"Phù thủy" - người đẹp Việt Nam |
Đã trải qua 7 mùa đông ở Kathmandu nhưng tui vẫn chưa quen được với cái lạnh nơi này. Những đêm rét nhất nhiệt độ xuống gần 0oC. Hôm qua mưa dầm dề khắp xứ Nepal, Kathmandu mưa không ngớt suốt 24 giờ đồng hồ, các khu vực cao như Nagarkot có cả tuyết rơi. Thường thì những buổi sáng “thở ra khói” (hồi nhỏ tụi tui thích thú với mấy cảnh này trong các bộ phim Liên Xô) cuối tháng 12 và suốt tháng Giêng trời lạnh 1-2oC. Buổi sáng, tắt chuông đồng hồ báo thức xong lại chui vào trong hai lớp chăn lông ấm áp không muốn ra ngoài làm bất cứ chuyện gì.
Trời lạnh như thế…giá mà có một tô phở…
Tui không phải người sành ăn. Cũng không nghiện phở. Chỉ là cảm thấy một tô phở nóng bốc khói thơm ngào ngạt chính là món thích hợp nhất trong tiết trời lạnh giá củaKathmandu mùa này.
-Ôi chao! phở tái nạm...!!! |
Thế nhưng, không có thịt bò làm sao có phở?
Khi ở lại Nepal được gần hai năm, tui bắt đầu thèm phở. Sống một mình và tự nấu ăn lấy nên cũng tiện khỏi phải giải thích cho người địa phương về cách chế biến cũng như khẩu vị của mình (chuyện mà tui gặp nhiều rắc rối khi sống cùng người Nepal ở Lumbini). Sống tự do như thế có cái sướng là muốn ăn gì thì ăn. Nhưng mệt nhất là có khi mấy ngày phải ăn cho hết chỉ một món (vì nấu ít thì không ngon và làm biếng) .
"Tóc mây" - siêu mẫu châu Âu |
Quay lại vụ thèm phở mấy năm trước. Tui tìm ra cả đống bánh phở khô Thái Lan xếp trong một góc siêu thị. Ê... ê sắc ế. Vì mắc quá (3USD cho một gói 200g) và không hợp khẩu vị người địa phương. Sau đó đi mua rau thì chỉ có hẹ và cần tàu. Còn thịt bò thì không thể mơ tới ở cái vương quốc Hindu lúc đó. Thế là cải biên. Mua thịt heo và lòng để nấu món hủ tiếu Nam Vang. Xứ tui, Bến Tre, có hai tiệm hủ tiếu rất nối tiếng, Định Quán và Hưng Hòa, ở ngay đầu cửa ngõ đi vào thị xã ngày trước. Định Quán có trước và nếu bây giờ vẫn còn thì đã có thâm niên hơn nửa thế kỷ. Món mà tui thích là hủ tiếu khô. Sau này ăn nhiều quán hủ tiếu Nam Vang ở Sài Gòn nhưng vẫn cảm thấy không quán nào ngon bằng hai quán này (có lẽ tại đầu óc địa phương chăng, với lại tui cũng chẳng là người sành ăn - nói trước rồi). Đó là nói về hủ tiếu Nam Vang ở Việt Nam. Phải ăn hủ tiếu Nam Vang ở Nam Vang (Phnompenh-Cambodia) thì mới là “trúng tủ”. Tui ở Nam Vang làm khách được một thời gian ngắn. Gia đình chị Mean Soman - Đại biểu Quốc hội Cambodia kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ - đối đãi với tui thật nồng hậu. Biết tui thích Hủ tiếu Nam Vang họ đưa tui đi ăn khá nhiều quán. Có quán sang trọng trong khách sạn 5 sao, có quán bình dân bên đường quốc lộ đi Siêm Riệp tới Angcor Wat. Nhưng chấm điểm cao nhất cũng chỉ có hai quán. Một quán theo phong cách Tàu, lịch sự, hiện đại: ghế nệm, bàn tròn bằng kính dầy 8ly ở giữa là mâm xoay để mọi người tiện lấy đũa muỗng, khăn, gia vị. Tô hủ tiếu phủ đầy thịt đùi xắt mỏng, râu mực, lòng, gan, tim, cật. Nước hủ tiếu trong veo để riêng trong một cái chén sứ nhỏ , nếm ngọt lừ vị xương đảm bảo không nêm bột ngọt. Quán thứ hai nằm trên một con đường nhỏ hẹp trong chợ, khách đi xe hơi tới phải đậu từ xa. Quán chật chội, đông đúc. Thường phải kêu một lần hai tô cho một người, vì tô ở đây nhỏ và thường thời gian chờ phải 15 phút mới tới lượt. Khách đông nghẹt. Khỏi phải nói món hủ tiếu Nam Vang ở đây ngon mà là rất ngon. Tui thì mù tịt tiếng Miên, vả lại cứ ngồi trên xe cho con chị Soman chở đi nên không biết địa điểm của quán này cũng như tên quán, thôi xin cáo lỗi vậy. Túm lại, Hủ tiếu Nam Vang thì ngon nhất dĩ nhiên là ở Nam Vang rồi, dù ở Việt Nam hợp khẩu vị hơn hoặc biến tấu nhiều hơn, dù hủ tiếu Nam Vang ở Nam Vang không có …giá sống…hi hi…
"Phụ nữ Hà Nội" - tranh của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch |
Vài tháng sau, tui lại nấu phở. Phở gà. Không có gì dễ hơn, thịt gà thì mua đâu cũng có vì là thứ thịt phổ biến nhất cùng với thịt trâu (chỉ duy nhất người họ Sakya - Thích Ca - trước đây không ăn thịt gà, trứng gà như là một tục lệ cổ. Tuy nhiên ngày nay thì họ cũng đã ăn gà rồi). Lần đầu nấu dùng nồi áp suất hầm cả con gà. Kết quả là nước lèo rất ngon nhưng thịt thì… bở rệt he he… Lần sau thì luộc; thế là nước không ngọt. Cuối cùng thì rút kinh nghiệm, nấu làm hai lần. Lần đầu luộc chín vừa, rồi tách thịt, da ra. Sau đó đem phần xương hầm cho thật nhừ để làm nước lèo.
Ngon nhưng hổng đã! Vì phở gà thì chẳng bao giờ sánh bằng phở bò. Thế là phải tìm cách. Trước tiên thử thay thế bằng thịt trâu. Dai nhách, sớ to không thể làm món tái; mà nấu nhừ cách mấy thì cũng không thể làm món chín. Với lại bao giờ cũng chỉ có mùi … Trâu… he he… Kể cả tui tìm mua cho được mấy gói mì ăn liền Made in China chỉ để lấy mấy gói gia vị bò mà nêm nếm. Cũng không át được mùi trâu!
"Nước lạnh" - thiếu nữ Trung Quốc |
Năm nay dọn về nhà mới có sân vườn rộng nên đang lên kế hoạch trồng mấy liếp rau. Hạt giống ngò gai, húng quế, tía tô, rau muống, khổ qua, mướp… các loại đã có sẵn rồi. Chỉ chờ mưa là mần ngay. Mấy tháng rồi không được ăn phở vì thiếu rau thơm, giờ ngồi trốn rét trong phòng mơ một tô phở bốc khói ở Saigon mà muốn chảy nước miếng…he he.
Bài này ban đầu chỉ định nói về phở, thế nhưng lan man tản mạn nhiều thứ quá nên dài quá chừng, mong bà con thông cảm. Chỉ nghĩ thầm rằng nếu không có phở thì mất đi tính dân tộc, cái hồn Việt mà tác giả muốn giữ gìn dù lưu lạc ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.
Hoan hô món ăn Việt đệ nhất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét