"Nhựa sống" - siêu mẫu nội y châu Âu |
Như một phương thức tu tập để đạt tới sự minh giác và giải thoát, ở các chiều kích siêu việt, thiền có thể giúp con người giao hòa với vũ trụ. Còn trong cuộc sống thường ngày, thiền giúp chúng ta kiểm soát stress và đau đớn. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Thiền là thuật ngữ chung chỉ các phương pháp tu luyện để đạt tới trạng thái bình yên, tập trung và lắng đọng (thuật ngữ Hán Việt tương ứng là sự tĩnh lự) nhằm thấu hiểu bản thân và vũ trụ; giống như mặt hồ phẳng lặng, trong suốt sẽ giúp nhìn xuống tận đáy hồ.
Thiền có tới vài chục phương pháp khác nhau và có mặt trong hầu hết các tôn giáo lớn nhỏ. Một nghiên cứu của Chính phủ Mỹ năm 2007 cho thấy, tới 9,4% (trên 20 triệu) người Mỹ trưởng thành tập thiền, tăng từ mức 7,6% (trên 15 triệu) của năm 2002.
Lịch sử của thiền gắn liền với các nội dung tôn giáo mà nó liên quan. Từ thời tiền sử, các nền văn hóa đã dùng các bài cầu tụng có nhịp điệu để ngợi ca và cầu xin thánh thần. Một số nhà khoa học còn xem khả năng tập trung tư tưởng, thành tố cơ bản của thiền, là giai đoạn tiến hóa sinh học cuối cùng của loài người. Trong thư tịch, thiền xuất hiện sớm nhất trong kinh Vệ Đà đạo Hindu, thế kỷ XV trước công nguyên (CN). Khoảng 500 năm trước CN, thiền xuất hiện trong Đạo giáo Trung Quốc và Phật giáo Ấn Độ. Tại phương Tây, vào năm 20 trước CN, học giả Philo xứ Alexandria viết về sự tập trung và sự chú ý. Tới thế kỷ thứ III, Plotinus phát triển các kỹ thuật thiền.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, thiền đã được các học giả phương Tây chú ý nghiên cứu. Tuy nhiên, sức lan tỏa của thiền trở nên mạnh mẽ sau tác phẩm “Đáp ứng thư giãn” của bác sĩ tim mạch Mỹ Herbert Benson năm 1975. Ông thành lập Viện Y học tâm thể tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, để nghiên cứu thiền và phát minh phương pháp Benson nổi tiếng. Thiền càng trở nên nổi tiếng khi Ban Tổ chức Đại hội thần kinh học thế giới năm 2007 mời đức Đạt-ma Lạt-ma phát biểu trong phiên khai mạc. Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ nghiên cứu với trên 1.000 công trình đã công bố, bản chất của thiền vẫn chưa rõ ràng.
Năm 1971, Naranjo nhận xét, thiền là thuật ngữ được dùng để chỉ các phương pháp thực hành, tu luyện khác nhau đến mức không thể có một định nghĩa được thừa nhận chung. Vì thế, ở đây thiền được xem là phương cách để người luyện tập rời bỏ trạng thái kích thích hoặc hoạt hóa để tới một trạng thái tĩnh lặng và sâu lắng hơn. Theo Trung tâm quốc gia Mỹ về y học thay thế và bổ sung, “thiền có thể được tập luyện vì nhiều lý do, như tăng cường thư giãn thể chất và tinh thần, cải thiện cân bằng tâm lý, đối diện với bệnh tật và khuyến khích sức khỏe và sự thoải mái”.
Đầu những năm 70, bác sĩ tim mạch Herbert Benson tiếp xúc đại diện thuộc trường phái thăng thiền (transcendental meditation), những người tin rằng phương pháp của họ có thể giảm nhịp tim, nhịp hô hấp, mức tiêu thụ ôxy và huyết áp. Benson rất ngạc nhiên khi thấy bệnh nhân của mình giảm huyết áp tối đa và tối thiểu từ mức 146 và 94mmHg (ranh giới huyết áp cao) về mức 137 và 89mmHg (mức bình thường) sau vài tuần tập thiền. Mức tiêu thụ ôxy giảm 10-20% chỉ sau 3 phút sau khi bắt đầu thiền, so với mức giảm chỉ 8% sau giấc ngủ 4-5 giờ.
Nghiên cứu các phương pháp thiền khác giúp Benson nhận ra rằng, đó không chỉ là kết quả của thăng thiền, mà của mọi phương pháp thiền định khác. Theo ông, đó là một phản ứng tự nhiên và nội tại của cơ thể để chống chọi với sự căng thẳng.
Theo Benson, 4 yếu tố đặc trưng của thiền là môi trường yên tĩnh, tư thế thoải mái, một công cụ tinh thần để tạo sự tập trung (chẳng hạn một từ nào đó) và một tâm thế thụ động.
Môi trường tĩnh lặng là môi trường không có các kích thích, kể cả dễ chịu và không dễ chịu. Tư thế do người tập tự chọn, sao cho không thoải mái đến mức ngủ thiếp đi; vì thế Benson khuyên không nên nằm. Công cụ tạo sự tập trung thường là một kích thích bằng lời, một mantra theo tiếng Phạn (như Phật tử nhẩm “A di đà Phật” trong lúc tụng kinh). Còn tâm thế thụ động, “để cho nó tự xảy ra”, là yếu tố căn bản của phương pháp Benson. Tập 20 phút hàng ngày, mỗi ngày 1-2 lần, phương pháp đơn giản này mang lại nhiều kết quả tích cực.
Ngoài các nghiên cứu như của Benson, thiền được khảo sát tại nhiều cơ sở nhằm khám phá bản chất và lợi ích mà nó mang lại cho người rèn luyện.
Nghiên cứu trên sinh viên đại học, Oman, Shapiro và cộng sự, 2008, nhận thấy thiền tác động lên các quá trình thần kinh có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Thiền giúp bộ não vận hành tốt hơn, như cải thiện hoạt động học thuật, sự tập trung, thời gian phản ứng, trí nhớ, tự kiểm soát, sự đồng cảm và tự tin.
Trên bệnh nhân, tổng kết của Chu, 2009 và của Đại học Harvard, 2011, cho thấy, thiền tác dụng tốt với stress, lo âu, trầm cảm, cao huyết áp, nhịp tim, sự chuyển hóa… Trong lâm sàng, thiền đã được lập thành các quy trình chuẩn để kiểm soát stress và giảm đau. Chẳng hạn trong cuốn sách chuyên khảo về các kỹ thuật thư giãn của nhà nữ tâm lý lâm sàng nổi tiếng người Anh Rosemary Payne, thiền chiếm 3/21 phương pháp.
Nói chung, thiền là một biện pháp hiệu quả để thư giãn và hạ thấp các ngưỡng sinh lý. Đặc trưng điện não thay đổi cho thấy, ngưỡng kích thích vỏ não thay đổi, phản ánh sự giảm mức độ của các hoạt động tinh thần. Thiền cũng giúp giảm lo âu, căng thẳng, hệ quả của nền văn minh và tăng cường sự tự tin cho người tập luyện. Một số nhà tâm lý còn dùng thiền để cải thiện thành tích vận động viên, chí ít cũng giúp họ trấn tĩnh trước các sự kiện thể thao quan trọng. Thậm chí qua thiền, vận động viên có thể thư giãn hoặc kích thích từng nhóm cơ thích hợp để phát lộ được hết những năng lực còn đang tiềm ẩn. Hoàn toàn không quá lời khi có người cho rằng, thiền có thể giúp chúng ta sống khỏe mạnh và yên bình hơn.
Vậy đâu là cơ chế tác dụng của thiền? Hệ thần kinh tự động (giúp duy trì các chức năng sống cơ bản) gồm có hai thành phần: hệ giao cảm, có tác dụng tăng các hoạt tính sinh học khi cơ thể bị đe dọa; và hệ phó giao cảm, giúp cơ thể khôi phục trạng thái nghỉ ngơi sau đe dọa. Qua các kỹ thuật khác nhau, thiền hoạt hóa hệ phó giao cảm, giúp chúng ta trở về trạng thái bình yên và tĩnh lặng. Đó chính là liều thuốc quý trong các xã hội hậu công nghiệp hiện nay.
T.S Đỗ Kiên Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét