Chân dung nhà văn Tô Hoài thời trẻ qua nét vẽ Nguyễn Sáng. |
Những trang viết thực như vậy quả là những tư liệu đáng quý trong lịch sử văn học Việt Nam, tuy nhiên, cuốn “ Cát bụi chân ai” của Tô Hoài lại gây xôn xao bạn đọc ở phần “bật mí” những khía cánh riêng tư của các ngôi sao văn học.
Nhiều năm nay, thiên hạ đồn thổi về cái sự “tình trai” của Xuân Diệu, trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài đã huỵch toẹt ra chuyện đó: “Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối... Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ… Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quít cánh tay, cặp đùi thừng chão trói nhau lại, thít lại, giằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, lên cơn dữ dội, dằn ngửa cái xác thịt kia. Rồi như chiêm bao, tôi rời rã, thống khoái, im lặng. Giữa lúc ấy, hai bàn tay mềm như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng như than bò vào mắt, xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn... Cơn sướng lại cơn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau…
Thực là một trang đặc tả mà ngay đến các cây bút “hậu hiện đại” cũng chưa chắc viết nổi. Còn chàng Hoàng Cát, một “tình trai" của Xuân Diệu, khi lên đường vào B được Xuân Diệu tặng thơ với lời yêu đương thống thiết :
“Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nhưng bóng em đi đã khuất rồi
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời…”
Ấy thế mà khi Cát trở về Hà Nội viết “Cây táo ông Lành” đăng báo Văn Nghệ bị đòn hội chợ, Xuân Diệu đã làm mặt ngó lơ.
Nhưng thê thảm nhất là kỷ niệm về Nguyễn Bính. Nguyên thời làm báo Trăm Hoa, nhà thơ được một cô gái trẻ đem lòng yêu và sinh ra một bé gái tên Hiền. Khi cháu mới bập bẹ, cô gái trả con lại cho Nguyễn Bính để đi bước nữa. Thế rồi một đêm mưa, Nguyễn Bính bế con ra dốc hàng Kèn và trao cho một người đàn ông qua đường nào đó. Ôn lại chuyện cũ. Tô Hoài xót xa: “Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu oan nghiệt tối hôm ấy - nếu trời để cho được sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền nhé…”. Vâng tên cháu là Hiền, nhưng lẽ ra cần nói rõ, cháu là con gái của nhà thơ dân tộc: Nguyễn Bính.
Ấy thế mà khi Cát trở về Hà Nội viết “Cây táo ông Lành” đăng báo Văn Nghệ bị đòn hội chợ, Xuân Diệu đã làm mặt ngó lơ.
Nhưng thê thảm nhất là kỷ niệm về Nguyễn Bính. Nguyên thời làm báo Trăm Hoa, nhà thơ được một cô gái trẻ đem lòng yêu và sinh ra một bé gái tên Hiền. Khi cháu mới bập bẹ, cô gái trả con lại cho Nguyễn Bính để đi bước nữa. Thế rồi một đêm mưa, Nguyễn Bính bế con ra dốc hàng Kèn và trao cho một người đàn ông qua đường nào đó. Ôn lại chuyện cũ. Tô Hoài xót xa: “Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu oan nghiệt tối hôm ấy - nếu trời để cho được sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền nhé…”. Vâng tên cháu là Hiền, nhưng lẽ ra cần nói rõ, cháu là con gái của nhà thơ dân tộc: Nguyễn Bính.
“Cát bụi chân ai” dù thế nào, vẫn biểu lộ lòng nhân hậu và sự trung thực trí thức của Tô Hoài. Chỉ tiếc nó được viết sau khi ông nhà văn đã rời bỏ cái ghế Chủ tịch Hội văn Nghệ Hà Nội, nơi ông đã ăn dầm nằm dề cả gần hai mươi năm nay. Giá như ông chịu treo ấn từ quan sớm, chắc sự nghiệp của ông không chỉ còn lại với thời gian một “chú dế mèn”.
Nửa thế kỷ đã qua, vết thương cuộc cách mạng “long trời lở đất” - công cuộc cải cách ruộng đất vẫn chưa phai mờ trong ký ức dân tộc. Trong "Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, sự kiện đẫm máu và nước mắt này được ghi lại một dòng vô cảm: "Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất, bên cạnh những thành công kể trên, Đảng ta đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng trong chỉ đạo thực hiện, nhưng sau một thời gian mới phát hiện được”.
Ngoài ra, trong cuốn “Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000”, Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản có ghi: "Đợt cải cách được thực hiện tại 3.563 xã với 10 triệu dân và tỷ lệ địa chủ được qui định trước là 5,68% ”.
Như vậy, theo con số này, các đội cải cách ruộng đất phải xét xử trên 500.000 người chứ không phải 172.008 ngươi như chính Viện này đưa ra. Ngay ông Tố Hữu, Trưởng ban tuyên huấn thời đó sau này cũng thừa nhận: “Không thể tả hết được những cảnh tượng bi thảm mà những người bị quy oan là địa chủ, ác bá (mà trong thực tế là trung nông) phải chịu đựng ở những nơi được phát động”.
Một thảm kịch có quy mô dân tộc vậy mà thời đó giới trí thức chỉ có Luật sư Nguyễn Mạnh Tường lên tiếng được một bài “Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất và Xây dựng quan điểm lãnh đạo” còn giới nhà văn chẳng những không lên tiếng phê phán mà còn ca ngợi như Nguyễn Đình Thi trong “Mẹ con đồng chí Chanh”, Nguyễn Tuân trong “Làng hoa”, Nguyễn Công Hoan trong “Nông dân với địa chủ”… Một số rất ít nhà văn viết trung thực về cảicách ruộng đất lập tức bị xử lý ngay như: “Sắp cưới” của Vũ Bão, “Cơm mới” kịch của Hoàng Tích Linh, “Chuyến tàu xuôi” kịch của Nguyễn Khắc Dực…
Phải chờ tới năm Đảng “cởi trói”, đề tài cải cách ruộng đất mới lại được đề cập tới: "Thiên đường mù” của Dương Thu Hương, “Ác mộng” của Ngô Ngọc Bội, “Chuyện làng ngày ấy” của Võ văn Trực…
Sau hai năm "cởi trói" ngắn ngủi, đề tài “cải cách ruộng đất” lại bị “cất vào kho”, văn chương chính thống lại “phải đạo” hơn là thời kỳ Nguyễn Minh Châu chưa đọc lời ai điếu cho nó.
Mãi vài năm sau này, đề tài huý kỵ này lại thấy lấp ló trong một vài cuốn tiểu thuyết như “Ổ Rơm” của Trần Quốc Tiến, “Dòng sông Mía” của Đào Thắng và sang năm 2006, thật vô cùng kinh ngạc, đề tài cải cách ruộng đất lại được đề cập tới một cách trực diện, cận cảnh và toàn cục trong tiểu thuyết “Ba người khác” NXB Đà Nẵng và ngạc nhiên hơn nó được viết bởi Tô Hoài, văn sĩ “lão trượng”, tuổi ngoại bát tuần, vốn nổi tiếng “tránh né”.
Liệu có phải như Đà Linh đã viết trong lời nói đầu: “Chính những giày vò, trăn trở, khổ tâm từ những thảm trạng kinh hồn của cải cách ruộng đất thuở nào, vẫn âm ỉ, dền réo ngày một nặng hơn qua chặng đường dài - là dưỡng chất tạo nên tác phẩm này…”.
Quả thực, đọc “Ba người khác”, người ta như được sống lại cả một thời kỳ bi thảm của lịch sử, hiểu rõ những “quái thai” của một thời: cán bộ đội, rễ, chuỗi, cốt cán, đoàn uỷ…
Trước hết, “ cán bộ đội” là gì?
Theo quan điểm chính thống của Ban tuyên huấn trung ương, “cán bộ đội là những người được Đảng chọn lọc, tuyển lựa, có đạo đức cách mạng sáng ngời, có lập trường tư tưởng vững chắc, nắm vững đường lối chính sách của Đảng, thương yêu giai cấp, luôn luôn “ba cùng” với người nghèo”.
Còn theo nhân dân lao động thì “nhất đội, nhì trời”, Đội là những người quyền lực vô biên, trên cả Đảng, trên cả chính quyền.
Trong “Ba người khác”, Tô Hoài đưa ra hình ảnh cán bộ Đội vô cùng chuẩn xác và sinh động. Trước hết "cán bộ đội" là những người “cực kỳ quan trọng” mang sứ mệnh lịch sử: "Vẻ mặt người nào cũng ra chiều đăm chiêu, quan trọng. Chúng tôi đương làm thay đổi cái làng này, cái xã này. cả nước đã đứng lên. Các tổ chức sẽ bị đánh đổ, bao nhiêu địa chủ và bọn bóc lột phải đạp xuống đất đen, chúng tôi phóng tay đưa bần cố nông lên vị trí và địa vị người chủ thực sự của đồng ruộng…”
Nhưng có thực thế không? “Cán bộ đội” có phải đang thực thi sứ mệnh cao quý đó không? Tô Hoài huỵch toẹt: “Chúng tôi như một bọn lén lút cờ gian bạc lận, kéo nhau ra đây đánh xóc đĩa lột nhau giữa nơi hoang phế đồng không mông quạnh. Hoặc như ngày xưa, cánh cướp tụ bạ một chỗ đợi đêm tới bật hồng lên xông vào làng…”
Đúng như thế, toàn bộ nhân vật “cán bộ đội” được Tô Hoài mô tả trong truyện thực ra cũng là một đám “cờ gian, bạc lận”, “đám kẻ cướp bật hồng xông vào làng tàn phá…”.
Trước hết là nhân vật Đội trưởng Cự. Hắn nguyên là bộ đội khu 5, tập kết ra Bắc với đủ thói hư tật xấu của một tên lưu manh đầu đường xó chợ. Trình độ văn hoá của Cự chưa vượt lớp 3 nên hắn khăng khăng không nhận người có bằng tú tài hoặc đi học Liên Xô về, hắn chỉ cần “người chữ nghĩa èng èng", trình độ văn hoá kém hắn, tức…dưới lớp 3. Đi ba cùng với bần cố nông, hắn mang lén “bánh đúc ngô” để ăn vụng. Vừa xuống xã, Đội trưởng Cự đã xin lệnh bắt Bí thư chi bộ và 6 địa chủ, luôn miệng quát tháo: "Phải ra tay mới phá được thế bị khống chế, bởi địch đã có tổ chức phá hoại, gây rối loạn. Ông lão lòa ở xóm lội xuống ao trẫm mình hay là bị địch dìm chết?... Tăng cường tố khổ, mở rộng tố khổ để tìm ra đứa giết người, đứa đốt nhà…”.
Càng ngày hắn càng lộ mặt “ác ôn” chỉ thích bắt, tra khảo và bắn giết. Từ ngày đội xuống xã, “đường làng vắng hẳn, người nào bần cùng lắm mới ra đường, đi len lét, không ai dám đến nhà ai. Gặp anh đội, người già lùi vào bờ rào ngoảnh ra cúi đầu chắp tay vái…”.
Ối các ông "đầy tớ của dân" ơi, vì sao dân lại đến cái nông nỗi ấy?
Lợi dụng quyền lực Đội trưởng, Cự đi đâu cũng gạ gẫm các cô “rễ, chuỗi” tức những người hắn chọn sau này làm cán bộ. Về xã này Cự cũng ép được cô Đơm và cô Duyên ngủ với hắn. Hai cô này đều là cốt cán của đội, được hắn đền bù lại bằng cách cho làm du kích và cho nhận “quả thực” nhiều hơn người khác. Tận dụng quyền lực, Cự đưa cả vợ tới Đội để kết nạp cô ta vào Đảng. Không may vợ Cự vừa tới dự cuộc họp kết nạp của Chi bộ thì bị hai cô Đơm và Duyên xúm vào đánh ghen một trận tơi bời tan cả cuộc họp, làm mặt mũi đội trưởng cải cách càng thêm lem nhem.
Thế còn ông Đội phó tên Bối, nhân vật xưng “tôi” trong truyện. Ông vốn xuất thân gác cổng cho một hiệu thịt bò ở Hà Nội, chiến tranh bỏ đi “làm Việt Minh”, tới hoà bình quay về Hà Nội đã thành cán bộ và được phái đi cải cách ruộng đất. Ngay trên đường đạp xe xuống cơ sở, ông Đội phó đã "ăn cắp"… bánh đúc ngô của ông Đội trưởng dấu trong ba lô, xuống tới địa bàn, ông bắt rễ với một nhà có cô con gái hơ hớ và chỉ hôm trước hôm sau ông "cán bộ đội" thò tay bóp vú nó: “Em có cái túi hay nhỉ? - Tôi thò theo lách vào ngực Đơm. Đơm đẩy tay tôi ra. “Rõ cái anh này” - “ Anh xem cái chỗ để tiền” - “Ngoài này kia mà, sao lại đi sờ vào trong...” - "Anh nhầm". Tôi lại thọc tay vào ngực Đơm như vừa rồi. Lần này Đơm đứng tây ngây, mặt đỏ lịm, để yên tay cho tôi vân vê…”.
Chỉ một đoạn đối thoại rất ngắn, bộ mặt đạo đức giả, đểu cáng của tên Đội phó đã bị lột trần.
Đảng chủ trương cán bộ đi cải cách ruộng đất phải “ba cùng” với nông dân tức “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tuy nhiên cái anh Đội phó tên Bối này lại sợ cầm cày lội ruộng. Bởi vậy anh ta phải “diễn”, tức phải vờ vịt làm ra vẻ ta hăng say lao động lắm đây mặc thây thiên hạ biết tỏng anh đang lừa đảo: “…Tôi cầm một cái cào cỏ. Tôi vác cào lên, một bên đeo túi dết. Cả xóm biết anh đội đóng bộ đi làm đồng đấy. Ai chả biết anh đội làm trò, tôi mặc họ và thản nhiên. Tôi xắn quần, đi từ xứ đồng cao trong chân tre ra con ngòi sâu rồi lại lội qua mấy khoảnh ruộng trũng. Đương khi nông nhàn, đồng áng lơ thơ xa xa mấy người lúi húi cào cỏ. Thấy người lội đồng mũ, quần xoè trên gối, người ta ngẩng lên rồi lại cúi xuống quờ tay gốc lúa. Anh đội, anh đội thăm đồng đấy mà… Tôi có thăm hỏi đồng áng gì đâu….”.
Và nhà văn Tô Hoài hạ một câu nhận xét chung về “cán bộ đội”: “ Đi guốc vào bụng những anh đội mắt trố như mắt chó giấy, cái gì cũng lạ lại làm ra vẻ ta đã thạo. Nhưng tôi còn láu cá hơn những người có thể biết tôi vờ vẫn. Tôi cốt vác cào cỏ, sục mấy cái cho răng cào dính bùn và hai ống quần thì lâm tâm cỏ may. Tôi ra cửa đền ngoài chân đê hội ý đội. Làm bộ như tôi vừa đi làm đồng về chưa kịp rửa ráy, vác cả cào cỏ đến thẳng chỗ họp”.
Chẳng riêng gì Đội phó đóng kịch “lao động sản xuất” mà tất cả cán bộ đội tên nào cũng vờ vịt như thế. Đến nỗi lúc họp đội cải cách “người nào cũng khoe ngầm ta vừa chân ướt chân ráo ở nơi bán lưng cho trời, bán mặt cho đất về đây. Người thì cái giỏ đeo đít, người cái cuốc trên vai hạ xuống, có người quang gánh lõng thõng để ngoài thềm, cái thừng và chiếc nõ xỏ mũi trâu lăn lóc trong đám cỏ làm như đương đi đuổi trâu. Nhưng ai đấy có khôn mà chẳng ngoan. Sợi thừng gác bếp còn rơi ra cả tảng bồ hóng. Biết tẩy nhau cả. Mọi người nhìn nhau chỉ nhớn nhác một cái và lặng lẽ quay mặt đi”.
Những con người giả dối, vô liêm sỉ như vậy mà lại xúm vào bắt tay làm cuộc cách mạng long trời lở đất là tiêu diệt giai cấp địa chủ và đưa nông dân lên địa vị chủ nhân ông ở nông thôn thì khác nào dắt cướp về làng tàn phá và giết chóc.
Theo quy trình “phóng tay phát động quần chúng”, khi cán bộ đội về làng bước đầu tiên thăm nghèo, hỏi khổ, tìm cho ra người nghèo khổ nhất làng để bắt “rễ” tức là vác ba lô tới “ba cùng”, ôn nghèo, nhớ khổ từ đó tìm ra người nghèo khác gọi là “chuỗi” hợp thành đám cốt cán của đội, sau này sẽ chia nhau nắm giữ các chức vụ quan trọng ở trong làng.
Lý thuyết vậy, nhưng ông Đội phó Bối xuống xóm lại chọn ngay nhà lão Diệc cắm chốt vì lão có đứa con gái hơ hớ. Đã chót bóp vú con gái người ta rồi ông Đội phó đành chọn bố cô gái, tức lão Diệc làm “rễ”. Trớ trêu, lão Diệc lại có bố vợ là Phó Thìn vốn có ngót mẫu ruộng, có bát ăn bát để , có nguy cơ bị kích lên thành địa chủ.
"Bão biển" - Hot girl Nhật Bản |
Thế là lấy cớ tăng cường cho Đội phó, gã Đội trưởng Cự dọn ngay về nhà lão Diệc và ‘chớp” ngay cô Thơm, nẫng tay trên của ông Đội phó. Do lão Đội trưởng Cự làm mạnh tay, cụ Phó Thìn “một lão già tám mươi tuổi heo hắt như cái dây khoai, mắt thong manh mù dở, khoèo chân không duỗi ra được” bị quy thành địa chủ, bị bắt giam và bị đưa ra pháp trường đấu tố: “Sớm hôm sau, bốn người đeo súng trường vào chỗ giam địa chủ Thìn. Người nào cũng hăng hái, sững sờ khác thường như vừa có chén rượu. Tôi đứng giữa nhà, nhìn bao quát. Hai người mở chốt cũi. Đũng quần lão già đầy kẹp cứt, cả gian âm u ẩm ướt thối không chịu được. Mấy người nhà xúm lại khóc rưng rức, đỡ lão Thìn.
Tôi hét:
- Cút ra đằng kia!
Một dân quân vào bếp lấy ra cái đòn ống. Trưởng thôn Cối ở đâu xồng xộc chạy vào, cúi xuống, lột cái áo vét đã đen địa chủ Thìn đương mặc, ngẩng lên cười hê hê: “Để cho mày khỏi vướng …”. Rồi xỏ tay vào mặc áo luôn…”.
Cảnh đấu tố sau đây là tiêu biểu và phổ biến tại khắp làng thôn miền Bắc vào thời kỳ đen tối của lịch sử đó: “Bãi mít tinh đông nghịt người. Giữa đám, những tàu dừa kết thành hàng rào xanh trang trí sau bàn toà án.Cuộc đấu nổ liên tiếp, khi địa chủ Thìn vừa được đặt xuống ngồi tựa vào cái cọc. Người chạy lên chạy xuống, tới tấp.
- Mày có biết tao là ai không?
Thế nào mà tiếng lão già sắp chết này vẫn nói sang sảng:
- Thưa bà nông dân… tôi không biết…
- Tao đi ở cho cháu mày.
- Thế thì tôi không biết thật ạ.
- Mày lấy roi cặc bò đánh tao. Đả đảo địa chủ!
Rồi hớt hải chạy xuống giữa tiếng đả đảo cuồn cuộn trong đám người… Lão Thìn lả người, lăn quay ra giữa bãi đống văn tự, giấy tờ, sổ sách chữ Tây chữ ta trong nhà lão khuân ra đốt, khói urn lên, tàn than lả tả bay như đàn bướm đen. Những tiếng quát rộ lên: Không cho nó nằm! Nó nằm sập gụ cả đời rồi! Bắt nó đứng! Bắt nó… Địa chủ Thìn bị xốc lên, trói hẳn vào cái cọc đã chôn sẵn. Đầu lão ngật đi. Chốc chốc lại ỉa tháo ra cái quần đã tụt võng hẳn xuống hai đốt chân bằng cái ống nứa…”.
Nhưng kinh khủng nhất là cảnh con rể lên tố khổ bố vợ, cháu gái vác súng chuẩn bị bắn ông ngoại: “…Giữa những tiếng láo nháo hô đả đảo, bác Diệc run run bước lên. Mặt tái ngoét như con gà cắt tiết. Tổ dân quân mấy xóm dàn hàng ngang. Đơm khoác súng đứng hàng đầu… Bác Diệc chỉ tay vào địa chủ Thìn:
- Tao thù mày! Tao thù…
Rồi khóc rống lên, chạy xuống. Đội trưởng Cự xô ngay ra trước loa, quát to:
- Hôm nay là ngày thắng lợi của giai cấp nông dân chúng ta, cấm không ai được khóc.”
Cái ngày “đại thắng của nông dân” đó cũng là ngày không biết bao nhiêu người đã ngã xuống chết tức tưởi, chết trong la hét, chửi rủa của đám đông bị kích động một cách mù quáng: “Cả nghìn con người lại im như tờ. Khi một loạt tiếng súng toả khói xanh um lên, đám đông ở dưới đẩy nhau chạy. Ai cũng khiếp tiếng nổ. Người hãi máu, bịt mắt lại. Người nhốn nháo ra các ngả. Tiếng trống cà rùng của đội thiếu nhi nổi lên khua rầm rầm, vang vang. Thế là địa chủ Thìn chết...”.
Cụ Thìn chết oan uổng, chết nhục nhã khi cả con rể, cả cháu ngoại đều đứng trong hàng ngũ những kẻ hành hạ cụ. Duy nhất chỉ có cô con gái - bà Khoèo, vợ thằng “rễ” Diệc và mẹ cô “chuỗi” Thơm vì quá thương xót bố và căm thù bọn tội phạm đã lao đầu vào cối đá tự tử.
“Người thứ ba” - hay “cán bộ đội “thứ ba tên Đình, lại cũng chẳng tử tế gì. Theo đánh giá của chính Đội phó cải cách: “Mà cái thằng Đình cũng ác ôn ra trò, phét lác một tấc đến trời, lại tỏ vẻ lý sự, đạo đức, phải phết nó một đòn bịt mồm”.
Cũng giống như ông Đội phó, cán bộ Đình vừa xuống xóm đã gạ ngay được cô cốt cán tên Duyên để rồi cô này sang tay Đội phó và sau cùng cả cô Thơm lẫn cô Duyên đều lọt vào tay Đội trưởng cải cách.
“Ba người khác” của Tô Hoài đưa ra một bức tranh khá toàn cảnh công cuộc cải cách ruộng đất, đặc biệt đi sâu khắc họa chân dung những cán bộ Đảng thực thi cuộc “cách mạng ruộng đất” ấy. Do cách lựa chọn trung thành với Đảng, đứng vững trên lập trường Mác - Lênin nên những kẻ được chọn đều là bọn lưu manh, trộm cướp, thất học. Đó là tình trạng phổ biến được nhà văn Tô Hoài khắc hoạ một cách chân thực và sinh động. Và đó cũng là đóng góp lớn nhất của tiểu thuyết “Ba người khác” cho đề tài cải cách ruộng đất - đề tài mà văn học và nghệ thuật chắc chắn còn đề cập tới trong những tác phẩm ngày càng sâu sắc hơn, dũng cảm hơn, phơi bày toàn bộ thực chất cuộc vận động “người cày có ruộng”, minh oan cho hàng trăm ngàn oan hồn hiện vẫn còn vất vưởng, chưa được siêu thoát vì những tên tội đồ vẫn chưa bị trừng phạt.
Mặc dầu bấm bụng cho phép xuất bản cuốn “Ba người khác” của Tô Hoài, nhưng “trên” vẫn chỉ đạo ngầm báo chí, nhất là báo Đảng không được tuyên truyền rùm beng, tốt nhất là tảng lờ, báo nào viết bài về cuốn sách này thì nhất thiết phải… chê.
Nghiêm chỉnh vâng theo chỉ thị đó, báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày số ra ngày 28-1-2007 đăng bài "Đọc tác phẩm “Ba người khác” của nhà văn lão thành Tô Hoài" của Trúc Anh chê bai kịch liệt với ý là nhà văn Tô Hoài chơi trò "chạy tội" khi chính ông đã từng là Chánh án Toà án nhân dân, là Đội phó Đội cải cách vậy mà bây giờ chưa có lời sám hối nào với nạn nhân trong cải cách ruộng đất, mà còn đổ hết tội cho anh Đội trưởng, còn mình chỉ là anh Đội phó hám gái, chỉ thừa hành lệnh cấp trên.
Trước hết, Trúc Anh cho rằng “bi kịch về những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở "Ba người khác", với những người quan tâm hoặc hiểu biết về nó, đều đã quen thuộc. Có lẽ cũng biết điều này, để tránh sự “quen thuộc”, nhà văn Tô Hoài đã chọn cách viết tác phẩm từ lời kể của tên tội phạm, khác với những tác giả trước đây, viết với tư thế là nạn nhân, pháp quan, thầy đời v.v…".
Cách lựa chọn “khôn ngoan” của Tô Hoài bị Trúc Anh riễu cợt: “Và sự lựa chọn này đã khiến "Ba người khác" ngay lập tức được các nhà phê bình, nhà văn “tài cao, đức trọng”, tôn vinh nhiệt liệt như đón chào ngôi sao rực sáng trên bầu trời văn chương Việt Nam…”.
Từ đó, Trúc Anh “lật tẩy” thái độ của Tô Hoài với cải cách ruộng đất: "Bằng thứ giọng bình thường hoá tội ác, toàn bộ lời kể của Đội Bối, trong "Ba người khác", không chỗ nào tỏ ra đau khổ hay sám hối".
Và quy trách nhiệm cho Đội Bối mà thực chất là Tô Hoài: “Không biết khi kể chuyện, Bối đã hết chất lưu manh, dối trá hay chưa, nhưng ở cái xã và các xã đang “thổ cải” thời kỳ ấy, những nơi mà mầm mống nhân tính đã bị chính những người như họ tiêu diệt thì chắc chắn không thể có một ông Đội Bối vô can, và bây giờ lại uốn éo thanh minh rằng mình cũng chỉ là nạn nhân…”.
Trúc Anh kết tội Tô Hoài chỉ chăm chăm vào chuyện dâm dục: “Trong Ba người khác, chuyện tình dục tội lỗi được kể bằng thứ ngôn ngữ chính xác, khoái cảm hả hê, tâm đắc. Chỉ với 250 trang sách mỏng, những cảnh hoang dâm, quần dâm diễn ra thường xuyên, mọi lúc mọi nơi: Ba anh Đội: Cự, Bối, Đình thay nhau, nhường nhau làm tình các nữ dân quân, bần cố nông “rễ, chuỗi”: Đơm, Duyên… bất kể ban đêm, ban ngày, trước, sau lúc hội họp, lúc đấu tố; làm tình ngay bụi cây bên đường làng, bên đống rạ trong sân; làm tình cô Đơm trước người mẹ tàn tật, làm tình cô Duyên bên ông bố điếc; Đội Bối quần dâm với nhiều nữ dân quân trong một đêm ở lán gác…”.
Nhưng có thực trong những ngày “long trời lở đất”, tức những ngày nông thôn chìm đắm trong không khí khủng bố, đàn áp thời cải cách; chuyện sex, tức chuyện “dâm dục” có nổi lên tràn lan vậy, hay chỉ là cái cách nhà văn Tô Hoài phóng đại để làm lu mờ những chuyện khác?
"Trong Ba người khác", Đội thấy gái và gái thấy Đội, bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như lũ cuồng dâm vồ nhau làm tình, không hề từ tình cảm mà chỉ từ động dục, đổi chác, lợi dụng nhau... giữa làng xã tiêu điều, đói khát, oan khốc, đấu tố tuỳ tiện. Viết về tình dục và dâm đãng để tạo ra sự rùng rợn về một loài kinh tởm hơn cầm thú và man di mọi rợ chưa từng có trong xã hội loài người, thì Ba người khác quả là “ép phê”.
Tác giả bài báo đặt câu hỏi nghi ngờ anh “Đội Tô Hoài" tố điêu: “Nhưng người đọc buộc phải ngờ anh Đội Bối “tố điêu”, vì chắc chắn cái hiện thực hoang dâm hủ bại ngập ngụa trên, chỉ có trong trí tưởng tượng ác độc, vô luân của bọn tố điêu, chứ không thể có ở làng quê Việt Nam bất cứ thời kỳ nào. Cái giỏi của nhà văn lớn Tô Hoài chính là ở chỗ này: Vừa làm cho Ba người khác trở thành tác phẩm ăn khách mà vẫn tiếp tục lột trần Đội Bối, cà cuống chết đến đít còn cay, đã thất bại thảm hại, rơi xuống dưới đáy xã hội mà vẫn nguyên vẹn bản chất dối trá, lưu manh của anh Đội Bối ngày xưa”.
Và dẫu anh Đội phó Bối có chìm ngập trong những chuyện dâm dục, đổ hết tội cho Đội trưởng Cự, nhưng cái chức Chánh án của anh (cũng là của Tô Hoài) đã tự tố cáo anh: “Trong Ba người khác, đội phó Bối, kiêm chánh án, không chỉ dùng “nghệ thuật” hoang dâm (vì ngày nay, hoang dâm đang được nhìn nhận là “đổi mới tư duy”) để bình thường hoá tội ác, mà còn trút hết mọi tội ác diễn ra ở xã thời cải cách, lên đầu đội trưởng Cự, một kẻ theo địch, đã chết, chẳng bao giờ có cơ hội viết tự truyện để bào chữa cho mình, đổ tội sang người khác và nói thêm: Hàng nghìn vụ xử án, kết án oan “kẻ thù giai cấp” hồi đó đều không thể thiếu chữ ký của chánh án Bối".
Tác giả bài viết cho rằng Tô Hoài muốn chạy tội cho mình trong cuốn “tự truyện” này, đổ hết lỗi cho người khác cho dù thời cải cách ruộng đất ông đã làm tới chức… Chánh án Toà án nhân dân: “Song đỉnh điểm cao thâm của nhà văn lớn Tô Hoài trong "Ba người khác" lại ở chỗ, vừa rút hết vốn sống của người trong cuộc, viết ra loại sự thật đáp ứng được khẩu vị và sự hiếu kỳ, khiến người đọc, nhất là các nhà phê bình đang muốn nổi của nền văn học Việt Nam, phải trầm trồ tâm phục khẩu phục, ông đồng thời vẫn tách bạch được sự thanh cao, thánh thiện bằng giọng văn dưng dửng, biếm biếm, như mình hoàn toàn là người ngoài cuộc, nên cùng lúc, ông cũng được ca ngợi là khách quan, dũng cảm khi dám mổ xẻ, phanh phui đến tận cùng một đề tài nhạy cảm”.
Và chính vì lối “chạy tội” đó, Tô Hoài đã không dám chỉ đích danh thủ phạm gây nên thảm trạng cải cách ruộng đất chính là Đảng và Nhà nước mà là do người của… địch cài vào: “Bi kịch cải cách ruộng đất ở xã nọ kết thúc có hậu, kèm theo lời giải đáp “đúng hướng” về nguyên nhân đẻ ra sự xáo trộn làng quê kinh hoàng: Đội Cự có vẻ như do địch cài vào, Đội Bối là đảng viên giả mạo, còn Đội Đình, đảng viên thật sự, chỉ có mỗi tội lãng mạn không tưởng”.
Vậy là đảng viên Tô Hoài và Đảng cộng sản của ông là… vô can, lỗi là ở “kẻ xấu” chui vào hàng ngũ ta. Để thực hiện được "ý đồ chạy tội" đó, Trúc Anh đã tố cáo Tô Hoài dùng mẹo “ve sầu thoát xác”: “Nhiều người bảo "Ba người khác" đã mở ra diện mạo mới cho văn chương Việt Nam. Nói như thế là chưa thấy hết tầm cỡ của Tô Hoài, chưa hiểu thế nào là thuật kim thiền thoát xác. Đọc xong "Ba người khác", không nhìn ra người thứ tư, một anh Đội Bối B, sau cải cách, sau sửa sai, vẫn tiếp tục được thăng quan tiến chức, hưởng ngập mặt những bổng lộc, quyền lợi, nhờ cải cách ruộng đất và đến tận cuối đời, chứng khôn ranh vẫn nguyên vẹn, vẫn thu hút được quanh mình đủ loại “chuỗi, rễ” đời mới, là chưa hiểu hết cái sâu xa, cái vô cùng của tác phẩm…”.
Anh Đội Bối B chẳng phải ai khác, chính là nhà văn Tô Hoài, sau cải cách vẫn thăng quan trong Hội nhà văn, vẫn “lập kỷ lục quốc gia” về… số lần đi nước ngoài.
Bài "Đọc tác phẩm “Ba người khác” của nhà văn lão thành Tô Hoài" của Trúc Anh rõ ràng lên án nhà văn Tô Hoài với lời lẽ thật quyết liệt, sâu cay, vậy mà chắc do “trình độ có hạn”, hoặc đầu óc lú lẫn vì đấu đá nội bộ, ông NTK Vụ trưởng Vụ báo chí “hồi ấy” đọc xong lại “nhầm tưởng” là… bài báo quá khen "Ba người khác" của Tô Hoài, trái với chỉ đạo của Ban tư tưởng là không được khen, chỉ có… chê. Lập tức ông nổi giận đùng đùng, tại cuộc giao ban báo chí ngày 6-2-2007, ông lên giọng “lãnh đạo”: “Nếu ý của tác giả là phê phán cuốn sách thì tự bài viết đã bộc lộ sự non tay, né tránh và sơ hở, nhiều đoạn trong đó vô hình chung ca ngợi tác phẩm một cách quá lời. Nhìn toàn cục, bài viết nhập nhằng giữa khen và chê, chê qua loa nhưng khen thì quá rõ…”.
Bài "Đọc tác phẩm “Ba người khác” của nhà văn lão thành Tô Hoài" của Trúc Anh rõ ràng lên án nhà văn Tô Hoài với lời lẽ thật quyết liệt, sâu cay, vậy mà chắc do “trình độ có hạn”, hoặc đầu óc lú lẫn vì đấu đá nội bộ, ông NTK Vụ trưởng Vụ báo chí “hồi ấy” đọc xong lại “nhầm tưởng” là… bài báo quá khen "Ba người khác" của Tô Hoài, trái với chỉ đạo của Ban tư tưởng là không được khen, chỉ có… chê. Lập tức ông nổi giận đùng đùng, tại cuộc giao ban báo chí ngày 6-2-2007, ông lên giọng “lãnh đạo”: “Nếu ý của tác giả là phê phán cuốn sách thì tự bài viết đã bộc lộ sự non tay, né tránh và sơ hở, nhiều đoạn trong đó vô hình chung ca ngợi tác phẩm một cách quá lời. Nhìn toàn cục, bài viết nhập nhằng giữa khen và chê, chê qua loa nhưng khen thì quá rõ…”.
Và rồi ông Vụ trưởng Vụ báo chí kết cho tác giả Trúc Anh và báo Sài Gòn Giải Phóng cái tội “chết người”: “…thiếu tính định hướng…”.
Trong làng báo Việt Nam, đây là tội nặng nhất, báo chí có thể đưa tin sai lệch, thiếu chính xác, nhưng “thiếu định hướng” tức là cãi bướng, không tuân theo sự chỉ đạo của Ban tư tưởng là… chết.
Mặc dầu thừa biết là thủ trưởng “phán láo”, kết tội oan uổng nhưng mấy ông Tổng biên tập vẫn ngồi im thin thít, không ông nào dám cãi lại. Bởi lẽ im lặng là vàng, anh nào dám ho he cãi lại cấp trên thì coi chừng, mất ghế có ngày. Biên bản cuộc họp giao ban này chắc được giấu biến để khỏi tới tay lão nhà văn Tô Hoài tránh cho ông nổi giận rất có hại cho sức khoẻ người già.
Dẫu sao, dù Tô Hoài có “chạy tội” hay không, “Ba người khác” vẫn là một dấu son trong sự nghiệp, vẫn là cuốn tiểu thuyết phản ánh chân thực, lên án mạnh mẽ cuộc cải cách ruộng đất do Đảng phát động, mà hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nay vẫn còn là vùng đất cấm đối với các nhà văn ăn bổng lộc của Đảng.
Ngày xưa ở Hà Nội hồi trước 1954, hàng năm vẫn tổ chức đua xe đạp quanh bờ hồ. Trong các cua-rơ - vận động viên đua xe - nổi lên một người được gọi đầy thiện cảm là “cua-rơ Bát Già”. Xấp xỉ tuổi 70, sức đã yếu so với đàn em trẻ, nhưng cua-rơ Bát Già vẫn bền bỉ bám đường đua, nhất định không bỏ cuộc, vẫn cán đích trong tiếng vỗ tay râm ran của hàng ngàn người hâm mộ cho dù cuộc đua đã kết thúc. Hình ảnh lão nhà văn Tô Hoài ngoài 90 tuổi vẫn miệt mài cầm bút gợi nhớ tới cua-rơ Bát Già ngày xưa. Kính chúc bác Tô Hoài sống lâu trăm tuổi để còn viết nhiều và viết hay hơn nữa.
Nhà văn Nhật Tuấn
(một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Nhà văn Nhật Tuấn
(một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét