tôi mới biết là lỡ lời vì tôi đã gợi lại cái chuyện bỏ nhà mà thầy tôi đã muốn ngơ đi. Tôi biết thầy tôi giận lắm vì một đứa con trai trưởng đã không thắp hương ở bàn thờ ông vải vào một cái Tết Nguyên đán năm Mậu Dần ấy.
“Nhưng thầy tôi vốn là người có lượng. Người đã nguôi chuyện cũ và chỉ khoan thai:
- Hương Cảng! Cũng được. Chữ Cảng thuộc về bộ thủy. Trong họ nhà mấy đời liền, đặt tên đều lấy theo bộ thủy cả.
“… Một buổi suy tưởng về tên người, tôi đã ngờ đến cái ảnh hưởng ghê gớm và thần bí của chữ tên đối với cuộc đời từng người.
“Thủy là nước. Nước vẫn ít tụ mà là hay đi. Cái sứ mệnh của chất nước là mãi mãi phải trôi xuôi.
“Ngày trước, vì có một cái tên đặt theo bộ thủy mà ông nội tôi đã là một người hành nhân đi theo một phái bộ qua xứ Tàu… Đến lượt thầy tôi. Thừa tự được cái tính ấy, thầy tôi đã có một dĩ vãng “lang bạt kỳ hồ” mà ngày nay, mỗi lúc nhắc tới, mẹ tôi chỉ biết có kêu giời vào khoảng hai ngụm rượu thuốc.
“Và tôi đêm này thiếp giấc trên tập du ký cắt ở báo cũ ra sửa chữa lèm nhèm, tối lại vẫn nằm mơ thấy cái viễn tưởng tương lai mình chứa đựng vào một lá buồm phồng trắng lừ lừ trên một vùng nước xanh rờn, không đầu không cuối và không có tuổi…”.
Có tiền đi, không có tiền cũng đi, chỉ khi nào đau ốm mới dẫn về nhà lấy đó làm một “bệnh viện tạm thời”, chính Nguyễn Tuân cũng mang máng cảm thấy mình có tội với cha mẹ vợ con: “Tỉnh cái mộng, tôi tự hỏi tôi nhiều về cái thiên Hạnh phúc. Con người ta - khi đã tìm đúng được cái định thức hạnh phúc của mình là phải ở chỗ xê dịch rồi, một khi đem gửi cả hạnh phúc mình vào lòng một lá buồm chưa phồng lên những gió sớm, như thế có đến nỗi là ích kỷ và có tội nặng đối với những người thân nhất và gần nhất quanh mình không?”.
Nguyễn Tuân tự hỏi như thế và không bao giờ trả lời mình. Anh cứ sống theo ý riêng của mình và muốn sống sao cho thật đầy đủ, thật theo sở thích, thật hoàn toàn sống, không cần biết đến những người chung quanh, thành thử ra ngày một ngày hai cái bịnh “chướng ách” của anh nặng thêm lên, và hóa ra nan y, không có cách gì cứu vãn. Rượu, anh uống cả cấn “bởi vì từ nghìn xưa, cái nghiệp của người uống rượu là phải như thế, dĩ tận vi độ, hỡi ôi!”. Thuốc phiện hút sáng đêm, không biết nào là say; ăn thì phải ngon, không thế thì nhịn đói; gái thích; thuốc lá thích; thuốc lào thích; cờ bạc thích… thích hết, mà thích thứ nào cũng ham mê, thích chết thì thôi, thích không cần biết mình sẽ sống hay sẽ thác.
Nhưng với Nguyễn Tuân, tệ nhất là cái rượu. Trong cuốn Bốn mươi năm nói láo, tôi đã nhắc đến đoạn Nguyễn Tuân “phùng trường tác hí” ở Khâm Thiên, Vạn Thái trèo lên mái nhà đi như một anh hề xiếc leo dây rồi thừa lúc mờ sáng, cả nhà đang ngủ, đi lên sở Cẩm Hàng Đậu bấm chuông vào “thăm” ông cẩm Arnand. Đó chỉ là một thí dụ nhỏ bé trong trăm ngàn thí dụ khác lớn lao hơn.
Ở Hương Cảng, đóng phim Cánh đồng ma, Nguyễn Tuân và bọn anh em vẽ nhọ bôi hề cùng ở từng gác thứ tư khách sạn Quảng Châu ở xóm Sạch Sùng Chủi.
Chính chữ Hán, ta đọc nó là “Thanh tường tử”. Người Quảng Đông phát âm là Sạch Sùng Chủi. Xóm này đối với Hồng Kông không khác gì xóm Mông Mác hay hộ La Tinh ở Ba Lê. Ở Sạch Sùng Chủi, người ta ăn chơi sáng đêm. Đấy là nơi gặp mặt của mọi “thứ công tử số một chơi vàng trời”. Một đêm cuối năm dương lịch 1938, thấy người ta ăn Tết, Tuân nhớ đến quê hương, đi về nhà lẩn thẩn như một thằng say rượu, lòng còn say sưa với hết thảy cái gì là không thực ở đời, say sưa với tất cả những sự thiếu thốn của lòng mình.
Đã say thế rồi, Tuân không chịu, muốn say hơn nữa, bèn gào anh em uống rượu. Lúc thường, anh có một châm ngôn về rượu: say, say luôn, đừng bao giờ để cho tỉnh, tỉnh thì “bỏ mẹ”. Vì thế anh vẫn ước ao có một gian nhà đầy đủ tiện nghi, có buồng tắm, có buồng ngủ, có phòng khách, có phòng đợi, có vườn hoa… và bất cứ phòng nào anh cũng để vài ba chai rượu, cứ quơ tay ra một cái là có rượu liền để tu cho say luôn không bao giờ tỉnh, mới thú, chớ trang trí theo cái kiểu Âu Mỹ trong nhà có cái “ba” muốn uống phải ra “ba” mà uống thì “chán mớ đời”.
Vâng, đêm ấy, Tuân đã say rồi, về đến phòng lại hò hét anh em uống nữa. Tôi không nhớ hết, nhưng biết chắc trong bữa rượu đó có ba người: Tuân, Nguyễn Doãn Vượng và Nguyễn Dương. Dương là con trai cụ Vĩnh. Bình thường, Nguyễn Tuân kính trọng cụ Vĩnh như bực thầy và trong câu chuyện với anh em, Tuân không hề dám nói một câu hỗn xược. Nhưng đêm ấy, quả thật không ai ngờ: Tuân say, cứ nhè Dương đem ra mà chửi rủa, sỉ nhục và gọi cha Dương mà khà khịa, không còn ra cái “thống chế” gì. Được anh em là người tốt nên không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng chẳng may giữa lúc ấy lại có một a sẩm đem đồ nhậu vào phòng, thấy Tuân say cứ loạng choạng đứng lên như muốn đánh Dương, nhưng rồi mất thăng bằng lại ngồi phịch xuống như thằng lật đật, a sẩm bật cười. Chỉ có thế thôi, vậy mà việc đáng tiếc đã xảy ra làm cho đương đêm cảnh sát Anh phải can thiệp và suýt dẫn cả bọn về nằm “vi-ô-lông” nếu không có Hoàng Văn Dư điều trần và xin lỗi: thấy cô phổ ky cười, Tuân trong cơn say, không biết ngẫm nghĩ ra sao đã ném cả một cái bát ô tô vào giữa ngực cô ta. Cô ta khóc ầm lên, la lớn cả mấy tầng lầu đều nghe thấy và bao nhiêu khách trọ đều đến trước cửa phòng xem vụ “hiếp phổ ky” và xì xồ với nhau như có vẻ “không thú lắm”.
Lúc say, Tuân có cái tật nói “hỗn” và uất nhất là anh lại nói hỗn một cách văn hoa, có vẻ như chọn lọc từng chữ để cho những chữ ấy thấm thía vào đầu óc người ta, moi gan móc ruột người ta, làm cho người ta phải tức trào máu họng ra mới “đã”. Ai muốn bảo như thế là hay hay dở, tùy sở thích; riêng tôi thú thực, có những lúc thấy Tuân say nói lên những lời độc ác, tôi muốn… lột quần áo anh vứt ra đường và đánh cho một trận tơi bời, kỳ cho tỉnh rượu mới thôi. Tuy nhiên, tôi chỉ nghĩ thế mà thôi, chớ chưa bao giờ dám thực thi ý định, dù ở vào những trường hợp mà ai cũng phải nhận Tuân là một tên láo xược “ngoại khổ”, không còn có gì tỏ ra tư cách một nhà văn hóa. Đó là trường hợp chúng tôi đi hát ả đào, Tuân lừ lừ ngồi xếp bằng tròn nghe hát, rót rượu ra bát ô tô uống theo lối “ngưu ẩm” rồi gọi từng cô đầu “đội đèn” đứng “sắp măng” trước mặt anh để dự một cuộc bầu “hoa hậu” không chánh thức mà anh là chủ khảo. Tuân cứ đánh “cắc” một cái vào tang trống thì tức là “cho đi” để cô khác tiến lên. “Cắc” một cái còn có nghĩa là “tạm được về phần nữ sắc”, nhưng nếu có cô nào xấu xí thì tội nghiệp, Tuân không những không cho đi, lại còn bắt ngồi xuống đấy để cho anh “nhắm” rượu và cứ mỗi một ngụm thì anh lại giương cặp mắt vọ ra phân tách và nghiên cứu từng cái xấu của cô ta rồi làm tổng kết, chửi bới, rủa xả và lên án tại sao cô ta lại có thể xấu như thế, phản mỹ thuật như thế, “làm hại vệ sinh con mắt của người ta đến thế!”.
Không, tôi cứ phải nói thật điều gì tôi nghĩ thật trong óc tôi: những lúc như thế, Tuân quả là một con quỷ, một tên đao phủ, một khách chơi đại gian ác, một kẻ thất phu, chà đạp lên linh hồn người ta, một gã tập sự độc tài không còn biết nhân quyền, nhân bản, nhân đạo là gì nữa!
"Fondue" - món ăn truyền thống của Thụy Sỹ. |
- Thằng Tô Châu Nho đâu, vào rót cho tao một ly rượu ngâm táo Tàu tao uống nhé. Mau lên, tao có việc phải đi ngay bây giờ.
Trước mặt vợ, mà chẳng gì cũng là chủ báo mà bị anh em nói xược như thế, Tô Châu Nho cuốn cái áo thun lên ngực để lòi cái rốn ra, nắm tay lại hà hơi cho nóng định chạy ra cho Tuân một cú đi-réc “cho nó chết mẹ” nó đi; nhưng may có vợ can nên đành chịu đứng đơ ra đấy, sửa lại cặp kính cận thị và cười… rồi đi lấy rượu cho Tuân uống vậy. Một người chịu đựng như thế, mười người chịu đựng như thế, Tuân lại càng “lên râu”, nhưng may thay không phải lúc nào anh say cũng có những cử chỉ bất lương như thế. Nếu nói theo lối “trong này”, Tuân là một loại người “có cơn”. Những lúc ấy anh lại là một người đáng thương hơn đáng ghét: say mềm ra anh không nói một câu, tìm một chỗ rất kín, như dưới bàn thờ nhà cô đầu chẳng hạn nằm lăn ra ngủ, hay giở ví ra lục hết cả giấy má cũ mới ra coi rồi ghi ghi chép chép gì chẳng biết rồi nằm quay ra ngủ. Những trường hợp ấy rất hiếm xảy ra: “Dĩ tận vi độ, hỡi ôi!”. Anh nghĩ ra một ngàn lẻ một cách để cầu vui. Phần nhiều những cách chơi này không phải là sáng kiến của anh, nhưng anh có một cái tài châm chước, chế biến để cho bao giờ cũng thành ra mới lạ.
Đi hát vào khoảng nửa đêm về sáng, hầu hết quan viên và cô đầu đều mệt. Thường thường mỗi anh ôm một cô tìm một chỗ kín để chuyện trò bù khú. Vào lúc này, hút chừng một chục điếu rồi, Tuân tỉnh như con sáo. Không đánh thức ai dậy hết, anh lầm lầm lì lì đi kiếm bảy ngọn nến thắp lên ở giữa nhà, bày một đĩa trầu, rót ba chén nước rồi kiếm một cái ô đồng đập chập cheng ầm cả lên như là đám ma. Kế đó một lát anh “ô hô hô” ba tiếng, cúi gục đầu xuống lễ rồi sửa giọng của một ông thầy cúng đọc một bài văn tế rất lâm li tế một vị thần mà nếu tác giả kể tên ra đây, các bạn sẽ phải lè lưỡi chê là tục tĩu! Ấy thế nhưng mà ai nghe thấy chẳng phải cười đứt ruột mà nhận là hay, còn các cô đầu thì du dương đến mấy lúc đó cũng phải tung mùng ra chạy trốn hết và không ngớt hét lên “anh phải gió”!
Tuân có một biệt tài là chính ở vào những lúc đó không hề nhếch mép cười bao giờ hết. Anh làm ra cái vẻ siêng năng và chỉ biết chú tâm vào công việc của mình làm. Nhiều khi trong lúc ăn chơi đùa cợt như thế, anh chú tâm thực sự chớ không đùa. Tôi còn nhớ có một lần đi hát đến nửa đêm, anh van anh em về hết. Trời tháng Bảy mưa ngâu tầm tã, mà phải về thì tức quá, nhưng Tuân lấy cớ không có tiền trả nhà hát, thành thử anh nào cũng phải theo. Ra đến ngoài, cả bọn mới biết Tuân nói láo: Anh ta rủ đi ăn vẫn còn dư tiền, uống hai lần rượu nữa, mà vẫn còn tiền xe đi lên đường Quần Ngựa làm gì? Anh em sanh sự, vặn hỏi Tuân. Anh bảo: “Lên tìm thằng Ngô Khởi”.
Ngôi Khởi là tước hiệu của một người bạn chung của chúng tôi cũng gốc ở Thanh, tên là Phạm Văn Lược. Lược ở chung một cái trại với Thượng Sỹ và tôi (sau này Nguyễn Vỹ cũng lên ở đó). Trại rộng chừng ba ngàn thước vuông, cây cối mọc như rừng, đèn đuốc không có, phải thắp bằng dầu lửa. Nằm mà nghe chung quanh thì rợn tóc gáy vì có tiếng cầy cáo, tiếng lính cầm canh ở Bách Thảo vọng lại, tiếng bìm bịp kêu; thêm vào đó có anh lại quả quyết những đêm mưa gió có con ma đàn bà áo trắng hiện lên đưa võng kẽo kẹt ở gốc nhãn và hú lên những tiếng thảm sầu nghe phát lạnh đến xương đến tủy.
Gặp Ngô Khởi, Tuân đòi uống và hỏi nhà có cúng không. Đến lúc ấy, anh em mới nhớ ra rằng hôm đó là rằm tháng Bảy. Thường thường, nhà ai cũng có cháo, bỏng, thanh bông hoa quả để cúng các cô hồn nhưng Ngô Khởi không thèm cúng ai hết vì một lẽ rất dễ hiểu là không có đồng xu nào cả. Đến lúc ấy, anh em chịu Nguyễn Tuân là một con quỷ vì vừa nghe thấy nói như thế, anh ta đã rút ở túi áo túi quần ra một đống bỏng kẹo, bánh bích quy với một cuộn nhang vòng và mấy tờ giấy vàng giấy bạc. Vào khoảng hơn một giờ đêm, nhang đèn châm lên, đồ cúng bầy đặt đâu vào đó rồi, Tuân thoát y vũ nhảy vào trong bể nước tắm rồi chà xà bông cho nổi bọt trắng xóa cả người.
“Chết cha, có lẽ thằng này điên rồi chắc?”. Anh em tự hỏi nhau như vậy. Không nói một câu, Tuân cứ để nguyên bọt xà bông và đầu tóc nhễ nhại nước, xông ra múa cái lối múa “tuýt” bây giờ, doạng chân giơ tay ra hò hét những danh từ vô nghĩa rồi quỳ xuống lễ, đoạn vớ lấy cái thau đồng, cầm một cái đũa cả gõ ầm cả lên, vừa gõ vừa ê a bài Chiêu hồn của Nguyễn Du, theo cái kiểu Hồ Điệp ngâm trên đài phát thanh mấy năm trước đây, nghe mà lạnh cả người, nhưng thú vị vì người có mặt tại đấy có cảm giác là Tuân đương gọi ma lên nói chuyện và cả người sống lẫn người chết đang cảm thông với nhau trong một thế giới ma quái, không giống với cái thế giới đầy những lo âu ti tiện hàng ngày của chúng ta.
Những trò như thế bao giờ Nguyễn Tuân cũng sẵn có ở trong túi để làm vui các bạn. Có lẽ vì vậy mà anh em mặc dầu ức Nguyễn Tuân không để đâu cho hết mà thấy Nguyễn Tuân rủ đi chơi, người ta vẫn cứ muốn đi, đi để xem anh ta còn giở thêm trò gì ra nữa, và anh ta còn điên đến chừng nào. Thú thực, có một vài lúc chính tôi cũng ngờ rằng Tuân là một thứ “demi-dément”chẳng trước thì sau cũng bị nhốt vào một cái cũi sắt nào đó trong nhà thương Phủ Doãn, nhưng đi sâu hơn vào lòng Tuân, tôi thấy anh là một người kỳ lạ, đầy mâu thuẫn, đầy bí ẩn, rất hỗn nhưng lại rất biết điều, rất quấy nhưng lại rất nhu, rất lập dị nhưng sống với vợ con lại rất giản dị, rất khinh bạc nhưng có khi lại rất khiêm nhường, rất chán đời, lúc nào cũng muốn tự tử bằng trác táng nhưng lại rất chắt chiu sự sống, quý trọng và coi bất cứ cái gì sống cũng là một sáng tác mầu nhiệm và cao quý của Trời. Hình như trong thâm tâm anh thèm sống lắm, nhưng sống theo anh, không phải là ăn, ngủ và làm việc. Sống, đối với anh, là phải sống thực sự cho chính mình, sống vội, sống nhanh, sống rất đầy đủ cho “thỏa cái vong linh”, đãn hậu có chết không có điều gì nuối tiếc.
Nếu quả anh nghĩ như thế thật, người ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy anh uống rượu như cái lỗ và hút thuốc “liên chi hồ điệp” suốt ngày ấy sang ngày khác, suốt đêm ấy sang đêm khác: “Tôi yêu khói và thèm khói lúc thiếu nó, nhớ nó lúc vắng. Khói đã trở nên một nhân tình cần thiết cho tôi. Tôi đã yêu khói dưới một tập hình thức của nó. Luồng khói than bánh của đoàn tàu hỏa trên nội cỏ; luồng khói than đá của con tàu bể trên mặt nước động; luồng khói ét xăng trong đám bụi bay trên đường cái quan, và luồng khói thơm tho của quán cơm sau một ngày đi bộ mệt nhọc. Những luồng khói ấy tự do trên những khoảng trời vô hạn; còn có những thứ khói bị bó buộc trong gian phòng chật hẹp kín bưng như là khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói thuốc phiện, khói lư trầm. Rộng, hẹp, cao, thấp, có khác nhau nhưng tất cả khói đều cảm tôi một cách thấm thía”.
Ở một đoạn khác: “Lắm đêm thèm thuốc, không ngủ được, tôi tưởng như tôi có thể tự tử ngay được vì tôi cảm thấy cuộc đời là vô vị, là vô nghĩa lý. Đêm dài như năm…”. Thích thuốc lá, thích thuốc lào, anh lại thích cả thuốc phiện nữa. Ở nhiều tác phẩm, anh đã công khai ca ngợi thuốc phiện mặc dầu người ta vẫn biết rằng “những người ghiền nha phiến thường hay giấu tật hư của họ mà trái lại những bợm rượu lại thường đem tật hư của mình ra khoe”. Cái thú hút a phiến, Nguyễn Tuân đã cực tả trong Ngọn đèn dầu lạc do nhà Mai Lĩnh xuất bản năm 1941. Rải rác, tôi còn nhớ đọc thấy những đoạn “phiện đức tụng” như sau: “Thuốc phiện hôm nay quý lắm. Những người nào định hút chơi thì nên nhường chỗ cho những người cần hút vì việc riêng của tinh thần”. “Chúng tôi nhờ khay đèn của chú Khanh, đêm nay, bạn với ả phiền. Chúng tôi dè dặt điếu thuốc như các bộ lạc du mục ở Phi châu dè dặt từng giọt nước uống đựng trong túi da, khi đoàn lạc đà chở họ qua hàng trăm dặm sa mạc”. “Nhựa quả phù dung xèo xèo trên bầu đèn là một phương thuốc nhiệm mầu chữa cho những kẻ có tính tình bị thương nơi óc và có ung độc rỉ mủ trong tim. Những lúc lòng trống trải, thuốc phiện là một cố nhân giữ cho người ta khỏi chết mòn vì hiu quạnh và phẫn uất. Chẳng trách được nhiều người có tâm sự một khi bị đầy dài hạn từ châu thổ lên rừng thượng du, thường hay bị thuốc phiện quyến rũ. Khởi điểm cuộc hôn nhân giữa người ta và ả phiền thường là một vết thương lòng. Một đêm trên bể về, tẻ ngắt sự đời, chúng tôi đốt một lò hương, gởi bao nhiêu hờn oán, thù ghét vào luồng khói thơm ngậy và liền đem trí tuệ cầm cố cho bà Chúa Nâu. Thấy gió đêm nay lạnh, thấy ngọn đèn là ấm áp, tôi cầm ngang mũi tiêm, chỉ con tim bấc thề trăm năm cùng già với ả phiền. Lời thề ấy là một nhời nguyền rất thành thực, thốt ra giữa khoảng trời nước tối om om…”.
Dạy nhau bắt chuột...??? |
Mở cho ván thứ hai tôi thắng thế ngay từ lúc ra quân. Lần này tôi đi trước. Tôi gò được nước pháo đầu mã đôi rồi vui vẻ, sáng suốt lôi kéo giằng được những ba quân vào một mé mà công kích. Tam tử đồng biên! Tôi được ván cờ thứ hai ấy không lấy gì làm hứng thú vì suốt từ đầu chí cuối, đôi bên không có lấy một nước cờ hay… Tôi mê man vì cờ, không biết rằng đằng sau tôi, một vài anh em đã đứng đấy từ bao giờ. Có người cấu vào mông tôi và ghé thầm nói vào tai tôi: “Thôi, ăn non đi. Hai ván, hòa một, được một. Lấy lấy một gói Camel rồi đi về đi. Chia cho anh em trong bọn mỗi đứa hai điếu có thú không. Đánh nữa làm gì!…”.
Cờ thích đã đành, Tuân thích xóc đĩa có phần hơn thế nữa, và xì phé, và tổ tôm, và tài bàn, và chắn… thích tuốt. Tuân không vào trong Nam lúc ký Hiệp định Genève; nếu anh vào, tôi dám cá một trăm ăn một đồng, anh sẽ la cà ở Kim Chung, Đại Thế Giới suốt ngày suốt đêm và có khi đem cả chăn gối đến ngủ luôn tại đó để đánh roulelte, tài sỉu… cho “nó” tiện, khỏi phải đi đi về về mất công.
Đấy là cờ bạc. Đến gái. Theo sự nhận xét của riêng tôi, Tuân làm ra cái vẻ “kỹ”, chơi bời chọn lọc nhưng thực ra anh ta cũng dễ, miễn là gái biết gãi vào lòng tự ái của anh: “Hơn họ, tôi cười to và đặt người đàn bà đó vào lòng, tai mơ hồ nghe ả sẩm khép cánh cửa buồng… Rồi người đàn bà đó lồng năm đầu ngón tay nhọn sơn đỏ vào lớp tóc rối, vuốt ve và nói những câu gì mà âm thanh nghe cũng hay hay. Tôi vơ vẩn nghĩ chuyện nghìn xưa có ông Liễu Hạ Huệ mà thỉnh thoảng người của thế kỷ này vẫn lôi ra để làm gương cho thiếu niên bị sa ngã trước sắc đẹp đàn bà. Tôi cho là sự xuyên tạc của nhà Nho. Ông Liễu Hạ Huệ làm gì có trong lịch sử loài người. Hay nếu có nhà khảo cổ học nào mang ra được cái sọ và bộ xương với mọi tang chứng khoa học nhận thực đấy chính là đầu và người ông Liễu Hạ Huệ, thì ít ra tôi cũng chỉ tin rằng lúc bình sinh, ông chỉ là một đấng nam nhi… bất lực. “… Hăng hái bước vào nhà chứa, tôi vênh mặt lên để nhận lời chúc mừng năm mới của một “ả sẩm” gọi tôi là sính sáng. “… Sự tình cờ của chút duyên bèo nước chỗ phu đầu Hương Cảng đã cho tôi làm chồng người đàn bà ấy trong một đêm giá lạnh, xa phần hương. Tôi đã thành thực cảm động với một con đĩ. Tôi xin lỗi hết thảy những người thân yêu trong đời tôi, muốn toàn những sự thuần túy, trong sạch cho tôi… Lá màn rủ thấp… Người đàn bà ấy nói nhiều lắm. Sự gì xảy đến cho một bó cỏ khô bị vứt vào bên hòn lửa đỏ, sự ấy đã xảy đến cho người đàn bà đó và tôi… Đêm thổn thức đi… Chúng tôi uể oải bắt tay từ biệt nhau trong cảnh khuya khoắt. Người đàn bà ấy trao cho tôi một lá thiếp phấn hồng… Tôi mân mê lá thiếp, đọc rất kỹ lưỡng.
Tú Chân
Số… đường Ca Vũ Đài - Hongkong
(tầng thứ nhì - buồng giữa)
Rồi tôi vụt có tư tưởng đem nàng Tú Chân về bên An Nam - nàng, một con đĩ hạng trung bình. Tôi tưởng tượng sẽ bắt nàng phục thiện, tòng lương và khi nàng đã cùng tôi xuống tàu, nàng sẽ hắt trả lại Hương Cảng cái quá khứ mại dâm của nàng. Về bên xứ sở, tôi sẽ cho nàng để đại tang và bịa cho nàng là con một ông đốc biện binh đương ở mặt trận Hoa Nam bị thương, không có thân thích, lánh giặc… Ở Hương Cảng, gặp tôi trước ống thu thanh và yêu cầu tôi lại xưởng quay phim hát bóng nơi mà nàng cũng có chân sắm trò. Nàng đã có vẻ đài các ấy, với cái miệng nhí nhảnh và cử chỉ dễ thương ấy, với cái vẻ sầu lãng mạn mỗi khi nàng dứt tiếng cười, khi về nước, tôi có thể nói láo không thò đuôi…”.
Thế là hết! Tứ đổ tường, Nguyễn Tuân đều say mê, mà say mê hạng nặng, và anh không hề giấu giếm các tật xấu nết hư của mình, trái lại còn nói toác ra để cho cả thiên hạ biết.
Chứ sao? Tôi là người hư hỏng, cần gì phải giấu giếm ai làm gì? Tuân là một người “hư hỏng”- theo ý nghĩa mà người ta thường gán cho danh từ này - nhưng là một người tự trọng, cho nên không ai coi thường được anh và cũng chính vì thế nhiều bạn bè, trong số đó có tôi, dù ức anh đến chừng nào và ghét anh đến bao nhiêu cũng vẫn cứ yêu vì ai cũng phải nhận anh là một người có tài, mà có tài thì có tật - lẽ ấy ít ai tránh được.
Mặt khác, nếu chỉ nhìn thấy cái “chướng” của Tuân mà không biết rằng còn có nhiều mặt khác nữa tiềm tàng ở đằng sau cái chướng đó thì e rằng sự kết luận sẽ quá vội vàng mà sự suy luận e thiếu vẻ chiết trung. Thực ra, con người Nguyễn Tuân là con người đa diện, con người Nguyễn Tuân là sự kết tinh của không biết bao nhiêu mâu thuẫn, con người Nguyễn Tuân là cả một bài tính đố mà một người nhất kiến vi kiến với anh không thể nào hiểu nổi. Ở nhà cô đầu, Tuân ngưu ẩm, nhưng có những chiều thu đi cao lầu, Tuân chỉ khề khà một ly Mai Quế Lộ nhỏ và gọi một con chim quay mà chỉ ăn vỏn vẹn có hai chân; Tuân không có tiền, đi vay năm đồng nhưng mua một bông la-dơn hai cắc mà trả bà hàng tới bốn đồng và đi xe một đồng; hồ thở ra câu nào là sặc mùi khinh bạc, nhưng đến đèn khuya thanh vắng thì anh lại khiêm nhường hơn ai hết và tự bảo: “Anh hãy thương lấy anh, đã cuộc từ thiện có tổ chức phải bắt đầu tự mình trở đi”; thích giang hồ và nếu không được đi thì ốm, nhưng xa nhà vài ngày, chỉ vài ngày thôi là anh buồn vơ vẩn bởi vì “cái không khí nhớ quê hương không tha cho mình”, bởi vì “hồn quê lại giục khách tha hương nhớ tử phần”, bởi vì “giấc hương quan làm con người ta khổ sở oằn oại đến thế là cùng”, bởi vì bị “trằn trọc thâu đêm để hút thuốc lá, để tìm trong làn khói một hình ảnh lờ mờ của quê hương”, bởi vì anh “vụt nhớ đến phận làm cha, làm chồng của tôi ở một mái nhà kia cách Hải Phòng gần ba trăm cây số”. Ấy là vì Nguyễn Tuân “chỉ là thằng người với mọi tật xấu và hèn yếu của người” nhưng, khác rất nhiều người, anh lại có một tâm hồn, anh lại “biết”, thành thử ở trong anh luôn luôn có sự giao chiến của Thiên thần và Ác quỷ, luôn luôn có sự tranh chấp “của nghệ thuật và thê tử”, luôn luôn có sự cố gắng giữ gìn bản thân để cho mình khỏi giống “những người mà tôi vốn rẻ rúng, những người có bệnh hủi mà lại luôn luôn làm điều quấy, những người thiếu cá tính, kém nhân phẩm, sống một cuộc đời thấp hẹp”.
Cái thế giới của Nguyễn Tuân là một thế giới đầy rẫy đau khổ và thắc mắc tâm linh, vẫn thương mà phải ghét người thời đại, anh cố gắng vượt lên để tìm cách thoát khỏi những ràng buộc ti tiện ghìm người ta dưới đất đen, làm cho con người nhỏ bé và hèn hạ, nhưng rút cục anh thấy mình bất lực vì bao nhiêu nỗ lực của anh đều mỏng manh và tan vỡ như bong bóng xà phòng. Con người ấy thành một thứ người bất đắc chí mà anh kêu là “những người không có cả Bây Giờ, không có lẫn cả Ngày Mai”. Giang hồ, trác táng, khinh bạc, lập dị, tất cả chỉ là để thoát ly, để tìm một cái gì mới hơn, lạ hơn, đáng sống hơn cho “khỏi phải nghe tiếng khóc phẫn uất, bất đắc chí, đi trước những cái chết bất đắc kỳ tử” nhưng chẳng đi đến đâu hết. Nằm gối đầu tay ngủ trên lầu Kinh Châu, anh vẫn thấy hiện ra trước mắt cuốn phim Dĩ Vãng: “Quay giật lùi, mò chiếu ảnh một người lang thang không nhà cửa và sống một cuộc đời vô định, chẳng biết gì đến những phương pháp kiến thiết, chẳng chịu hiểu gì đến những tư tưởng của thời đại. Thời đại bị hất hủi, đã báo thù và gieo vào đầu đứa con hư đó mầm độc Thời Bệnh”.
Trước khi bị cái Thời Bệnh đó, đứa con hư ấy, năm 1929 đã lên một con đò độc mộc sang ngang, qua Bangkok… một đêm sương trắng đè nặng mặt sông Cửu Long Giang. Đứa con hư ấy “đã từng bẻ lảy cơm nắm gạo… ăn với những mẩu đầu cá… trong không khí bạc bẽo của mấy nơi đề lao. Và bạn bè cùng nằm ăn với mình lại rặt là những người có trái tim cằn cỗi. Ở những trái tim ấy tưởng chừng như không bao giờ có một tiếng vang của tình cảm, những trái tim đó thỉnh thoảng có lên tiếng nhưng một cách dữ dội và tàn ác. Những cuộc xô xát giữa tù và tù, giữa bữa cơm mắm nhà nước phát, thường bắt đầu từ việc tranh giành một quả ớt. Quả ớt đỏ đã nhuộm đỏ những nắm cơm đỏ bị những bàn tay vấy máu mân mê”.
Sau này, lúc Nhật đến Đông Dương, đứa con ấy làm báo Văn Hóa với Dương Tự Giáp, Phùng Bảo Thạch, Vũ Chung, Lưu Văn Phụng… lại nếm mùi tù đầy nữa, cùng một lúc với bọn Khái Hưng, Nguyễn Tường Long… nhưng dầu sao thì Nguyễn Tuân vẫn thấy nỗ lực vượt lên của mình vô ích và bao nhiêu cố gắng nhằm phá tan những màng lưới vây quấn lấy anh vẫn cứ chặt cứng như thường. Và càng cảm thấy như thế, Nguyễn Tuân càng uất ức, và càng uất ức anh lại càng điên lên, y như con hổ trong thơ Thế Lữ; biết những ngày êm đẹp của một thời xa xưa nào đó người ta sống tự do, độc lập, người ta sống cho người ta và bởi vì không còn được thấy cái ngày xưa ấy nữa, anh khóc tiếng khóc phẫn uất, phóng túng hình hài, sống đời phiêu bạt, mặc kệ thế nhân và dùng thuật thôi miên trị mình cho mình ngủ đi: “Hãy ngủ đi em ơi! Ngày mai cuộc đời sẽ đổi khác. Sớm mai, ánh sáng vừng dương sẽ đổi lại cuộc đời!”.
Đời như thế là chiến đấu tiêu cực, là tự nhận bại trận trước khi lâm trận, Nguyễn Tuân đau khổ là vì đã không có một phương châm tranh đấu. Đó cũng là cái đau khổ của hầu hết những chàng trai cùng lớp với Nguyễn Tuân muốn “làm một cái gì” mà không thể nào làm được, cho nên thấy Nguyễn Tuân nói lên được cái tâm sự u ẩn ấy, thấy Nguyễn Tuân làm thông ngôn cho lòng họ qua những tác phẩm như Một chuyến đi, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua, Tùy bút, Nguyễn… phần đông cảm thấy hả hê và cái tên Nguyễn Tuân nổi bật lên bằng chữ lửa trong làng văn bút không làm cho các thức giả ngạc nhiên. Và người ta sẽ không ngạc nhiên nữa khi thấy Nguyễn Tuân đi vào trong văn học sử bởi vì không băn khoăn đau khổ tâm linh, những cố gắng vượt lên để phá tan những ràng buộc con người thời đại không phải chỉ có trong giai đoạn nhưng sẽ còn mãi mãi với thời gian và còn làm những lớp người của Ngày Mai đau khổ và băn khoăn như thế hay hơn thế.
Nhà văn Vũ Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét