Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Vàng và máu (chương I)

"Huyết dụ" - người đẹp Nhật Bản
Bỗng một tiếng khiếp sợ rú lên ở bên cạnh. Ông già đứng phắt dậy, nhìn, thì thấy người con trai mặt tái mét, hai mắt mở to lạ, vừa chỉ về cái miếu trước mặt vừa lớn tiếng nói:
- Kòi ka! Kòi ka! (Kìa trông! Kìa trông!)
(ảnh không liên quan đến bài viết)
Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách non mười dặm chung quanh chỉ có quả núi đá Văn Dú là cao lớn nhất.

Sừng sững giữa trời, bao quát đồi cây gò đất, núi ấy trông đường bệ hách dịch như đứng làm chúa tể cho cả một vùng phong cảnh hoang vu. Dân Thổ ở các làng gần đó, ngày nào cũng trông thấy ngọn núi mù mù lam tím, nhô lên trên những hàng rừng xanh chi chít um tùm.

Những buổi hoàng hôn bóng chiều soi riêng một phía cũng như các ngày ủ dột âm u, Văn Dú lại hiện ra với một vẻ riêng oai linh và mầu nhiệm.
Đối với ngọn núi lớn, người Thổ không chỉ có tấm lòng kính cẩn phảng phất đối với mọi cảnh bát ngát cao cả, họ còn sợ hãi Văn Dú như một vật có tri giác, có quyền phép làm hại người. Ở những miền quanh đó và trong thời bấy giờ, ai nói tới Văn Dú là một sự gở lạ. Họ chỉ gọi đến tên quả núi trong những khi tức giận nhau mà chửi rủa hay những khi thề bồi. Một người say rượu lớn tiếng xúc phạm đến Văn Dú cũng đủ làm cho khắp cả một châu biết đến tên mình; họ thuật lại những lời nói và cử chỉ của anh ta một cách e dè, nhưng đó là thứ chuyện họ ưa nghe ưa kể nhất.
Núi Văn Dú có một cái hang lớn. Đó là nơi chứa những tai hoạ ghê gớm cho giống người Thổ và là cái nguồn những sự khủng khiếp và những chuyện kinh hoàng. Người ta gọi hang là hang Thần, vì đó là chỗ thần núi ở.
Thần núi Văn Dú linh thiêng lắm, lại rất độc ác và hay nghi ngờ. Người nào hoặc vô tình, hoặc cả gan đến gần thần núi là bị thần hang bắt vào giết đi. Cho nên từ Văn Dú trở ra chừng hai ba dặm chỉ toàn thấy rừng xác, đất hoang; người Thổ không dám đến khai phá để cày cấy.
Trong một năm có nhiều khi trời đất đang yên bỗng đùng đùng một cơn sấm sét. Trên không gió vù, chớp loáng như gươm thiêng vung tít; cây cối vật vã tan nát, người vật lo sợ mất hồn. Khắp mọi nhà đều khua gõ inh ỏi cùng với các bà then thầy pháp kêu khấn cho đến khi nguôi cơn. Nhưng thế mới đỡ tai hoạ.
Lại nhiều khi, sau một hồi giông tố dữ dội, mây đen biến hết, ánh nắng lại soi xuống; bấy giờ trên đỉnh núi chập chờn một tầng khói phủ dần dần bay đi. Trong đám hơi trắng mà người ta bảo là nộ khí của thần hang, có người nói rằng thường trông thấy những hình bóng kỳ dị.
Trong trí tưởng tượng của người Thổ thì cửa hang Thần trông như mồm con yêu hay hổ quái gở. Cái mồm ấy phun ra những hơi độc làm thành dịch tễ, gió bão để phá huỷ các làng. Trước cửa hang Thần, người thì bảo có toàn đầu lâu, người thì bảo có đủ các rắn rết. Lại có người khoe đã nằm mơ vào tận trong hang xem. Qua khỏi những chỗ nguy hiểm rồi thì đến nơi ruộng nương tươi tốt, suối chảy thong dong, cây lá rườm rà, bò lợn từng đàn ăn trên những bãi cỏ xanh non, lại có các nàng tiên nhởn nhơ chăn dắt. Song cái tấm ảnh đào nguyên kia, người tả cũng cho là một cảnh mai mỉa không thể làm dịu được vẻ độc ác của núi Văn Dú gây nên bởi những truyện phao truyền từ trước đến giờ. Những người già cả trong làng thì cho rằng hang Thần hoá thiêng là vì trong đó chôn cất không biết bao nhiêu thây của quân giặc Khách. Bọn giặc này sang tàn phá nước Nam khi trước bị quân ta đuổi riết, túng thế ẩn vào Văn Dú rồi bị hãm chết đói trong hang. Đứa nào cũng mang theo rất nhiều vàng đã cướp của dân lành. Nay những của ấy hãy còn, nhưng chúng thành thần để giữ lấy.
Về đời ông cha họ thì dân cư vẫn thường cấy cầy được ở gần hang Văn Dú; bấy giờ những tai hoạ chưa có mấy, nhưng mỗi khi sụt sùi mưa gió lại văng vẳng như có tiếng khóc thảm thiết lẫn với tiếng cười gằn; chốc chốc một cơn gió là là mặt đất chạy qua, cửa hang bỗng gầm rít lên một cách giận dữ.
Gần làng kia thuộc châu Kao Lâm có một cái suối chảy đến. Suốt phát nguyên từ Văn Dú và chạy ngang mặt đông bắc quả núi, là phía hang Thần trông ra. Như thế là một sự nguy khốn cho làng ấy. Đã có một hồi, muốn phòng những tai nạn, người ta đặt ra lệ tế thần Văn Dú hàng năm. Vật hy sinh là một người con gái đẹp. Tiếng oán khóc của các cha mẹ những người gái trinh bị giết quăng xuống suối nghe bi thảm đầy trời đất, nhưng không hề cảm được lòng những dân làng độc ác vì ngu dại kia.
May sao được mấy năm sau, có một ông quan trấn người Kinh nghiêm cấm không cho giết người như thế nữa.
Về sau họ thấy trong châu động dữ và đã mấy phen toan giữ lại lệ xưa nhưng đều không thành.
Song cái tục vô đạo này tuy mất đi, cái linh thiêng của tà thần Văn Dú mỗi ngày một lớn, lòng mê muội và khiếp sợ của người miền ấy ngày một tăng thêm.
"Lập thể" - tranh của họa sĩ Picasso
Một buổi chiều mùa đông, trời rét căm căm, mưa phùn bay mù mịt.
Từ miền bản Đông thuộc châu Kao Lâm đến mạn Văn Dú, có hai người đàn ông Thổ đang rảo bước đi. Hai người mặc quần áo vải chàm; áo cộc thắt lưng chẽn ngoài quần ngắn và chít ống. Một người trạc ngoại bốn mươi, nét mặt già dặn, mắt sâu, miệng nhỏ, thở hơi ra như khói, cái quai nón mắc xuống cằm đè lấy bộ râu lưa thưa còn lấp lánh những giọt nước mưa. Thỉnh thoảng ông ta ngoảnh bảo người đi sau mấy lời. Người này không nói gì cứ ra chân bước. Hắn còn trẻ; trông rắn rỏi và khoẻ mạnh không kém người trước; hai môi dẩu, trán nhô và cao; đầu quấn một cái khăn lớn. Một tay hắn thủ vào trong áo, còn tay kia thì nắm một cái lao dài.
Hai người cứ trông thẳng phía núi đá mà tiến lên, lúc xéo lên những lối rậm rạp bên đồi, lúc giẫm gẫy những nấm rạ cụt ở ruộng lúa. Qua hết đồi này lại đến những gò khác; những bụi cây xanh mưa ám mỗi ngày một rậm, đồng ruộng ngày một thưa; ngọn núi đá mờ mờ trong đám sương mù cũng ngày một rõ.
Gió bấc thổi bên tai vù vù từng trận. Trước mấy rặng rừng hay trước những khóm cây nặng nề ướt át, những làn mưa bụi trắng từng lớp bay qua.
Chân tay mặt mũi hai người tái cứng đi. Giá cấu chắc không biết đau, có lẽ cũng không biết rét nữa. Quần áo phía trước, mưa hắt nhiều nên ướt đẫm. Từ đầu gối trở xuống toàn những đất đỏ với bùn; mỗi lúc qua một đám cây thấp nào thì cành lá gột sạch gần hết.
Đi tới miền đồi núi và bụi cây chen chúc nhau, không còn dấu vết cày cấy nữa, hai người Thổ trông thấy quả núi Văn Dú đứng chắn trước mặt, hình vóc cao lớn như ngăn đôi phần đất, đỉnh núi như chạm bầu trời.
Họ dừng chân ở cạnh một cái suối lòng sâu như vực. Nước suối xanh đặc như rêu thẫm, đang lừ lừ đi vào một cái hốc to dưới mấy cụm cây lá xoè ra và phủ xuống như cánh tàn.
Họ cởi đôi hài xảo chùi xuống cỏ ướt rồi nhét vào trong nải.
Rồi họ đứng thẳng dậy, ngoảnh trông lại quãng đường họ vừa đi qua. Bấy giờ vào khoảng cuối giờ Thân (bốn giờ chiều), mưa đã gần tạnh. Bao nhiêu rừng núi đằng xa đều tan thành hơi trong đám sương dày đặc trắng đục. Chân trời một màu xám như bạc cũ, làm nổi bật những bụi rậm ở gần bên.
Trông sang mạn bờ suối bên kia, thì Văn Dú như sát lại cạnh mình. Quả núi lồng lộng đen sì làm át cả những đống gò nhỏ mọn. Một vài bụi cây xơ xác chen lách dưới những tảng đá lớn mốc rêu. Về phía trong cùng, một rặng rừng thấp và lưa thưa như không dám xanh tốt.
Hai người lẳng lặng tìm một chỗ đỡ trơn và hẹp nhất, lần lần bám víu lấy cành lá rễ cây mà xuống rồi lại chậm chạp khó nhọc như thế mà leo lên bờ suối bên kia.
Từ bờ suối bên kia là địa phận của sự ghê gớm.
Sang tới nơi, họ lại xỏ chân vào đôi giày rơm, rồi cùng nhau đi đến chân núi.
Lần này, người tuổi trẻ phải cầm lao đi trước. Họ bước đi rón rén, cẩn thận, bốn mắt liếc đây liếc đó. Hơi có tiếng lạ cũng dừng lại bởi vì họ yên trí rằng họ đã đi vào nơi hoang dã có lẽ chưa bao giờ có vết chân người.
Mưa đã tạnh hẳn rồi. Gió cũng đã ngớt. Chim chóc bắt đầu lên tiếng ở trên mấy ngọn cây cao hay trong ngách đá. Thỉnh thoảng một vài con quạ vừa bay ngang núi vừa kêu.
Đường đất cũng không đến nỗi khó đi quá như họ tưởng. Nhưng họ cũng không dám bước bạo.
Đi khỏi một cái đồi, qua mấy tảng đá nằm nghiêng trên đám cỏ lau đến một tụm cây họp lại thành gần như một cái miếu. Thấp thoáng trong đám lá xanh um, thấy như có dấu vết một bức tường đổ nát. Hai người không đứng lại. Dấn lên mươi bước nữa, đi về phía chân núi, qua khỏi cái miếu nhỏ, thì hang Thần hiện ra.
Hang Thần trông cũng không to: bề cao bằng nửa cây gạo già mọc trước cửa. Miệng hang loe ra như cái miệng hũ. Phía trên toác ra như cái môi rách, phía dưới có hai tảng đá dài và nhọn đâm lên ở hai bên mép như hai cái nanh. Trông vào trong hang càng xa càng rộng, càng đen tối thêm thăm thẳm sâu vô cùng tận. Trên cửa hang chi chít các giống thảo mộc kỳ dị lấp lánh vì nước mưa phùn mới rửa. Từ trong kẽ đá, bò ra những khúc cây tròn và mốc, bám chặt vào miệng hang. Những dây những rễ; những lá đỏ, lá xanh, lớn bé lẫn lộn, mọc đầy mép hang; những cụm trúc rất nhỏ với những đám cỏ xác xơ chen nhau ở bên những khóm si con và những vừng tóc tiên xanh tốt.
Tiếng hạt nước đọng trên cao vẫn rơi xuống lộp độp lẹt đẹt không dứt, nghe mạnh hơn tiếng chim kêu ríu rít ở những ngọn cây nào. Bỗng chốc cơn gió thổi qua, một loạt nước đổ ào xuống như muôn nghìn quả chín rụng.
Hai người Thổ cùng nín tiếng, hai mắt mở lớn, người thì đưa nhìn tả, người liếc hữu, rồi lại trông vào cái lỗ hang đen tối âm thầm. Họ đã chực lẳng lặng đi vào. Nhưng lại cùng nhau dấn bước qua, đi sang phía hữu hang Thần đến bên lớp dứa ông xúm quanh chân mấy cây dại hình thù kỳ quặc: những cây này đang uốn éo sát chân núi; cây thì chui ra khỏi một tảng đá vỡ, cây thì để cho dây leo quấ chằng chịt, nhiều cây đã đổ, gãy, bật hẳn rễ, mà vẫn còn sống như thường.
Đang tha thẩn nhìn, không có mục đích, hai người bỗng trông thấy một vật gì màu lam ở dưới một cụm dứa. Nhìn kỹ thì hình như một bọc vải, một cái khăn gói màu lam, nằm trong đám lá dại với cỏ cao trên mặt đất. Nhưng không ai dám nói gì hết: nhiều vật tương tự như nhau có thể làm cho mình trông lầm được. Họ bèn bước lại gần để xem sao.
Thì ra một cái khăn gói thực. Một cái khăn gói đã mở, ướt như mới lấy dưới nước lên bên cạnh cái khăn gói ấy còn thấy một con dao rừng và một cái gậy lớn.
Hai người Thổ cùng kinh ngạc như nhau, mỗi người toan kêu lên: "Có ai tới đây rồi!" nhưng không thể nào dám thốt ra miệng một điều quái lạ như thế.
Ông già ngập ngừng một chút, rồi cúi xuống giở cái bọc ra xem: một cái áo chàm vải thô, gói lấy hai nén bạc còn nguyên, với lại...
Bỗng một tiếng khiếp sợ rú lên ở bên cạnh. Ông già đứng phắt dậy, nhìn, thì thấy người con trai mặt tái mét, hai mắt mở to lạ, vừa chỉ về cái miếu trước mặt vừa lớn tiếng nói:
-Kòi ka! Kòi ka! (Kìa trông! Kìa trông!)
Vang núi cũng đáp lại hai tiếng "Kòi ka!" nghe như lời quát tháo.
Ông già trông theo ngón tay trỏ thì thấy trong đám miếu nhỏ, một người chết treo dưới một cây bàng trụi lá, mọc bên một bức tường đổ nát và mốc rêu:
Người chết hình vóc to lớn, đầu có bím vắt ra sau lưng. Chiếc dây chão thõng xuống thắt nút ở gáy và lằn vào cổ, làm cho cái mặt phị, xám hơn bộ quần áo chàm ướt, cúi gằm xuống mà nhìn người ta bằng con mắt không có tròng đen. Hai bàn tay buông thõng, để cho nước mưa ở năm đầu ngón rỏ xuống như giọt tranh. Hai bàn chân đen sì kiễng trên không, như muốn với lấy đám lá sắc cỏ nhọn mọc ở mặt đất.
Các nhánh cây cao chung quanh thỉnh thoảng lại đưa đẩy. Một đàn quạ đen sợ người không dám xuống, gọi nhau bằng những tiếng thê thảm lạnh lùng.
Hai bác Thổ nắm chặt lấy tay nhau, không dám tiến, không dám lùi: quanh mình chỗ nào cũng thấy toàn sự chết.
Họ liếc nhìn vào chỗ tường đổ, trên mặt những gạch còn lại rêu non và những lá nhỏ bám xanh lè. Ở quãng giữa những mảnh tường, tự do mọc lên những cây lá lạ kỳ, rậm rạp. Dây bìm nửa tươi nửa chết bò leo ra tới mấy cây ở gần và rủ xuống phất phơ bên cạnh đùi cái thây ma in lẳn trong hai ống quần đẫm nước.
Một trận gió lạnh buốt ào ào chạy đến làm rung động cả một phía rừng cây. Người Thổ già rùng mình một cái, còn người con trai thì bắt đầu run. Anh ta lẩm nhẩm trong mồm những câu gì mà người kia đứng bên cũng không nghe rõ. Dần dần ông già như đã định trí, bèn dắt người con trai quay lại, toan cùng đi tới cửa hang. Song anh chàng càng đi càng run thêm, phải níu lấy ông già, van đừng tiến lên nữa.
Người Thổ già đứng lại, ngẫm nghĩ một lát, rồi lẩm bẩm mấy tiếng, trong lúc ấy người con trai một tay nắm chặt lấy lao chống xuống đất, còn một tay nhất định không chịu buông ông già.
Yên lặng hồi lâu.
Trời đất hình như chỉ riêng u ám ở chỗ hoang dại ấy.
Mặt ông già không còn nét kinh hãi nữa. Ông ta đang cúi đầu nghĩ, bỗng ngẩng lên, rồi nói:
- Bây giờ đi vào trong hang.
Anh con trai mở mắt rõ to:
- Hử? Đi vào hang à?
- Chứ gì!
- Không! Tôi sợ lắm!
Ông già cau mặt:
- Sợ gì mà sợ! Đằng nào cũng phải vào trong ấy xem đã, rồi còn đi về nữa kia mà?
- Không! Không! Đi về thôi! Không vào! Vào thì chết!
Ông già lấy trong mình ra một mảnh giấy. Trên đó có mấy hàng chữ nhỏ mà ông ta không đọc, chỉ để mắt tới những hình vẽ ngòng ngoèo như hình sông núi của bức địa đồ. Ông ta ngẩng nhìn thân quả núi cao, trông vào cái hang cách độ mươi bước và lãnh đạm nhìn cái xác treo lủng lẳng kia.
Rồi ông ta thản nhiên nói:
- Nào! Ta đi vào đi.
Người con trai lắc đầu không thôi:
- Không có vào! Vào thì chết! Vào chết đấy!
Ông già cứ trông kia thì biết. (Hắn vừa nói vừa chỉ vào thây người Khách). Người ta nói không sai đâu.
- Mày không vào thì tao vào một mình. Đừng có nói lôi thôi. Rồi về đừng kể công đấy... Đi vào không?
- Không... vào thì chết thôi! Vào thì chết!
Người Thổ già thấy vậy bực mình để mặc người trẻ tuổi đấy, xăm xăm bước lại cửa hang.
Đến nơi, ông ta lấy trong bọc ra mấy thanh củi thông, một ít bùi nhùi với một hòn đá lửa.
Lúc bó đuốc thông đã cháy, ông già một tay cầm bó đuốc giơ lên ngang trán, một tay cầm thanh đao to bản, quay lại mắng người con trai là nhát, rồi bước thẳng vào hang Thần. Người con trai cuống cuồng chạy vôi lại cửa hang, cất tiếng gọi.
Nhưng ông già đã lẩn vào trong bóng tối. Ngọn lửa đỏ ngùn ngụt cũng dần dần bé, rồi biến hẳn đi.
Ở ngoài này, anh ta lắng nghe còn thấy đằng hắng một vài lần và thỉnh thoảng có tiếng chân thong thả khua trong một vũng nước.
Anh con trai chợt nghĩ đến những chuyện ma quỷ ám ảnh người chết mà dẫn vào chỗ chết. Anh ta thốt nhiên hối hận rằng không nhẩy xổ vào mà kéo ông già lại. Chắc hẳn ông già này lại bị thần núi bắt vào hang. Anh chàng cố nín hơi nghe tiếng chân dần dần bước còn thấy đưa ra là ông già vẫn còn sống...
Gió bên ngoài thổi qua không buốt bằng hơi lạnh ở hang đá. Anh ta run cầm cập, hai hàm răng va nhau ngày một mạnh.
Bước chân đã thấy im từ lâu.
Chốc chốc lại có tiếng kêu "chít chít" nhỏ, với tiếng thì thầm lớn, tưởng như lời mỉa mai độc ác của yêu quái, ngồi xổm đang vừa ngáp vừa bàn nhau. Thỉnh thoảng hình như cả cái hang thở dài. Rồi, im lặng. Không thể nào đoán được những việc xảy ra trong cái miệng tối bí mật ấy.
Anh Thổ nghe thấy tiếng lạ thì sợ. Anh ta thấy yên lặng lại càng sợ già.
Anh ta muốn hắng giọng lên, hay nói đùa một câu gì để phá cái tịch mịch nặng nề kia; nhưng không dám. Anh ta cũng không dám nhìn về phía cái xác chết; lại tưởng người thắt cổ sắp đứng xuống đất, sắp đi lại gần mình. Anh ta rợn người lên, khẽ ngảnh đầu nhìn lại.
Những bụi cây rậm rịt chung quanh như vây chắn lấy mình: chưa bao giờ anh ta thấy có cái cảm giác vắng vẻ biệt tịch bằng lúc ấy!
Thế mà có một người đi cùng, thì lại vào trong hang mất, lại vào đấy sau khi gặp người thắt cổ! Chẳng hiểu bụng dạ ông thế nào. Mà sao mãi không thấy ông ta ra? Mãi không thấy tiếng gì hết! Hay lạc mất lối? Hay bị mê mẩn sợ hãi quá? Hay gặp ma quỷ? Chết rồi cũng không biết chừng!
Trong lòng người con trai nôn nao như điên dại.
Anh ta nghĩ: hay là gọi thực to lên cho lão già đáng giận kia nghe thấy. Nhưng anh ta lẳng lặng trông xuống dưới chân.
Bên những cái màng đeo những hạt sương sáng đẹp như thuỷ tinh, anh Thổ trông thấy những hòn đá sỏi lăn dưới cỏ. Chợt nẩy ra một ý kiến. Anh ta nhìn vào trong đám tối: cúi xuống nhặt ba bốn hòn to nhất, nghĩ ngợi một lát, rồi đánh liều vứt mạnh vào hang. Hòn sỏi hình như bị rơi xuống chỗ có nước, vì nghe đánh "bõm" một cái. Anh ta lại ném hòn đá nữa, lần này ném thẳng không rụt rè.
Tức thì trong hang có tiếng rên hừ hừ đưa ra. Anh này chưa hiểu sao, bỗng lại nghe thấy tiếng bịch bịch rất mạnh và rất nhanh, rồi như có muôn vàn đá sỏi đổ mưa xuống một cái vũng nước không trông thấy.
Ngay lúc đó, ông già ở trong đám tối hiện ra, nét mặt ông đổi hẳn đi; hai mắt kinh sợ mở đến rách kẽ; nón lật ra đằng sau, khăn buột xuống quanh vai, tóc xoã ra rũ rượi.
Người trai Thổ chưa kịp kêu hỏi thì ông già đã loạng choạng bước vội đến bám lấy hắn, vừa rên, vừa thở hồng hộc, lưỡi líu lại không nói được nên lời nào. Anh chàng điên cuồng vội quăng cái lao đang cầm đi, rồi vực ông già ngồi xuống một bên, một cánh tay đỡ lấy sau vai, tay kia rờ lên trán ông già thì thấy toát ra một thứ mồ hôi lạnh và dính nhơm nhớp. Anh ta rối rít gọi ông già tiếng kêu vang động cả quả núi; nhưng ông ta đã rũ xuống, chỉ lắc đầu không thưa. Ngực ông ưỡn lên, hơi thở càng ngắn càng tức tối. Hai mắt ông trợn ngược nhìn về phía cửa hang là phía ông quay đầu vào. Mồm thì há cứng đờ, thỉnh thoảng như muốn hớp lại. Một dòng máu từ mũi chảy ra, đen và loãng, lẫn vào bọt dãi ở hai bên mép, rồi cùng chảy xuống cái cổ xanh xám, đầu ngoặt ra đằng sau. Người trai thổ vừa run run kéo vạt áo lau cho ông già, bỗng trông thấy trong cái tay co quắp của ông ta một mẩu giấy nhỏ.
Ông già lúc ấy không thở được nữa.
Anh ta không thể nào biết được vì sao mà ông ta đến thế, thấy mẩu giấy lạ, bèn cậy tay ông già ra xem: đó là một mảnh giấy khổ vuông, to bằng hai bàn tay màu hung hung vàng, dầy và dai lắm.
Trên mặt giấy, về phía tả, có vẽ một người quỳ, cầm một tờ giấy lớn giơ lên ngang mặt; ở phía hữu vẽ một bó đuốc đang cháy; nét vẽ rất ngây dại. ở hai hình vẽ có mấy hàng chữ Hán, nghĩa như sau:
Miệng có hai răng
Ba chân bốn tay
Mày vào trăm chân
Mày lên ba tay
Tên mày là đá
Đá sinh trứng đá
Trứng đá giữ của
Mày có sức mang
Mày giầu mày chết.
Chợ Sài Gòn (ảnh chup năm 1890).
Về mạn tây nam, sau lưng Văn Dú, là châu Nga Lộc cách xa hòn núi đá chừng ngót một phần tư ngày đường.
Nhà Quan Châu nằm trên một cái đồi, mái lợp tranh, tường đất lèn, thấp và vững chãi. Chung quanh cây tre bụi rậm vây kín. Dưới chân đồi là xóm làng.
Quan Châu Nga Lộc năm ấy chừng ngoại bốn mươi tuổi; người khoẻ mạnh và tinh anh.
Trong nhà lên đèn đã lâu. Ông xếp gọn các đơn từ đã phê xong, lấy cái nghiên mực lớn chận lên, và gạt nhỏ ngọn đèn dầu lạc để trên một cái giá cao trên án sách. Ông tụt giầy, kéo cái chăn dệt ngũ sắc lên tận vai, đặt cái gối xếp lại cho chỉnh, rồi vừa ngả lưng lên bộ ván gỗ quý, vừa thở dài một cách khoan khoái nhẹ nhàng.

Nhà thơ Thế Lữ
"Tuyết hồng" - siêu mẫu đồ lót châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét