"Lặng lẽ" - Hot girl Midu |
Sau “Xung đột”, Nguyễn Khải viết tiếp tiểu thuyết khác, khá nổi tiếng cũng về thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp: “Chủ tịch huyện”. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Mặc dầu tựa là “Chủ tịch huyện” nhưng mở đầu ca ngợi hết lời “Chủ tịch xã”. Đó là “chủ tịch xã trẻ và tính toán giỏi nhất huyện… Con người tài giỏi đã bắt đầu nghĩ: vắng tôi mọi việc đều không ra gì…”.
Vậy Chủ tịch xã đó thực sự “tài giỏi“ ra sao? Trước hết ông ta xắn quần lội ruộng để kiểm tra và một lần bắt gặp “hai sào ở đồng Con Cú của đội hai, cày còn dối lắm, chỉ vài xá vòng quanh”, lập tức Chủ tịch xộc ngay đến nhà ông Chủ nhiệm hợp tác xã để vạch tội. Ông Chủ nhiệm lại cho gọi thợ cầy đến. Anh này đành phải thú nhận cày dối làm mọi người phục lăn Chủ tịch xã đi sâu đi sát.
Lần khác, Chủ tịch xã sau 3 tháng nằm viện về, nghe tin mức bán thóc thuế nghĩa vụ của hợp tác xã còn thấp, lập tức cùng kế toán lặn lội tới từng hợp tác xã tính toán lại thu nhập và quả nhiên họ đều phải nâng cao mức bán thóc nghĩa vụ cho Nhà nước.
Cũng trong thời gian ông Chủ tịch xã nằm viện, ở nhà ông Phó Chủ tịch đã “ngã giá mua năm gian nhà ngói của ông Cẩm với giá bốn nghìn đồng để rỡ ra làm trường học”. Chủ tịch xã đi viện trở về nhất định không chịu và quyết định chỉ mua với giá… hai nghìn đồng mà gia chủ cũng đành phải bán.
Một lần chủ nhiệm hợp tác xã An Lạc Hạ “lên xin Ủy ban cho phép mổ con lợn năm chục cân lấy thịt cho xã viên ăn”. Mặc dầu ông Phó Chủ tịch đã đồng ý, nhưng ông Chủ tịch xã đi công tác về khăng khăng không cho mổ vì “mổ rồi, nuốt vào bụng rồi mà không thu được đủ phiếu thì cũng đến cười xoà với nhau…”. Vậy có nghĩa là muốn mổ lợn, ông Chủ nhiệm phải duyệt “phương án ăn chia“ cái đã.
Một lần khác, ông Trưởng phòng lương thực xuống xã đề nghị ký hợp đồng xay thóc kho. Một lần nữa ông Chủ tịch xã trẻ tuổi lại tỏ ra xuất sắc vì biết tính toán tới cả “chín xu một cân điện, vị chi là chín hào. Lại còn tiền dầu luyn. Ba ngày phải thay một lần dây cua-roa bốn mét, mỗi mét mười hai đồng. Lời lãi đâu mà nhiều…”. Mặc dầu “tài năng tính toán“ của ông Chủ tịch xã chỉ có “nhiêu đó”, nhưng ông Chủ tịch huyện đã như mở cờ trong bụng: ”Đấy! Cán bộ xã của huyện này như thế đấy! Thật là hiện đại nhé! Mặc dù máy xay chưa về đến xã, mà hắn ta đã biết lui tới như một ông Giám đốc thực thụ vậy…”.
Ngày nay coi lại chân dung ông Chủ tịch xã được coi là xuất sắc, tài giỏi người đọc phải phì cười. Hoá ra tài năng ông đứng đầu chính quyền xã chỉ là đi xét nét thợ cày, tính toán sao bóc lột dân nhiều hơn, duyệt cho hợp tác xã mổ trâu, tính toán giá công xay thóc… Nếu chỉ bằng vào những khả năng đó thì trình độ ông Chủ tịch xã “xuất sắc và tài giỏi” chỉ ngang với anh nông dân hạng bét. Người ta không thấy mảy may ý thức đứng đầu chính quyền một xã để có ý tưởng mới trong sản xuất, trong việc thực thi pháp luật mà chỉ loanh quanh việc vụn vặt, con cá lá rau bất kỳ anh nhà quê ngớ ngẩn nào cũng làm tốt.
Chân dung “chủ tịch xã” đã méo mó vậy, còn Chủ tịch huyện ra sao? Đó mới là phần chính trong tiểu thuyết “Chủ tịch huyện” của Nguyễn Khải.
Cái “ông Chủ tịch huyện” này chắc phải là một anh “nhà quê” đặc sệt bởi lẽ:
“Buổi sáng vừa ngủ dậy, ông Chủ tịch huyện hãy còn cầm trong tay chiếc bàn chải đánh răng đã có thể gọi phóng lên dãy nhà trên: “Các cậu ở nông lâm ơi, sáng nay An Trạch nó gieo đay thí nghiệm đấy đã cử người xuống chưa?”
Quan đầu huyện làm việc theo kiểu “xó bếp” vậy, đủ hiểu cái công việc ở Ủy ban “tẹp nhẹp” và “tạp pí lù” chừng nào. Thời đó chưa có dự án, chưa có vốn ODA, WB, chưa có nước ngoài đầu tư… nên các cấp chính quyền trong huyện, ngay cả ông Chủ tịch cũng chẳng có gì “ăn phần trăm” , “rút ruột công trình”, cướp đất của dân chia chác… Bởi thế trụ sở Ủy ban huyện chưa nguy nga, bề thế như hiện nay mà chỉ là cái nhà dài, tập thể, ở đó “người ta sống như trong một gia đình”. Đó là “một dãy nhà ngang thấp tối ở khuất hẳn phía trong, vẫn lợp rạ, trát vách… Gian đầu là chỗ ở của Chủ tịch huyện, gian thứ hai là chỗ ở của Chánh văn phòng Ủy ban và anh thư ký đánh máy, gian thứ ba là của bà nấu cơm và chị phụ trách lớp mẫu giáo, vỡ lòng trong toàn huyện, còn hai gian ngoài cũng giành riêng cho gia đình bà Phó Chủ tịch huyện…”.
Thật không thể tưởng tượng nổi một ông quan đầu huyện lại ăn ở kiểu “lán trại” như công nhân trên công trường:
“Ông Chủ tịch nằm duỗi thẳng trên giường, cảm thấy rất rõ rệt các đầu xương đang rời ra vừa khoan khoái, vừa mỏi mệt. Nhạn, chánh văn phòng uỷ ban đã ngáy đều đều bên kia vách tường. Khi Nhạn thôi ngáy một lúc nào đó lại đến tiếng nghiến răng của bà nấu cơm ở buồng bên kia nữa…”.
Ủy ban huyện “ăn ở” lúi sùi và bệ rạc vậy trách gì công việc hàng ngày của ông Chủ tịch huyện chỉ toàn chuyện “bếp núc”. Trước hết ông làm việc không có giờ giấc gì hết: “Ở huyện người ta không thể làm việc đúng giờ giấc được, và cũng khó có thể chủ động dành một khoảng thời gian hoàn toàn cho riêng mình, kể cả khi anh ốm nhưng không đi nằm bệnh viện, anh về nhà vui chơi với vợ con hoặc ngay sau khi anh đang ngủ say sưa sau một ngày làm việc mệt”.
Vậy nhưng công việc Chủ tịch huyện gồm những gì mà phải làm việc suốt 24/24 vậy? Hoá ra chẳng có gì ghê gớm, toàn những việc hành chính, lặt vặt. Trước hết một ngày ông phải “ký hàng trăm tờ công văn (tuy chính người ký cũng không thể biết hết nội dung của nó) vì huyện có những hăm nhăm xã và hăm hai phòng, ngành, mặc dầu các phòng ngành đều ăn chung một bếp, ra vào đều chạm mặt nhau nhưng vẫn cứ phải đọc công văn của nhau”.
Công văn gì mà lắm thế, thì đại loại toàn những chuyện “gieo đay của các xã”, “tình hình đào đắp của các đội thủy lợi và số mét phải hoàn thành”, “tình hình dồn ấp trại về làng để khoanh vùng cơ giới”… Ta hãy coi công việc hàng ngày của Chủ tịch huyện. Trước hết một ông chủ nhiệm hợp tác xã trồng đay đến kiện anh phụ trách chi điếm, ngân hàng huyện không cho vay tiền. Anh này bị ông chủ nhiệm tố cáo nhận ba sào đất của ông chủ nhiệm khác nên cho vay dễ dàng còn ông không có gì lót tay nên bị gây khó dễ. Thế là ông Chủ tịch huyện chẳng biết nếp tẻ ra sao, chẳng “điều tra điều nghiên” gì ra ngay cái lệnh cách chức anh ngân hàng dễ dàng như ông bố trong nhà phạt con cái. Rồi đến cuối buổi có một ông lão chạy vào Ủy ban đề nghị ông Chủ tịch huyện can thiệp để xe ô tô khách chở cho “mấy chục cân rau của hợp tác xã đưa lên cho anh em trên công trường, trên ấy hiếm rau lắm…”. Tất nhiên là ông Chủ tịch huyện tức khắc chạy ra bến xe ra lệnh cho nhà xe phải chở cả ông lão với bao tải rau của ông.
Đại khái công việc hàng ngày của ông Chủ tịch huyện toàn những việc chẳng ra ngô ra khoai như vậy, chẳng cần tới hiểu biết về khoa học quản lý cũng như những kiến thức tối thiểu về khoa học kỹ thuật. Cứ theo nội dung công việc của ông thì bất kỳ anh nhà quê thất học nào cũng làm được “chủ tịch huyện”, miễn là nắm vững đường lối chính sách của Nhà nước và tuyệt đối trung thành với Đảng.
Trong “công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa” ở miền Bắc ngày xưa, đúng với bản chất nông dân của cuộc cách mạng, ý thức lao động gân bắp được coi là “phẩm chất số một” của việc đánh giá và đề bạt cán bộ. Bởi vậy người ta không lấy làm lạ vì sao trong tiểu thuyết “Chủ tịch huyện” của Nguyễn Khải, các ông Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện và Bí thư tỉnh uỷ ông nào ông nấy đều mở đầu việc lãnh đạo nông dân bằng…” xắn quần móng lợn đi thăm đồng ruộng”.
“Ông Quang, Bí thư tỉnh uỷ, vừa đánh xe con xuống huyện đã lôi ngay ông Chủ tịch huyện Hiệp lên xe, kéo nhau ra đồng coi tình hình sâu phá ngô ra sao? Và ông Bí thư chỉ thị cho ông Chủ tịch huyện cái việc mà lẽ ra cấp xã cũng có thể quyết định được: “Nơi nào nhiều sâu quá nên bán chịu thuốc trừ sâu cho họ hoặc ứng một khoản tiền nào đó cho họ vay mua thuốc. Chú ý đấy, không thì hỏng ăn cả…”.
Liền đó ông Bí thư lại khuyến cáo ông Chủ tịch huyện nên đi thăm các cán bộ xã đội ở 25 xã trong huyện là vì “Khi họ mổ lợn, ăn cơm liên hoan mình không đến cũng được, nhưng khi họ túng thiếu, ốm đau, gặp khó khăn thì phải tìm mọi cách chia sẻ với người ta. Dân mình có câu: “lời chào cao hơn mâm cỗ” là có ý nghĩa sâu sắc lắm đấy…”.
Trong một xã hội toàn bộ nông dân đều bị nhốt trong hợp tác xã với kỹ thuật canh tác lạc hậu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” từ ngàn năm trước thì đời sống con người hết sức đơn giản – không du lịch, không tài sản, không luật sư, không phương tiện di chuyển, không máy móc phục vụ sinh hoạt và giải trí, không cả hàng hoá và chợ búa, con người chỉ nhăm nhăm lo sao cho “ăn đủ no, mặc đủ ấm” vậy thôi; việc quản lý xã hội bởi thế mà trở nên hết sức đơn giản và dễ dàng. Nhà nước công nông thực ra chỉ lo “quản lý” sao cho nông dân và công nhân đổ hết lao động gân bắp ra để thu thóc và sản phẩm công nghiệp. Chính vì vậy ông “quan đầu tỉnh” chẳng cần có đầu óc nảy sinh ý tưởng mới, chẳng cần có kiến thức khoa học quản lý và khoa học kỹ thuật, ông chỉ “đòi hỏi được biết cái tình hình thực, cái tình hình tự nhiên nhất, không bị tô vẽ, không bị che lấp bởi bất cứ một thứ sắp xếp giả tạo nào”. Cái tình hình thực đó thực ra rất đơn giản xoay quanh có mỗi chuyện “nước, phân, cần, giống” mà bất kỳ một anh cán bộ cấp xã nào cũng có thể điều hành được chẳng cần tới một ông “quan đầu tỉnh”. Bởi vậy khi xuống huyện, ông bí thư tỉnh uỷ “sẵn sàng kiếm ngay một cái buồng riêng chui vào đó làm việc một mình như ở nhà, hoặc đọc báo hoặc ngủ một giấc nếu như đêm trước anh không được ngủ…”.
Để tô vẽ cho ông “bí thư tỉnh uỷ” đi sâu đi sát quần chúng, ông nhà văn “bắt” ông xộc cả vào phòng ngủ vợ chồng người ta, làm cái việc rất kỳ cục là dậy chủ nhà… sắp xếp quần áo: “Này, đừng có thu dọn theo cái cách ấy. Anh hãy để thứ nào vào thứ ấy, đúng với cái chỗ của nó, xem nào!”.
Miệng nói, tay Quang (bí thư tỉnh uỷ) đã giũ tung cái đống quần áo lẫn lộn cái bẩn, cái sạch, cái khô, cái ướt, rồi lượm lại từng cái một: “cái này của chị ấy thì để riêng ra, của chúng nó cũng xếp riêng ra. Cái quần này của cậu phải không? đã giặt chưa đấy? Thôi, chốc nữa đem giặt đi, đói cho sạch rách cho thơm…”.
Ông nhà văn cứ tưởng ca ngợi tính đi sâu đi sát quần chúng của ông Bí thư tỉnh ủy. Ngờ đâu ngày nay đọc lại chỉ thấy tức cười vì… lố bịch.
Chưa hết, ông bí thư tỉnh uỷ còn “thọc sâu” vào gia đình người ta: “Đồng chí Bí thư tỉnh uỷ liền tính toán với ông chủ gia đình về công việc của từng đứa, buổi sáng chúng làm gì? Trưa chiều nên giao cho chúng những việc gì? Rồi Quang bày cách thu dọn lại nơi ăn chốn ở, từ chỗ xếp quần áo, đến sách vở, guốc dép, đồ dùng thức đựng trong gia đình…”.
Chẳng rõ bà chủ nhà - tức vợ ông “bí thư xã” phản ứng sao khi chứng kiến thằng cha căng chú kiết nhảy vào nơi riêng tư trong tổ ấm của chị, “xía vô” tới cả những việc lẽ ra chỉ có vợ chồng chị biết. Ngược đời, thời đó người ta lại lấy làm “vinh dự” và cảm động vì được “đồng chí bí thư tỉnh uỷ” quan tâm, săn sóc. Văn hoá ứng xử xã hội chủ nghĩa nặng mùi “nô lệ”, “tôi tớ” vậy đó. Người ta tự tước bỏ quyền riêng tư trong gia đình khi được nhận ơn mưa móc của cấp trên. Quả nhiên sau khi “dậy dỗ bảo ban” gia chủ chi li cặn kẽ, ông “bí thư tỉnh uỷ” liền lệnh cho ông Chủ tịch huyện trích quỹ cho ông này vay “hai trăm mua một con nghé, chăn dắt một năm bán đi cũng được ba bốn trăm, có thêm một khoản tiền…”.
Đảng “lãnh đạo” ở cấp tỉnh là như thế đấy, nổi hứng lên một ông bí thư tỉnh uỷ có quyền tuỳ tiện móc công quỹ ra ban phát cho kẻ này kẻ khác bất chấp luật lệ tài chính của Nhà nước. Xuống xã lần này, ông Bí thư tỉnh ủy cũng được chứng kiến một ông Chủ tịch xã tham ô. Ông này lợi dụng chức vụ “viết giấy giới thiệu lên huyện xin mua những… hai chục tạ phân đạm rồi bán ra ngoài theo giá tự do” rồi thì “một năm trời làm ngơ cho thằng Kim ở Đại Lâm mổ lậu mười lăm con lợn, mổ mỗi con lại mời ông chủ tịch một bữa chén, nếu không ăn thì hắn cho con đưa sang một nửa cỗ lòng” . Rồi thì “chỉ riêng số gạo cứu đói cho Du Lâm tháng ba năm ngoái, ông Chủ tịch cũng để riêng cho gia đình mình hơn hai tạ…”.
Phố Hà Nội - ảnh Việt Nam xưa |
Mua bán chênh lệch hai tấn phân đạm, ăn của đút “nửa cỗ lòng heo”, “một bữa chén”, ăn chặn hai tạ gạo… chỉ có thế thôi mà ông Chủ tịch xã vẫn phải đi tù. Đó là tình hình tham nhũng vào những năm đầu thập kỷ 1970. Hơn 40 năm sau, tốc độ ăn cắp của cán bộ Đảng ta đã gia tăng đến khủng khiếp nếu ta tính được số tiền và của cải bọn đầu sỏ VINASHIN, VINALINES và vô số các Tổng công ty khác moi móc của Nhà nước. Từ “nửa cỗ lòng heo” ngày xưa đến biệt thự, trang trại ngày nay - cán bộ Đảng ta quả thực đã nhảy vọt một bước vĩ đại, có tính cách lịch sử nâng nghề ăn cắp thành nghệ thuật, đưa tham nhũng trở thành một phần máu thịt trong cơ thể “Đảng ta”.
Ông bí thư xã nhận xét ông Chủ tịch xã tham ô “là một cán bộ đã được rèn luyện, một con người tốt, có năng lực làm việc, sở dĩ mắc tội tham ô là vì “những sai lầm của anh ấy chúng tôi biết cả, biết ngay từ đầu... Chỉ vì trong Đảng ủy nể nả nhau quá, nhân nhượng nhau nhiều lần quá thành thử lỗi nhỏ thành lỗi lớn…”.
Ông Bí thư tỉnh ủy giở giọng cao đạo: “Hoặc là chúng ta phải nghĩ tới nhân dân, tới phong trào; hoặc là chúng ta chỉ lo lắng cho riêng mình…”.
Ngày nay các đồng chí “bí thư tỉnh uỷ” chẳng còn nói năng theo kiểu“chống chủ nghĩa cá nhân” thời “bác Hồ” được nữa, một vì “"ngượng mồm”, hai sợ cấp dưới nó cười cho thối ruột.
Khác với “ Xung đột” còn có “mâu thuẫn địch – ta”, còn có chuyện đấu đá giữa “nhà nước” và “ nhà thờ” câu chuyện còn có chút hấp dẫn, ly kỳ, trong “Chủ tịch huyện”, chỉ có quan hệ giữa cán bộ và xã viên, tức “mâu thuẫn nội bộ”, ít “gay cấn”, đấu đá “một mất một còn” nên chuyện nhàm chán, tẻ nhạt. Để hấp dẫn độc giả, ông nhà văn tạo ra những “xung đột” tưởng ác liệt mà thực chất là hòa hợp vui vẻ.
Nguyên ở hợp tác xã Nam Hoà, “sau khi rỡ khoai mùa xong, có hai chục hộ gửi đơn thẳng lên trung ương khiếu nại về đời sống khó khăn, thu hoạch quá thấp, xin được ra ngoài làm ăn, nhưng vẫn “trung thành với Đảng, với chủ nghĩa xã hội”.
Thời nay, bà con nông dân làm đơn khiếu kiện là chuyện thường ngày, nhưng thời đó - làm đơn lên thẳng trung ương xin ra hợp tác xã là chuyện tày trời, kinh khủng, chắc do phản động xúi giục.
Bởi vậy ngay lập tức, chủ nhiệm hợp tác xã triệu tập họp Ban quản trị và các hộ đã nộp đơn xin ra khỏi hợp tác. Người đọc chờ đợi ông nhà văn qua sự kiện này vạch mặt bọn cường hào mới ở nông thôn, ăn cắp tài sản hợp tác xã, chèn ép và bóc lột sức lao động, đẩy người dân vào nghèo đói cùng cực khiến họ phải vùng dậy phản kháng, qua đó chứng minh đường lối xây dựng hợp tác xã của Đảng là sai lầm nghiêm trọng.
Lẽ ra nhà văn trung thực phải làm được chuyện đó. Tiếc thay, ông Nguyễn Khải làm ngược lại. Ông bôi xấu những người khiếu kiện, ông mô tả một trong những người đầu đơn xin ra hợp tác đó lại là một tên “ăn mặc kỳ quái. Hắn ta khoác lên người không phải cái áo mà là những mảnh giẻ, một cái quần không ra chùng, không ra cộc vá víu hàng chục mụn, và cái thằng vô giáo dục đã không biết giữ liêm sỉ, khi cái phần đáng lẽ ra phải giấu kín thì nó lại phơi bầy ra trước mắt mọi người…”.
Ông nhà văn đã dựng chân dung người phản kháng, xin ra khỏi hợp tác là một thằng lưu manh, chày cối như vậy đấy. Tệ hại hơn nữa, hắn nghèo đói nhưng không phải do hợp tác xã gây ra mà chính là do… cờ bạc. Ta hãy nghe bà chủ nhiệm kể tội hắn: “Chúng tôi còn có khuyết điểm là đã để anh thua bạc phải gán nợ hàng tạ thóc đến nỗi vợ con anh phải đói.Lại không biết khuyên anh thôi rượu, thôi chè chén, thành thử trong lưng anh bây giờ không còn lấy được vài đồng đong gạo cứu đói…”.
Nguyễn Khải coi những kẻ làm mất trật tự trong hàng ngũ đó chẳng qua là đám “giòi bọ”. Ông thừa nhận tuy có những người xin ra khỏi hợp tác xã nhưng đó là bọn cờ bạc, lưu manh ở nông thôn chứ không phải nông dân làm ăn lương thiện.
Để chứng tỏ thêm chủ trương hợp hóa nông nghiệp của Đảng là đúng đắn, sáng suốt, Nguyễn Khải “bịa” thêm một nhân vật xin ra hợp tác xã: lão Hoá – một nông dân cách mạng nòi, đã từng đào hầm cứu sống Chủ tịch huyện hồi chống Pháp. Ô hay, một hạt nhân tích cực của Đảng vậy sao xin ra hợp tác? Người ta cứ tưởng nhà văn Nguyễn Khải phát hiện ra một “lỗ hổng” trong chính sách hợp tác hoá buộc xã viên phải nộp đơn xin ra sẽ dẫn tới nguy cơ tan vỡ hợp tác xã. Nhưng không phải vậy, ông nhà văn đã “làm động tác giả” để kích thích trí tò mò độc giả, tăng phần hấp dẫn cho cuốn sách đó thôi.
Hoá ra ông già Hoá và một số xã viên làm đơn xin ra khỏi hợp tác xã không phải vì “bất mãn chế độ” mà ngược lại, chính là để đòi cán bộ hợp tác xã thực hiện đúng... chủ trương chính sách Nhà nước.
Nguyên vùng này có nhiều đất vườn có thể gieo trồng, chăn nuôi nhiều thứ, giá trị hơn cả ruộng khiến “ người ta có thể trao cho hợp tác xã tất cả đất ruộng của mình, nhưng cốt tử phải giữ lấy mấy sào vườn…”. Bởi vậy xã viên chỉ chăm chút vào mảnh vườn riêng lơ là ruộng chung. Rồi thì phân bón của hợp tác xã cũng chạy vào mảnh vườn riêng.
Đứng trước “mầm mống tư hữu” trỗi dậy, ông lão Hóa và một số xã viên “tiên tiến” đã đấu tranh với cán bộ đòi uốn nắn tư tưởng xã viên, yêu cầu họ phải coi trọng ruộng đất chung trong hợp tác quan trọng hơn mảnh vườn riêng. Tuy nhiên do cán bộ cũng có “mảnh vườn riêng” nên yêu cầu đó không được thực hiện , bởi vậy họ bày mưu làm đơn ra khỏi hợp tác xã để gây áp lực buộc cán bộ thực hiện đúng chủ trương của Đảng và chính phủ mà thôi.
Trong “Chủ tịch huyện”, Nguyễn Khải đã bịa ra một loại nhân vật giả, xã viên hợp tác xã “cách mạng hơn cả Đảng”, “mác xít hơn cả người cộng sản”.
Thực ra tại các hợp tác xã, các địa phương cán bộ Đảng không hề bị kiểm tra, kiểm soát bởi báo chí hoặc bất kỳ cơ chế quyền lực nào khác nên chúng ra sức tự tư tự lợi, ăn chặn ăn bớt xã viên, ăn cắp công quỹ. Sự sa đoạ, xuống cấp của cán bộ đã xảy ra từ rất lâu, từ thời bắt đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn.
Tuy nhiên trong các tiểu thuyết của Nguyễn Khải, cán bộ tỉnh, huyện, xã, thôn xóm đều là “đầy tớ tận tuỵ của dân”, lặn lội đồng ruộng giúp dân nâng cao năng suất. Như ông “bí thư tỉnh uỷ” đi sâu đi sát nhân dân, vào tận buồng riêng nhà người ta cắt đặt việc gia đình, ông Chủ tịch huyện ăn ở lẫn lộn với cán bộ, nghe tin ở đâu có hiện tượng xã viên xin ra khỏi hợp tác xã là phóng xe xuống bất kể ngày đêm. Cán bộ xã thì “từ mờ sáng tới nửa đêm: mồm nói, chân chạy, xem xét, hỏi han, tranh cãi, la hét, cáu giận, ngọt ngào, thôi thì đủ…”.
Càng đọc “Chủ tịch huyện” người ta càng nhận rõ cảm hứng chủ đạo là “ca ngợi một chiều”, là thực hiện đúng nhiệm vụ “tuyên truyền cho đường lối chính sách của Đảng” Bởi thế tác phẩm nhanh chóng rơi vào quên lãng. Khi nhiệm vụ chính trị qua đi, tác phẩm “phục vụ kịp thời” cũng chết theo. Đó là “số phận” của những tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam của Nguyễn Khải.
Suốt cả cuốn “Chủ tịch huyện”, cán bộ từ thôn xã lên tới huyện tỉnh, anh nào anh nấy hai bàn tay đều sạch bong, nhất mực chỉ “vì Đảng vì dân” không mảy may tơ hào công quỹ lấy một cân gạo, không nhũng nhiễu ăn tiền của dân lấy một đồng bạc. Có lẽ “tô hồng” quá đáng vậy sợ bạn đọc cười, Nguyễn Khải “liều mình” dựng lên một ông Chủ tịch xã tự tư tư lợi, lợi dụng chức quyền ăn tiền của dân.
Nguyên ở xã Hoà Trung có lái buôn tên Đào đề nghị Chủ tịch xã mua giúp cái dầm cầu xã bỏ đi để làm cột nhà giá có 200 ngàn nhưng lại đưa những 300 ngàn, coi như “biếu” Chủ tịch xã chỗ chênh lệch.
Chuyện “tham ô” của Chủ tịch xã chỉ có thế, rất may, “đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã” đã có mặt kịp thời, phân tích cho Chủ tịch xã “nhận ra sai lầm”, trả lại tiền cho lái buôn, nhờ vậy vẫn giữ được phẩm chất cán bộ cộng sản”.
Thế là một lần nữa Nguyễn Khải “làm động tác giả” khi mon men tiến gần tới cái cốt lõi của cán bộ Đảng ở nông thôn: máu tham ô, bòn rút của công. Tiếc thay, “Chủ tịch huyện” hoàn thành vào tháng 2 năm 1971 khi bộ mặt của “cán bộ mua đài mua xe” đã lộ ra gớm ghiếc, khi bất công xã hội đã trở nên sâu sắc, khi “chợ vua quan” và “chợ nhân dân anh hùng” mỗi ngày một cách biệt, vậy nhưng ông nhà văn vẫn nhắm mắt, bưng tai không dám nhìn, không dám nghe những xấu xa, đồi truỵ của đám quan lại cán bộ này, vẫn hết lời “bốc thơm” chúng.
Kết thúc cuốn truyện, ông nhà văn đặt vào mồm Chủ tịch xã trẻ và Chủ tịch huyện già những đối thoại “ca ngợi” không còn biết xấu hổ. Chủ tịch xã: “…khó khăn mấy rồi cũng vượt qua được cả thôi. Thế hệ cha anh đã đánh thắng bọn xâm lược Pháp, thì thế hệ chúng em sẽ đánh thắng bọn xâm lược Mỹ. Chắc chắn là như thế…”.
Chủ tịch huyện: “Chắc chắn phải là như thế…”.
Chủ tịch xã: “…cái khó nhất là đoàn kết được với nhau, không có gì phải ngờ nhau, phải đối phó với nhau thì việc gì cũng làm được. làm được hết…”.
Chủ tịch xã nói năng như… bác Hồ kêu gọi “đoàn kết, đại đoàn kết”. Kết thúc cuốn tiểu thuyết, ông nhà văn còn cho Chủ tịch huyện phát biểu một câu thật “lãng mạn”… cách mạng: “Nói cho cùng, cái thử thách lớn nhất, phức tạp nhất vẫn là tự mình vượt qua mình. Ngoài ra những khó khăn khác, những thử thách khác đều không đáng sợ, có phải không, đều không có gì đáng sợ…”.
Tuy nhiên, thử thách lớn nhất, phức tạp nhất với các cán bộ chẳng phải vượt qua chính mình mà là vượt qua… cái ghế của mình. Bởi thế họ phải trui rèn phẩm chất… bất nhân, gian manh và đểu cáng giẫm đạp lên nhau mà leo cao. Thực ra cái khó vượt nhất trong con người cán bộ chính là máu tham, nhu cầu hưởng thụ, vượt qua được cái “máu” đó còn khó hơn con voi mượn cánh con bướm bay qua đại dương.
Cha và con và…
Hồi tháng 2 năm 2006, nhà văn Nguyễn Khải trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ. “Nếu người ta gọi ông là nhà văn thời sự thì ông buồn hay vui?” và “thời sự hình như không mấy tương đồng với sức sống lâu dài của một tác phẩm. Chủ quan mình, ông nghĩ tác phẩm nào của mình sẽ có được cái lâu dài ấy?”.
Nhà văn Nguyễn Khải sốt sắng trả lời:
“Nhiều tác phẩm hay đã được bắt đầu từ những bức xúc rất nhỏ của một “chuyện hôm nay”, của cái “bây giờ” nhưng vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc xúc động… Phần mình, tôi nghĩ “Một cõi nhân gian bé tí”, “Cha và con và…”, “Điều tra về một cái chết” cùng một số truyện ngắn của tôi có được cái thân phận ấy của con người…”.
Vậy là trong vài chục tác phẩm, Nguyễn Khải đã chọn “Cha và con và…” là một trong vài tác phẩm ông cho rằng có thế để đời, còn lại mãi với thời gian. Viết xong vào tháng 8 năm 1978, xuất bản ngay trong năm, dày vỏn vẹn chừng 200 trang và sách vừa in ra đã được “phê bình gia” Vương Trí Nhàn bốc lên mây xanh trên báo Văn Nghệ với cái tựa to tát: “Cha và con và…” triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội”.
Ghê gớm chưa?
Vậy giá trị thực của cuốn truyện này ra sao?
"Ngọc trắng" - siêu mẫu nội y châu Âu |
“Cha và con và…” lại cũng xoay quanh chủ đề “bôi bác nhà thờ” như hai tập tiểu thuyết “Xung đột”. Đó là câu chuyện về một linh mục trẻ, mới ngoài ba mươi, tên Thư được Toà Giám mục cử về “nhậm chức thầy cả” ở xứ Nhất. Về địa phương, trước hết cha phải tới trình diện chính quyền xã. Cái cách đối xử của cán bộ uỷ ban làm cha không được vui, phàn nàn với ông chánh trương: “Cả cái uỷ ban của các ông nữa. Họ để tôi leo cả mấy bậc thềm , tự bước vào trong nhà, tự đến trước bàn giấy của bà Chủ tịch ngả mũ chào, rồi bà ta mới đứng lên chào lại. Bà ta là Chủ tịch thật nhưng còn là con chiên của Chúa. Chúa chiên đến mà con chiên dám xử sự vậy sao?”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là nỗi phiền lòng đầu tiên ông cha trẻ gặp phải khi tới nhậm chức ở vùng đất mới. Chờ đợi ông ta ở phía trước còn vô số những “chọc phá”, những “đòn phép” bổ vào đầu ông mà đau đớn thay không phải từ phía chính quyền vốn “thù địch” với nhà thờ, mà lại từ phía những con người thuộc phe ông – những linh mục già, chánh trương, trùm trưởng, con chiên… luôn luôn giăng bẫy trên đường đi tới của cha linh mục trẻ mới nhậm chức.
Trước tiên, cha linh mục trẻ phải tới gặp cha linh mục già để nhận “bàn giao”. Mới qua vài ba câu chuyện, cha trẻ đã nhận ra tính cách xỏ xiên của cha già: “Lạy Chúa! Tại sao ông già này lại nói nhiều về sự yếu lẫn của mình. Ông già ấy định giăng cái bẫy nào đây?” Lời nói như gan ruột, nhưng cái miệng thì bỡn cợt, con mắt thì hấp háy, biến ảo quá chừng. Cha trẻ cúi mặt thở dài rất nhỏ, lái câu chuyện sang hướng khác…”
Một cha trẻ mới ngoài 30 tới nhậm chức, một cha già ngoài 80 sắp về với Chúa phải rời chức. Hai cha đối xử với nhau thật chẳng khác gì hai quan cán bộ trẻ già hằm hè nhau khi bàn giao ghế.
Hành hạ “cha trẻ” vậy nhưng “cha già” vẫn chưa chịu buông tha. Tới bữa ăn “cha già” còn “quay” một hồi nữa khiến “cha trẻ” cảm giác “bữa cơm kéo dài như một hình phạt. Chẳng phải vì một già một trẻ, một cũ một mới, một cha quản hạt và một cha mới nhậm chức, mà còn vì một cái gì khác nữa, chưa rõ rệt , rất khó dò tìm đã khiến vị linh mục trẻ mất hẳn phương hướng đối đáp trong những mẩu chuyện vặt vãnh không đầu không đuôi…”.
Thoát được “cha già” , “cha trẻ” được phái về xứ Nhất nơi còn biết bao nhiêu điều phiền tạp chờ đợi cha. Trước hết, “lễ nghênh tiếp vị chủ chiên của ban hành giáo hàng xứ rất đúng phép tắc, nhưng gượng gạo, vênh váo…”. Lẽ ra theo thông lệ, cuộc tiếp rước phải “cờ phướn, có chè chén, tối có đánh bạc” nhưng chính quyền không cho phép. Chỉ còn lại “những trình bẩm, ban truyền, những ân sủng, kính cáo, toàn những chữ nghĩa đã chôn đi, đã quên đi từ đời kiếp nào, nay phải móc lên cả lượt.”. Cái cảnh ông già bà cả cung kính chào cha chăn dắt linh hồn được ông nhà văn riễu là “ông già cúi người trước một chàng trai trẻ, xưa là thế , vì nó còn là con vua cháu chúa, còn nay mà thế tự nghĩ cũng ngược lẽ, cũng nực cười…”.
Không biết nghĩ tới thời cả dân tộc phải gọi một “ông trẻ” mới ngoài 50 bằng “bác” xưng cháu, Nguyễn Khải có thấy “nực cười” như vậy chăng ?
Trong đám rước đón cha, có ông trùm họ An Cựu, “đội khăn xếp, áo thâm dài, đi giày mũi nhọn, lại cắp cả ô nữa mà trời vẫn nắng ráo” liền bị chê cười “Ông trưởng khu lên hầu cụ lớn đấy à?”. Để biến việc đón rước cha thành một vở hí kịch, ông nhà văn cho ông trùm An Cựu đi tới trước mặt cha “quỳ hẳn gối vái một vái, ông hổn hển đứng dậy vái thêm một vái nữa và cứ bước giật lùi”, chẳng ngờ “ gót giày lại dẫm ngay vào bàn chân bà trưởng hộị khấn… khiến bà đang véo von chúc thày cả liền kêu thét như bị ai cấu, dùng cả hai tay ấn mạnh ông trùm ra một bên, miệng nói the thé: Mắt mù hay sao mà giẫm nát cả chân tôi”.
Bôi bác kiểu “hề chèo“ vậy thật thô thiển và tiểu nhân. Chưa hết, khi con chiên còn đang xúm xít đón cha Thư thì “một tiếng gọi hết sức bất ngờ, hết sức rành rẽ: “Anh Thư”. Cả mọi người chết lặng vì tiếng gọi quá sức láo xược của một đứa nữ nào đó…”. Gọi tên cúng cơm của cha bằng “anh” ngay giữa lễ đón tiếp, lại do giọng nữ rất âu yếm thì quả bằng trát bùn vào mặt cha giữa lúc linh thiêng, long trọng nhất. Thế là cả đám rước biến thành một đám trò. “Trong nháy mắt, những tiếng cười bị dồn nén luồn lỏi khắp các nhóm người, đến nỗi các chức dịch hàng xứ đứng hầu cha cũng không dám ngước nhìn vị chủ chăn, e rằng chính mình cũng khó giữ được sự kính cẩn cần phải có…”.
Dùng chuyện “trai gái’ bôi bác linh mục là một trong những “sở trường” của Nguyễn Khải. Khi có tiếng người nữ gọi tên cha âu yếm như vậy, lập tức ông trùm An Cựu “làm ra vẻ bầy tôi sốt sắng” hò hét: “Các người bị ma ám quỷ xui cả sao dám hỗn láo thế? Đứa nào gọi tên cha trước? Đứa nào? Là con cái nhà ai để tôi thưa với cha phạt nó. Nó là đứa nào?”.
Thật chẳng ngờ đứa con gái đó lại là thị Thảo, con gái của chính ông làm “đám đông cười vỡ ra. Họ không dám cười linh mục mà chỉ cười cha con ông trùm An Cựu nên có thể cười thật thoả thuê” làm ông trùm trợn mắt: “Chúng bay đừng có bỏ vạ cáo gian mà sa xuống hoả ngục đời đời. Nhà tao mấy đời thờ phượng Chúa…”. Lại cười, cười như thể đang xem vở tuồng, vở chèo gặp một vai đắc ý. Rồi họ nói chen vào như nói đế: “Đời ông chỉ biết thờ Chúa, chứ con gái ông chỉ biết thờ các cha thôi…”. Đám đông vỗ tay tán thưởng màn kịch cương, lời lẽ đã hay mà vai diễn cũng hay…”.
Than ôi, ở một xứ công giáo toàn tòng như Bùi Chu, Phát Diệm liệu có cái cảnh con chiên đón tiếp đức cha linh hồn về xứ mình hỗn xược như vậy chăng? Ông nhà văn Nguyễn Khải quả đã khéo xuyên tạc, biến lễ nghi trang trọng của người ta thành trò hề rẻ tiền.
Cô Thảo, con gái ông trùm An Cựu đã cả gan gọi tên cúng cơm của cha giữa đám đón rước, về nhà còn chớt nhả với bố: “Ông cụ mới tới nom trẻ đẹp quá, bố ạ…chúng con chỉ thích xem người chứ không xem lễ…”. Ông bố chửi: “Con nhà vô phúc, rồi mày kéo cả bố mẹ xuống hoả ngục với mày thôi…”. Nó toét miệng cười: “Xin mời các cụ lên thiên đàng hầu Chúa, còn con xin đi theo cha xuống hoả ngục?”
Bịa ra con gái một ông trùm đạo cả gan mang đấng chăn chiên ra bỡn cợt ngay cả với bố mình, quả thật ông nhà văn đã tìm ra một hình ảnh quá sinh động diễn tả sự suy đồi của đạo Thiên Chúa tại một xứ toàn tòng.
Công việc đầu tiên của cha mới là xem xét “bình Mình Thánh, chén đĩa, chân đèn, ảnh tượng, khăn bàn, khăn thánh…”. Buồn cho cha, chẳng có vật gì ưng ý, “tất cả đều cũ kỹ, sứt vỡ, hôi mốc, khập khiễng như nhà vắng chủ đã lâu ngày…”. tâm sự cha trẻ lúc này thật ngao ngán “một ông linh mục quá già, một đàn chiên quá đông, thế tất việc chăm sóc phải biếng, sự giảng dậy phải nhác… Công lao vun trồng vườn nho của Chúa suốt mấy chục năm của các đấng bậc đi trước, rút lại tay không ?”.
Ôi chết chết, cứ như diễn tả của ông nhà văn thì quả Thiên Chúa giáo đã đến thời mạt đạo. Gia sản “cha già” để lại cho “cha trẻ” quá èo uột”, cái trách nhiệm gây dựng lại việc đạo cha trẻ phải gánh vác quá nặng nề. “Gai góc lại mọc đầy như thủa ban đầu và dây leo đã sắp bịt kín cả ảnh tượng. Người kế nghiệp trẻ tuổi sẽ bắt đầu công việc khai phá từ đâu?”.
Nếu thực sự công giáo trở lại thời vua Tự Đức vậy thì không thấy ông nhà văn chỉ ra ai đã gây nên tình trạng hoang tàn vậy mà chỉ thấy ông cảnh báo linh mục: “Nhân nhượng với đời hay hay đối mặt với đời? Hoặc giả có việc phải đối mặt và cũng có việc phải nhân nhượng? Là người anh em tốt mà vẫn là người chăn dắt tốt. Cười vui với tất cả mà vẫn chỉ huy được tất cả. Đã có giáo sĩ nào trong địa phận biết dung hoà lề luật của nhà Chúa với lề luật của thế tục chưa ? Chưa một ai thì phải. Người được toà giám mục hài lòng thì chính quyền căm ghét. Người được chính quyền chiều chuộng thì Tòa giám mục phải đề phòng. Hoặc là đầu này hoặc là đầu nọ, tìm được một chỗ đứng vững chắc ở quãng giữa thật khó lắm thay…”.
Nguyễn Khải coi mối quan tâm lớn nhất của linh mục là làm sao dung hòa Tòa thánh và Nhà nước để giữ vững cái ghế linh mục chứ chẳng phải chăm lo phần hồn cho con chiên. Vậy khác nào “lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử”, lấy Chủ tịch huyện mô tả cha xứ?
Nhận định về mẹo xử sự giữa cha cố và chính quyền này đã được nhà phê bình quốc doanh Vương Trí Nhàn nâng lên thành “triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội?”. Phình bụng quá cỡ vậy không khéo vỡ bụng ếch mất thôi .
Ngày làm việc đầu tiên, cha Thư như bị dội thùng nước lạnh khi gặp người giúp việc thân cận nhất của mình: ông chánh trương xứ vì “ông ta già quá, ốm yếu quá, kèm nhèm và ngu tối thế nào?”. Và lạ chưa, câu chuyện đầu tiên giữa hai người lại là… tranh luận về cải cách ruộng đất xoay quanh chuyện cụ Thượng trong làng, bỏ tiền xây cất mấy cái nhà thờ sau bị cách mạng xử lý. Ông linh mục nói:
- Địa phận ta còn mắc nợ với Ngài nhiều lắm…
Ông chánh trương cãi:
- Thưa cha ông ấy còn mắc nợ chúng con rất nhiều…
Ông cha trẻ gườm gườm nhìn người giúp việc:
- Ruộng đất của người ta, cơ nghiệp một đời của người ta một sớm một chiều mất sạch. Thế còn chưa đủ khổ sở ư?
Ông chánh trương nói nhỏ nhưng bướng bỉnh:
- Cái khổ cả trăm gia đình chẳng ai biết đấy là đâu. Cái khổ của một nhà lại như chiều ai oán. Cũng là tôi tớ của Chúa mà…
Người đọc không khỏi buồn cười cái nhân vật “chánh trương” này nói năng chẳng khác gì Bí thư xã. Vậy chắc ông là “chánh trương quốc doanh” Nhà nước cài vào Nhà thờ?
Mang tiếng là “cánh tay phải”, là người giúp việc thân cận cho cha, không hiểu sao vừa mới gặp, ông chánh trương đã giở giọng khủng bố tinh thần: “Thưa cha, năm nay con đã bảy chục tuổi, đã hầu hạ cha già trọn bốn mươi năm… Mắt con đã nhìn nhiều sự đổi thay, người ta hợp nhau rồi người ta lại chia nhau ra. Hôm qua là cha là con, hôm sau có tao không mày. Hôm qua chén chú chén anh, hôm sau nhét rọ buông sông. Đời người biến ảo khôn lường, một sớm một chiều chưa thể biết được…”.
Mới chân ướt chân ráo về giáo phận cha trẻ đã bị cha già răn đe muốn điên đầu, nay lại gặp ông chánh trương buông giọng bí hiểm, dọa nạt về cái sự khó ở đời. Những tưởng ra trường sẽ cùng người nhà Chúa xắn tay áo làm việc đạo, ai ngờ như lạc vào trận đồ bát quái, xung quanh là cả một rừng gươm giáo.
“Cha trẻ đưa tay lên che mặt, đầu óc quay cuồng, ông rên rỉ: “Khó hiểu quá! Các ông nói gì với tôi mà khó hiểu vậy? Tôi chỉ xin các ông một điều: nếu xứ này còn cần linh mục thì tôi ở lại, dẫu khổ hạnh thế nào tôi vẫn cứ ở. Bằng không thì trả tôi về tòa Giám, đừng dùng mưu mẹo làm nhục tôi, bức hại tôi…”.
Ôi chao, đấng chăn chiên, đức cha tinh thần của cả chục ngàn giáo dân lại đau buồn, bế tắc “mùi mẫn” như chàng trai si tình bị người yêu ruồng rẫy: “Và, lạy Chúa, con chỉ ước nguyện sẽ được nằm ở cái giường đơn sơ kia mà trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay âu yếm của Chúa”… Cha xứ đã cởi áo, buông màn và nằm xuống, hai tay chắp ngang bụng, thổn thức vì những ý nghĩ thương cảm xa xôi, miệng khẽ gọi những tên cực thánh: Giêsu - Maria - Giuse…”.
"Gặt lúa" - tranh của họa sĩ Inguimberty |
Liệu một đấng chăn dắt linh hồn của cả một giáo phận có dễ “tủi phận mình”, thổn thức như một anh đồng cô ẽo uột vậy chăng?
Xây dựng nhân vật cha Thư ngây ngô, ngớ ngẩn như vậy trách gì các “sự khó” cứ ùn ùn kéo tới. Sau khi cả gan gọi tên cúng cơm cha trong buổi tiếp rước, con gái chánh trương lại xin gặp riêng cha với tư cách trưởng hội hát... Ông cha trẻ chưa trải đời chấp thuận để cô cùng hội hát quyên góp may áo lễ mới cho cha. Mặc dầu các cô đã dặn nhau “Không được nói lại với ai đấy nhá! Cấm đấy nhá…” nhưng chỉ thời gian sau cả xã đã biết chuyện, gây ra bao tai tiếng làm ông Chủ tịch mặt trận xã phải tìm tới ông chánh trương phàn nàn: “Tôi nghe con mẹ Tộ vừa la vừa khóc: vậy là mày giết tao. Đứa nào xui mày? Thằng nào con nào xui mày để tao băm vằm nó ra?.. .Chúng nó chim chuột dăng dện nhau thì mặc mẹ nó chứ, hà cớ gì lại khéo dỗ mày. Mày ăn cơm hay ăn cứt mà dại dột thế?”.
Hoá ra con gái bà Tộ lấy bông tai quyên góp may áo mới cho cha làm bà ta chửi toáng: ”Đã có ông linh mục nào đến xứ này mà chê tiền khôn ? Mà chê gái không? Tôi cũng là người có đạo tôi không nói vu cho ai bao giờ…”. Cha quản hạt thì sao? “Rụng hết răng thì còn ăn gì được, giả thử còn đủ cả hai hàm chắc cũng chẳng từ…”.
Ở giữa một xứ đạo toàn tòng, liệu có một mụ đàn bà oang oang chửi cả cha trẻ lẫn cha già như mất gà mà kẻ cắp lại chính là… các cha không? Hay nhà văn mượn mồm đàn bà bôi xấu linh mục?
Ông chánh trương chẳng những không bênh vực, bảo vệ lại còn tố cáo cha: “Cái ông ấy ( tức cha Thư) đến là dại. Lại còn không biết nó ( thị Thảo) là ai mà dính vào… Lần đầu nó xin gặp cha còn nài tôi cùng ngồi. Mấy lần sau chả thấy ông ấy lý gì tới mình nữa. Không biết đâm mù con mắt xác thịt thì có ngày hỏng…”.
Chủ tịch Mặt trận nhân đó riễu cha: “Da thịt nó như thế, môi mắt nó như thế, thánh năng ngồi gần còn có khi cháy huống hồ là cha…”.
Cứ như thế kẻ tung người hứng, một bên là đại diện nhà thờ, một bên là đại diện chính quyền ra sức bôi bác cha. Tất nhiên việc mấy cô hội hát quyên góp may áo cho cha như vậy là tan, “thị Thảo phải hoàn lại đôi hoa cho mẹ con bà Tộ. Các nhà góp tiền mua áo lễ cũng lần lượt kéo tới đòi tiền về…”. Mọi lời đàm tiếu tất nhiên chĩa cả vào cha xứ làm “cha Thư khi được hay mọi chuyện liền đóng cửa buồng ở lì trong đó cả tuần lấy cớ cảm cúm”. Từ đó, mỗi lần làm việc với chánh trương, cha xứ gọi thêm người trong ban hành giáo dự “khỏi mặt đối mặt với ông già nham hiểm quỷ quái…”.
Cái “sự khó” dường như luôn luôn đuổi theo cha Thư. Cơn ông chưa qua cơn bà đã tới. Một hôm cha Thư nhận được thông tư của Toà Giám mục chỉ thị các xứ đạo tổ chức “bách chu niên đức cha Phước dâng địa phận Tây đàng ngoài trong tay Đức Mẹ”. Cha Thư tìm tới cha già quản hạt bàn việc tổ chức không ngờ ông này… bàn lùi: “Đức cha Phước là tên gọi Việt Nam, còn tên chính của ngài là Puginier… năm ấy, đức cha lại nhận lời ông Ngạc Nhi * đi làm thông ngôn trong cuộc đàm phán giữa người Pháp với các quan giữ thành…”.
Hoá ra cha già quản hạt lại là “người yêu nước”, ông kết tội cha làm “thông ngôn” cho Pháp chiếm thành Hà Nội. Bởi vậy thật bất ngờ, cha già thở ra giọng “địch vận” lôi kéo cha trẻ về “tình yêu nước”: “Mình là người có đạo thì phải nghĩ theo cách nghĩ của hội thánh. Nhưng mình còn là người Việt Nam nữa nên khó…”.
Nghe vậy, lẽ ra cha trẻ phải phản ứng, bảo vệ đức tin, không ngờ chỉ “cúi đầu, thầm nghĩ đau đớn: “Vâng, đúng thế, đúng là thế. Người có đạo là người có tội, tội truyền kiếp, tội của tổ tiên…”.
Thái độ khiếp nhược của cha trẻ làm cha già dấn tới: “Đạo của Chúa đến cùng một lúc với giặc giã kéo đến. Các cố đứng trong đám giặc mà truyền đạo. Người theo đạo thì không thể nghĩ đến nước. Đã nghĩ đến nước thì rất khó theo được đạo…”.
Nói năng sặc mùi “khinh chúa yêu nước” vậy, ai dám tin là lời lẽ linh mục già quản hạt. Choáng váng vì những lời lẽ “báng bổ” phát ra từ miệng cha quản hạt, ông cha trẻ phải thốt lên: “Lậy Chúa, vậy chúng con phải làm gì ? Bất tuân toà giám cũng có tội như bất tuân chính quyền…”.
Cha già quản hạt không những không động viên cha trẻ giữ lấy đức tin mà còn cả gan “chửi xéo” đức Thánh Cha: “Đức Thánh Cha ở chỗ cao xa , Ngài không thể biết hết được những khổ đau của người dân ở xứ này. Ngài chưa thể biết hết lịch sử truyền giáo ở xứ này…”.
Những lễ nghi của nhà thờ thường được quy định chi tiết và thực hiện tôn nghiêm. Ấy thế mà ông nhà văn cũng biến chuyện đó thành… trò hề. Nguyên cha tổng quản địa phận gửi giấy về các xứ nhắc lại lễ nghi chầu phép lành quy định: “ra đền thờ bái một lần, lên trải khăn thánh, mở cửa nhà chầu bái lần nữa…”. Cha trẻ hỏi cha già đã đọc giấy quy định chưa, cha lắc đầu bảo chưa rồi lên giọng khinh khỉnh, coi như chuyện tào lao: “Bái bốn lần hả ? Ừ thì là bốn lần. Chắc là mọi khi cũng bái đủ cả bốn lần…”.
Thái độ vừa báng bổ vừa coi thường phép tắc nhà Chúa của cha già làm cha trẻ phải coi ông ta là “Một ông già đã quá tuổi làm lễ, đã rất hay quên, đã chẳng còn hiểu mình nói gì và sẽ nói những gì…”. Tuy nhiên cha trẻ nhận ngay ra nhận xét thế là sai “Nhưng… hình như không phải là thế, hoàn toàn không phải là như thế…”.
Không phải thế thì hẳn là một lão già quỷ quyệt, nham hiểm khoác áo linh mục phá nhà thờ.Dưới ngòi bút Nguyễn Khải, hai linh mục - cha già và cha trẻ hiện ra như hai địch thủ luôn rình rập triệt nhau chứ chẳng phải cùng “con cái Chúa” hoặc cùng đấng chăn chiên. Sự thực có thế không?
Quả đắng tiếp theo cha trẻ phải nhận là ông trùm đạo An Thuận nhân việc toà Giám mục cấp sắc cho lập xứ đạo riêng đã tổ chức quyên góp chè chén linh đình và đổ hết trách nhiệm cho cha trẻ. Rất may được ông chánh trương mật báo, ông cha trẻ đã kịp thời ngăn được việc đầy tai tiếng đó và than trời: “Ai cũng xấu cả thì tôi biết san sẻ công việc với ai?… Cái miệng lưỡi con người ta gian ngoan thật…”.
Tuy nhiên bản lĩnh linh mục của cha trẻ thực sự bị thử thách là trong việc thay mặt nhà thờ làm chứng cho một cặp vợ chồng trẻ. Anh chồng là bộ đội ở mãi “vùng ngoại vi Saigòn. Bị thương rồi mới chuyển ra đây…”, chị vợ cũng là cán bộ. Anh bộ đội được nghỉ phép 15 ngày để lấy vợ, khi tới xin cha làm chứng thì đã qua mất 5 ngày, bởi vậy anh rất muốn cha viết giấy “làm chứng “ ngay để hôm sau tổ chức lễ cưới tại nhà thờ. Tuy nhiên, theo luật của hội thánh , cha vẫn phải hỏi:
- Hai người đã chịu phép rửa tội tại xứ họ nào?
- Gia đình con vốn ở Lạc Hải, mới về xã được có mươi năm…
Cha Thư hắng giọng:
- Vậy chị phải xin với cha chánh xứ ở bên đó tờ chứng đã làm phép rửa tội…Phải đã chịu đủ các phép bí tích từ khi lọt lòng tới tuổi lớn không mới có thể cho chịu phép cưới. Luật lệ của Hội Thánh đã định thế…
Vậy vẫn còn chưa xong, sau khi đã có hai cái giấy chứng đó rồi thì còn phải dự… khảo kinh nữa. Lúc này “anh bộ đội” mới lên tiếng:
- Xin thú thật với cha, cả hai chúng tôi đều đi công tác đã lâu, kinh bổn chắc là không còn thuộc…
Cha xứ điềm nhiên:
- Nên học lại, vốn đã thuộc thì học lại cũng mau chứ?
- Chúng tôi chỉ còn ít ngày phép. Một trăm thứ việc đồn lại trong mấy ngày, xin cha thông cảm cho…
Cha xứ vẫn quyết liệt:
- Nếu không theo đúng những luật Hội Thánh đã buộc, dẫu làm phép cũng không thành…
“Anh bộ đội đưa cặp mắt nhọn nhìn soi mói ông cha đạo từ đầu tới chân như nhìn một giống người xa lạ, trong giọng nói đã có sự thách đố ngấm ngầm. Anh lên giọng: “Chúng tôi đi chiến đấu không dám kể công với những người ở hậu phương, nhưng ở nơi sống chết mới biết bỏ qua những chuyện vặt vãnh…”
Cha xứ cũng giương mắt nhìn lại: “Đối với người có đạo thì hàng ngày xin ơn Chúa, tỏ lòng tin, cậy, mến Chúa là việc hệ trọng nhất…”
Hai người nhìn nhau gằm ghè…
Thật không ở đâu, ngày giữa nhà thờ, lại có thứ con chiên hỗn hào với cha xứ đến vậy. Hơn nữa, anh bộ đội lên giọng riễu cợt: “Giả thử chúng tôi đều trúng tuyển qua kỳ khảo thi của cha thì điều kiện tiếp theo có phải là bỏ quân ngũ không?”
Vậy là anh con chiên mặc áo bộ đội đã không ngần ngại úp lên đầu cha xứ một cái nón cối tổ bố: ép tín đồ đào ngũ, bỏ bộ đội. Và sau cùng, “anh ta vẫn không rời mắt nhìn ông thầy tu, vành môi trên hơi nhếch lên, cái nhếch môi mới kiêu hãnh làm sao: “Chúng tôi vẫn tự hỏi: Sự có mặt của các cha có cho thêm chúng tôi được cái gì không? Một câu hỏi đứng đắn đấy. Cha còn trẻ, tôi tin rằng cha có đủ thời gian trả lời…”.
Đúng là khiêu khích, phá hoại “chính sách tín ngưỡng của Đảng, Chính phủ”, vậy mà ông nhà văn lại hạ bút khen: “cái nhếch môi mới kiêu hãnh làm sao…”.
Tuy nhiên, mải mê bôi bác, trách móc nhà thờ, ông nhà văn quên béng một điều là bất kỳ “cuộc chơi” nào cũng có luật của nó. Nếu bài xích nhà thờ dữ dội vậy, thì anh bộ đội với chị cán bộ cứ ra Ủy ban mà tổ chức đám cưới theo đời sống mới, hà cớ gì phải vào nhà thờ khẩn khoản cha cố “linh động giải quyết” và khi không được thì lập tức giở mặt buông lời riễu cợt mang đầy tính đe doạ, khi muốn nên vợ nên chồng trước mặt đức Chúa Giêsu.
Nhà văn Nhật Tuấn
"Tam ca" - người đẹp dự thi Hoa hậu Việt Nam |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét