Người dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở biển Đông. |
Một nhà nghiên cứu uy tín của Trung Quốc cho rằng các tranh chấp và xung đột ở biển Đông trong hai năm qua đã gây tổn hại tới hình ảnh của nước này trong mắt các quốc gia Đông Nam Á. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Mục ý kiến của tờ báo chính thống China Daily hôm qua đăng ý kiến của ông Tô Hạo, học giả có tiếng đang làm việc tại khoa Nam Á và Đông Nam Á của Học viện Quan hệ quốc tế Trung Quốc. Ông Tô từng nhiều lần đăng đàn trên các báo lớn của Trung Quốc kể từ khi vấn đề biển Đông nóng lên.
"Hình ảnh, mà Trung Quốc phải dày công mới đạt được, như là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực Đông Nam Á, đang phải đối mặt với khủng hoảng về lòng tin", Tô viết.
Học giả này nhận ra rằng đối với một số nước Đông Nam Á, Trung Quốc là "một đối tác cần cảnh giác", và quan điểm này được thể hiện trong cách mà các nước láng giềng tiếp cận những vấn đề chiến lược và truyền thống.
Tô Hạo thừa nhận một thực tế là các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông lo ngại rằng sự lớn mạnh và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, kết hợp với tinh thần dân tộc ngày càng tăng, sẽ đẩy Trung Quốc đến chỗ giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Ông Tô cho rằng đó là nguyên nhân khiến các nước có tranh chấp ở Biển Đông tìm đến cách giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ đa phương bằng ASEAN.
Bên trong nội bộ Trung Quốc, Tô Hạo nhận xét rằng công chúng nước này tin là tình hình trên biển ở phía nam Trung Quốc là rất tệ, và đang có những tiếng nói diều hâu, cực đoan, kêu gọi sử dụng vũ lực, đồng thời cắt đứt quan hệ với ASEAN. Tuy nhiên ông này nhấn mạnh rằng "hợp tác là xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN, và hầu hết các nước thành viên ASEAN có thái độ tích cực với sự trỗi dậy của Trung Quốc".
"Vọng biển" - siêu mẫu Việt Nam |
Không chỉ đổ lỗi cho các nước ASEAN như một số ý kiến cực đoan trên các mạng của Trung Quốc, mà nhấn mạnh đến cả vai trò của Bắc Kinh trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, Tô Hạo viết: "Liệu mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN có vượt qua được bài thử Nam Trung Hoa (Biển Đông) hay không phụ thuộc vào việc tất cả các bên đánh giá đúng đắn tình hình khu vực".
Đề cập đến sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ tới châu Á và Đông Nam Á, học giả Trung Quốc cho rằng sự "xoay trục" này sẽ không làm hại đến quan hệ giữa Bắc Kinh với ASEAN, nhưng sẽ "giúp các nước Đông Nam Á dịu bớt mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Để xóa mối nghi ngờ của các nước ASEAN cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa, ông Tô Hạo kêu gọi Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách láng giềng tốt, đề cao hợp tác cùng có lợi với các láng giềng. Theo ông này, Trung Quốc cần tập trung vào một số vấn đề, trong đó có việc tìm cách củng cố lòng tin giữa các nước láng giềng, sao cho các láng giềng có thể tin rằng Trung Quốc sự trỗi dậy của nước này mang tính hòa bình.
"Trung Quốc nên tiếp tục bỏ qua những lời kêu gọi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", Tô viết.
"Việc sử dụng vũ lực chống Việt Nam và Philippines chỉ đẩy hai nước này, và có thể là tất cả các nước ASEAN, vào vòng tay của phương Tây, khiến cho các công sức ngoại giao hàng chục năm nay của Trung Quốc đối với Đông Nam Á trở thành công cốc".
"Hệ quả là Trung Quốc sẽ không đạt được các mục tiêu chiến lược, thay vào đó, sẽ tạo ra một môi trường rất khó khăn. Trong trường hợp đó, biển Nam Trung Hoa sẽ trở thành một cái bẫy trên con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc", học giả của viện chính sách ngoại giao Trung Quốc cảnh báo.
Thanh Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét