Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Lỗ Tấn là ai ?

Lỗ Tấn (1881-1936)
Từ sau năm 1949, Lỗ Tấn trở thành đối tượng sùng bái của những người dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc. Dù muốn dù không các học giả không thể không thừa nhận trên thực tế, vấn đề Lỗ Tấn đã bị chính trị hóa quá nhiều tại Đại lục. (ảnh không liên quan đến bài viết)

Ở Trung Quốc mỗi khi viết về Lỗ Tấn là lại không thể không nhớ đến lời của lãnh tụ vĩ đại phát biểu từ hồi còn ở chiến khu Diên An: “Lỗ Tấn là chủ tướng của cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc.
Ông không chỉ là một nhà văn, mà còn là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà cách mạng vĩ đại. ... Phương hướng của Lỗ Tấn là phương hướng của nền văn hóa mới của dân tộc Trung Hoa” (Mao Trạch Đông, Tân dân chủ chủ nghĩa luận). Văn Học Viện mà Đảng Cộng sản Trung Quốc mở tại chiến khu Diên An đã sớm đổi tên thành Lỗ Tấn Văn Học Viện. 
"Vực thẳm" - Hot girl Hoa ngữ
Nhiệm vụ của những nhà nghiên cứu thực sự là không ngừng tái hiện chân diện mục của ngọn núi Lỗ Tấn giữa trùng điệp mây phủ quần sơn anh hùng danh nhân thời đại nước Trung Hoa chuyển mình từ quân chủ sang dân quốc rồi bão bùng chiến tranh vệ quốc và nội chiến. Ngày nay, Trung Quốc đang tiến hành công cuộc dân chủ hóa. Nhiều tiếng nói phản biện xã hội đang cất cao. Gần 70 năm đã qua kể từ ngày Lỗ Tấn mất, nghiên cứu Lỗ Tấn tại Đại Lục bên cạnh những thành tựu nhất định dường như cũng đã quá đà trong việc tô đậm sắc thái chính trị trong chân dung văn hào. Chúng tôi trích dịch vài phần trong bài nói chuyện Lỗ Tấn là ai của nhà văn - họa sĩ Trần Đan Thanh(1) tại Thượng Hải nhân kỉ niệm 70 năm ngày mất của Lỗ Tấn để độc giả hình dung được bối cảnh nghiên cứu Lỗ Tấn tại Trung Quốc non thế kỉ qua. Đầu tiên tác giả bài nói chuyện cắt nghĩa vì sao phải đặt câu hỏi Lỗ Tấn là ai để tiếp đó ông nêu điều kiện trả lời câu hỏi đó: 
“Các lễ kỉ niệm Lỗ Tấn tổ chức không biết bao nhiêu bận trong 70 năm qua. Tại Trung Quốc, cho đến tận hôm nay, Lỗ Tấn vẫn là đề tài lớn. Nói sơ lược, từ lúc nhà văn mất năm 1936 đến 1949, đề tài Lỗ Tấn bị ràng rịt bởi vấn đề cách mạng dân tộc. Từ 1949 đến đầu những năm 80, đề tài Lỗ Tấn trở thành vấn đề hình thái ý thức kiểu quan phương. Tại Đại Lục, không ai dám mạo phạm nói trái, trong lúc ở Đài Loan lại bị phong tỏa trong thời gian dài. Nói tóm lại, “đề tài Lỗ Tấn” là “đề tài chính trị” một trăm phần trăm. Từ giữa thập niên 80, đề tài Lỗ Tấn được xịch dần ra khỏi đàn tế chính trị, chuyển vào lĩnh vực học thuật. Từ những năm 90 thế kỉ trước đến nay chính là quá trình quan phương bắt đầu trốn tránh, lạnh nhạt và im lặng dần trước đề tài Lỗ Tấn. Hai mươi năm lại đây, công chuyện quốc gia và diễn ngôn của nhà nước không thể mà cũng không còn định tìm kiếm cách nói gì từ chỗ Lỗ Tấn nữa. Các giá trị khai thác trên quy mô lớn từ đề tài Lỗ Tấn dường như đã đi đến tận cùng, chuyển vị từ chuyện chính phủ sang chuyện của dân chúng. Tiếp liền tình thế đó là việc triển khai công cuộc “bàn cãi về Lỗ Tấn”. Vương Sóc(2) chính là người khơi mào cho cuộc tranh nghị này. Bước sang kỉ nguyên mới, cuộc “bàn cãi về Lỗ Tấn” chuyển biến sang hướng đáp ứng nhu cầu “hoàn nguyên Lỗ Tấn” (trở lại Lỗ Tấn). Như chỗ tôi biết bất luận là phái “bảo vệ Lỗ Tấn” hay “hoài nghi Lỗ Tấn” - mười năm lại nay, trong các khảo luận về Lỗ Tấn đều vứt bỏ trên mức độ lớn thước đo hình thái ý thức quan phương. Tất cả đều nhằm miêu tả một Lỗ Tấn chân thực. Đã có những cách đọc mới các sử liệu cũ và cũng đã phát lộ nhiều tài liệu lịch sử mới. Trong đó, một tiếng nói mới đáng chú ý cất lên từ phía hậu duệ của nhà văn: đầu tiên là cuốn hồi kí Bảy mươi năm tôi và Lỗ Tấn (Ngã dữ Lỗ Tấn thất thập niên, 2000) của Chu Hải Anh - con trai của nhà văn. Kế đó là việc cháu nội Lỗ Tấn (con cả Chu Hải Anh) cất cao câu hỏi “Lỗ Tấn là ai?” trong buổi diễn thuyết tại Đại học Giao thông (Thượng Hải, năm 2006)(3). Cho đến thời điểm hiện tại, đây có lẽ là truy vấn kịch liệt mà mỉa mai nhất. Câu hỏi đó tuyên cáo rằng 70 năm nay vị tiên sinh Lỗ Tấn được giới thiệu cho ta chẳng đúng chút nào”. 
"Hylas và các nàng tiên sông" - tranh của họa sĩ William Etty
Thế nhưng vấn đề không vành vạnh tròn trong chuyện trả lại Lỗ Tấn đúng Lỗ Tấn để trả lời câu hỏi Lỗ Tấn là ai. Trần Đan Thanh nêu lại một lần nữa vấn đề trong một thức nhận quyết liệt hơn: 
“Hết thảy mọi đề tài bàn luận sau lúc Lỗ Tấn khuất bóng là vấn đề của Lỗ Tấn hay vấn đề của chúng ta? Nếu là vấn đề của Lỗ Tấn, thì tác phẩm của ông còn đó, cần phải tranh nghị thì tranh nghị, không muốn đọc thì đừng đi đọc, chẳng có cái gọi là trả lại Lỗ Tấn đúng với Lỗ Tấn nữa; Nếu quả thật đây là vấn đề của chúng ta, thế thì tại sao chúng ta phải “hoàn nguyên Lỗ Tấn”, làm thế nào mà “hoàn nguyên” cho được, có hay không khả năng hoàn nguyên? Tôi nghĩ đi nghĩ lại, đáp án là: 
1. Vấn đề là ở chúng ta, 2. Lỗ Tấn rất khó hoàn nguyên, 3. Việc muốn hoàn nguyên Lỗ Tấn cùng rất nhiều nhân vật lịch sử còn đợi “chúng ta” có được một thay đổi căn bản, 4. Bất luận biến đổi đó là tiêu cực, tích cực hay trung tính, bất luận có quan hệ trực tiếp hay không đến Lỗ Tấn, biến đổi đó sẽ đòi hỏi quá trình dài lâu - có khi cần đến một chặng 70 năm nữa, dù sao trước mắt đã thấy được những dấu hiệu ban đầu. Vì vậy quan trọng không phải là Lỗ Tấn, không phải là hoàn nguyên, mà là biến đổi của chúng ta”.
Cuối cùng thay cho câu hỏi Lỗ Tấn là ai, Trần Đan Thanh nêu lại thành câu hỏi chúng ta là ai. Họ Trần cho ta thấy độc giả Trung Quốc hiện đang khó khăn ra sao trong việc hoàn nguyên Lỗ Tấn khi không có những kinh nghiệm xã hội để hiểu được thời đại Lỗ Tấn. Nói cách khác, người Trung Quốc muốn ôn cố trong lúc thực không tri tân. Trần Đan Thanh chỉ rõ: 
"Khoảng hở" - siêu mẫu châu Âu
“Điều thực sự cốt yếu là mấy thế hệ chúng ta đây được đào tạo thành một nhân quần khác. Cách suy nghĩ, cách nói năng, quan điểm giá trị cho đến vô số các chi tiết đời sống dường như không còn cách nào tiếp liền đối ứng được với Lỗ Tấn và người cùng thời với ông nữa. Khó khăn của chúng ta không phải là không nhận thức được Lỗ Tấn mà là không nhận thức ra bản thân chúng ta. Muốn trở lại Lỗ Tấn, e rằng trước hết phải mượn kinh nghiệm cuộc sống của Lỗ Tấn để mà tiến hành một phen tự mình trả mình lại cho mình (Nguyên văn: tự ngã hoàn nguyên). Ví dụ, Lỗ Tấn mấy lần chuyển chỗ trong nước, nhưng không cần đến đăng kí hộ tịch hay giấy tạm trú ở công an phường. Lỗ Tấn có quan hệ công tác - hoặc nhận việc hoặc thôi việc với những mấy trường đại học, thế nhưng chưa từng phải có lấy một bộ hồ sơ nhân sự cắt nhập chuyển kèm. Lỗ Tấn có bạn lâu năm là quan cao chức trọng nhưng chưa từng bị hạn chế bởi bất kì lãnh đạo đơn vị nào. Lỗ Tấn bị đặc vụ theo dõi, nhưng chưa từng có cảnh bên nhà trước ngõ có ủy ban dân cư. Văn chương ông viết thường bị kiểm duyệt cấm đoán, nhưng chưa từng phải viết lấy một tờ cáo trình tình hình tư tưởng hay giấy kiểm điểm cá nhân. Ông bị nhiều người bạn công khai hay ngấm ngầm công kích, nhưng chưa từng vì quá sợ hãi mà tố cáo hay trình báo. Lỗ Tấn từng bị tấn công, vu khống từ nhiều phe phái, nhưng chưa từng bị quốc dân chính phủ “đả đảo” đánh đổ đồng thời phát động phê phán trên khắp cả nước. Ông sống trong thời chiến loạn liên miên nhưng chưa từng lĩnh giáo qua đấu tố của đồng bào toàn quốc. Ông giỏi chuyện trốn chạy, nhưng chưa từng phải chạy trốn cách li thẩm tra, quản thúc lao động hay hạ phóng nông thôn; Ông vẽ nên hết sức sống động bước mạt lộ thê thảm của trí thức phong kiến Khổng Ất Kỉ, nhưng chưa từng biết chút mùi vị của việc học giả, giáo sư trở thành tù phạm; ông để lại cho ta một A Q bất hủ, nhưng tuyệt nhiên không thể ngờ đến đồng chí Q sau này lại có thể lên làm thôn trưởng, thậm chí huyện trưởng sai khiến dân xã. Lỗ Tấn liên hệ ngầm với loạn đảng, tên đề trong thông cáo truy nã, nhưng chưa từng phải đội mũ phản cách mạng hay phần tử phái hữu. Cho nên Lỗ Tấn không biết như thế nào gọi là nỗi vui mừng được sửa sai hay cay đắng án oan. Nhiều người cười mỉa Lỗ Tấn là “học quan Thiệu Hưng”(4), nhưng ông chưa từng nhúng tay gây lấy dù là một vụ nhỏ xử sai xét nhầm. Ngoài ra, nếu nói chuyện họa phúc cùng là oan khiên không nơi bày tỏ thì văn nhân lớn nhỏ sau ông trải nghiệm còn sâu sắc hơn ông. Về già, Lỗ Tấn chủ động đọc học thuyết Marx, nhưng chưa từng bị ra lệnh đứng trên lập trường duy vật chủ nghĩa kiểm thảo, sửa đổi thậm chí phải công khai phủ định những gì mình từng viết ra. Khỏi phải nói, ông chưa từng viết đơn xin vào đảng, chưa từng ngồi họp đại hội văn học nghệ thuật toàn quốc, chưa từng bị ngăn cản hay được ân chuẩn đọc “văn kiện nội bộ”, chưa từng vì khác biệt cấp bậc quản lí mà được hoặc không được phân phòng ở, chưa từng được hay bị bất kì một vị nào đó ở bộ phận tổ chức cán bộ tâng nịnh hay đe dọa; Tang lễ Lỗ Tấn khác hẳn với lễ tang của Ba Kim - người từng khiêng linh cữu Lỗ Tấn: lễ tang Ba Kim do nhà nước tổ chức. Lá cờ ba chữ “Dân Tộc Hồn” phủ trên linh cữu - vinh quang đặc biệt dành cho ông không phải căn cứ theo chỉ thị của Quốc hội hay Bộ Tuyên truyền Trung ương. Quốc mẫu Tống Khánh Linh và Quốc sư Sài Nguyên Bồi(5) tham dự lễ tang với tư cách cá nhân, trong khi dự đám tang còn có nhóm các nhân vật “lực lượng thứ ba” như Thẩm Quân Nho, Chương Nãi Khí(6). Các thanh niên mà đương thời gọi là loạn đảng cầm đầu là Phùng Tuyết Phong cùng các thành viên Tả Liên(7) đã bí mật vạch kế hoạch tang lễ và tổ chức công khai đám tang. Tất cả những người khác nhau về lập trường chính trị, địa vị xã hội lại tụ họp lại trong đám tang đường hoàng luân phiên nhau diễn thuyết bên linh cữu Lỗ Tấn, công nhiên khảng khái mắng rủa chính phủ hèn yếu và kém cỏi. Xin lỗi, còn có một khác biệt này nữa giữa chúng ta và Lỗ Tấn - Lỗ Tấn sinh thời chưa từng thấy tem lương thực và phiếu vải”. 
Lỗ Tấn đến với độc giả Việt Nam nhờ công dẫn dịch của các học giả tiền bối Phan Khôi, Đặng Thai Mai, Trương Chính. Chính các học giả này là những người đi đầu trong việc giúp độc giả nước nhà trả lời cho mình câu hỏiLỗ Tấn là ai. Ôn cố tri tân, tri tân ôn cố. Đến nay, các vị đó đều đã lần lượt đi gặp Lỗ Tấn cả. Vậy mà chúng tôi cứ mạo muội phỏng đoán rằng, trong suốt quá trình nghiên cứu, dịch thuật Lỗ Tấn - bên tai các vị đó chắc cũng thường vang lên câu hỏi người là ai mà ta là ai?. 
Lê Thời Tân  

Một món ăn ngon của Trung Hoa.
Chú thích:
(1)Trần Đan Thanh tác gia, họa sĩ Trung Quốc đương đại. Sinh năm 1953 tại Thượng Hải, bắt đầu học vẽ từ những năm đi lao động ở nông thôn. Nghiên cứu sinh Khoa tranh sơn dầu tại Trung ương Mĩ thuật Viện từ năm 1978. 1982 đi Mĩ định cư tại New York. Từ năm 2000 quay về Đại Lục làm giáo sư Đại học Thanh Hoa. Lỗ Tấn là ai là bài nói chuyện tại Thư viện Thượng Hải ngày 14-10-2006. Nhan đề láy lại ý bài diễn thuyết của Chu Lệnh Phi - cháu nội Lỗ Tấn. Bài nói chuyện của Trần Đan Thanh về sau in trong Thoái bộ tập tục biên, Quảng Tây Sư phạm Đại học xuất bản xã. 
(2)Nhà văn Trung Quốc đương đại. 
(3)Buổi diễn thuyết ngày 15-5-2006 trong khuôn khổ Tuần văn hóa Lỗ Tấn, tổ chức ở Đại học Giao thông Thượng Hải. Chu Lệnh Phi - cháu nội Lỗ Tấn đăng đàn với bài diễn thuyết nhan đề Lỗ Tấn là ai. Tới dự còn có phụ thân ông là Chu Hải Anh. Chu Hải Anh sinh 1929. Năm 1952 thi vào học ngành vô tuyến điện Khoa Vật lý Đại học Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp công tác tại Tổng cục điện ảnh truyền hình truyền thanh nhà nước Trung Quốc. Hiện là ủy viên của Ủy ban hiệp thương chính trị toàn quốc. Con trai ông Chu Lệnh Phi (tức cháu nội Lỗ Tấn) chuyển sang định cư ở Đài Loan từ sau 1980. 
(4)Lỗ Tấn người Thiệu Hưng, một thời gian dài làm hiệu trưởng Trường Sư phạm Thiệu Hưng rồi Trưởng phòng thứ hai thuộc Vụ Xã hội Giáo dục (Bộ Giáo dục). 
(5)Sài Nguyên Bồi (1868-1940), sinh ở Thiệu Hưng (đồng hương Lỗ Tấn) mất ở Hong Kong. Ông là nhà cách mạng, nhà giáo dục, chính trị gia Trung Quốc. Đậu tú tài năm 17 tuổi, đậu tiến sĩ năm 1890, từng là Hàn lâm viện biên tu. Bỏ quan đề xuất tân học và giáo dục phương Tây. Vốn lưu học và nghiên cứu học thuật ở Đức. Về sau mấy lần sang Pháp và châu Âu nghiên cứu giáo dục, triết học, mĩ học. Ông đảm nhiệm rất nhiều chức vụ hàng đầu trong ngành giáo dục và đào tạo đại học dưới thời Dân Quốc (Dân Quốc Đại học viện Viện trưởng, Dân Quốc Giáo dục Tổng trưởng, Bắc Kinh Đại học Hiệu trưởng). Sài Nguyên Bồi tính tình khoan hậu, giàu lòng trắc ẩn. Ông phê phán lối học để làm quan, cổ súy tự do tư tưởng, chủ trương dân quyền, nữ quyền, cổ động giáo dục toàn diện đức trí dục, thể dục, mĩ dục. 
(6)Hai nhân sĩ trong nhóm thành lập tổ chức Toàn quốc các giới cứu quốc liên hiệp hội, chủ trương không phân biệt đảng phái đoàn kết tất cả để kháng chiến chống Nhật. Chính phủ Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh bắt giam tất cả sau đó. Sau sự biến Tây An, chính quyền Dân Quốc đã phóng thích nhóm này và đến năm 1939 thì rút lại lệnh khởi tố. 
(7)Trung Quốc Tả dực Tác gia Liên minh gọi tắt Tả Liên thành lập tháng 3 năm 1930 tại Thượng Hải. Một tổ chức văn học cánh tả do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Các thành viên cầm đầu tổ chức văn học này lúc đó ngoài Lỗ Tấn còn có Hạ Diễn, Phùng Tuyết Phong, Phùng Nãi Siêu, Chu Dương... Tả Liên tự động giải tán cuối năm 1935
"Thư giãn" - người đẹp Hàn Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét