Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

AQ chính truyện (phần II)

"Bên xế" - Hot girl Việt Nam
Cái đòn tre cứ nhắm đầu y mà bổ xuống. AQ đưa hai bàn tay lên ôm lấy đầu, thành ra đòn tre đánh vào mấy đốt ngón tay, đau nhói. Y xông thẳng ra cửa  bếp, hình như lưng lại dính một đòn tre nữa thì phải. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Phần 3: Bi kịch tình yêu

Có kẻ nói: nhiều người thường ước ao gặp được địch thủ phải khỏe như cọp, dữ như cắt, có thế thắng trận mới thỏa thích. Nhược bằng yếu như cừu, như gà con, thì dù có thắng cũng vô ích. Lại còn có những người, lúc thắng rồi, mắt nhìn thấy kẻ thù của mình hồi trước, bây giờ đứa chết cũng đã chết rồi, đứa hàng cũng đã cúi đầu van xin "cắn rơm, cắn cỏ..." rồi, thì trên đời không ai là địch thủ với họ nữa, không ai chống chọi với họ nữa, không ai là bạn bè, là đối tác với họ nữa, chỉ một mình vò võ, chẳng ai hơn, tự khắc họ cảm thấy lạnh lùng, cô đơn, hiu quạnh và cảm thấy nỗi đau đớn của sự thắng trận. Nhưng AQ của chúng ta thật chưa hề cảm thấy có cái trạng thái hiu quạnh nói trên. AQ là một người bao giờ cũng hớn hở tự đắc. Phải chăng đó chính là cái biểu hiện đủ chứng tỏ rằng: văn minh tinh thần Trung Quốc quả là bậc nhất hoàn cầu chăng? 

Thì các người xem: AQ lòng đang phơi phới kia kìa! 
Tuy nhiên, cuộc thắng lợi này có làm cho AQ cảm thấy trong tâm hồn y khang khác thế nào ấy! Y  rảo bước trên con đường làng một lúc lâu rồi hớn hở đi về miếu Thổ Cốc. Lẽ ra, theo lệ thường, AQ đã ngả lưng ra kéo khò khò một giấc rồi; ai ngờ hôm ấy, y lại không tài nào nhắm mắt được. Y cảm thấy đầu ngón tay cái và ngón trỏ có cái gì cổ quái: nghe nó cứ nhờn nhờn khác mọi hôm! Phải chăng trên gò má cô tiểu hồi nãy có tí dầu tí mỡ gì đã dính vào đây? Hay là chỉ vì sờ vào gò má cô tiểu mà bây giờ nhẵn trơn như thế này? ... 
"Tiên sư cha thằng AQ, đồ tuyệt tự !" AQ còn như văng vẳng bên tai bấy nhiêu tiếng chửi. Y nghĩ bụng: "Phải rồi, đã là đàn ông thì phải có một người vợ. Tuyệt tự thì rồi ai cúng cơm cho. Phải có một người vợ. "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". Mà làm cái kiếp quỷ đói như Nhược Ngao ngày xưa thì trong đời người còn gì thảm thiết bằng!". Kể ra ý nghĩ này của AQ thật đúng với truyện thánh hiền thủa trước. Chỉ tiếc một điều là từ sau đó, AQ không thu lại được con tâm bị xổng của y nữa! y mơ màng: "Đàn bà! ... Đàn bà! ...". Y lại nghĩ: "Hòa thượng đụng được!... Chao ôi!... Đàn bà!... Đàn bà!... Đàn bà!...". 
Chúng ta không biết tối hôm ấy đến mấy giờ thì AQ mới ngáy; nhưng đại khái là sau lúc nhận thấy hai đầu ngón tay luôn nhờn nhờn, y còn cảm thấy tâm hồn lâng lâng, phơi phới hẳn lên. "Đàn bà!" AQ vẫn cứ mơ màng. 
Chỉ chừng ấy, chúng ta cũng đã biết cái giống đàn bà nó nguy hại dường nào rồi! 
Bọn đàn ông nước Trung Hoa nhà mình, phần đông vốn có thể thành ông thánh ông hiền được cả. Chỉ tai hại vì một lũ đàn bà mà thành ra hỏng hết!... Nhà Thương xưa kia vì một con Đát Kỷ mà mất nước nhé!... Rồi đến nhà Chu cũng vì một con Bao Tự mà tan nát cả cơ đồ nhé! Đến như nhà Tần... tuy sử sách không hề chép, nhưng chúng ta cũng cứ cho là bởi vì đàn bà đi!... Vị tất đã sai. Lại còn Đổng Trác nữa, thì rõ ràng là bị con Điêu Thuyền hãm hại đứt đi rồi!... 
AQ vốn là người đứng đắn. Tuy chúng ta không biết rõ y có từng được một vị tôn sư nào dạy lễ nghĩa cho hay không, nhưng đối với cái đạo "nam nữ hữu biệt" thì y xưa nay vẫn giữ nghiêm lắm. Một mặt khác, đối với dị đoan, tà thuyết, như đối với cô tiểu và chú "Tây giả cầy" chẳng hạn, thì thật y có cái "chính khí" không hề dung thứ bao giờ! Học thuyết của y có thể tóm tắt như sau: phàm là ni cô thì nhất định có tư tình với sư cụ và phàm là đàn bà con gái mà đi ra đường thì nhất định đi ve trai; người đàn ông đang trò chuyện cùng người đàn bà đằng kia thì tất là có tằng tịu gì rồi chứ chẳng không! Để trừng trị lũ chúng nó, AQ vẫn luôn luôn lườm chúng nó bằng một cặp mắt dữ tợn, hoặc cố ý nói to lên mấy câu "thọc gan" cho chúng nó "chết cả lũ đi được"; còn nếu ở chỗ hẻo lánh thì y lén ra đằng sau ném cho một hòn đá nhỏ! 
Thế mà ai ngờ sắp đến tuổi "nhi lập" rồi, AQ lại bị một cô tiểu ám hại làm cho tâm hồn cứ phơi phới lên. Xét theo lễ giáo thì cái tâm hồn phơi phới lên vì một người đàn bà thật là điều không nên có, cho nên đàn bà quả là đáng ghét! Giá như hôm ấy, cặp má cô tiểu không có chất gì nhờn nhờn thì AQ đâu đến nỗi như người bị bùa mê? Hay giá cặp má cô ta có một lần vải che hẳn đi thì có lẽ AQ cũng không phải mê mẩn rồi! Năm sáu năm về trước, trong một rạp hát chật ních người, có một lần AQ đã véo vào đùi một mụ nào, nhưng vì còn cách lớp quần, nên không đến nỗi mê mẩn như hôm nay. Đằng này con tiểu kia lại không biết che đậy đi như thế cho; điều đó đủ thấy dị đoan thật là khả ố! AQ vẫn cứ mơ màng: "Đàn bà!...". 
Đối với bọn con gái mà y cho là "nhất định chỉ đi ve trai", AQ đã nhiều lần để ý đến chúng nó xem sao. Nhưng chúng nó tuyệt nhiên chưa hề cười với y bao giờ cả. Và trong lúc trò chuyện với đàn bà, y đã cố ý chờ đợi... thế mà chúng nó cũng tuyệt nhiên không nói đến chuyện tằng tịu nọ kia!... A! Đó cũng là một điều làm cho đàn bà đáng ghét thật, chúng nó chỉ toàn là đạo đức giả cả. 
Hôm đó, AQ ở nhà cụ Cố họ Triệu, giã gạo một ngày trời. Ăn cơm tối xong, y ngồi hút thuốc dưới nhà bếp. Nếu làm công ở nhà nào khác thì ăn cơm tối xong là y đi về nhà. Nhưng ở nhà cụ Cố, cơm tối lại ăn sớm hơn các nhà khác. Ngày thường ở nhà này ăn cơm xong là đi ngủ ngay, lệ không được đỏ đèn. Chỉ có hai trường hợp đặc biệt: một là ngày cậu Tú còn chưa thành đạt thì tối lại, cậu có thể đỏ đèn lên sôi kinh nấu sử; hai là lúc nào AQ đến làm công thì cũng được phép đỏ đèn lên mà giã gạo đêm. Vì cái ngoại lệ này nên hôm ấy, trước lúc đi giã gạo, AQ còn ngồi hút thuốc. 
Vú Ngò, người ở gái duy nhất trong nhà cụ Cố họ Triệu, rửa bát đĩa xong cũng tréo mảy ngồi trên chiếc ghế dài mà nói mấy câu chuyện tán gẫu với AQ.
 - Cụ bà ấy mà, hai hôm nay không ăn một hột cơm nào đâu nhé! Chả là cụ ông muốn mua nàng hầu... 
AQ nghĩ bụng: "Đàn bà!... Con vú Ngò, con mẹ gái góa này nó cũng...". 
- Mà mợ Tú cũng đến tháng tám này thì ở cữ đấy nhé!... AQ vẫn mơ màng: "Đàn bà!..." Buông ống điếu xuống, AQ đứng dậy. Vú Ngò còn nói lải nhải: 
- Mợ Tú nhà ta... 
Bỗng AQ xông tới quỳ sụp xuống trước mặt mụ: 
- Chúng ta cùng nhau... chúng ta... nào! 
Im phăng phắc trong chốc lát. "Ối giời ơi là giời ơi!", mụ vú ngẩn đi một lúc, bỗng run cầm cập, chạy ra ngoài la to, mấy tiếng kêu sau cùng của mụ nghe hình như xen lẫn trong tiếng khóc. 
AQ quỳ trước bức tường cũng ngẩn ngơ một lúc rồi hai tay vơ quàng lấy cái ghế không, từ từ đứng dậy, tựa hồ cảm thấy có điều gì không hay. Y thấp thỏm trong bụng, vội vàng nhặt cái tẩu thuốc, giắt vào thắt lưng, định đi giã gạo thì "đốp" một tiếng, rồi nghe tuồng như có đòn đánh một thôi vào đầu. Y vội quay lại, đã thấy cậu Tú đứng trước mặt, tay cầm một cái đòn tre to tướng. 
- Đồ làm loạn! Cái quân này, mày ... 
Cái đòn tre cứ nhắm đầu y mà bổ xuống. AQ đưa hai bàn tay lên ôm lấy đầu, thành ra đòn tre đánh vào mấy đốt ngón tay, đau nhói. Y xông thẳng ra cửa  bếp, hình như lưng lại dính một đòn tre nữa thì phải.
"Ma cà cúi!" Cậu Tú dùng tiếng Quan thoại chửi theo. 
AQ chạy vào nhà giã gạo, đứng một mình, còn thấy ngón tay tê đi và còn nhớ ba chữ:  "Ma cà cúi!"... "Ma cà cúi!". Câu chửi bằng tiếng Quan thoại này ở làng Mùi xưa nay chưa hề ai dùng, chỉ có những người tai mắt hay lui tới cửa quan mới dùng đến, cũng vì thế mà nghe có vẻ đáng sợ hơn tất cả những tiếng chửi khác và do đó đã để lại trong đầu óc AQ một ấn tượng rất sâu sắc. Vả lại lúc đó, y cũng đã quên bẵng cái ý nghĩ về "đàn bà" lâu nay vẫn ám ảnh tâm hồn y. Nhưng sau trận đòn trận chửi đó, y` cho câu chuyện như thế cũng gọi là yên đi và cảm thấy chẳng có gì đáng lo nghĩ nữa. Y lại cứ đi giã gạo như thường. Giã được một chốc, thấy nóng bức mới nghỉ tay cởi bỏ áo ra. 
Đang cởi áo thì nghe ngoài kia có tiếng xôn xao. Bình sinh AQ vẫn thích xem những đám ồn ào. Tức thì y lần theo tiếng ồn ào chạy ra xem, lần lần vào tận sân nhà cụ Cố. Giời nhá nhem nhưng y cũng nhận thấy trong đám người tấp nập, xôn xao đó, có cả bà cụ Cố đã hai ngày trời không có hột cơm nào trong bụng, cả thím Bảy Trâu nhà bên cạnh, cả hai bác Triệu Bạch Nhẫn, Triệu Tư Thần, hai người bà con chính tông với nhà cụ Cố. 
Mợ Tú tay dắt vú Ngò ra khỏi buồng nhà dưới, miệng nói: 
- Nào, vú cứ ra ngoài này, việc gì mà cứ chúi trong buồng nghĩ ngợi, lại còn định... 
Thím Bảy Trâu đứng cạnh cũng chõ vào: 
- Thì ai chả biết chị là người đứng đắn? Không thể như thế mà làm liều! 
Vú Ngò chỉ nức nở khóc, miệng lẩm bẩm, chẳng nghe rõ ra cái gì cả. 
AQ nghĩ: "Hừ vui quá! Con mẹ góa này định giở cái trò gì thế này?" Rồi chạy đến bên bác Triệu Tư Thần, có ý dò xem câu chuyện đầu đuôi thế nào. Bỗng cụ Cố Triệu vùn vụt chạy tới, tay cầm cái đòn tre to tướng. Thấy đòn tre đó, AQ sực nghĩ ra rằng câu chuyện này với trận đòn hồi nãy nhất định có dính líu với nhau. Y quay mình định chạy trở vào gian nhà giã gạo. Bất đồ chiếc đòn tre đã chắn ngang đường về. Thế là y đâm đầu chạy luôn, cũng "tự nhiên nhi nhiên" mà chạy ra cửa hậu. Chẳng mấy chốc, y đã ở trong miếu Thổ Cốc. 
Ngồi một lúc, AQ nghe tuồng như da thịt có vẻ rờn rợn và cảm thấy rét. Số là tuy đã sang xuân nhưng thời tiết ban đêm vẫn còn chưa lấy gì làm ấm, ở trần vẫn còn thấy lạnh. Sực nghĩ lại cái manh áo cộc còn nằm ở nhà họ Triệu, AQ muốn đi lấy về, nhưng lại sợ cái đòn tre của cậu Tú. Giữa lúc ấy, bác trương tuần đã lại "thăm" rồi. 
- AQ! Con mẹ mày! Cả đến đầy tớ nhà cụ Triệu mà mày cũng trêu ghẹo được, nói trắng ra là mày làm loạn! Báo hại tao cả cả tối mất ngủ! Cái con mẹ mày!... 
Vừa mắng cho một tràng như thế và vân vân... AQ cố nhiên không hề cãi lại nửa lời. Cuối cùng, vì là ban đêm, nên món tiền đưa bác trương tuần uống rượu cũng phải gấp đôi lên, những bốn quan. AQ không có một đồng tiền nào trong túi đành phải đem cái mũ nỉ gán cho bác khán. Y lại còn phải ký một tờ cam đoan, thừa nhận năm khoản sau: 
1. Sáng hôm sau, phải đem một cặp nến đỏ, thứ nặng một cân và một bao nhang đến nhà Cụ Cố tạ tội. 
2. Phải chịu hết tiền phí tổn biện lễ trừ "tà thắt cổ" cho nhà họ Triệu. 
3. Từ nay trở đi, không được bén mảng đến nhà họ Triệu nữa. 
4. Nếu sau này vú Ngò có việc gì bất trắc thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. 
5. Không được đòi tiền công giã gạo và cái áo vải còn bỏ lại hôm trước. 
Cố nhiên AQ phải nhận tất. Khốn một nỗi, y không còn một đồng xu nhỏ. Cũng còn may là đang mùa xuân nên cái mền bông cũng không cần cho lắm nữa. Y bèn đem cầm lấy hai chục quan tiền để thi hành bấy nhiêu khoản trong tờ điều ước. Sau lúc mình trần trùi trụi phủ phục trước cụ Cố, AQ ra về, vẫn còn thừa lại một ít tiền, nhưng y cũng không nghĩ đến việc chuộc cái mũ nỉ. Y đem tiền uống rượu hết. Còn bên nhà cụ Cố cũng không thấy nói gì đến việc cúng bái trừ tà gì cả. Bấy nhiêu hương đèn đều cất đi để khi nào cụ Cố bà lên chùa lễ Phật sẽ dùng. Còn tấm áo rách thì nửa to cắt đi để đến tháng tám này mợ Tú ở cữ dùng làm tã lau nước tiểu cho em bé, và nửa nhỏ, nát quá, thì dùng đóng đế giầy cho vú Ngò. 
"Dáng vàng" - siêu mẫu châu Âu
Phần 4: Vấn đề sinh kế

Lễ bái tạ lỗi ở nhà họ Triệu xong xuôi, AQ về đến miếu Thổ Cốc thì mặt trời đã lặn. Y dần dần cảm thấy hình như trên đời có cái gì là lạ. Nghĩ đi nghĩ lại, y nhận ra rằng: nguyên nhân chỉ vì y ở trần. Sực nhớ còn một mảnh áo cộc kép, y liền lấy khoác vào, rồi ngả lưng xuống cho đến lúc tỉnh giấc, mở mắt ra thì ánh mặt trời đã chói lọi trên mái tường phía tây. Y ngồi dậy, lẩm bẩm: 
- Con mẹ nó!... 
Thế rồi, cũng như mọi hôm sau khi ngủ dậy, AQ bước ra, đi rong trên con đường làng. Bấy giờ, y không nghe da thịt buốt như lúc ở trần nữa, nhưng dần dần y lại cứ cảm thấy trên đời có cái gì là lạ thật. Tuồng như tất cả bọn đàn bà con gái làng Mùi từ hôm nay trở đi bỗng dưng đua nhau mà cả thẹn. Cứ thấy mặt AQ đâu là chúng nó xô nhau trốn biệt vào tận trong cửa. Thậm chí thím Bảy Trâu đã ngót năm chục tuổi đầu rồi cũng vậy, thím ta cũng học theo người khác vội vàng chui bừa. Không những thế, thím ta còn hối hả gọi đứa con gái của thím non mười tuổi đầu chui vào theo! AQ lấy làm lạ lùng hết sức. Y tự hỏi: "Quái! sao cả lũ chúng nó độ này lại đua nhau học điệu bộ tiểu thư thế nhỉ? Mấy con đĩ thõa này rõ khéo! ..." 
Rồi đến những ngày sau, AQ càng thấy nhiều sự lạ lùng khác. Một là lão chủ quán rượu nhất định không bán chịu cho y nữa. Hai là, lão từ ở miếu Thổ Cốc cũng nói lảm nhảm như muốn thúc giục y dọn đi chỗ khác. Ba là, không nhớ rõ bao nhiêu ngày trời rồi, nhưng đã khá lâu, không hề có người nào gọi y đi làm thuê nữa! Cửa hàng rượu không bán chịu thì nhịn đi cũng xong, lão từ muốn đuổi thì lần lữa còn có thể được, chỉ có điều không ai gọi đi làm thì chết đói. Đến thế này thì thật là "mẹ kiếp"! AQ không tài nào chịu nổi tình cảnh ấy. Y đành phải liều tìm đến mấy nhà chủ xưa nay vẫn thuê y làm để dò xem tình hình, chỉ trừ nhà Cụ Cố họ Triệu ra là y không dám tới. Nhưng tình hình có vẻ đã đổi khác. Đến đâu cũng y như là từ trong nhà đi ra, một tay đàn ông mặt mũi hết sức khả ố xua xua tay đuổi như đuổi phường ăn mày: 
- Không thuê! Không thuê! Đi đi! ... 
AQ ngạc nhiên. Y nghĩ bụng: "những nhà này xưa nay vẫn cần mình làm thuê, thế mà bây giờ bỗng dưng không một nhà nào có việc gì nữa cả. Nhất định là có điều gì oái oăm chứ chẳng chơi". Để ý dò la, y mới vỡ ra rằng: bọn họ có công việc gì là toàn đi gọi thằng cu Đôn oắt tì. Cái thằng  Đôn oắt tì là một đứa nhãi ranh, gày gò, ốm yếu. Theo con mắt AQ thì nó còn thua cả lão Vương Râu xồm nữa kia!... Thế mà ai ngờ chính cái thằng nhãi con này lại đã hớt ngang bát cơm của y! Bởi vậy, lần này y mới tức điên lên hơn lần nào hết. Trong lúc hằm hằm rảo bước, y bỗng vô tình giơ cánh tay lên, miệng nói: 
- Ngã thủ chấp (i i i) cương (i) tiên cương (i i i) nỉ đả! (Tay cầm con roi sắt (tao) sắp đánh mày. AQ vốn là khách quen các rạp tuồng!). 
Mấy hôm sau, tình cờ AQ bỗng gặp Đôn oắt tì bên bức tường xây nhà cụ Cố họ Tiền. Tục ngữ có câu: "Kẻ thù gặp mặt nhau thì mắt trông thấy rõ mười mươi". AQ bước tới,  Đôn oắt tì cũng dừng chân đứng lại. AQ mắng và lườm hắn ta bằng một cặp mắt rất dữ tợn, rồi nhổ một bãi nước bọt: 
- Đồ súc sinh! 
- Tớ là giống sâu bọ, thỏa dạ chưa? 
Câu trả lời nhún nhường của Đôn oắt tì trái lại làm cho AQ càng điên tiết. Nhưng trong tay y lúc bấy giờ không sẵn có một cây "roi sắt" nên y đành phải lao tới, lấy tay níu cái đuôi sam của  Đôn oắt tì,  Đôn oắt tì một tay giữ chặt đuôi sam, còn tay kia cố gò lấy cái đuôi sam của AQ... AQ cũng lật đật đưa cánh tay còn lại giữ thật chặt lấy đuôi sam của mình. So với sức vóc AQ độ trước thì  Đôn oắt tì chẳng thấm vào đâu. Nhưng gần đây, phải nhịn đói, y cũng gày gò, ốm yếu không khác gì Đôn oắt tì... Bởi vậy, hai bên đối địch thật là tương đương. Bốn cánh tay cùng giằng co lấy hai cái đuôi sam, hai tấm lưng ghì cong hẳn lại, in bóng lên bức tường vôi trắng xóa nhà họ Tiền thành một đường vòng cung trông như cái cầu vồng màu chàm, chừng lâu đến nửa giờ. Những người đứng xem hò hét: 
- Hảo lớ, Hảo lớ! 
Một bọn khác cũng gào to lên: 
- Hảo, hảo! 
Không rõ bọn họ đang hòa giải hay xúi giục. 
Nhưng cả hai đứa đều không nghe thấy gì cả. Hễ AQ tiến lên ba bước thì Đôn oắt tì lùi lại ba bước. Mà nếu Đôn oắt tì bước tới ba bước thì AQ lại lùi ba bước, rồi cả hai lại đứng lại. Tính ra ngót nửa giờ, hoặc giả hai mươi phút cũng nên - vì ở làng Mùi không có đồng hồ nên khó nói cho đích xác - lúc này đầu hai chú đều bốc hơi, mồ hôi trán chảy đầm đìa... Bỗng thấy AQ buông tay ra. Ngay lúc ấy, Đôn oắt tì cũng bỏ tay ra nốt. Cả hai đứa cùng một lúc đứng thẳng dậy, cùng một lúc lùi ra xa, rồi cả hai lẩn vào đám đứng xem. AQ ngoảnh đầu lại nói:
- Nhớ lấy nhé! Con mẹ mày! 
Đôn oắt tì cũng ngoảnh đầu lại, chửi với: 
- Con mẹ mày, nhớ lấy nhé! 
Trận "long hổ đấu" này có cái kết cục đại khái là "bất phân thắng phụ". Không biết đám khán giả có được hài lòng cho lắm không, bởi vì không nghe ai bàn tán gì. Nhưng vẫn không một ai gọi AQ đi làm thuê cả. Một hôm, trời ấm, gió thổi hiu hiu có khí vị tiết hè. Thế nhưng AQ vẫn rờn rợn rét. Tuy vậy, rét cũng còn có thể chịu được. Khổ nhất là cái bụng đói. Mền bông, mũ nỉ, áo, đều không còn cái nào nữa. Cả cái áo chẽn bông cũng bán rồi. Bây giờ còn một cái quần, chả nhẽ cũng cởi nốt đi hay sao? Có như cái manh áo kép rách kia thì đem biếu người ta đóng gót giầy họa có kẻ lấy, chứ đem bán thì một đồng xu cũng chả đắt! Đã nhiều phen, AQ những ước ao bắt được chuỗi tiền con nhà ai đánh rơi giữa đường, nhưng chưa hề thấy chuỗi nào cả. Cũng lại nhiều phen, y cố nhìn kỹ cả bốn góc nhà y ở, may có thấy gì chăng, nhưng bốn góc nhà vẫn trống không, có gì đâu! Túng thế, AQ bèn quyết chí đi kiếm ăn vậy. 
Trên đường làng, AQ lang thang đi kiếm ăn. Y nhìn thấy những quán rượu, những hàng quà, hàng bánh xưa nay vẫn quen. Nhưng y đều lảng đi qua, không những không dừng chân lại mà cũng không có ý thèm thuồng gì cả. Điều AQ ước ao bây giờ không phải những thức đó. Y ước ao những gì, chính y cũng không rõ. 
Làng Mùi vốn là một làng bé nhỏ, đi chả mấy chốc là cùng làng. Trước làng có nhiều ruộng sâu, trông toàn một màu xanh mướt của mạ non. Giữa đồng, một vài chấm đen đen, tròn tròn có vẻ linh động: ấy là mấy chú nông phu đang cặm cụi làm việc. Nhưng AQ bụng đói đâu còn nghĩ đến việc thưởng thức cái cảnh vui vẻ đó của đồng quê. Y cảm thấy cảnh đó không dính dáng gì với việc y đi kiếm ăn cả. Y cứ cúi đầu rảo bước. Một lát sau, y đến gần chùa Tĩnh Tu. Xung quanh chùa cũng lại có một cánh đồng sâu. Mấy bức tường quét vôi trắng nổi hẳn lên giữa cánh đồng xanh thẳm. Mé sau nhà chùa, gần bức tường đất thấp, là một vườn rau. AQ do dự một lúc, nhìn quanh nhìn quất một lúc, không thấy một ai qua lại. Y trèo lên tường, níu lấy cành hạ thủ ô. Đất sét đầu tường lác đác rã xuống. Chân y cũng run lập cập. Cuối cùng, y vớ được một cành dâu, phóc ngay vào trong vườn. Trong chùa, góc này rất là sầm uất. Chỉ hiềm mỗi điều ở đây không có rượu, không có bánh bao, không có một thức gì "nhai được" cả. 
Gần bức tường phía tây, có một lùm tre, dưới lùm tre có nhiều búp măng, khốn nỗi bấy nhiêu măng lại toàn là măng chưa nấu. Còn mấy luống rau thì thứ đã kết hạt, thứ đương đâm bông, thứ thì già cỗi. Cay đắng như một cậu đồ hỏng thi, AQ chầm chậm đi lần ra mé trước. Nét mặt y bỗng hớn hở hẳn lên. Y vừa trông thấy mấy vồng cải củ. Y ngồi xổm ngay xuống, nhổ mấy gốc. Thoạt tiên, một cái đầu tròn tròn lù lù từ trong cửa nách hiện ra. Cái đầu ấy vừa lù ra nhưng lại thụt vào ngay: rõ ràng là cô tiểu hôm nọ. Xưa nay, lũ tiểu này, AQ xem bằng rác. Nhưng ở đời cũng phải tùy thời thế, cho nên AQ lật đật nhổ bốn gốc cải, vặn lá xanh vứt đi rồi nhét cả vào thân áo. Nhưng vị sư bà đã ra kia rồi: 
- Nam mô a di đà Phậ ... ậ ... ật! AQ này, sao lại nhảy vào vườn mà ăn cắp của nhà chùa làm vậy! Ái chà! Nam mô a di đà Phật! Tội chết! Ái chà chà!... Nam mô a di đà Phật! 
AQ vừa nhìn, vừa đi, vừa đáp: 
- Ai nhảy vào vườn nhổ trộm cải nhà bà? Bao giờ nào? 
Sư bà chỉ vào chỗ vạt áo: 
- Bao giờ nữa? Đấy không phải à? ... 
- Của nhà bà đấy à? Bà gọi lên xem nó có thưa không? Bà... 
AQ chưa nói xong đã bỏ chạy... 
Số là một con chó mực to tướng ở đâu chạy thốc ra đuổi. Bấy lâu nay con mực này vẫn nằm đằng cửa trước, chẳng biết vì lẽ gì nó lại tót mãi ra tận cửa sau này. Con chó vừa đuổi vừa cắn và sắp đớp được một miếng vào bắp chân AQ. May sao, từ vạt áo một củ cải rơi ra. Mực ta giật mình một cái, hơi chùn lại. Nhân đấy, AQ trèo tót lên cây dâu, nhảy phốc qua tường, rồi cả người lẫn củ cải cùng lăn ra phía ngoài. Chỉ còn con mực đứng sủa dưới gốc cây dâu trong khi sư bà niệm phật. 
AQ sợ sư bà xuỵt con mực ra đuổi. Lật đật, y vơ vội mấy củ cải rồi cắm đầu chạy. Dọc đường, y còn nhặt thêm mấy hòn đá phòng bị. Nhưng không thấy nó ra, y vất đá, vừa đi, vừa gặm củ cải, vừa nghĩ bụng "Vùng này ngó bộ chẳng có gì mà mò! Chi bằng lên huyện thì hơn!" 
Gặm hết ba củ cải, AQ quyết định phải lên huyện. 

"Tạo hình" - Hot girl Nhật Bản
Phần 5: Lên voi xuống chó 
Mãi đến trung thu năm ấy, làng Mùi mới lại thấy bóng AQ... Cả làng ngạc nhiên kháo nhau: AQ đã về! Bấy giờ người ta mới có kẻ tự hỏi: Lâu nay nó đi đâu nhỉ? 
Xưa kia, mỗi lần lên huyện về, AQ vẫn hớn hở chuyện trò với mọi người. Nhưng lần này, không thế. Vì vậy không ai chú ý đến. Dễ thường AQ cũng có thỏ thẻ một vài câu với lão thủ từ miếu Thổ Cốc, nhưng lệ thường ở làng Mùi, chỉ có những lúc nào Cụ Cố họ Triệu, Cụ Cố họ Tiền, hoặc thầy Tú lên huyện thì người ta mới coi là việc quan trọng. Còn ngoài ra, cả lão Tây giả cầy kia có đi về cũng chẳng ai quan tâm nữa là AQ! Vậy nên lão thủ từ cũng không đồn đại gì về việc AQ đi cả, thành thử trong làng không ai biết mối manh gì. 
Lần này AQ ở huyện về khác hẳn mấy lần trước. Trông y có vẻ là lạ. Trời nhá nhem tối. Y vào quán rượu, cặp mắt còn ngái ngủ. Y tới trước quầy, nắn trong lưng quần ra một vốc tay đầy tiền đồng và bạc hào, ném xuống mặt quầy nói: 
- Tiền mặt đây, rượu đâu đưa ra đây? 
Y mặc chiếc áo kép mới, lưng đeo một cái ruột tượng nặng trĩu làm cho cái thắt lưng xệ hẳn xuống đằng trước thành một đường vòng cung. ở làng Mùi, vẫn có cái thói hễ thấy ai hơi có máu mặt thì người ta liền nghĩ: đối với hạng người này thà kính trọng họ một chút còn hơn là tỏ vẻ xem rẻ. Bây giờ, dù biết rằng vẫn là AQ đấy, nhưng không phải là thằng AQ với tấm áo kép rách dạo trước nữa. Cổ nhân có câu: "Sĩ biệt tam nhật, tiện đương quát mục tương đãi" (Ba ngày không gặp mặt kẻ sĩ thì khi gặp lại, nên trọng đãi hơn vì họ có thể khác trước nhiều rồi). Vì vậy mà cả làng Mùi, từ anh hầu sáng, ông chủ quán, khách uống rượu cho đến kẻ qua đường, đối với AQ ai nấy đều tỏ ra vừa ngờ vực vừa kính trọng. Chủ quán gật đầu luôn mấy cái rồi lại trò chuyện vồn vã: 
- Kìa AQ! Đã về đấy à? 
- Vừa về xong. 
- Phát tài chứ? ... Thế lâu nay ... 
- Ở trên huyện mà! 
Tin đó sáng hôm sau đã lan ra khắp làng. Cả làng ai cũng ước ao biết rõ lai lịch cái túi tiền và cái áo mới của AQ. Bởi vậy, ngoài quán rượu, trong tiệm trà cho đến dưới hiên đình, người ta chỉ trầm trồ dò la từng ấy chuyện. Kết quả là AQ lại được người ta dành cho một sự kính sợ mới. 
Theo lời AQ thì lâu nay y làm công ở nhà Cụ Cử trên huyện. Chỉ một chút đó cũng đã làm cho người nghe lấy làm kiêng nể rồi. Cụ Cử vốn là họ Bạch, nhưng vì cả vùng chỉ có một cụ là đậu cử nhân, nên trong lúc xưng hô, cũng không cần phải dùng chữ "Bạch" mào đầu lên trên hai chữ cử nhân nữa. Chỉ gọi cụ Cử là ai cũng hiểu rồi. Lối xưng hô này chẳng phải riêng gì cho làng Mùi. Chung quanh vùng này quy vuông quy tròn trăm dặm đường đất, ai ai cũng gọi như vậy cả. Đến nỗi có nhiều người yên trí rằng cụ là họ Cử tên Nhân! Làm công ở nhà cụ Cử là một điều đáng trọng rồi, 
Thế nhưng, vẫn theo lời AQ: y không thích làm nữa vì cái cụ Cử này thật ra rất là "con mẹ nó"! Mấy người được nghe câu chuyện này vừa tiếc rẻ vừa khoái chí. Khoái chí ở chỗ là AQ vốn không đáng mặt làm mướn cho nhà quan Cử, mà không làm mướn thì là điều đáng tiếc. 
Vẫn theo lời AQ, lần này y trở về làng một phần nữa cũng là vì y ghét bọn người trên huyện. Thì ví dụ chúng nó cứ gọi cái ghế dài kia là tràng kỷ, lại như lúc rán cá chúng nó cứ cho hành nhánh thái nhỏ. Nhất là cái thói xấu y vừa khám phá ra, tức là cái kiểu bọn đàn bà con gái lúc chúng nó đi đứng cứ ưỡn ẹo trông đến khó coi. Tuy vậy, AQ cũng nhận rằng: trên huyện cũng có những điều đáng phục. Tức như ở làng Mùi đánh bài thì chỉ biết chơi thứ bài ba mươi hai con và chỉ có một mình lão Tây giả cầy là biết chơi "mạt chược". Mà trên huyện thì đứa oắt con mới nảy mũi ra cũng xoa mạt chược thạo rồi! Cứ để chú Tây giả cầy ở làng đánh thử với một thằng ranh con trên ấy thì lập tức thấy rằng chả khác gì "quỉ sứ thấy Diêm vương!"(ý nói: Sợ một phép).Câu chuyện này những kẻ được nghe, ai cũng đều lấy làm xấu hổ.
- Này, các người đã xem chặt đầu chưa? Hầy! Xem hay ra phết! Chặt đầu tụi cách mạng ấy mà! Hầy! Hay ra phết, hay ra phết...
AQ vừa nói vừa lắc lư cái đầu, nước bọt bắn cả vào mặt bác Triệu Tư Thần đứng trước y. Câu chuyện chặt đầu này, ai nghe cũng phải rùng mình rợn gáy. Nhưng AQ lại nhìn tứ phía, thình lình giơ cao tay phải, nhằm vào cái cổ cò hương của lão Vương Râu xồm đang đứng ngẩn người ra nghe mà bổ ngay vào gáy: "Ph...ập!". 
Vương Râu xồm giật bắn người, nhanh như chớp thụt vội cả đầu lẫn cổ xuống, trong lúc đó thì người nghe đứng xung quanh vừa sợ hãi, vừa thích thú. Sau đó, luôn trong mấy ngày, Vương Râu xồm vẫn còn choáng váng cả đầu óc, nhất định không dám lại gần AQ nữa; những người khác cũng vậy. 
Trong con mắt dân làng Mùi lúc bấy giờ, địa vị AQ dù chưa có thể nói rằng oai hơn Cụ Cố họ Triệu, nhưng nếu bảo là đôi bên xuýt xoát nhau thì cũng chưa chắc đã là phạm lỗi dùng sai chữ. 
Chẳng bao lâu, danh tiếng AQ đã lừng lẫy đến tận chốn khuê phòng làng Mùi. Thực ra, trong làng Mùi chỉ có hai nhà có thể gọi là khuê phòng: ấy là nhà họ Triệu và nhà họ Tiền. Ngoài ra chín phần mười, chả nhà nào có khuê phòng cả; nhưng buồng đàn bà con gái nào mà chẳng gọi là khuê phòng? Cho nên danh tiếng AQ đồn đại khắp khuê phòng cũng cho là một sự lạ đi! Các bà hễ gặp nhau là trầm trồ những chuyện như là: thím Bảy Trâu vừa mua lại của AQ được một chiếc quần lụa màu xanh lam, cũ một tí, nhưng "chỉ có chín hào bạc thôi!", hoặc là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn - một tin khác nói chính là bà mẹ bác Triệu Tư Thần cơ, chứ không phải là bà mẹ bác Triệu Bạch Nhẫn, chưa biết tin nào đúng hơn, chờ kiểm tra lại đã - cũng mua được một cái áo trẻ con bằng vải sa tây điều còn khá mới, mà chỉ có ba quan tiền, cứ chín mươi hai đồng ăn một quan! Thế rồi các bà người nào cũng mong gặp AQ, người thiếu quần lụa thì mong hỏi quần lụa, người thiếu áo sa tây thì lăm le mua áo vải sa tây. Thấy AQ, không những họ không trốn tránh nữa mà thậm chí lại có nhiều lúc AQ đi đã khá xa rồi, họ còn chạy theo: "Chú AQ này, còn cái quần lụa nào nữa không! Hết cả rồi à?... Thế, áo vải tây điều cũng được. Còn đấy chứ?...". 
Câu chuyện dần dà từ chốn khuê phòng vào đến chốn khuê các. Số là trong lúc đắc ý, thím Bảy Trâu đã đem chiếc quần lụa lên trình cụ Cố bà họ Triệu xem qua. Cụ Cố bà lại nói lại với cụ Cố ông và cứ khen lấy khen để. Ngay tối hôm ấy, ngồi trước mâm cơm, cụ Cố ông đưa chuyện đó ra thảo luận cùng cậu Tú, rồi cho rằng: cái thằng AQ này nhất định là có những sự tình khả nghi, chúng ta cửa ngõ cũng nên cẩn thận một tí... Nhưng chả biết nó còn có cái gì mua được nữa hay không? Có lẽ cũng còn có thứ tốt đấy. Phần thì hiện nay cụ Cố bà còn cần một cái áo gi-lê thứ tốt nhưng phải cho rẻ. Cuộc hội nghị gia tộc họ Triệu quyết định sẽ nhờ thím Bảy Trâu lập tức đi tìm AQ bằng được. Do đó, mới có ngoại lệ thứ ba này nữa: tối hôm ấy được phép chong đèn chờ AQ đến. 
Đĩa dầu vơi mãi, vơi mãi... AQ vẫn chưa đến. Cả nhà họ Triệu đều đã sốt ruột, ngáp lên ngáp xuống. Kẻ thì trách AQ hững hờ, người thì oán thím Bảy chậm chạp. Cụ Cố bà những ngại rằng câu chuyện dạo mùa xuân độ nọ có lẽ làm cho AQ sợ phạm vào một điều khoản trọng yếu trong tờ cam đoan mà không dám đến chăng... Nhưng cụ Cố ông bảo: không ngại gì, vì chính "ta" truyền gọi nó kia mà! Thì ra, cụ Cố ông là người cao kiến có khác! Quả nhiên, một lát sau, AQ cùng thím Bảy Trâu đã ở ngoài cửa bước vào. Thím Bảy thở hồng hộc, chân bước miệng nói: 
- Chú ấy cứ chối đây đẩy một không có, hai không có. Con thì con nói: Không biết! Chú cứ đến mà bẩm với hai cụ. Chú ấy còn nói... Con thì con nói... 
Dưới thềm, AQ toét miệng ra một cái, giống như cười, nhưng vẫn không phải là cười, rồi nói to: 
- Cụ ạ! 
Cụ Cố vừa nói vừa bước tới gần AQ, đưa mắt nhìn y từ đầu đến chân: 
- AQ này, nghe nói độ ngày mày phát tài lắm phải không? Thế thì tốt, tốt lắm. Này! à mà nghe nói mày còn một ít đồ cũ... Còn bao nhiêu cứ đưa đây xem xem... Này! không có ý gì đâu... Chả là ta cần dùng... 
- Con vừa bảo thím Bảy đấy! Hết cả rồi. 
- Hết rồi kia à? 
Giọng cụ nghe như thất thanh: 
- Sao đã hết chóng làm vậy? 
- Chả là gặp chỗ quen biết... Vả lại có bao nhiêu đâu ạ! Anh em họ giật hết. 
- Chắc cũng còn một ít chứ? 
- Giờ chỉ còn một bức nghi môn thôi ạ! 
Cụ Cố bà lật đật nói: 
- Thế thì đưa đến cho xem vậy! 
Cụ Cố ông có vẻ lãnh đạm: 
- Vậy thì sáng mai! Cứ đưa đến đây nhé. Này, AQ này, từ rày, bất cứ đồ lề gì, hễ có là cứ đưa đến đây, ta xem trước nhé... 
Cậu Tú nói: 
- Đây không bao giờ trả rẻ đâu mà sợ! Nghe chưa? 
Mợ Tú vội liếc nhìn nét mặt AQ xem nó có chú ý gì đến lời cậu Tú hay không. Cụ Cố bà nói: 
- Ta cần mua một cái áo gi-lê. 
AQ miệng vâng vâng dạ dạ, nhưng lại uể oải lùi ra. Cũng chẳng ai biết y có nhớ cho hay không, thành ra cụ Cố ông cũng vừa thất vọng, vừa bực mình, vừa lo ngại, đến nỗi quên không ngáp dài nữa. Cậu Tú cũng bất bình với thái độ của AQ, nói: 
- Cái thằng ma cà cúi này, phải coi chừng! Hay là gọi ngay lão trương tuần đến bảo phải đuổi ngay đi, không cho ở trong làng nữa là hơn hết! 
Nhưng cụ Cố ông cho rằng không nên làm thế, sợ nó lại thù oán lôi thôi. Vả lại xưa nay những đứa làm nghề ấy chả bao giờ chúng nó làm thói "gà què ăn quẩn cối xay", vậy nên làng ta chẳng ngại gì sự đó. Còn nhà mình thì ban đêm ngủ cho tinh tỉnh một tí là được rồi. Nghe bấy nhiêu lời nghiêm đường dạy, cậu Tú rất tán thành, vì vậy cậu cũng lập tức thủ tiêu đề nghị đem AQ "trục xuất cảnh ngoại". Một mặt khác, cậu ân cần dặn dò thím Bảy Trâu nhất thiết không để cho câu chuyện hôm nay tiết lộ ra ngoài. 
Nhưng ngày hôm sau, lúc thím Bảy đem chiếc quần đi nhuộm đen thì thím lại đem cả những chỗ khả nghi về AQ rêu rao với mọi người. May mà thím không nhắc nhở gì đến chuyện cậu Tú có ý "trục xuất" AQ. Nhưng thế cũng đã là một điều bất lợi cho AQ rồi! Trước hết, bác trương tuần tìm ngay đến chỗ y lấy quách bức nghi môn. Y cố biện bạch rằng, cái bức nghi môn đó Cụ Cố bảo phải đem lên trình cụ xem đã, nhưng trương tuần vẫn nhất định chiếm lấy. Nhân dịp này bác lại vòi thêm một ít "tiền rượu" hàng tháng nữa. Một sự thiệt thòi khác cho AQ là từ hôm ấy về sau, lòng kính nể và sợ sệt của dân làng Mùi đối với y cũng giảm bớt nhiều. Tuy chưa dám khinh ra mặt đâu, nhưng xem có ý đã không muốn lại gần y nữa. Không muốn gần y không phải vì sợ đánh "phập" một cái vào gáy như trước, mà là người ta chỉ "kính nhi viễn chi" mà thôi. 
Một bọn vô công rồi nghề lại cố đi dò xét về AQ cho ra manh mối. Thì AQ cũng chả giấu giếm gì ai cả! Y cứ ngạo nghễ nói toạc tất cả những điều y đã làm. Do đó, người ta mới biết y chẳng qua chỉ là một vai phụ không có gan trèo tường mà cũng không có gan chui ngạch. Y chỉ đứng ở mé ngoài chuyền đồ ra mà thôi. Và, có một đêm, y vừa bệ được một cái gói, còn lão trùm đang chui vào "khoắng" một lần nữa, thì trong nhà hô hoán lên; thế là y chuồn thẳng và ngay trong đêm ấy, dông tuốt về làng Mùi. Rồi từ đấy trở đi, y cũng cạch không dám trở lại "làm ăn" nữa. Đoạn tiểu sử này càng làm bất lợi cho AQ. Số là xưa nay dân làng Mùi còn giữ cái thái độ "kính nhi viễn chi" với AQ chỉ vì lo y thù hằn. Ai ngờ, chẳng qua y chỉ là một thằng ăn trộm mà lại không có gan đi ăn trộm nữa thì quả thật không có gì phải đáng sợ vậy.
Nhà văn Lỗ Tấn
"Tắm" - Hot girl Hoa ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét