Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Ba người khác (chương II - phần 3)

"Dream" - thiếu nữ châu Á
Hôm sau, lại một người thắt cổ - một nông dân. Cứ có người chết, tôi được phân công viết điếu văn. Tôi có tiếng là người nhiều "văn hoá" trong đội. Chết đói, chết ốm, chết đuối, điếu văn đều gây xúc động và gợi căm thù. Hương hồn anh yên nghỉ, tên anh từ đây ghi vào lịch sử đấu tranh máu và nước mắt của nông dân xã ta... (ảnh không liên quan đến bài viết)

Thế là ngày ấy tôi sang thôn Chuôm thay "thằng phản động Đình". Thôn này đã có địa chủ, địa chủ đã đi tù, yên chí anh đội. Duyên là chuỗi, tổ trưởng dân quân, Đình đã cắt đặt từ trước. Tôi vẫn không đoán được cái đêm rình thằng Đình ở cạnh đền, Duyên bẫy tôi vào lưới cô ấy hay là chuyện thật thế. Đằng nào thì cũng vậy thôi. 

Nhưng ông trời khoảnh ác không cho cái thằng lười tôi yên thân. Theo kế hoạch chung, tối nào cũng họp tổ nông hội, họp thôn kể khổ, đôi khi đấu lưng cả địa chủ đã chết tới sáng. Phải soi mói cùng kiệt, không để lọt lưới. Bố mẹ nhà địa xuống âm phủ đã tám hoánh thì moi lên đấu bóng, đấu cho tăng căm thù đón ngày mít tinh xoá bỏ giai cấp địa chủ toàn xã. Nhưng tố khổ địa chủ sống vẫn sôi sục hơn. ở ngay cái sân gạch Bát Tràng mà xưa kia Lý Thìn, đến mỗi vụ thuế hàng năm đã nọc ra đánh không biết bao nhiêu cùng đinh chậm thuế, thiếu thuế. Đêm đêm người ta tính sổ tội. Lý Thìn cởi trần, thắt lưng lụa điều, cầm hèo, tổng cộng ngần này năm phó lý rồi lý trưởng trước khi lên chánh tổng, đánh bao nhiêu người, hai trăm tám mươi bảy cả đàn ông đàn bà, đếm được rõ ràng đến thế. Tôi buồn ngủ cứng mắt, rơi cái bút lúc đương vật vờ ghi chép. Mặc dầu, tôi vẫn chốc lại cố cất giọng khàn khàn: "Bà con ta ai có khổ nói khổ, nông dân ta vùng lên". Nghe gà đã eo óc gáy dồn, tôi đứng dậy, chỉ kịp nói "bế mạc", cả đám họp đã cung cúc chạy. Vẫn chưa thoát cái vất vả nữa. Các thôn lại nháo nhác. Có hai đám tự tử, một người đâm đầu xuống giếng, một người thắt cổ. Dưới thôn Đìa - thôn trọng điểm của đội trưởng, nửa đêm cháy hơn chục nóc nhà, người phải ra đồng chất đất cày như xếp ải làm vách lỗ đất hang chuột để ở tạm. 
Cuộc hội ý đội sáng sớm vẫn thường ngày. Và từ tờ mờ, cái Đơm đã ra đứng đợi tôi trong bụi cây duối. Đến lúc vào họp, tôi vẫn còn thờ thẫn, nhớ lúc nãy hì hục với cái Đơm. 
Đội trưởng Cự đứng lên. 
- Các thôn báo cáo. 
Cuối bước hai, thôn nào cũng dồn dập. Có thôn, cả bốn địa chủ với hai phản động gian ác phá tường nhà tạm giam, trốn mất. Xóm nào cũng mất trộm gà, bốn con trâu bị dắt ra đồng bị đâm lòi ruột, kềnh đấy. 
Đội trưởng Cự nói, ngay câu đầu đã gay gắt: 
- Tố khổ bước một, bọn địa chủ còn nghe ngóng, bây giờ chúng nó mới ra mặt chống phá. Chớ quên thành tích đội ta đã giật được cờ đầu đánh địch nên mới được ra làm cải cách vùng đất hai trăm ngày này. Quân Pháp được rút chậm hai trăm ngày ở Hải Phòng cho nên xung quanh thành phố là cái túi đựng mọi loại phản động. Chi bộ xã này, một địa chủ cường hào gian ác đội lốt huyện uỷ viên về thành lập lúc bị tạm chiếm. Ngay khi ấy đã chi bộ hai mang, bí thư hai mang. Khi đội về, chi bộ có 47 đảng viên, đoàn uỷ cho ta thanh lọc đã duyệt đuổi ra 37 địa chủ, mật thám, quốc dân đảng và các thành phần linh tinh, thế mà thế lực chúng vẫn còn uy hiếp nặng nề. Tôi đã lên đoàn đề nghị xử bắn bí thư. Không thế, khí thế nông dân không lên được. Nó làm bí thư ta, lại bí thư phản động. Tôi đã đi cải cách ba đợt, chưa đợt nào gặp nhiều địch như lần này. Các đồng chí đã biết rồi, chúng nó đã chia sẵn ruộng đất trước khi đội đến. Hôm tôi vào nhà bí thư, nó khiêu khích ngay: "Ruộng đất các thôn trong xã đã được chia lại hết. Mỗi chủ ruộng, mỗi người được chia đều có hỏi ý kiến cả hai bên, thật công bằng. Thế là nhẹ việc cho các anh". Có gớm không, vậy thì chúng ta chỉ còn có việc đầu hàng giai cấp địa chủ. 
Đội trưởng Cự quắc mắt từng đợt: 
- Tình hình nghiêm trọng, các thôn phải tuần phòng cẩn mật suốt ngày đêm. Kế hoạch ba ngày nữa, duyệt xong hết địa chủ. Yêu cầu mỗi thôn lập hồ sơ đề nghị làm án nặng một địa chủ có tội với nông dân, có thế mới đưa được tinh thần nông dân lên. 
Hôm sau, mít tinh xử bắn tên phản động đội lốt bí thư chi bộ dưới thôn Đìa. Tôi đã nhát thấy máu, lại phụ trách toà án. Nhưng tôi đã có được lý do chính đáng. Đội trưởng Cự đã phát hiện ra bọn phản động thôn Đìa - tôi chưa tìm ra cách thoái thác trốn việc thế nào, đội trưởng đã nhận phụ trách toà án vụ này và phân công tôi huy động dân quân toàn xã bảo vệ mít tinh xử án. 
Tháng này, các chuôm ngoài bãi chỉ còn xâm xấp nước. Ngoài sông, không có một người mò đến, kéo tôm, vắng cả trẻ con lau nhau đi đổ đó. Không biết người ta biến đâu, chẳng thấy một mống. Chúng nó đi xem hay chúng nó sợ, trốn ở nhà. Tôi dạo quanh một vòng bãi, gặp các tổ trưởng dân quân, dặn dò mấy câu kỷ luật rồi trở về, úp quyển sổ tay lên mặt, để cái bút máy mở nắp ngang nan chõng. Tôi định ngủ một giấc, nhưng cứ trằn trọc. Những tiếng ồn ào hô khẩu hiệu ngoài bãi vọng lại. Tôi lo sợ vẩn vơ về một người sắp bị bắn mà tôi cũng không biết mặt. 
Đến lúc nghe đoàng đoàng mấy tiếng súng, tôi ngồi bật dậy. Thế là ngoài bãi mít tinh xong rồi. Tôi hí húi thảo một kế hoạch canh gác sít sao. Làm kế hoạch thì tôi quen rồi. Chỗ nào cũng để mắt tới, con chim lạ bay qua cũng phải biết. Tuần các ngõ, lại lập chen vào những chốt gác bí mật. Cán bộ đội các thôn đi tuần với dân quân. Tôi chạy đi gặp đội trưởng, báo cáo kế hoạch, làm như cả buổi mít tinh tôi vẫn có mặt ở đám du kích canh gác, bảo vệ. 
Hôm sau, lại một người thắt cổ - một nông dân. Cứ có người chết, tôi được phân công viết điếu văn. Tôi có tiếng là người nhiều "văn hoá" trong đội. Chết đói, chết ốm, chết đuối, điếu văn đều gây xúc động và gợi căm thù. Hương hồn anh yên nghỉ, tên anh từ đây ghi vào lịch sử đấu tranh máu và nước mắt của nông dân xã ta... Tôi đã chép được ở đâu câu ấy. Cứ thế, cứ thế, chạy loăng quăng, giữa những việc lút đầu. 
Tối nào tôi cũng đi tuần với tổ trưởng dân quân Duyên - kế hoạch tôi vạch ra cho dân quân cả xã cơ mà. Vả lại, mấy hôm nay mới có người thắt cổ, Duyên hốt đi qua quãng ấy. Bây giờ Duyên đi đâu cũng mặc cái áo lót cổ vuông của tôi, kể cả đêm đi tuần. Tôi lại phải doạ tôi sắp đổi đi thôn khác, tôi doạ không cùng đi tuần với nữa. Con bé vẫn nhõng nhẽo nài: anh cho em mặc ở nhà, mặc tối thôi, cái áo anh có bùa mê, anh ạ. Tôi đành chịu. Mà tôi cũng quen mũi cái mùi mồ hôi cỏ, mồ hôi bùn của Duyên, của Đơm. Vả lại, lũ trẻ con đến tối mới cõng nhau vào nhà không lên đèn. Bố Duyên thì hai mắt lông quặm, phải kẹp tre kéo mí lên từ thuở trẻ. Họp xóm, ông ngồi thụp vào một góc, tránh ánh đèn chói, tối đi ngủ từ lúc gà lên chuồng. 
Đội tuần thôn chia từng tốp đi khắp. Tay gậy, tay súng, thắt lưng giắt quả lựu đạn điếc, vòng ra tận ngoài bờ tre. Quá nửa đêm tụ tập về trạm đầu xóm. Lúc ấy vãn dần. Đám con trai lỉnh đi, lùa theo những con mái nào, không biết. Khoảng một giờ sáng, trở lại trạm gác chỉ còn mấy cô - tối nhụ nhoạ, chẳng rõ mặt ai, các cô ngồi đứng xoã tóc gió thổi như ma đánh đu. 
Anh đội và các cô dân quân rúc cả vào túp lều sàn lát mảnh hóp đá, cái giống hóp mỏng mặt nhưng chắc và mát lưng, nửa chân cột lều cắm xuống mặt nước ao làng. Các cô đẩy nhau nằm cạnh tôi. Duyên quát rít lên: "Tao là tổ trưởng, tao phải xít xao với anh đội". Rồi Duyên nhảy phắt vào, xô cả tôi rạt sang bên. Duyên nằm sóng xoài ra gối cái báng súng trường lên đầu, làm như ngủ luôn. Không cô nào chen, tỵ nạnh nữa. 
Chúng họ xoay sang nói kháy, trêu trọc nhau. 
- Mai kia mày vác anh đội phó về Thanh Hà quê chồng mày à. 
- Tao để lại cho chúng mày đấy. 
- Thanh Hà chẳng đói như ở đây đâu, anh Bối cứ về. Có nước cáy, lại đến mùa rươi... 
- Bắt rươi vất bỏ mẹ! 
- Được lấy một lúc hai chồng, sướng quên chết rồi.
- Cứ doạ làm anh ấy ghê. Anh Bối ạ, chẳng đâu bằng ở đất này, tháng ba ngày tám thì gầy giơ xương sườn, teo vú một tý chứ đến mùa ngày hốc hai bữa cật lực thì lại tròn như con cun cút. Béo nần nẫn ra ấy chứ. Anh đi với cái Duyên xuống Thanh Hà hay anh ở đây với chúng em? 
Duyên quát: 
- Tao sắp về Hà Nội đây. 
Rồi rúc mặt vào lưng tôi, cười rinh rích. 
Canh khuya, tiếng thở dài thườn thượt khao khát, tiếng cù nhau cười như chuột rúc, tiếng nước bọt nhổ bèn bẹt xuống mặt ao như cá đớp. Chỉ một lát đã chập chờn, im ắng dần. Duyên nằm đè lên tôi quẫy huỳnh huỵch, chẳng ra ngủ mê chẳng ra thức. Tôi thấp thỏm ngại tiếng rin rít mảnh giát hóp đương lung lay, khéo đổ cái sàn mất. Duyên rên ư ử như con chó mê ngủ rồi lăn ra. 
Những hơi thở nồng nàn chờ đợi hai bên lay tôi tỉnh lại. Nhớ những cuộc tuần đêm khi còn ở trong Nông Cống. Hệt thế này. Sao những lúc mơ màng ngái ngủ thì người ta giống nhau thế. Ăn nằm với nhau hẳn hoi mà như ngủ mê. Tiếng thở lẫn tiếng ngáy rờn rờn nâng cổ tôi dậy, tôi bò sang. Chốc chốc, sàn lều rập rềnh như thuyền. Chỗ góc ao này chắc lầy lội, con chẳng chuộc, con chẫu chàng càng khuya càng uôm oạp đinh tai, át cả tiếng kẽo kẹt mắt nứa, mặt hóp lẫn lộn vào đấy. Tôi lần lần... Thì ra chưa cô nào ngủ cả. Có cô nghiến răng cắn áo níu tôi lại. Nhưng tôi đã như con lươn luồn đi, chẳng bao lâu đã lại rúc về chỗ Duyên. Tôi không còn sức lê đi nữa, tôi quờ quạng úp mặt ngủ trên bụng cô ấy. 
Tôi như con trâu con bò, không ra sợ không ra liều. Những điều về công tác, về kỷ luật viết trên giấy trong lịch ngày, lịch tuần, lịch bước, lịch đợt. Tôi không hiểu, tôi không muốn hiểu, lỳ. Duyên nói tỉnh khô: 
- Anh mà ngủ với em khi ngày mùa ấy à, như nằm đệm bông. Bây giờ thiếu ăn hóp cả người thì em phải giữ, chứ cái xương bánh chè của em mà đâm lên thì anh gãy mạng sườn mất - Đói mà khoẻ thế.
Nhớ lại quang cảnh hôm chợ huyện. Chúng tôi húc đầu vào hàng bánh đúc thì xung quanh mênh mông đói khát. Trong chợ, những cẳng tay cẳng chân đi lại như những cành que. Một người đàn bà ở đâu đến ngồi xệp xuống, bồng đứa con gái nhỏ trên tay. Thằng con trai khoảng bốn năm tuổi mặt già cấc bò bên chân. Mỗi lần người mẹ giơ đứa bé cho người hỏi mua, đứa anh lại oà khóc. Người mẹ mếu máo: 
- Nó khóc quá, tôi không dám cho - chốc lại nói lại câu ấy. Một bà nói: 
- Để tôi đi mua cái kẹo nhử thằng bé thì nó mới nhãng em nó được. 
Người đàn bà vỗ vỗ lưng con, lặng im. Xung quanh đổ đến mỗi lúc mỗi đông. Cái người tần ngần đứng hỏi mua trẻ con, người ấy cụt một tay. Có người đòi xem thẻ thương binh của anh ta. Tiếng ai kêu lên: 
- Ối giời ôi, cái lúc lung tung này, thằng Ngô Đình Diệm ở trong Nam cho người đi mua trẻ con rồi ném vào bụi, đổ cho ta giết. Đã tìm ra khối đấy. Phải cẩn thận cái thằng địch, đồng bào ạ. 
Mấy người cho mẹ con nhà nọ cái bánh đúc ngô. Hai đứa trẻ nhai nhỏm nhẻm. Người cụt tay hỏi mua trẻ đã bỏ đi từ lúc nào. 
Giấc ngủ mê mệt của tôi rối loạn những chuyện đói. Hết cả hơi, tôi cũng đương đói dốc bụng. Tiếng vành bánh xe bò người kéo lộc cộc, các làng đi chợ sớm đã loẹt quẹt gồng gánh ngoài kia. Tôi uể oải mở mắt. Các cô dân quân đã đi hết, chỉ còn mình tôi nằm trơ giữa cái lều. Tôi lồm cồm, vơ cái sắc cốt, đứng dậy vươn vai, oằn lưng bẻ khục răng rắc mấy cái rồi về xóm Am hội ý đội. Tôi bước nhấp nhô trên cánh đồng cày ải, đất xám bàng bạc. Đổ ải, những guồng nước kĩu kịt, người tát nước nhịp đôi, nhịp ba, nhịp bốn lên đồng cao. Chỉ mấy hôm nữa, đất ngấm nước tươi màu dần, đường bừa ào qua váng nước trắng mặt ruộng. Mạ đã đến tuổi, nhưng chưa biết thế nào. Năm nay chạy đói mới cấy cưỡng, đồng đất vùng này vốn chỉ ăn được một vụ mùa. 
Vào họp, đội trưởng Cự tuyên bố: 
- Thảo luận công tác thôn Am, thôn Chuôm. 
Thường lệ, các xóm "mọi việc đều tốt", cả cái hồi tôi bối rối ở bên Am, chưa mò ra địa chủ, tôi cũng "thưa các đồng chí... tôi đương lên phương án". Ai nấy hí hoáy ghi sổ tay, tôi tẩn mẩn vòng móc xích những chữ o liền nhau. Mới sáng mà mắt tôi mờ như quáng gà, tôi ngủ gật, ngòi bút rụi xuống giấy, nhoét mực. Nhọc quá, mà từ đêm chưa được một hột vào bụng. 
Nghe tiếng "thôn Am... thôn Chuôm..." mắt tôi bỗng ráo hoảnh, cơn ngủ biến mất, tôi ngẩn người nghe đội trưởng nói: 
- Về tình hình thôn Am trước. Khuyết điểm, đồng chí Bối sẽ kiểm điểm sau về việc hai tuần lễ không phát hiện được địa chủ. Tôi về thay, tôi đọc tài liệu rồi để nửa buổi thăm nghèo hỏi khổ đã lòi ngay ra một thằng địa, đem hồ sơ lên đoàn được duyệt tức khắc. Suýt nữa con cá chuối lọt lưới. Cái thằng tư Nhỡ lù lù đấy chứ đâu. Thằng ấy bảo là học trò trên huyện, về chân lấm tay bùn đã lâu, nói láo. Cái cây tre buộc sợi dây thép lủng lẳng nó bảo là hộp galen để nghe tin tức của đài ta, đồng chí Bối tin thế hả? Không, tôi ở quân đội tôi biết, nó là cái bắt tin, đánh tin đấy. Thằng Tây đã cho nó lặn lại thì nó phải có thông tin liên lạc. Mà rõ ràng đấy, cửa nhà nó có cái bảng đề chữ Tây treo to bằng cái hoành phi sơn son thếp vàng trên bàn thờ bố nó. Rễ chuỗi đã lôi nó ra dấu cho một đêm, nó gục. Địa chủ tư Nhỡ đã phải ký biên bản nhận tội tay sai phản động rồi. Tôi đã cho dân quân gác không cho nó được ra khỏi cửa, đợi lệnh của đoàn. Còn sang đến mục không có lao động, thì nhà tư Nhỡ đã thuê người từ cấy hái đến đánh cây rơm. Người làm nhà nó đã tố hết. Bây giờ nói về rễ chuỗi thôn Am, anh Diệc vốn là cố nông, đồng chí Bối đã bắt rễ đúng. Nhưng khuyết điểm là anh Diệc không được bồi dưỡng, chuỗi là cô Đơm con anh Diệc cũng chỉ có tên thế thôi, rễ và chuỗi đều chưa có tác dụng. Địa chủ Thìn thật độc ác, vợ anh Diệc què gãy mù loà thế mà địa chủ Thìn bắt anh Diệc lấy rồi lại phải cày cấy trả nợ. Tôi đã chỉ định đồng chí Diệc làm trưởng thôn, đồng chí Đơm làm tổ trưởng dân quân. Tôi sẽ phát động đồng chí Diệc, đồng chí Đơm lên ngang mặt đấu địa chủ Thìn hôm toà xử án. 
Tội ác địa chủ Thìn thì tôi đã nghe bác Diệc và thằng Vách kể, họp đội tôi vẫn báo cáo, nhưng đến lúc đội trưởng Cự nói thì như những việc đội trưởng vừa phát hiện mới đúng. Không hiểu sao, nghe Cự nói, tôi lại nghĩ ra một chuyện nhảm khác: thằng này đã ngủ với con Đơm. Tôi càng đinh ninh thế khi cách đây mấy hôm đội trưởng Cự đưa vợ ở Đìa lên chào đội, nói vợ đồng chí sắp đi công tác. Cô "rễ" ấy đã được Cự lên đoàn uỷ xin cho đi thoát ly. Cô bé ngơ ngác hôm nào, đã thành người cán bộ áo nâu quần thâm mới, vai đeo túi vải ka ki, nhanh nhẹn hoạt bát. Cái ám ảnh mấy đợt cải cách đội trưởng đã "chế tạo" ra không biết mấy cái "rễ" vợ như thế lại luẩn quẩn trong tôi. Vợ mà đi công tác thì "thằng Nguyễn Bổn" ấy lại ngủ ngay với người khác thôi. Cái thằng mắt lúc nào cũng đỏ cá chày thế kia chịu sao được tối nằm không. ờ mà mấy sớm nay không thấy Đơm đón đường kéo tôi vào bụi duối. Mọi khi Đơm vẫn liều lĩnh như con cún đói ngồi rình chộp mồi trong bụi. Đơm núp trong ấy từ lúc chưa tỏ mặt người. Có hôm, tôi chui được ra thì áo toạc chỉ lung tung, một bên má bị cắn rớm máu. Đến họp đội, tôi nói bịa vô ý đâm vào cái cọc chạn bát. 
Mà Cự đã phân công anh đội khác về Đìa. Cự đã lên ở nhà bác Diệc, văn phòng đội, họp đội cũng lên đấy. Tôi mang máng đoán ra. Tôi chẳng ghen tức nỗi gì, tôi chỉ phân tích ra thế. Đi họp, tôi chỉ nghĩ quanh quẩn vẩn vơ. 
"Kè biển" - tranh của họa sĩ Bùi Duy Khánh
Nhưng vài hôm không gần gũi Đơm cũng lại nổi cơn thèm. Cái ngây ngô của Đơm đáng yêu làm cho mình có oai đàn ông hơn trước những thành thạo ngỗ ngược của Duyên. Trời đương mưa lăn phăn. Tôi vác cái cào như đi đánh cỏ, tôi loăng quăng ra đồng. Xem ngộ may có gặp Đơm. Cánh đồng và gò đống xa vắng trong mưa mù. Nghe tiếng cả bước chân người rào rạo trên cỏ. Giá ban ngày nắng ráo mà được lăn lộn ở đây, vật nhau có rống lên như bò cũng không phía nào nghe tiếng. Đương nghĩ thích thú, thấy bóng người trong bụi mưa đi tới. Tôi ngợ là đội trưởng Cự. Cự thật. Trông trước thấy cái sắc cốt thâm xịt nước mưa. 
- Bối đấy à? Làm gì thế? 
- Tôi đi cào cỏ. 
- Thôi, về đã. Có việc quan trọng. 
Nghe hai tiếng quan trọng, tôi đã thấy đắng miệng. Tự dưng nghĩ ngay đến cái lúc Cự thì thào thằng Đình bị trói nửa đêm đem đi. 
Tôi bước theo Cự, chẳng nói chẳng rằng. Cự cũng im. Tôi càng rờn rợn. Vào nhà bác Diệc đã thấy cả hơn mười anh đội các thôn về ngồi đấy. 
Đội trưởng Cự đứng dưới mái tranh, cất tiếng như hô khẩu hiệu: 
- Báo cáo các đồng chí, trên đã duyệt án tử hình địa chủ Thìn. 
Những người ngồi quanh vỗ tay độp độp như đập mẹt, tôi còn tìm chỗ gác cái cào cỏ và chưa hết cơn hốt hoảng vừa rồi, chưa hiểu thế nào, đến lúc nghe thấy thế lại sợ tiếp. Địa chủ Thìn ở xóm Chuôm, lại bận bịu lôi thôi đến tôi rồi. Chỗ giam lão ta cũng tại ngay nhà lão, tôi thường đi qua kiểm soát dân quân canh gác. Một lão già tám mươi tuổi héo hắt như cái dây khoai, mắt thông manh mù dở, khoeo chân không duỗi ra được. Chẳng có án thì cũng chỉ dăm hôm nữa lão ngoẻo thôi. 
- Tôi phân công đồng chí Bối đội phó phụ trách toà án chịu trách nhiệm hôm tổ chức xử địa chủ Thìn. Các thôn khác huy động triệt để quần chúng đi dự. 
Lần này, tôi không thể lủi đi, đổ việc cho ai. Thế là, cũng đột nhiên tôi cứng cáp, nhanh nhảu, phát biểu và ghi chép nhoay nhoáy nhanh như máy. 
Tôi ra họp tổ dân quân. Bọn con gái vừa trông thấy tôi, đã nói to như mách nước cho tôi biết phải theo thế. 
- Các đồng chí nam vào bắt thằng tù. Chúng em đứng ngoài canh gác. 
Cả tổ trưởng Duyên cũng vào hùa với chúng nó và tôi đã cắt đặt theo như thế. Sớm hôm sau, bốn nam đeo súng trường vào chỗ giam địa chủ Thìn. Người nào cũng hăng hái, sừng sộ khác thường như vừa có chén rượu. Tôi đứng giữa nhà, nhìn bao quát. Hai người mở chốt cũi. Đũng quần lão già dày kệp cứt, cả gian âm u ẩm ướt thối không chịu được. Mấy người nhà xúm lại khóc rưng rức, đỡ lão Thìn. 
Tôi hét: 
- Cút ra đằng kia. 
Một dân quân vào bếp lấy ra cái đòn ống. Trưởng thôn Cối ở đâu xồng xộc chạy vào, cúi xuống, lột cái áo vét dạ đen địa chủ Thìn đương mặc, ngẩng lên cười hê hê: "Để cho mày khỏi vướng" rồi Cối xỏ tay vào mặc áo luôn. Lão tù bị buộc tay buộc chân, hai người khoác súng xỏ đòn ống, khiêng bô ông bêêng đi. Cái lưng áo dạ với hai vai nhấp nhô của Cối, tôi ngỡ đấy là lão Thìn đã lộn kiếp, nhập sang người thằng kia. 
Bãi mít tinh đông nghịt người. Giữa đám, lại những túm lá móc diều, những tàu dừa kết thành một hàng rào xanh trang trí sau bàn toà án. 
Cuộc đấu lên nổ liên tiếp, khi địa chủ Thìn vừa được đặt xuống ngồi tựa vào cái cọc. Người chạy lên chạy xuống, tới tấp. 
- Mày có biết tao là ai không? 
Thế nào mà tiếng lão già sắp chết này vẫn nói sang sảng: 
- Thưa bà nông dân... tôi không biết... 
- Tao đi ở cho cháu mày. 
- Thế thì tôi không biết thật ạ. 
- Mày lấy roi cặc bò đánh tao. Đả đảo địa chủ! 
Rồi hớt hải chạy xuống giữa tiếng đả đảo cuồn cuộn trong đám người. 
Cái bãi lau chen chúc loi thoi, đầm nước trắng đằng cuối. Những con chim hét đen tuyền, những đàn cò trắng không dám đậu xuống, lượn quanh trên trời với mấy con diều hâu. Thường ngày, trẻ con chăn bò trên bờ cỏ lác đằng kia. Cái sa chắn cá trong hõm sâu vào lạch ruộng, xưa kia đấy chỉ toàn bãi rậm. Xa xa, dưới bóng gò đất chơ vơ giữa đồng, những xóm mới, xóm trại nhích lại dần. Tôi vẫn hay đi qua đấy, sáng chiều nước ánh lên bóng người tha thủi ngoài sông ngoài đồng về lúc chặp tối, đã bao nhiêu đời buồn bã thế. 
Lát nữa, lão Thìn sẽ chết ở cái bãi mà mới năm trước, lão thuê cả lính bốt hương dũng đốt cỏ lác cày vỡ hoang. 
Lão Thìn lả người, lăn quay ra giữa bãi. Đống văn tự, giấy tờ, sổ sách chữ Tây chữ ta trong nhà lão khuân ra đốt, khói um lên, tàn than lả tả bay như đàn bướm đen. Nhưng tiếng quát xô lên: Không cho nó nằm! Nó nằm sập gụ cả đời rồi! Bắt nó đứng! Bắt nó... Địa chủ Thìn bị xốc lên, trói hẳn vào cái cọc đã chôn sẵn. Đầu lão ngật đi. Chốc chốc lại ỉa tháo ra cái quần đã tụt vòng hẳn xuống hai ống chân bằng cái ống nứa. 
Tôi ở ghế chủ toạ, đứng lên đọc một cáo trạng tội ác lão Thìn. Nhà nó đã mấy đời bóc lột, càng ngày càng giàu, càng ác. Nó thu thóc tạ cho Pháp, cho Nhật, khi kháng chiến đội lốt làm chủ tịch xã, đến hồi Tây về nó ra làm tổng uỷ - nó là con chó săn của hai, ba đế quốc. Con gái nó đui què, câm điếc, nó bắt nông dân phải lấy, rồi lại phải cấy rẽ giả nợ... Đả đảo địa chủ, cường hào ác bá... 
Giữa những tiếng lao nhao hô đả đảo, bác Diệc run run bước lên. Mặt tái ngoét như con gà cắt tiết. Tổ dân quân mấy xóm dàn hàng ngang. Đơm khoác súng đứng hàng đầu. Duyên mặt đỏ hây, cúp mắt nhìn xuống hai đầu vú đương cường cong tớn. Thấy thế, tôi mới nhớ vẫn Duyên ấy. Đơm thì nước mắt ròng ròng nhìn lên tôi. Có phải những giọt nước mắt nói: ông em ngày trước đấy. 
Bác Diệc chỉ tay vào địa chủ Thìn: 
- Tao thù mày! Tao thù... 
Rồi khóc rống lên, chạy xuống. 
Đội trưởng Cự xô ngay ra trước loa, quát to: 
- Hôm nay là ngày thắng lợi của giai cấp nông dân chúng ta, cấm không ai được khóc. 
Ở đám các làng ngồi chen chúc, một bà lão gầy rạc, da mặt đọng từng vũng nhăn nhúm. Bà lão nói choang choác: 
- Đận đói năm trước, nhà tôi một tháng chết mất ba người. Đến đận này ruộng kiệt nước, đói dài hai năm mà không ai chết. May được bộ đội về dạy giồng rau muống, rau lang ăn trợ thời. Cái khi thằng Thìn làm phó lý, chồng tôi chậm thuế thân, thằng Thìn cho tuần vào bắt cái nồi tư, tôi đương kéo vó bè, nó rỡ cả vó. Nhờ các ông các bà lên kể khổ hộ tôi. 
Lại nghe loác choác, bô bô tiếng lão Cối điếc: 
- Bố thằng tư Nhỡ làm hương kiểm, một đêm, nó sai tôi đi úp trộm cá ngoài ao làng. Khán thủ bắt được trói đánh đau quá, tôi phun ra hương kiểm sai. Khán thủ cũng phải sợ thế lực hương kiểm, từ bấy giờ hương kiểm thù tôi làm nó bẽ mặt, cứ gặp tôi đâu là đánh. Một đêm có lệnh canh đê, trên phủ tư về gấp. Khán thủ cho tôi đem giấy vào hương kiểm. Hương kiểm nhà giàu sợ cướp đã có hiệu trước, không cho tuần đinh gọi nửa đêm, hễ có việc quan chỉ được đứng ngoài thổi tù và gọi. Tôi đứng bờ ao, rúc tù và từ nửa đêm đến gà gáy sáng, phồng rát cả hai má, lộng óc, rét run cầm cập vẫn không thấy ai ở nhà hương kiểm ra. Sau trong xóm nghe tù và điếc tai quá, phải chạy vào gọi hộ. Hương kiểm vác hèo ra nạt: "Sao mày không thổi giục chứ thổi như đi tuần thế thì bố mày cũng không biết". Rồi quất tôi ba hèo bắn máu đít. Tôi đã ghi cả vào óc rồi. Cha làm con chịu, cái thằng tư Nhỡ bây giờ phải đền tội cho thằng bố, thằng cụ, thằng kỵ nhà nó. 
Một người nói: 
- Hôm nay mới đấu thằng địa chủ Thìn, chưa đến lượt tư Nhỡ. 
- Ấy chết, tôi cứ tưởng. Hôm nào đến thằng tư Nhỡ? 
Chẳng ai trả lời lão điếc lại say rượu. Không biết có phải vì cái khổ đã đau đớn lắm rồi, lại nghe nhiều rồi, chẳng mấy người muốn nói nữa. Một lát, cái bà lão lúc nãy lại hỏi: 
- Nó lắm vợ quá, năm vợ, mười bốn con, đã ai lên đấu nó cái tội bóc lột ấy chưa?
Cũng không ai trả lời câu hỏi ngu ngơ. 
Một người dáng như tổ trưởng, xách cái gậy lảng vảng đến. 
- Đây không phải cái chợ. Ai xì xào nữa người ta cắt lưỡi đấy.

Cả nghìn con người lại im như tờ. Khi một loạt tiếng súng toả khói xanh um lên, đám đông ở dưới đẩy nhau chạy. Ai cũng khiếp tiếng nổ. Người hãi máu, bịt mắt lại. Người nhốn nháo vỡ ra các ngả. Tiếng trống cà rùng của đội thiếu nhi nổi lên khua rầm rầm, vang vang. Thế là địa chủ Thìn chết, chết trước cả cái khi toà án phúc tra. Chẳng biết địa chủ Thìn mà bị xử chậm lại gặp đội sửa sai thì có được tha không, nhưng dẫu có may mắn thế, chắc lão cũng chết ốm trước đấy lâu rồi. 

Thế mà ngay tối ấy lại có họp - một tổ cán bộ đoàn uỷ xuống đi với huyện vận động sản xuất và hô hào đóng thuế nông nghiệp. Việc hoả tốc phải quán triệt ý nghĩa quan trọng vụ mùa tới và định mức thuế tạm thu. Mọi đêm, cuộc họp nào cũng chật đứng ra cả ngoài sân đền. Tối nay mỗi xóm có tổ vài người gom lại hơn mấy chục đầu lố nhố. Đi mít tinh cả ngày lại xem bắn người, khiếp quá, chưa lại sức, hay tan tác đâu chưa hoàn hồn về, hay sợ lại phải họp ở gần cái bãi ma ban trưa, người ta hốt hoá ỳ ra. Nhưng việc cấp bách không thể hoãn, tối mai tổ cán bộ huyện đã sang làng khác. 
Cuộc họp lèo tèo mà vẫn hỗn độn, triền miên như mọi khi. Một cán bộ đọc to thư của liên khu kêu gọi đóng thuế nông nghiệp sau phổ biến bốn câu hỏi để lần lượt thảo luận. Vài người - có những người đã thành thói quen ở cuộc họp nào cũng hay nói, nói nhiều, đã quen mặt và nhàm tai, cả đám người khác thì rúc đầu vào cánh tay, làm con vịt ngủ. 
Rồi cán bộ trịnh trọng phổ biến mức thuế của xã cho xóm: vụ này tạm thu năm tấn. Cán bộ xoè hai bàn tay làm loa nói to kêu gọi mọi người thi đua đóng thuế. Hai tổ trưởng nông hội ngủ từ lúc nào, có người đằng sau đẩy vào đít, bật dậy, ú ớ giơ tay: 
- Tôi thi đua. 
- Tôi, tôi nữa. 
- Đề nghị cho tổ tôi... 
Lại một người kêu to: đồng ý, đồng ý. Ai cũng hô theo: đồng ý... 
Vẫn chưa họp xong. Còn việc bình cho một nông dân lên huyện học bảy ngày để về làm công tác vệ sinh viên. Có người nói: Còn có cụ Cối rỗi việc, lại thành phần rễ chuỗi, cho cụ ấy đi học vệ sinh viên. Một người ghé tai cụ Cối, hét lại thế. Cụ Cối cười:
- Cấp tiền ăn cho tôi thì tôi đi ngay - Rồi cười giơ hàm răng móm, lão già tai lành tai điếc mà khôn lòi tù và. Cả làng ăn rau muống khô cứu đói lại đòi người ta đóng tiền cho lên huyện ăn cơm. 
Cán bộ cả tiếng hô hào tương thân tương ái, ủng hộ người đi học vệ sinh là tiến lên văn hoá mới. Chẳng ai để tai. Nghe tiếng lão Cối ngáp to: 
- Gà gáy rồi, giải tán thôi, giải tán thôi, có gì mai họp nốt. 
Mọi người ù té về. Cũng chưa ngã ngũ ai lên huyện bảy ngày học vệ sinh viên. 
Tôi mệt bã người. Vẫn còn ám ảnh mùi máu, mùi hôi thối ban ngày. Cổ khản lại, tôi bỏ không nuốt được bát rau muống khô của lão Cối để phần. Vùng này đương vào vụ giáp hạt, bữa nào cũng cơm lẫn cám, với rau lang, rau muống khô trộn muối. Thế mà lại kêu gọi sản xuất, trong khi cây mạ vàng ỏng mới cắm xuống ruộng, chưa biết thế nào. Lại còn sắp sẵn thuế tạm thu, bổ đầu từng xóm. Tôi không hiểu ra sao, lại nghĩ bài bây ra sao thì ra. Cũng như trong buổi họp, bảo thi đua, người ta giơ tay thi đua bạt mạng. Duyên vẫn cầm tiền của tôi, thấy tôi không ăn cơm được thì mai lại lên chợ mua bánh đúc ngô, cái ngô nướng, chiếc bánh khoai, đem về cho tôi ăn vụng như cái Đơm mấy hôm trước vẫn đi mua thế. 
Tôi lần vào giường góc nhà nằm gối đầu lên cái túi. Bụng đói cồn cào rỗng không. Những việc ban ngày dữ dội, việc ban tối hội họp đến kiệt cùng kể ra cũng đã quen qua mấy đợt, chỉ mệt, mệt rũ. Chắc Duyên đã đi canh gác. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. 
Mơ màng như có con mối hay con chuột đụng vào chân. Tôi mở mắt, quơ lên cái túi. Không biết đã khuya thế nào, ngoài sân tối om. Trong lỗ thủng trên mái lá nhà dột, nhấp nhánh ánh sao như những con đom đóm bay. Sau trận mưa rào cuối mùa còn sót lại, ngoài chuôm, ễnh ương đối đáp nhau inh tai. Thình lình tôi nhìn có bóng người lù lù trước mắt. Nhưng không phải Duyên. Là Duyên thì đã đi xộc vào, không lom khom ngồi xổm thế. Hay là ma, ma lão Thìn. Hay là thằng Cối mặc cái áo vét đen bị hồn địa chủ nhập vào ma đương về trêu tôi. 
Tiếng thì thào: 
- Anh Bối! Anh Bối ơi! 
- Hứ! 
- Em là Nhỡ, tư Nhỡ đây. Anh sang đây, anh bỏ em rồi. Em sắp phải chết bắn như địa chủ Thìn a? 
Tôi ngồi dậy, nguôi cơn hốt. Cái thằng tư Nhỡ bên xóm Am. Nó bị câu lưu tại nhà rồi mà. Chắc nó leo tường lội tắt ao nước sang đây, quần áo ướt sột soạt. Tôi rít khe khẽ trong bóng tối: 
- Cút ngay! Bỏ mẹ cả lũ bây giờ! Cút! 
- Anh sắp bắn em thật ư?
Tư Nhỡ lại lắp bắp. Bỗng có tiếng lên đạn lạch xạch khô khốc lạnh rợn ngay sau lưng. Tổ trưởng dân quân Duyên hiện ra, thúc mũi súng vào cái bóng ngồi dưới đất. 
- Bước! Cho ăn một phát đây này. 
Cái bóng rúm lại, chạy ra, tan vào sương đêm. 
Duyên cất súng trong xó, lôi ngay tôi xuống đất. Đàn bà đàn ông ở đây ăn nằm, đùa cợt với nhau như gà, chỗ nào lúc nào cũng được. Tôi thấy hợp với tính tôi. Mặt đất đóng hạt trám lổn nhổn mát lạnh như lát gạch mà tôi không cảm thấy. Gian bên, lão Cối ngáy pho pho lẫn tiếng nghiến răng, tiếng mê ngủ những đứa trẻ đạp nhau. 
Duyên dúi vào tay tôi chiếc bánh dày nhân đậu. 
- Chiều nay nhịn cơm hả? 
- Ăn vào sợ mửa, còn tanh quá.
Duyên đút bánh vào miệng tôi, mỗi đứa cắn một nửa, vừa nhai vừa lè đổi cho nhau ăn chung, giữa những câu lào thào rì rầm. 
- Anh chết nhé, liên quan rồi, đêm địa chủ mò tới, dân quân bắt được. 
- Nó dẫn xác đến chứ. 
Duyên lại đe câu khác: 
- Từ giờ cấm không được đi tuần đêm. 
- Sao? 
- Sao trên giời, sao ở ngoài lều canh ấy. Cứ ư ử như chó lẹo nhau bên cạnh người ta, điếc cả tai. Nói cho mà biết, bận sau thì con này thiến đấy. 
Tôi hãi cứng đơ cả hàm, không nuốt nổi miếng bánh. Duyên lại nói rành rọt. 
- Vải thưa che mắt thánh a? Lại cái con Đơm ở bụi duối. Cắn cho một cái đứt lưỡi chết tươi này. Chừa chưa? 
- Chừa rồi. 
- Thật không? 
- Thật. 
- Thề đi... 
Tôi chưa kịp ú ớ đã bị Duyên vật bằng mấy thằng đàn ông lăn ra. Cái mệt thật êm đềm. Lại kể đàn bà con gái vùng này rõ thật ngỗ ngược, lên cơn cứ dằn ngửa người ta ra, khiếp quá. Đói toát mồ hôi lạnh thì càng dữ. 
Khuya khuya, Duyên thủ thỉ: 
- Em sắp được kết nạp, có phải không? 
- Không biết. 
- Cả bố em nữa. 
- Không biết thật mà. 
- Kết nạp em, anh phải đứng tuyên bố.
- Đã bảo không biết thật mà. 
- Cái lão đội trưởng mắt cá ngão đỏ ngàu, trông đã thấy gớm. Anh không tuyên bố cho em thì em đét vào đâu. 
Rồi hai cái môi Duyên lại nóng rực lên. Tôi không kịp nói tôi chưa phải đảng viên. Tôi nghĩ thế thôi, chứ cũng không ở đâu tôi nói vậy. Không phải đảng viên mà tôi đã mấy đợt tổ chức kết nạp cả chục rễ chuỗi vào Đảng. Không biết trên có biết không, chẳng có ý kiến gì cả. Tôi làm việc kết nạp Đảng cho rễ, chuỗi cũng như đi họp, đi làm đồng. 
Tôi cũng có ý đợi xem việc kết nạp Duyên thế nào, có thật không, nhưng đội trưởng Cự chưa nói. Rồi công việc lôi cuốn, vả lại, còn đương đói vàng mắt, chắc hãy khoan. Tháng ba ngày tám dần dần lắm nhà thiếu quá. Mấy xã trên, nhiều cốt cán rạc người, thiểu sức, có mấy nơi người chết lăn ra ở những cuộc đấu địa chủ suốt đêm. Hàng ngày quen mắt, nhưng tôi cũng hốc hác, nhìn lại thôn này cũng đói vêu vao cả rồi. Tôi để ý cái xương bánh chè hai bên hông Duyên trồi lên thật, mỗi khi ấy Duyên cứ phải co bụng lại cho tôi đỡ đau. Những người như cái xác lướt qua trước mặt, chân tay phù mọng vàng nhợt, đến chỗ họp người ta ngồi xúm lại từng bọn phảng phất chập chờn như những cái bóng. Có ai vừa nói vừa khóc: biết còn sống được mà đấu tranh, mà trông thấy hạt lúa không. 
Một xóm ngoài nổi bệnh tả. Mấy ngày thôi mà chết mất mười người. Đoàn uỷ có lệnh cho ngừng công tác cải cách. Yêu cầu các đội cùng nhân dân phòng bệnh, cứu đói. ở trên cho về mấy xe vôi bột rắc khắp xóm, trắng lốp như chỗ nào cũng có đám ma. Cũng chẳng biết làm thế nào, ai chết thì chết thôi. Tôi cho người xuống thôn Đìa quảy thêm mấy gánh dây rau muống. Các mảnh ruộng cao quanh chân tre đất rắn như sỏi được cuốc ngay lên trồng rau muống vườn. Lại gây dây mồng tơi, chỗ nào cũng cấy rau sam, rau dền cơm, dền đất, mặt ao thì thả rau rệu - những rau cỏ ấy chỉ nửa tháng đã ăn được, người ăn như con dê nhai lá. 
Cả xóm quảy nước, xách nước tưới những vạt ruộng còi cọc, phờ phạc.
Nhà văn Tô Hoài
"Căng tròn" - siêu mẫu nội y châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét