Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Thêm những tư liệu quan trọng về Hoàng Sa của Việt Nam

Sắc chỉ của triều đình Nhà Nguyễn sai phái đội thuỷ quân ra Hoàng Sa.
Câu chuyện bắt đầu với văn bản mà gia đình ông Đặng Lên đã gìn giữ trong 175 năm qua tại quê hương ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải trên hòn đảo Lý Sơn ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi... (ảnh không liên quan đến bài viết)
Từ tờ sắc lệnh của vua Minh Mạng... 
Sắc lệnh này do bố chánh tỉnh Quảng Ngãi đưa ra vào tháng thứ tư năm thứ 15 đời Vua Minh Mạng, tức là năm 1834, về việc cử một đội gồm 3 chiếc tàu cùng với 24 thủy thủ tiếp tục tuần tra và bảo vệ Hoàng Sa.
Ông Đặng Lên vốn chỉ là một người dân bình thường sống trên đảo Lý Sơn. Gia đình ông Lên đã trao tặng lại bản sắc lệnh trên cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi. Sở đã chuyển văn bản này cho Bộ Ngoại giao hồi tháng 4-2009.
Nhà nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa kiêm Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho rằng sắc lệnh này rất có giá trị vì đây là bản gốc.
Ông Vũ nói: "Việc tìm ra văn bản này khẳng định một điều là hằng năm Vua Minh Mạng đã cử nhiều đội tàu và các thủy thủ hàng đầu đi tuần tiễu Hoàng Sa. Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong việc vẽ bản đồ, dựng cột mốc, trồng cây và bảo vệ quần đảo.
Nhiều thủy thủ Việt Nam đã thay nhau có mặt trên quần đảo Hoàng Sa. Họ đi bằng thuyền rộng khoảng 3 mét, dài 12 mét, có thể chở được từ 10-12 người. Các con thuyền này mang theo đủ nước và thức ăn cho các thủy thủ trong 6 tháng. Nhiều thủy thủ Hoàng Sa đã không bao giờ trở về nữa".
"Hoài niệm" - thiếu nữ Việt Nam
Nhiều hòn đảo thuộc quần đảo này được đặt theo tên của những thủy binh Hoàng Sa nổi tiếng như suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật và thủy thủ Phạm Quang Ảnh. 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Hán - Nôm, người đã dịch văn bản trên, cho biết nội dung của sắc lệnh chứng tỏ rằng, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa là một ưu tiên hàng đầu đối với nhà nước phong kiến. Ông nói: "Sắc lệnh trên không chỉ là bằng chứng lịch sử cho thấy, quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam mà nó còn là một thông điệp từ cha ông chúng ta gửi tới các thế hệ tương lai, nhắc nhở chúng ta biết và có trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước".
Bằng chứng lịch sử cho thấy Việt Nam đã chính thức quản lý quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816, thời Vua Gia Long thuộc triều Nguyễn.
Điều này được chỉ rõ trong các ghi chép của các học giả phương Tây, trong đó có Giám mục Jean Louis Taberd (1794-1840), Jean Baptiste Chaigneau (1769-1832), Gutzlaff và Dubois de Jaucigny trong các cuốn sách và nhật ký của họ xuất bản từ năm 1838 đến 1850, trong đó miêu tả trại lính và trạm thu thuế của Việt Nam trên quần đảo này.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về Hoàng Sa, khẳng định: "Năm 1816 là thời điểm Vua Gia Long chính thức cho thủy quân quản lý Hoàng Sa. Nhưng từ rất lâu trước đó, các triều đình Việt Nam đã quản lý Hoàng Sa bằng các đội dân binh. Theo luật pháp quốc tế, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được thiết lập trước bất kỳ nước nào khác". 
Hải sâm biển Việt Nam.
...đến các văn bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
Một tờ châu bản (văn bản hành chính có bút phê của nhà vua) với chữ ký của Vua Bảo Đại (1913-1997) có nội dung liên quan tới chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mới được nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy và bàn giao cho Bộ Ngoại giao.
 Châu bản có viết: Ngày 10-2-1939, Tòa Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ đề nghị Nam triều tặng thưởng huy chương Long tinh cho một đơn vị lính khố xanh Việt Nam ở Trung Kỳ, do họ đã có công lập được đồn phòng thủ quân sự ở đảo Hoàng Sa”.
Nhà vua đã phê chuẩn đề nghị trên vào ngày 15-2-1939.
Ngày 11-8-2009, ông Đoàn Trọng Biên, cựu trưởng làng Mỹ Lợi ở Thừa Thiên-Huế cho biết làng đang lưu giữ tờ văn bản chữ Hán có liên quan đến chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. 
Văn bản được lập năm 1759, cách đây 250 năm, do viên quan Thuận Đức Hầu trấn giữ cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) lập để xét xử vụ tranh kiện giữa 2 làng liên quan đến một con thuyền của đội Hoàng Sa sử dụng. 
Với đầy đủ bút tích, khuôn dấu và chữ ký, văn bản đã chứng minh rằng từ thời nhà Lê, Việt Nam đã có đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa.
Một số nhân chứng từng sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974, khi quần đảo này vẫn thuộc sự quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam, đã liên lạc với chính quyền huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ cho biết: "Họ đã trao cho chính quyền hơn 500 tài liệu, thư tịch, hiện vật quan trọng về Hoàng Sa. Chúng tôi sẽ sử dụng các tài liệu này xây dựng cuốn kỷ yếu về Hoàng Sa. Chúng tôi đã thành lập Bảo tàng Hoàng Sa, với một địa điểm tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Đà Nẵng và một tại số nhà 132 phố Yên Bái, Đà Nẵng". 
"Chim công" - người đẹp Nhật Bản
Ông nói mình và các đồng sự sẽ tiếp tục tìm kiếm các bằng chứng, góp sức vào cuộc đấu tranh trong nhiều lĩnh vực, như chính trị, ngoại giao, công tác tuyên truyền, để giữ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ. "Chúng tôi sẽ cùng toàn thể nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh, để khẳng định trước công luận cộng đồng quốc tế sự thật này: Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt không thể chia cắt của Việt Nam".
Ngày 20-4-2009, chính quyền huyện đảo đã tổ chức một cuộc họp mặt những người từng sống và làm việc trên quần đảo này. Tất cả những người này đều đang ở vào những năm cuối của đời mình. Người trẻ nhất là ông Nguyễn Văn Cúc, hiện đã 61 tuổi, đang sống tại huyện Sơn Trà, TP Đà Nẵng. 
Ngồi bên hàng cây xoài rậm lá, gió biển thổi vào mát rượi, ông Cúc hồi tưởng lại thời trai trẻ sống và làm việc trên quần đảo. "Tôi là một lính công binh của chế độ Sài Gòn. Tôi được đưa ra Hoàng Sa 3 lần trong các năm 1972, 1973 và 1974 để khảo sát, xây dựng cơ sở vật chất trên đảo". 
Một trong những nhiệm vụ của ông Cúc là sửa chữa một hệ thống gồm gần 30 hầm chứa nước xây dưới lòng đất xung quanh trạm khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa. Ông Cúc nói: "Mỗi hầm chứa hơn 1.000m3 nước. Các hầm này được xây từ thời Pháp. Nhiệm vụ của chúng tôi là sửa chữa và xây thêm hầm để phục vụ dự trữ nước ngọt cho toàn quần đảo".
Vào ngày 14-1-1974, ông Cúc thực hiện chuyến đi cuối cùng tới Hoàng Sa để tiến hành khảo sát, chuẩn bị xây dựng một sân bay trên đảo.
"Nhưng sau đó chiến sự xảy ra vào ngày 19 và 20-4-1974 giữa quân đội Việt Nam đóng giữ đảo và Hải quân Trung Quốc. Tôi cùng hơn 30 người lính đóng trên đảo và một số nhân viên đài khí tượng đã bị bắt và đưa về Quảng Châu. Hơn một tháng sau chúng tôi được đưa về Hồng Công bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ. Bay từ Hồng Công về Sài Gòn, khi bay ngang qua Hoàng Sa, anh em ai nấy đều đau xót khi nhìn dải đất thân yêu vừa chìm trong khói lửa, tạm bị mất. Giấc mơ xây dựng sân bay của Việt Nam tại Hoàng Sa của chúng tôi đã thành dang dở" - ông thẫn thờ nói.
"Phố Hà Nội" - tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Chiến
Ông Cúc nói: "Cuộc gặp mặt vừa qua là một dịp tốt để các công dân Hoàng Sa chia sẻ ký ức về những năm tháng sống trên đảo". Ông Cúc cho biết ông rất sẵn lòng chia sẻ câu chuyện về cuộc sống thời trai trẻ của các ông trên đảo với thế hệ trẻ: "Nếu ngành giáo dục có yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng kể chuyện Hoàng Sa cho các em học sinh, sinh viên trong những giờ học sử ngoại khóa". 
Người nhiều tuổi nhất trong số những cựu công dân Hoàng Sa là ông Nguyễn Nhự, hiện đã 83 tuổi, đang sống tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. 
Ông kể: "Tôi là một nhân viên khí tượng thủy văn. Tôi làm việc tại Hoàng Sa, tổng cộng 9 tháng, trong quãng thời gian từ năm 1968 đến 1971".
Ông kể: "Trên đảo chính là đảo Hoàng Sa có một ngôi miếu nhỏ thờ tượng Phật bà Quan Âm cao 1,5 mét, một cái giếng nước cổ và một khu nghĩa địa của người Việt. Theo lề thói lâu đời, những người Việt Nam ra Hoàng Sa dù là dân thường, lính hay viên chức đều mang theo nhiều hương hoa và vàng mã để cúng những người Việt xưa đã nằm lại trên quần đảo này". 
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa, ngành giáo dục địa phương đang có kế hoạch giáo dục về lịch sử Hoàng Sa tại các trường học Đà Nẵng. Ông Hoa nói: "Lịch sử quần đảo Hoàng Sa sẽ được đưa vào chương trình chính khóa của các trường học tại Đà Nẵng bắt đầu từ năm học 2009-2010. Chúng tôi sẽ tổ chức các chuyến đi cho giáo viên và học sinh để họ nghiên cứu về văn hóa và lịch sử của quần đảo này tại các viện bảo tàng, các đình làng, các địa chỉ liên quan đến Hoàng Sa. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các buổi gặp mặt với những người từng sống tại Hoàng Sa để họ chia sẻ câu chuyện của mình cho thế hệ trẻ".
Nghe thông tin này, ông Cúc rất mừng. Ông nói: "Người dân nói chung, đặc biệt là học sinh và sinh viên, sẽ tiếp cận được nhiều hơn với các thông tin và văn bản lịch sử về Hoàng Sa. Chúng tôi sẽ không còn cô đơn với những ký ức của mình nữa".
Đối với những người như ông Cúc, tăng cường sự gắn bó của người dân Việt Nam đối với quần đảo này cũng là một cách lưu giữ quá khứ.
Những câu chuyện sống động về Hoàng Sa sẽ còn được kể mãi, và quần đảo này sẽ tiếp tục được người dân Việt Nam, đặc biệt là những thế hệ trẻ, nhắc nhở và nhớ đến. 
Theo An Ninh Thế Giới (2009)
"Chiến binh" - siêu mẫu nội y châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét