"Giấc chiêm bao" - người đẹp Nhật Bản |
Nhưng đến con Sám Miến Hồng thì mới thực là tài ba có một. Với đôi quản đầy vẩy “khâu dao”, chỉ buông không cũng thành cần, cáo. Và nhất là hai ngón “thái” vênh vênh kì quái. Nó đã lấy vừa đúng mười hai con mắt trong mười hai trận đá... (ảnh không liên quan đến bài viết)
Mảnh sân đất nhỏ hẹp chạy dài trước ba gian nhà tranh lụp xụp. Bề ngang không đầy hai thước; bề dài chỉ đến tám bước chân là quá. Vậy mà Cả Chuẩn cũng cố bày biện cho nó ra vẻ một cái vườn cảnh. Giàn thiên lí, chính giữa, thấp lè tè, cành lá xum xuê che chiếc bể cạn thả cá vàng và bốn chậu lan đặt trên đôn sứ cũ kĩ, sứt mẻ: hai chậu bạch ngọc và hai chậu nhất điểm. Trong bể, kê một hòn non bộ sần sùi gân guốc; cỏ tóc tiên mọc um tùm giữ một vẻ hoang vu bí mật đối với bọn người sành bé nhỏ, đặt theo điển tích. Nào chùa, tháp, cầu, quán chênh vênh hiểm trở; nào ngư, tiều, canh, độc; nào cầm, kì, thi, tửu; nào Bá Nha ngộ Tử Kì; nào Sào Phủ tẩy nhĩ… Tất cả ngụ một vẻ an nhàn thư thái, gác đường danh lợi ra ngoài như thời Nghiêu Thuấn. Che tất cả hòn non bộ là một cái tán si. Gốc si xù xì, thân uốn éo theo một kiểu nhất định.
Mỗi lần có khách lạ, ông Cả không quên giảng giải kĩ lưỡng về chiếc bể này:
- Có người trả năm chục bạc rồi, tôi không bán đấy nhé. Những người sành này tôi gửi mua tận chợ Đồng Xuân ngoài Hà Nội, toàn sứ tàu cả; lại còn cây si này nữa. Ông thử để ý ngắm kĩ mà xem: kiểu long cuốn thuỷ đấy!... Này nhé, cái gốc là cái đầu vục xuống uống nước này. Hai vấu này là hai con mắt này. Cái thân uốn éo như hình con rồng cuộn khúc này. Cái tán ở trên xoè là cái đuôi này. Còn cây nhỏ dưới gốc là cây tử này. Chơi cây phải có mẫu, có tử mới không sái ông ạ.
Cả Chuẩn khoe khoang hòn non bộ cũng như ông vẫn thường khoe hai cây cau lợn cọ trồng hai bên vại sói trắng. Mấy khóm lan, hai chậu bạch trà hay bất cứ một thứ gì trong sân cảnh đều mang một lịch sử cầu kì, khó khăn.
Khi người ta là một nhà nho - mặc dầu không hay chữ - nhất lại là nhà nho kiết nữa, thì càng sính chơi cái thú thanh tao này. Cả Chuẩn cũng vậy. Ông chơi cây cảnh chẳng qua để đôi lúc rượu say, tức đời đem câu “danh lợi bất như nhàn” hay “bần thanh còn hơn phú trọc” ra mà an ủi mình và để lên mặt khinh đời, nghĩa là khinh mấy bác giàu có trong làng, mà ông cha là những hạng người keo bẩn, thô tục, không bao giờ hiểu biết được cái thú nhàn nhã như ông. Ông thường dè bỉu:
- Hứ! Sống ở trên đời mà bo bo đồng tiền, chẳng biết ăn chơi là cái gì, chết thì cũng hai tay buông xuôi, dễ mang được của đi chắc!
Rồi ông cất giọng sang sảng ngâm:
Ngoài vòng cương toả chân cao thấp,
Trong thú yên hà mặt tỉnh say.
Chính ra, Cả Chuẩn cũng không tha thiết gì với cái vườn cảnh cho lắm. Sở dĩ có nó, chẳng qua vì ông rỗi rãi quá và cũng vì những lẽ trên kia. Thật tâm, ông chỉ thích gà chọi thôi.
Trong cái vườn cảnh bề bộn, nhỏ hẹp ấy, ông cố chen thêm vào một chuồng gà và hai chiếc bu thửa, cao lớn lênh khênh coi rất chướng mắt.
Cả Chuẩn mê thích gà chọi lắm. Suốt ngày chỉ lăn lóc với gà. Ngay từ tờ mờ sáng, chưa dậy được, nằm trên giường, ông đã để ý nghe xem hôm nay con Chuối gáy mấy tiếng, con Bạch Nhạn gáy mấy tiếng. Có được mạnh mẽ không? Ông mê đến nỗi chẳng thiết làm ăn gì cả. Chỉ khổ bà Cả và cô Tưởng. Hai mẹ con đầu tắt mặt tối, ngược xuôi, tần tảo lấy tiền về nuôi gia đình. Thằng cu Trạm lớn rồi vẫn không được đi học. Phải ở nhà hầu hạ bố, nói là hầu hạ gà mới đúng. Lúc nào nó cũng la cà ở ngoài bờ ruộng bắt nhái, hoặc cào cào, châu chấu đem về cho gà ăn. Thằng bé đày nắng đen sạm hẳn đi.
Ông Cả để cu Trạm sống theo vết cũ của mình. Cũng như phần đông trai làng: lớn lên lấy vợ, rồi nhờ vợ sống một cuộc đời ỷ lại vô lo vô lự. Nếu nhờ trời khấm khá có đồng ra đồng vào một chút, ra hương chính, cai đám; hơn nữa, lí, phó tổng chưa biết chừng. Thế là danh phận chán rồi.
Hiện giờ, trong nhà có hai con gà đá được. Cả Chuẩn vẫn chưa vừa ý con nào. Cái Chuối chân vàng “chịu buộc bắt tảng”. Dầu hay, mau đòn, nhưng phải cái đá nhẹ. Cái Bạch Nhạn “Cần lập trụ” đòn nặng, gan lì, thì lại chậm chạp; mặt bành xe, dại đần lắm.
Cho nên Cả Chuẩn vẫn để ý tìm tòi một tông gà hay nuôi cho bõ công vần vỗ. Ông thường phàn nàn:
- Nuôi được con gà đi đám, công phu lắm, chứ có phải dễ đâu. Hạng táp nham thì vô thiên lủng ra đấy. Nhưng không bõ.
Một bận, ông sang Tư Méo bên Bính Hạ chơi. Gớm! Ông cứ mê lên về gà của hắn. Ông thuật lại với anh em bằng một giọng vô cùng thèm muốn:
- Chết! Chết! Chơi như người ta mới là chơi, chứ như mình ấy à! Một tay lão ta nuôi hai mươi nhăm con gà, ở trong một cái trại bát ngát. Mà con nào cũng như công như phượng ấy!
Cả Chuẩn còn sang bên Tư Méo bốn năm bận nữa. Ông mày mò muốn mua một con gà mái. Cho rằng: “Chó giống cha, gà giống mẹ”. Gà mẹ có hay, gà con mới đá được. Tư Méo có cái Mái Ô sô mặt tông siếc, ông mê thích quá: “Chân tay mặt mỏ ấy, nó đá như vũ như bão chứ chẳng không”.
Nhưng khẩn khoản thế nào, Tư Méo vẫn không bán, mà hỏi mượn về “đúc” một lứa, hắn cũng không cho. Càng thế, Cả Chuẩn càng mê mẩn con mái xồm. Ông nhất quyết phải chiếm cho kì được mới yên lòng, nhưng vẫn băn khoăn chưa tìm ra cách nào.
Một buổi tối, người hàng xóm ông mất gà. Mụ xắn váy quá đầu gối, dạo khắp ngõ trong, ngõ ngoài, quai xanh vành mỏ ra sa sả rủa đứa nào đã chấp chiếm con gà mái của mụ.
Nghe vậy, Cả Chuẩn bỗng nảy ra một ý kiến. Ông mỉm cười gật gù khoan khoái, lấy làm đắc sách lắm. Sáng hôm sau, mặc dầu trời lạnh, ông đã lọ mọ xuống xóm dưới vào nhà Cả Cúi chơi. Đôi bên thì thầm bàn tán với nhau có vẻ bí mật lắm. Lúc ra về, ông còn cặn kẽ dặn đi dặn lại:
- Thế nào anh cũng cố lưu tâm giúp tôi nhé!... Nhớ con gà đen và xồm mặt ấy. Tôi không để anh thiệt đâu.
Cả Cúi gật đầu:
- Được! Được! Con nhớ kĩ rồi, ông cứ yên tâm.
Thỉnh thoảng, Cả Cúi lại lên nhà Cả Chuẩn chơi. Có lần hắn còn ở lại uống rượu nữa. Ông cũng chẳng nề hà tai tiếng chơi bời với quân câu gà với làng nước nữa.
Một buổi tối, người hàng xóm ông mất gà. Mụ xắn váy quá đầu gối, dạo khắp ngõ trong, ngõ ngoài, quai xanh vành mỏ ra sa sả rủa đứa nào đã chấp chiếm con gà mái của mụ.
Nghe vậy, Cả Chuẩn bỗng nảy ra một ý kiến. Ông mỉm cười gật gù khoan khoái, lấy làm đắc sách lắm. Sáng hôm sau, mặc dầu trời lạnh, ông đã lọ mọ xuống xóm dưới vào nhà Cả Cúi chơi. Đôi bên thì thầm bàn tán với nhau có vẻ bí mật lắm. Lúc ra về, ông còn cặn kẽ dặn đi dặn lại:
- Thế nào anh cũng cố lưu tâm giúp tôi nhé!... Nhớ con gà đen và xồm mặt ấy. Tôi không để anh thiệt đâu.
Cả Cúi gật đầu:
- Được! Được! Con nhớ kĩ rồi, ông cứ yên tâm.
Thỉnh thoảng, Cả Cúi lại lên nhà Cả Chuẩn chơi. Có lần hắn còn ở lại uống rượu nữa. Ông cũng chẳng nề hà tai tiếng chơi bời với quân câu gà với làng nước nữa.
Nửa tháng sau. Một đêm tối trời. Cả Chuẩn đã đi nằm từ lâu. Ông đang mơ mơ màng màng đến con gà mái của Tư Méo. Chợt có tiếng Cả Cúi gõ cửa rất gấp, giọng nhỏ và có vẻ sợ sệt:
- Ông Cả ơi! Ông Cả! Ông Cả ơi! Ông Cả!
Đoán chắc thế nào cũng có kết quả tốt đẹp, Cả Chuẩn sướng rơn lên. Ông vùng trở dậy, hấp tấp không kịp thắp đèn, bước thấp bước cao ra mở cửa. Ông hổn hển hỏi bóng người trước mặt:
- Cúi đấy à? Thế nào?
Hắn lách người qua cửa ngõ hé mở, thì thào:
- Được rồi.
Ông Cả vội vã đi thắp đèn, rồi ngồi ngẩn người ra ngắm con gà nghiêng nghé trong ánh sáng vàng kệch, tần ngần chẳng nói chẳng rằng. Cả Cúi sốt ruột cất giọng lè nhè đói thuốc nhắc:
- Ông cho con xin… con về chẳng khuya.
Ông Cả giật mình tỉnh mộng:
- À, nhỉ!
Rồi cứ cầm cả gà trên tay đi vào buồng, nâng đầu vợ gọi:
- Này! Này! Đưa mượn tạm năm đồng.
Bà Cả oặn oại, ậm ờ, giọng khê nồng nặc:
- Bây giờ còn lấy tiền làm gì?
Ông phát bẳn:
- Có việc chứ còn làm gì nữa? Hỏi lẩn thẩn mãi!
Bà Cả đành phải đấu dịu. Bao giờ ông gắt, bà cũng phải đấu dịu như thế:
- Ở cái bao trong bồ hàng ấy. Lấy đúng năm đồng thôi nhé.
Trả tiền Cả Cúi, đưa hắn ra về rồi, ông Cả vẫn còn ngồi mê man ngắm gà đến mãi khuya.
Đêm ấy, Cả Chuẩn trằn trọc không sao ngủ được. Ông cứ nghĩ luẩn quẩn về con gà mới mua, và tưởng tượng đến bao nhiêu chiến công rực rỡ của đàn con nó sau này Mãi gần sáng, mới chợp đi được một lúc. Trong giấc mơ, ông chập chờn thấy toàn những gà là gà.
Hôm sau, ông đi khắp mặt làng chơi trong làng khoe mình mới mua được con gà mái ô đẹp lắm, của anh bán củi gánh qua. Và nhân thể ông đặt luôn nó là cái Mái Củi Tạ.
Con Củi Tạ đá nặng đòn lắm. Ai xem cũng phải thán phục nó có đôi quản đẹp. Cả Chuẩn đã cho thử tài đến năm sáu bận. Không con nào chịu nổi nó đến ba hồ. Lần nào cũng chỉ hai hồ, hai hồ rưỡi đảo về là nó đánh con địch một đòn cứ biệng siệng như người say. Cho đến hết hồ thứ ba là phải chạy. Duy có con Mái Xám của phó Tiệm trên phố phủ, gan liền mới chịu được năm hồ, thì hôm sau ngã gục xuống chuồng lợn chết.
"Phù phiếm" - tranh của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn |
Cả Chuẩn càng băn khoăn lo nghĩ. Từ ngày có con Củi Tạ, ông vẫn để ý tìm ở vùng này một con gà hay “đúc” một lứa. Ông đem ý này bàn soạn với các bạn:
- Ở ta bây giờ, tôi xem không có một mái gà nào gọi là đá được để “rầy” con mái Củi Tạ, các ông ạ.
- Thiếu gì? Cái Tía khuỳnh ba kì của đồ Thảo thế nào?
- Cái ấy đá thì có gì, ông bảo! Dễ cứ ăn ba kì là gà hay chắc? Chả cứ, ông ạ!
Hương Chế biểu đồng tình:
- Phải! Ông Cả nói phải, có cứ gì ăn giải là gà hay đâu. Chẳng qua là hợp “vở” thì ăn thôi chứ khó gì. Chẳng hạn như gà mình chui, gặp phải con đấm, cứ mạng sườn nó thúc thì hỏi “ông” chui vào đâu? Chỉ ba hồ hương là “ông” sễ cánh buồm xuống, “ông” bước. Nếu biết kháp ra, gặp con đè cần bắt tảng thì ông đã lại tiền bỏ túi.
Con Tía khuỳnh chân sương, ông Tư vừa nói, có đòn gì? Tôi chả thấy nó đánh cần cáo bao giờ gọi là có. Độc vị “thông vỉa hai mang”, gặp phải con đấm hay, cu cậu đâm ra tháo chái.
“Cần chạy vài nhì” lắm khi còn đánh “sà leo” ngã quật mình xuống đất như trời giáng nữa mới chết chứ.
Gà hay vùng này bây giờ tôi chỉ thấy có ba con thôi: Củi Tía Nồi của Tư Méo là một. Nó đá thì không phải bàn cãi nữa rồi. Cái Ô Chuốt gan liền tướng quân của lang Mão Đồng Kỵ là hai. Với lại cái Bịp Tầm đại của đồ Đán bên Đình Bảng là ba. Thế thôi đấy. Còn ngoại giả tôi không còn ưng ý một con nào nữa.
Hương chế nói rất chí lí. Cả Chuẩn cũng nhận thấy thế. Vùng này xem ra chỉ có ba con gà ấy là xứng đáng rầy cái Mái Củi Tạ thôi. Con Tía Nồi của Tư Méo thì ông Cả không dám màng đến rồi. Con Bịp được cái phủ đòn và cũng có cần cáo đấy. Nhưng ông ghét nó phải cái lớn quá. Chơi gà tầm đại ra đám khó kén được con “đồng cân đồng lạng” mà đá.
Cả Chuẩn nghĩ chán rồi. Ông nhất định lên Đồng Kỵ mượn cái Ô Chuốt. Con này tầm trung vừa chơi. Nó đá nhiều cần cáo lắm; lắm đòn đánh con địch kêu quang quác, bay vù ra ngoài sới. Khốn nỗi lang Mão không cho mượn. Cả Chuẩn cố nàì nẫm khẩn khoản mãi. Nể lời quá, và là chỗ bạn bè thân thiết, lang Mão đành bàn khéo:
- Thật tình tôi không dám tiếc anh em đâu. Ở nhà tôi cũng đang cho rầy mái. Khó nghĩ quá! Hay là thế này. Ông đem con Củi Tạ đế trên này đúc một thể?
Cả Chuẩn không bằng lòng. Ông cười gượng gạo bàn ra cách khác:
- Ừ! Thế cũng được. Nhưng mà… Nhưng mà… Hay thế này tiện hơn. Mỗi hôm tôi sai cháu nó đem lên đây. Ông cho cái Ô Chuốt đạp một lần, có nhẽ tiện hơn.
- Vâng! Thôi thế cũng được. Chỉ khí vất vả cậu em một tí.
Hôm ấy ra về, Cả Chuẩn nghĩ lung lắm. Ông tự nhủ: “Cho đem lên như thế này, ngộ nhỡ gặp Tư Méo thì sao”. Trí óc rối ren lên không biết bao nhiêu là ý định. Ông tìm cách này, cách nọ, chưa bề nào ổn cả. Không lẽ cho vào lồng rồi phủ giấy ra ngoài? Hay nhét vào cái bị? Ừ, nhét vào cái bị có nhẽ là tiện. “Nhưng lang Mão thấy mình giấu giấu, giếm giếm như vậy thì có phải lòi cái gian ra không?”.
Sau cùng, Cả Chuẩn chặc lưỡi quyết định như thế này: “Cứ đem tự nhiên. Nhưng phải đi vòng cánh đồng. Khí xa thực đấy. Nhưng thôi, chịu khó một tí vậy, cho chắc chắn”.
Thế là ngay hôm sau, cơm nước xong, cu Trạm lệch thệch ôm con gà vòng cánh đồng lên Đồng Kỵ lấy giống. Cứ ròng rã như thế hơn nửa tháng trời, cho đến ngày con Củi Tạ rạo rực tìm ổ mới thôi.
Rồi con Củi Tạ đẻ. Mỗi lần nghe nó “cục ta cục tác” hoà với hai con gà trống kêu inh nhà lên, ông Cả lại sung sướng rộn rã. Có bận, chừng chếnh choáng say, ông liếc bà, tủm tỉm nói lỡm:
- Đấy bà mày nghe xem. Có phải con gà mái kêu: “Vừa đau vừa rát! Vừa đau vừa rát!” thì con gà trống ở đâu te tái chạy lại dỗ dành: “Ai cũng thế! Ai cũng thế!” không?
Dứt lời, ông cười ha hả.
Bà Cả nguýt chồng, nguẩy xuống nhà bếp, lẩm bẩm:
- Người đâu khổ là người! Vài ba hớp rượu vào là như trẻ con ấy.
Cả Chuẩn cũng chẳng để ý đến lời vợ: ông còn mải lấy thóc cho gà ăn và đi cất trứng cho cẩn thận. Chẳng nữa chuột tha hoặc rắn nuốt mất. Cái trứng nào ông cũng đánh số nhất, nhị, tam, tứ, thứ tự trước sau.
Thấm thoắt, con Củi Tạ đã ấp. Những lúc nó rời ổ đi ăn, uống, Cả Chuẩn lại vào nhòm xem ổ trứng thiếu đủ ra sao. Ông đoán cái nào tròn là nở ra con đực, cái nào dài là nở ra con mái. Và để ý từ màu sắc thay đổi, từ màu hồng hồng đổi dần sang màu xám. Những công việc tỉ mẩn không đâu ấy cũng đủ khiến ông vui thích mà bận rộn suốt ngày.
Ấp được hai mươi hôm thì nở. Hôm ấy, Cả Chuẩn ở luôn bên ổ săn sóc. Mỗi con gà ráo lông, ông lại bắt ra bấm cái mỏ chấu đi. Việc ấy đối với ông quan hệ lắm. Chả thế mà trứng chưa nở hết, ông phải ngồi chờ quá nửa đêm vẫn chưa đi ngủ. Bà Cả thương chồng vất vả, mấy lần nhắc nhỏm:
- Thì mặc nó có được không? Việc gì mà thức cho mệt người!
Ông bực mình, gắt lên:
- Bà thì có biết cái gì nữa mà cũng cứ nói mãi! Không chờ bóc vỏ chấu về sau này đá độ vài ba hồ đã tuột mỏ của người ta đi à?
Vả lại ông cũng không muốn ngủ, cứ thích ngồi rù trong chăn bông bên ngọn đèn hút thuốc lào vặt và chú trọng nghe tiếng gà con chiêm chiếp, xao xác đến vui tai.
"Sức căng" - siêu mẫu châu Âu |
Bảy, tám tháng sau, đôi gà ấy đã qua thời kì “bóc dò”; rồi gáy căng. Cả Chuẩn đem sửa sang cắt tai, cắt mào; và gọt lông ở bụng ở đùi cho dễ om bóp vần vỗ. Bây giờ, chúng có vẻ con nhà tướng lắm. Mỗi khi nhác thấy nhau là nghển cao cái đầu đỏ chót lên, “cục téc” một tiếng lớn. Rồi vỗ cánh phành phạch, cất tiếng gáy khiêu khích. Chúng nghiêng mình đứng kình, dữ tợn nhìn nhau và bước lên những bước đi đĩnh đạc, chắc chắn, quả quyết cùng nhau một trận thư hùng. Ông Cả phải nhốt riêng mỗi con một nơi.
Tuy rằng cùng đàn với nhau mà đôi gà ấy mỗi con một vẻ, mỗi con đánh một đòn. Con Ô Mã Mái tảng dày, mí trờm làm cho đôi mắt ếch sâu hoắm vào. Mỏ tam sơn, ba múi, quăm quắm như mỏ diếu hâu. Mình củ đậu, đuôi lá vả, tỏ ra có sức bền bỉ, gan góc. Nhất là đôi quản đen bóng, rắn cứng như thép nguội. Hai hàng vẩy một song song chạy từ kheo đến bàn. Quản bên phải, sóng ngang với cựa có một chiếc vẩy rất nhỏ cài vào nữa. Theo những tay chơi, đó là chiếc vẩy cáo, lợi hại lắm. Nó chuyên “hầu dọc” rất nhiều cần, cáo. Ai cũng phải chịu là con gà hay.
Nhưng đến con Sám Miến Hồng thì mới thực là tài ba có một. Với đôi quản đầy vẩy “khâu dao”, chỉ buông không cũng thành cần, cáo. Và nhất là hai ngón “thái” vênh vênh kì quái. Nó đã lấy vừa đúng mười hai con mắt trong mười hai trận đá. Sám Hồng khét tiếng là con gà kì tài. Đến nỗi vần khấu mỏ lấy giẻ quấn chân lại, nó còn “buông” một đòn khiến con Mã Mái giãy lên đành đạch.
Từ đấy táng kệch, không ai còn dám cho gà vần với nó nữa, Vì thế, con Sám Hồng chưa bao giờ đá đến quá hồ rưỡi. Cả Chuẩn vẫn sợ sau này, ra hội, nó không đủ hơi, nên ông đành phải cho vần lồng với con Mã Mái vậy.
Sầy-khách-lai ngoài Hà Nội về đã trả con Sám Hồng tới năm chục bạc. Nhưng Cả Chuẩn nhất định không bán. Ông cười chậm rãi:
- Vâng! Cứ kể ra năm chục thời cũng to đấy! Nhưng cái lòng thích với cái công phu nuôi nó thì nhiều chứ! Ai lại đem bán đi!
Thường thường, Cả Chuẩn vẫn ngâm câu: “Chân chì mắt ếch đếch sợ ai. Quản ngắn đùi dài đá chẳng sai” tả cái gan góc của con Mã Mái và câu: “Đầu công, mình cốc, cánh vỏ chai. Quản ngắn đùi dài đá chẳng sai” tả cái gọn gàng nhanh nhẹn của con Sám Miến Hồng.
Bỗng một hôm tiết trời đổi khác. Gío heo may lạnh lẽo vi vút từng cơn. Cả Chuẩn sổ suýt nói tiếng đằng tai. Ông thấy trơn trởn người; gây gấy sốt, da nổi gai ốc lên. Cái đĩ Biểu cũng ươn người, quấy mẹ suốt đêm. Ông Cả cất giọng ngàn ngạt bảo vợ:
- Trở trời đây mà! Khí tiết này độc lắm đấy, bà nó ạ.
Sáng hôm sau, Cả Chuẩn nằm nghe đôi gà gáy, thấy kém mọi ngày đến mươi mười lăm tiếng và giọng không được mạnh mẽ, xói vào tai như trước.
Đôi gà hôm nay mất hết vẻ hùng dũng. Chúng xù lông ra, rụt đầu vào, thu gọn trong đôi vai cánh nhô lên. Mắt nhắm nghiền, cái mỏ se sẽ vẩy. Thấy động, chúng giật mình te hé cặp mắt đỏ đục nhìn ra, rồi lại từ từ nhắm lại.
Cả Chuẩn như mê sảng, chạy hết đầu hồi bên nọ lại sang đầu hồi bên kia sờ nắn gà. Cuối cùng, ông ngồi thần ra bên bu úp con Sám Hồng. Hai tay ôm má, nâng cái đầu hoa râm rũ rượi. Ông chép miệng nói qua tiếng thở dài ảo não:
- Ối chào ôi! Nuôi với nấng.
Con Mã Mái vốn có sức, không đến nỗi nào. Con Sám Hồng thật hết gỡ. Mới có một đêm mà thịt nhão rào rào, nhẹ thọp hẳn đi. Cái diều đầy cơm không tiêu, rắn chắc. Da dẻ xám ngoẹt và lạnh ngắt. Đờm vướng trong cuống họng, nó khò khè thở. Chốc chốc bị tắc hơi, nó lại vẩy mạnh cái mỏ kêu “quéc” lên một tiếng lớn.
Cả ngày hôm ấy, ruột gan Cả Chuẩn rối bời lên để chạy thuốc cho hai con gà. Đứng không yên, ngồi không yên. Ai mách lối nào ông cũng làm. Giã gừng cho uống, nướng tỏi cho ăn, xoa dầu Nhị Thiên Đường, đốt bồ kết, xương truật, thôi thì đủ thứ. Trong đời ông, từ cha sinh mẹ đẻ đến vợ con đầu gối tay ấp, ông chưa phải hầu hạ ai khổ sở lo lắng đến như thế này. Cả Chuẩn như mất hồn, trông người sút hẳn đi, phờ phạc, xanh xao. Suốt đêm không ngủ, hai mắt cứ chang chang; và đôi tai rất thính nghe không sót một tiếng quéc nào của hai con gà quý báu theo gió lạnh đưa vào.
Thế rồi con Sám Miến Hồng chết rũ ngay đêm hôm thứ hai. Cái mỏ há rộng, đờm rãi xộc cả ra mũi. Một đàn kiến nhỏ tung tăng ở đó kiếm mồi. Cả Chuẩn lặng người đi. Ông trân trân nhìn gà. Nét mặt trơ trơ như chẳng hề mảy may buồn tiếc. Có lẽ ông biết trước số phận con gà ấy rồi. Ông thở dài, từ từ nhấc xác con vật lên ngắm nghía một hồi lâu. Nửa cười nửa mếu, ông nghiến răng cay đắng:
- Rõ công cốc!…
Dứt lời, ông ném phịch xác con gà quý báu xuống đất, đoạn vỗ tay phủi bụi, thong thả đi lên nhà trên, cất tiếng gọi:
- Cu Trạm đâu rồi!… Vứt cổ nó ra Cầu Bò đi cho ông.
Thằng bé ngơ ngẩn hỏi:
- Vứt gì cơ ạ?
Ông chỉ con Sám Hồng, trợn mắt nghiến răng, quát:
- Mù à? Vứt đi. Hỏi mãi!… Hỏi mãi!…
Từ hôm đó, Cả Chuẩn sinh ra khó tính và nóng nảy. Hơi một tí là thét lác inh hàng xóm lên. Thằng cu Trạm sợ len lét không dám dàn mặt bố. Nó lỉnh đi chơi suốt ngày.
Con Mâ Mãi bỏ dài, ông cũng chẳng thiết trông nom. Con Bạch Nhạn và con Chuối cũ, một người em họ và Tư Chuyên mỗi người bắt một. Giá cái Ô Mã Mãi khoẻ khoắn ra thì cũng chẳng còn. Ai cũng như ai, tưởng thế nào nó chẳng chết! Thế mà trái lại, Ô Mã Mái cứ tỉnh dần, rồi khoẻ khoắn bằng cũ. Trong nhà bây giờ không còn con gà nào, cái kiêu hùng của Mã Mãi càng nổi bật lên. Lúc nào nó cũng nghênh ngang đi sóng đôi với một cái cần đỏ chót vươn cao lên đôi cánh phệnh phạng, nhô lên thụt xuống theo bước đi, trông đặc du côn.
Rồi con mẹ nó ấp. Ô Mã Mái sinh ra chơi bời lêu lổng, đi lang thang hết nhà này, nhà khác trong xóm. Đến đâu là đánh bạt gà trống ở đấy để chiếm những con mái tơ giống Ri, giống Pha bé bằng nửa làm vợ. Chán rồi, nó lại đi và đánh nhau như thế mãi… mãi… Lúc nào nó cũng lén lút ở bờ tre, bờ giậu hay bên những đống rơm ve gái. Bộ lông mỡ màng đen láy của nó xơ xác và đỏ kệch ra.
Từ ngày con Sám Hồng chết, Cả Chuẩn chẳng còn thiết nhìn nhõ gì đến gà qué nữa, thì cái vườn cảnh lại được ông săn sóc đến luôn. Cái vườn cảnh có lẽ chỉ để giải buồn cho những người sính là nhà nho trong lúc chán chường thất vọng bất cứ vì lẽ gì.
Một buổi chiều kia, rượu đã ngà ngà, Cả Chuẩn tha thẩn bên vườn cảnh ngắm hòn non bộ, tỉa vài chiếc lá lan, nắn lại cành si cho đúng kiểu. Chốc chốc lại khe khẽ ngâm một vài câu thơ cổ, giọng trầm trầm như len lỏi trong đám lá xanh thì thầm với bóng chiều tàn tạ. Một vẻ buồn cổ kính vương trên nét mặt ưu tư.
Bỗng tiếng gọi choang choang của Tư Chuyên bên hàng xóm phá tan sự tĩnh mịch, êm ả, thơ mộng ấy:
- Ông Cả! Thế này có chết không…
Vừa nói ông vừa giơ con Bạch Nhạn, rũ rượi trên tay cho Cả Chuẩn xem:
- Ông có cho nhốt cái Mã Mái lại không. Hôm nay nó sang đá hỏng cái Bạch Nhạn này rồi.
Cả Chuẩn thong thả hỏi:
- Sao? Chạy à?
- Nào đã chạy ở đâu. Thế này: tôi đi thăm đồng vắng, hai con ở nhà đánh nhau, mãi lúc về mới biết. Bắt ra thì con Bạch Nhạn gãy cần và tuột mỏ.
- À! Hỏng thì thịt! Làm chết gì! Nếu phải gà hay thì đã đánh được con Mã Mái. Ấy, tôi vẫn bỏ dài cho rầy mái hoang đấy.
- Chớ! Chớ! Ông không biết, chớ cái Mã Mái nó đánh như vũ bão ấy. Tôi dám nối quyết rằng cả vùng này từ con Chuối của lang Mão đến con Bịp của đồ Đản, không con nào ăn đứt được nó.
- Đành thế! Nhưng nói cho cùng: hay mấy thì hay cũng không thể bằng cái Sám Miến Hồng được.
- Chuyện! Bì thế nào được với con Sám Miến Hồng. Con Sám Miến Hồng nó là thần gà, thánh gà, đâu có phải gà thường.
Tư Chuyên hắn nói rất phải: con Mã Mái cũng không phải gà thường thật. Cả Chuẩn nhủ thầm: “Giả thử không có con Sám Hồng, xem mình có quý nó không nào?” Càng nghĩ, ông càng thấy hối vì đã bỏ phí cho con Mã Mái rầy mái hoang, không chịu săn sóc.
Hôm sau, xem xét gà, thì tai hại, con Mã Mái bị kén mép và gãy hết cà lông cánh. Cả Chuẩn cắn cảu gắt mình:
- Thế này còn đá đấm gì nữa!
Cà ngày hôm ấy, hai bố con loay hoay cấy cánh cho Mã Mái. Cu Trạm ôm gà, Cả Chuẩn khâu những lông cánh tích được vào những cuống lông gãy. Ông cẩn thận chọn lọc lông vế nào phải hợp vế ấy. Khâu xong, chấm vào chỗ chỉ vàng một ít sơn sống, ông đắc ý mỉm cười:
- Thôi, thế là tha hồ mà chắc!
Còn cái kén ở mép, Cả Chuẩn đã mổ mấy lần mà không khỏi. Sau cùng, ông đành mặc nó vậy. Và lại, cho đá thử mấy trận, Mã Mái vẫn không sao. Thế là ông đặt cho nó danh hiệu Ô Kén Mép.
Dăm tháng nữa thì hội Nhân Thọ. Cả Chuẩn ra công vần vỗ cho Ô Kén Mép. Cứ cách nửa tháng, ông đem đến nhà Hương Chế vần khâu mỏ một lần. Lối vần này không hại gà. Một miếng da khâu tròn, lồng vào mỏ, hơi rộng một chút cho dễ thở. Có hai sợi dây buộc lên mào. Cứ thế, mỗi bên không thể mổ nhau được để đá. Con nọ chen con kia, thỉnh thoảng có buông được đòn nào thì buông thôi.
Trước còn cho vần ba bốn hồ, sau dần năm, sáu hồ, rồi bảy tám hồ. Mỗi bận vần xong, ông lại đem giã nghệ hoà với ngải cứu và một ít củ tam thất đun sôi với nước giải om bóp khắp thân thể. Thịt Mã Mái sắt lại và da dày lên. Dăm bữa nửa tháng, ông lại cho nó ăn một bữa lươn sống. Ăn cái này khoẻ gà lắm.
Các tay chơi gà sành sỏi trong làng, đều tin chắc chắn con Mã Mái ra hội chỉ có phần ăn với hoà chứ không thể nào thua được.
Nhà văn Kim Lân
Nhà văn Kim Lân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét