Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Chân dung nhà văn Nguyễn Khải (phần 4)

Nhà văn nguyễn khải.
Căn bệnh nói dối bắt đầu từ lý thuyết Cách mạng dần dần tách khỏi thực tiễn Cách mạng, nhưng chỉ có một lựa chọn, hãy bênh vực đến cùng sự đúng đắn của lý thuyết đã trở thành bảo bối hộ thân của người cầm quyền.

Sau cha già, cha trẻ, Nguyễn Khải cho cha thứ ba “ra sân khấu”. Đó là cha Hoè người “đi làm phúc, đi thăm kẻ liệt” bằng xe máy. Một lần chẳng may cha đâm phải một bà lão, cha phải chở bà vào bệnh viện, phải trả “mười đồng năm hào” tiền thuốc tiền ăn, lại biếu cụ năm chục để cụ bồi dưỡng, ấy thế mà con gái cụ vẫn mò đến tận nhà xứ - mà theo lời cha - “cái con quỷ cái ấy nó vừa khóc lóc vòi tiền, lại vừa hăm doạ xa xôi, rút lại cha đành phải đưa thêm cho nó năm chục nữa. Vị chi là một trăm mười đồng năm hào. Ấy là chưa kể tiền xăng đi đi về về thăm nom bà lão suốt mười ngày điều trị…”.
Diễn tả vậy, giống thằng chạy mánh đâm phải bà cụ rồi xuýt xoa tính toán chi li số tiền phải móc ra đền, chứ chẳng phải một cha xứ gây tai nạn sau đó săn sóc họ với tình thương bao dung.
Một hôm cha Hoè tới thăm cha Thư, dùng cơm trưa xong, “khách quý hớp một ngụm nước to, súc nhổ ầm ầm, lấy tăm gẩy giòn giã cả hai hàm răng vừa to vừa khoẻ rồi lại tiếp tục nói ào ào…”. 
Đúng một anh lái trâu chứ không hề là một linh mục chăm sóc phần hồn con chiên. Tuy nhiên đọc tiếp, người ta lại thấy cái ông linh mục Hoè này ngoài hình hài “lái trâu”, bên trong lại đúng là một ông cha cố “quốc doanh” được cài vào giáo hội khủng bố tinh thần linh mục. 
Cơm nước xong, cha Hoè doạ cha Thư: “Chắc là cha biết chuyện Ủy ban xã Lạc Hồng mời cụ Vịnh (linh mục) lên chất vấn chứ?”. 
Rồi cha Hoè kể tội: “Thật không ai dại như cụ Vịnh. Người ta vừa bế mạc hội nghị Thiên Chúa giáo chiều thứ bảy, sáng chúa nhật là ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, cụ dám lên Toà giảng nói xưng xưng: “Chúa Thánh thần lấy hình lưỡi lửa hiện xuống, cho nên người bổn đạo phải chú ý sửa lưỡi, phải nói ngay nói thật kẻo lỗi giới răn thứ tám…”. Nói thế bằng tuyên chiến công khai với mặt trận còn gì…” 
Và cha rủa cha Vịnh: “Mà ông ta đâu đã trọn, cũng gian dối, cũng mưu mẹo còn hơn kẻ khác…”. 
Nghe cha Thư nói cha không làm gì cha đâu có sợ, cha Hoè lại doạ: “Cha không làm gì nhưng kẻ khác làm người ta vẫn cứ lôi cha vào. Một thằng áo chùng làm láo thì cả bọn áo chùng phải mang tội mang vạ. Biết để còn kịp ngăn nhau chứ…”. 
Rồi cha giở trò “tâm lý chiến: “…chỉ những tội trọng mà cụ Vịnh đã chủ mưu, đã nhúng tay trong thời kỳ sửa sai cải cách ruộng đất cũng đủ để chính phủ họ xử bắn rồi, không phải chỉ bắn một lần mà phải bắn đủ mười lần. mấy năm nay con đi hầu cụ Vĩnh tại xứ Nhất này, nên con biết…”. 
Khủng bố tinh thần cha Thư chán chê, cha Hoè mới lộ ý đồ bêu xấu, báng bổ Chúa: “Con được cử ra coi sóc xứ đạo trước cha vài năm, con xin thưa với cha một sự thật đau đớn. Nơi nào phần đời thịnh thì giáo hữu còn làm được việc này việc khác, yên ấm nhiều bề. Nơi nào phần đạo thịnh thì cờ bạc, rượu chè, kiện cáo, đôi khi còn đánh chém nhau ngay cả trong nhà xứ. Mắt con nhìn thấy, tự con là người trong cuộc, bảo rằng không nên tin thì chỉ còn cách đâm thủng cả hai tai, chọc mù hai mắt…”. 
Sau khi mượn mồm giáo dân, chánh trương, trùm họ với cả cán bộ Đảng và Nhà nước bôi bác đạo chưa thoả, Nguyễn Khải chui cả vào mồm linh mục chửi cho bõ tức. 
Cứ theo đúng lời cha Hoè thì giải tán nhà thờ, bỏ mọi việc đạo xã hội sẽ “yên ấm” nhiều bề, còn không sẽ biến hết thành ma quỷ, xúm vào đâm chém nhau. Vốn là linh mục mới ra trường, đức tin còn nặng, cha Thư không sao lọt tai những lời phản Chúa, ông “cười nhợt nhạt”: “Nếu tôi hiểu được lời cha nói thì cha đang làm lại giáo lý?”. 
Đây thật là một lời kết tội nặng nề với một đấng “chăn chiên”, nhưng với cha Hoè, chẳng là cái gì, cha vẫn thở ra cái “triết lý sống” vô thần sặc mùi chính trị thực dụng: “Nếu con làm theo ý muốn của đức Giám mục thì thân con phải ngồi tù, xứ đạo sẽ khô héo. Con làm theo cách hiểu của con thì việc đời sẽ vui vẻ mà sự đạo cũng trọn lành”. 
Cái cách của cha là cam chịu trở thành cái đuôi cho chính quyền tha hồ vẫy ngược vẫy xuôi, nhà thờ và giáo hội chỉ còn là một tổ chức quần chúng của Đảng, “kính Chúa và yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội…” - chính là cái cách Đảng đưa tôn giáo theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội… 
Vài ngày sau, trên đường “kiệu mình Thánh” ở các xã, cha Hoè lại ghé vào thăm cha Thư. Lần này cha Thư còn kinh ngạc hơn nữa vì cha Hoè “Không mặc áo nhà tu mà vận sơ mi ngắn tay màu vàng nhạt, quần mầu sẫm, đi giày da nâu, đầu trần, lại cả kính râm nữa. Với bộ quần áo ấy nom cha trẻ đẹp hẳn, mà tự nhiên, thoải mái hết sức…”. 
Đúng là một gã làng chơi chứ chẳng ai ngờ đó lại là cha xứ. Đã vậy ông còn chọc tức người đồng đạo: 
- Con mang cái vỏ của thế gian nom có nghịch mắt quá không? 
Cha Thư kêu lên : 
- Đi kiệu Mình Thánh mà mặc xống áo này? 
Rồi cha giảng giải: 
- Tôi đi kiệu Mình Thánh phải đi từ sớm mai, túi Mình Thánh đeo trước ngực, áo phép phủ ngoài, dọc đường chỉ nghĩ tới những sự khốn khó Chúa phải chịu, ai hỏi không nói, ai gọi không thưa, mà còn hãi chưa được sùng kính… 
Cha Hoè không những phớt lờ cả luật lệ nhà thờ mà còn trâng tráo, báng bổ: 
- Con thì khác. Đã hỏi là con phải thưa, phải chào. Còn nghiêm mặt đi thẳng họ lại nghĩ mình hờn giận việc gì, bực tức gì sinh hiểu nhầm nhau rồi khổ… 
Thế rồi ông cha Hoè chở cha Thư đi tham dự “tuần chầu lượt thay địa phận”. lúc xe máy chạy qua chợ, các cô bỡn cợt , “hét lanh lảnh”: 
- Anh ơi… anh cho em đi cùng với… 
Cha Hoè ngồi nhún nhảy, miệng trả lời, đầu vẫn không ngoảnh lại: 
- Lần sau, lần sau tôi sẽ cho ngồi cùng… 
"Cát vàng" - Hot girl Việt Nam
Cái cảnh “cha và con” chim chuột, bỡn cợt nhau giữa ban ngày ban mặt ngay giữa chợ liệu có thể có ở một xứ công giáo toàn tòng như Bùi Chu - Phát Diệm? Thời bấy giờ, cả nước đang đói, nông dân vắt mình trên đồng ruộng hợp tác mỗi công tính ra cũng chỉ được vài lạng thóc, ngày hai bữa ngô sắn, rau muối là chính, vậy mà ông nhà văn tả bữa ăn của các cha xứ thật không thua gì mấy ông Ủy viên Bộ chính trị: “Thịt gà rán, miến xáo lòng, lại thêm bát riêu cá thật cay, ăn với rau ghém…”. Hai cha lại còn có cả rượu thuốc đưa cay. Cha xứ sống “sướng” như vậy, ai chẳng muốn đi tu.
Sau bữa cơm có một cặp trai gái đến xin làm phép cưới. Khác với cái lần “anh bộ đội và chị cán bộ” bị cha Thư từ chối vì không thuộc kinh; lần này cha Hoè khôn hơn, gà cho hai con chiên: “Thế nào, không thuộc được một câu nào hả? Chỉ cần thuộc một câu là tôi làm tờ chứng cho ngay. Vậy kinh Tạ ơn Đức bà có thuộc không? “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Lời ở cùng bà…”. 
Vậy là xong, “thủ tục” lễ cưới tại nhà thờ được giản hoá tới mức độ hài hước làm cha Thư thắc mắc: “Họ làm những công việc thiêng liêng ấy một cách trần tục vậy sao?”. 
Khi còn lại hai cha với nhau, cha Hoè mới “truy vấn” cha Thư, dồn cha vào cái bẫy kết tội cha “lẹo tẹo” với con chiên: “Con lạy cha, cha đừng diễn trò cả với con nữa. Cô ấy đã thú nhận với cả con rồi… cha đã lợi dụng lòng sùng kính thiêng liêng của những cô gái thơ ngây để mưu lợi lộc cho riêng mình…”. 
Cha Thư choáng váng trước đòn vu cáo trắng trợn. Cha như “Người bị bóng đè, muốn kêu cứu thật to nhưng tiếng kêu không lọt qua được kẽ răng, muốn vùng chạy ra ngoài nhưng chân tay đã bị trói chặt. Còn cái mặt quỷ thì cứ sát gần lại mãi, đã nhìn rõ cả vè mắt của nó, chóp mũi của nó, chân răng của nó. Và cả cái giọng nói của quỷ, nhẽo nhợt, tanh tưởi, cứ bò bám lần lần lên khắp da thịt…”. 
Người đọc cảm giác hai linh mục giống y hai cán bộ. Họ cũng moi móc, sát phạt, nhìn nhau như quỷ dữ chẳng khác gì trong “đấu tố”. Cái lối trắng trợn lột trần nhau không phải của các nhà tu hành mà chính là của cán bộ Đảng: “Cha phàn nàn kêu ca rằng diềm ren áo lễ của cha rách, rằng giây thắt lưng của cha ngắn, rằng vải may áo chùng thâm vừa thô vừa dày. Cha đã kêu than thì bọn họ phải góp sức mà lo liệu… Đến khi việc vỡ lở, chính quyền can thiệp, lập tức cha nhắm mắt, sõng tay, coi như kẻ đứng ngoài. “Nào tôi được biết gì đâu. Họ đã lợi dụng danh nghĩa tôi để làm bậy đấy chứ!”. 
Cha Hòe chẳng những không còn “đức tin nơi đức chúa Giêsu” mà đối với đức cha bề trên cũng đầy tức tối: “Quay mặt về toà giám thì đấng bề trên chỉ một mực hò hét chống cộng, bất hợp tác với chính quyền. Ấy là ngài xui bề tôi làm, còn chính ngài lại nhỏn nhẻn, nhũn nhẽo như kẻ biết vâng phục nhất. Rủi khi mình bị tóm gáy, còng tay thì ngài mới sửng sốt kêu lên: “ơ, cái thằng ngu thế, Chúa nào bảo nó chống lại người cầm quyền. Nó có ngồi rục xương trong tù cũng là phải…”. 
Cha bề trên đã vậy, đến các linh mục chăn chiên ở bên dưới cũng ma lanh không kém: “Nhưng, thưa cha kính mến, chúng con cũng khôn lắm, chúng con đã liếc mắt, cười duyên với nhà cầm quyền từ lâu rồi. Hẳn là họ phải tin chúng con hơn, dẫu sao chúng con cũng được lớn khôn dưới chế độ mới. Còn cha quản hạt , người coi sóc giáo lý và tu đức của chúng ta ? Ông ấy mặc kệ, ai muốn làm gì thì làm miễn là đừng có lôi ông ta vào cùng một rọ…”. 
Cứ thế, nhà văn tưởng tượng ra những “con ngựa thành Troie”, những cha cố phản Chúa “đi đêm với cộng sản”. Phải chăng đây là khía cạnh “triết luận” giữa “công giáo” và “chủ nghĩa xã hội” mà phê bình gia Vương Trí Nhàn đã tâng bốc ngay khi tác phẩm Nguyễn Khải mới xuất bản? 
Sau vố bị cha Hoè truy vấn và mạt sát, cha Thư rút ẩn vào chính mình, “đã hoá ra con người trầm lặng và buồn bã”. Trong số người giúp việc, cha chỉ quý mến có mỗi mình một cậu bé giúp lễ tên Tú với một tình cảm đặc biệt: “Cậu bé chỉ đứng nhìn ông cha trẻ bằng cặp mắt trong suốt, nghiêm nghị và miệng hơi mỉm cười là bao nhiêu bực giận đã lập tức tiêu tan , là đã muốn mỉm cười đáp lại và thăm hỏi một câu thật dịu dàng”. 
Tình cảm giữa ông cha trẻ và cậu bé giúp lễ được đẩy xa tới mức như tình cảm… cha con, anh em lại phảng phất mầu “đồng tính”: “Vả lại cậu ta còn biết cách săn sóc người chủ vừa tỉ mỉ vừa âu yếm, đem lại cái vị mặn của trần tục vào cuộc sống nhạt nhẽo thiêng liêng. Chính là cái vị muối của thế gian đã gắn bó họ lại như anh em, như cha con và nếu họ phải xa nhau thì nỗi đau đớn chia ly cũng sẽ rất xác thịt…”. 
Mê mẩn cậu phụ lễ, đức cha lên giọng: “Người lớn hay nghi ngờ, hay cứng cỏi, còn trẻ con thì tin tưởng và phó thác. Người lớn thì kiêu ngạo, tham lam, còn trẻ nhỏ thì hiền hoà , nhường nhịn. Người lớn gian xảo, dối trá, còn trẻ nhỏ chỉ nói có nếu là có , nói không nếu là không. Người lớn là con rắn, trẻ nhỏ là bồ câu. Chúa đã từng vẫy gọi :” Hãy để trẻ thơ đến cùng ta, đừng có cản chúng. Bởi chưng nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng…”. 
Cha có thể ca ngợi trẻ con, nhưng sao lại gây cho chúng thù ghét, ngờ vực người lớn đến thế này: “Con ơi! Thầy ghê sợ mọi người, trừ trẻ nhỏ. Ai ai cũng có thể hãm hại được thày, trừ những kẻ trong trắng, ngây thơ như các con. Thầy nói bằng thật vì thầy đã từng biết. Lời nói ngọt ngào nhưng lại đọng vị đắng cay; mời chào và cởi mở là bẫy vô hình: gương mặt thánh thiện che đậy những mưu mô hiểm độc. Thầy đã bị khốn mấy lần rồi. Con nên tin lời thầy dặn…”. 
Xa hơn nữa, cha còn xúi bậy: “…phải biết ngờ vực những cảm tưởng tốt đẹp ban đầu, phải biết tránh xa những cám dỗ có tính xác thịt. Mắt thấy đẹp tức là không đẹp, tai nghe hay tức là không hay, lưỡi nếm ngon tức là không ngon…”. 
Linh mục là đấng chăn dắt linh hồn cho con chiên. Con chiên gần gũi linh mục ắt phải được học hỏi, trau dồi tâm hồn trong sáng và cao thượng. Vậy mà cậu bé phụ lễ gần gũi cha Thư, suốt ngày bị cha nhồi nhét tư tưởng thù hằn và mất lòng tin vào người, nhà thờ đã biến thành nơi đầu độc con người nguy hiểm như vậy, liệu có đáng tồn tại? Phải chăng đó là “triết luận” về đạo Thiên chúa và “chủ nghĩa xã hội” của Nguyễn Khải? 
Cậu Tú phụ lễ sống trong nhà đạo vẫn phải đi lao động công ích với thanh niên trong xóm. Ra tiếp xúc với đời, cậu lại nghe lời khích bác rủ rê: “Giả sử chúng tôi lại có một người con trai như cậu, nói cậu bỏ lỗi nhá, thì tôi chẳng còn ước ao cái nước thiên đàng nào khác. Cậu đưa bàn tay tôi xem, bàn tay đẹp quá, vừa mỏng vừa mềm, tay này có học nghề gì cũng mau giỏi, mau khéo…”. 
Ra ngoài đời được tâng bốc rủ rê, trở về nhà đạo, cậu Tú lại ngập tai những chuyện bê bối xấu xa trong các thầy dòng, các cha cố. Nào chuyện khai gian tiền chợ, nào chuyên trai gái của các cha… Cứ một đằng “đời” thì kéo, một đằng “đạo” thì đẩy như vậy, trước sau cậu Tú phụ lễ cũng phải bỏ đạo mà về với đời. Cậu phàn nàn với ca xứ: “Thưa thầy, ngày hôm nay con được nghe nhiều chuyện đến nhơ nhớp , chưa bao giờ con được nghe người ta nói với con, nói với nhau những chuyện lạ lùng đến thế…”. 
Lẽ ra cha xứ là linh hồn của nhà thờ, phải bảo vệ uy tín cho đạo, phải tìm cho ra thực hư trong “những câu chuyện nhơ nhớp” mà cậu phụ lễ “buôn chuyện” ở đâu, đằng này cha lại phụ hoạ, bôi thêm tiếng xấu, kể tội nhà thờ mà chính cha là đại diện: “Một cặp kết bạn đến đưa cho đấng chăn chiên tám chục đồng, đấy là tiền biếu riêng, còn phí tổn dầu nến người ta đã chi một món khác rồi. Đấng chăn chiên đưa trả lại năm đồng, chỉ cầm có bảy mươi nhăm đồng, rồi bảo: “Cha chỉ lấy một nửa, còn cha cho con một nửa. Vậy là cha đã nâng giá lễ xin phép cưới từ tám chục lên trăm rưởi…”. 
Vào những năm thập kỷ 60, chuyện cha bỏ túi tiền “làm lễ cưới” là “tội lỗi xấu xa”. Cha lại tố cáo tiếp: “Có bảy cặp làm lễ vào tối thứ bảy. Sáng chúa nhật linh mục rao ở nhà thờ chỉ hoan hô có ba đôi sáu anh chị em đã có tinh thần ngoan đạo. Đấy là ba đôi có tiền xin lễ cưới, còn bốn cặp kia chỉ làm phép cưới suông thì coi như không có. Có tin được không? Không thể tin được! Không thể tin như vậy được! Lạy Chúa…”. 
Cha kêu lên vì phẫn nộ, cha không còn biết chia sẻ với ai cái nỗi ghê tởm đó ngoài cậu phụ lễ. Vậy là hai người đã ngầm họp thành một khối tách khỏi sự dơ bẩn của nhà thờ. Ông nhà văn không dừng ở đó, ông còn đẩy cha cố và thầy phụ lễ đi xa hơn nữa về phía… cách mạng để trong cuộc đối đầu giữa “tôn giáo” và “chủ nghĩa xã hội”, phần thắng phải thuộc về “sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”, minh hoạ cho “luận thuyết” “ai thắng ai” một thời bao trùm lên đời sống tinh thần dân miền Bắc. 
Thế rồi một ngày nọ, ông chánh trương trố mắt nhìn cha linh mục ăn mặc lạ đời: “Cha mặc chiếc quần xanh đã cũ, một cái áo cộc tay nhuộm nâu, chân đi dép cao su, đầu đội mũ lá như… một anh cán bộ”, khiến ông chánh trương phải kêu lên: “Lạy Chúa ! cha đi đâu sớm vậy , mà lại ăn mặc như vầy?”. 
Hoá ra cha đi thăm… bà con đang lao động sản xuất, hơn thế nữa, cha muốn cùng lao động với bà con: “Ông chánh giới thiệu tôi với ông phụ trách tổ làm màu nhá. Tôi muốn hàng ngày tới đó làm một buổi. Còn việc nhà Chúa chỉ cần làm một buổi là đủ…”. 
Ông nhà văn thật “to gan”, ông gán ghép cho cả cha cố “giác ngộ ý thức lao động”, coi “lao động là vinh quang”, từ bỏ vị trí “đạo cao đức trọng” để đòi “ba cùng” với nông dân không khác gì cán bộ cải cách ruộng đất. Tất nhiên ông chánh trương không đời nào để cha phá vỡ lề luật của nhà thờ như vậy. Ông nhắc nhở cha: “Chúa đã phân mỗi người một việc. Việc của cha trọng hơn việc chúng con, sao lại bỏ việc trọng để làm những việc khác…”. 
Cha chẳng những không nghe theo ông chánh trương mà còn tỏ vẻ thích thú được thoát cái vỏ làm cha: “Tôi ra cùng làm với bà con chứ thăm thú gì… 
Ra đến đường, cha Thư lấy kính râm đeo rồi hỏi nhỏ: “Nom tôi đã ra anh cán bộ chưa?”. 
Ối Giêsuma lậy Chúa tôi, làm cha cố mà lại muốn… giống anh cán bộ, muốn học theo bác Hồ “đi sâu đi sát”, cùng lao động với nhân dân. Ông “cha cố” của Nguyễn Khải đúng là cha dở người, sắp bỏ áo choàng thâm để xin vào Đảng thật rồi. Quả nhiên ông chánh trương nghĩ thầm về cha: “Ông này đã ra dở thật. Mặt mũi thì võ vàng, quầng mắt thì thâm đen, ăn nói lúc khôn lúc dại. Đến tội nghiệp!”. 
Và cố khuyên giải cha: “Cán bộ họ không vận áo thâm chùng, thì người mặc áo thâm chùng không nên vận quần áo của cán bộ, ăn mặc phải cho nó phân minh…”. 
Tất nhiên, cha Thư không hề có ý định bỏ đạo, ông chỉ muốn làm một thứ “linh mục đời mới” một chân trong nhà thờ, một chân thò ra ngoài xã hội, thực hiện đúng phương châm Nhà nước đề ra cho các nhà tu hành sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa: “tốt đời đẹp đạo”. Bởi thế, cha Thư mới tuyên bố: “Tôi vẫn dâng trọn đời tôi để rao giảng Tin Mừng, nhưng không ở nhà tu, không mặc áo chức. Tôi sẽ sống như mọi người…”. 
Đó chính là cái hình mẫu “linh mục” “tốt đời đẹp đạo” mà Đảng và Nhà nước bấy lâu nay vẫn đưa ra làm mẫu mực trong Hội những “người công giáo yêu nước”. Hóa ra cái gọi là “triết luận về Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa xã hội” mà “phê bình gia” Vương Trí Nhàn gán cho “Cha và con” của Nguyễn Khải chẳng có gì ghê gớm mà chỉ “minh hoạ” chủ trương “tôn giáo vận” của Đảng và Nhà nước với hình mẫu quái thai “cha cố tốt đời đẹp đạo” mà thôi. Cái hình mẫu “quái gở” ấy nhất định vấp phải sự phản đối của con chiên. Bởi thế khi cha Thư xin một chân “lao động sản xuất” ở trại rau để “tự nuôi mình” lập tức bị ông Tài - con chiên, phản đối: “Lạy cha, cha mà làm thế bằng trát bùn vào mặt chúng con còn gì. Xứ đạo này đâu đã đến nỗi túng thiếu?”. 
Cha xứ vẫn khăng khăng đòi đi “lao động sản xuất”: “Họ nghĩ sao mặc họ, miễn là mình làm không sai…”. 
“Achilles trầm ngâm nhìn xác Patroclus” - tranh của họa sĩ Pellegrini
Quả thực nhà văn viết về linh mục hay về thanh niên “tích cực lao động xã hội chủ nghĩa” đây? Chẳng thế mà ông cho linh mục hăng máu lên, mạt sát nhà thờ: “Tôi không muốn sống như các linh mục khác, sống như thế nhơ nhớp lắm, mỗi người nhơ nhớp mỗi cách. Tôi còn trẻ, tôi còn đủ thời giờ để lại chút ít tiếng tốt cho xứ đạo. Bằng không làm được gì hơn thì trả lại áo chức mà về. Sống như kẻ có tội đã đau đớn, lại không được phép cứu chuộc mới thật là đau đớn hoàn toàn…”.
Trải qua mấy thập kỷ, Nguyễn Khải liệu đã thấy rõ, ai là người sống nhơ nhớp? Các linh mục trong nhà thờ hay các quan chức ngoài đời? Bàn tay dàn xếp của ông nhà văn quá lộ liễu làm mất đi phần chân thực là cái cốt lõi, không thể thiếu cho một tác phẩm văn chương.
Ban chánh trương không cho cha “tham gia lao động sản xuất” sợ mang tiếng, thì “cha đi lang thang khắp các xóm, vào nhiều nhà, hỏi han đủ chuyện và nếu chủ nhà giữ lại mời cơm thì cha trả lời rất nhũn nhặn: “Tôi đã ăn rồi, tôi không ăn được nhiều, đừng có ép tôi…”. 
Xưa nay, các xóm đạo được cha tới thăm là một vinh dự cả làng cả xóm, rục rịch chuẩn bị đón cha từ mấy ngày trước. Riêng cha Thư thì ngược lại, vì cha cứ tới luôn xoành xoạch “Ngồi tiếp thì mất việc mà bỏ đi làm cũng không đành, nên vừa thấy sứ giả của Chúa lò dò vào cổng là trẻ con được bảo trước đã chạy vội ra nói dối bố mẹ hay ông bà nó vắng nhà…”. 
Thật chưa ông linh mục nào giảm sút uy tín trong con mắt giáo dân như cha Thư cho dù đã cố gắng thực hiện phương châm “tốt đạo đẹp đời” mà Đảng và Nhà nước cho kẻ thành khẩu hiệu dán đầy ở các xóm đạo. 
Đi xuống dân bị dân tránh mặt, cha Thư đành “Đóng cửa ngồi lì trong phòng riêng đọc sách từ sáng đến tối, không tiếp một ai…”. Ngồi trong buồng chán, cha Thư mang sách ra ngoài trời đọc. Hôm đó cha tìm được “một cụm tre ngay sát một cái cầu đá”, rất yên ắng và mát mẻ để ngồi đọc sách. Dân làng dường như đã quen với những hành vi khác thường của cha xứ nên khi cha vừa đi qua “họ liền ngoái cổ nhìn theo, cái nhìn bần thần xót tiếc: “Khốn nạn! Con người khoẻ mạnh đẹp đẽ thế mà ra dở?”. 
Cha xứ đã muốn “lìa đạo”, lại thêm ngồi đọc sách ở cái “cụm tre bên cái cầu đá” lại gặp một anh… tu xuất, bỏ đạo về đời. Anh này đã học ở “tràng lý đoán” – tức trường học ra làm cha xứ được vài năm, đã “chịu phép cắt tóc là đã được vào sổ các thầy tư giáo”, trong Hội thánh có 7 chức thì anh ta đã “được chịu chức cầm nến” tức là chức thứ tư rồi, chỉ còn hai năm nữa là anh ta đã thành linh mục năm mới 24 tuổi. Tu sắp thành “chính quả” vậy mà ngang xương bỏ về bởi lẽ những thầy dạy anh trong hội thánh đều là bọn mà anh ta cho là “học vấn thì tầm thường, mọi quan niệm đều lạc hậu, tư cách lại hèn kém, nói cho thật họ không được phép rao giảng những lời cao đẹp…”. 
Dựng nên nhân vật cha Thư chửi đạo dường như chưa thoả lòng, ông nhà văn Nguyễn Khải phải đẻ thêm chàng “tu xuất” nữa để mượn mồm chửi tiếp. Anh này đưa ra lý do bỏ tu thật “cao quý”: “Con chỉ không muốn bị dắt kéo bởi những người mù. Theo chân họ rồi có ngày bị sa hố…”. 
Ta hãy thử tưởng tượng một chàng thanh niên tuổi măng tơ, vào trường dòng từ nhỏ, sắp sửa tốt nghiệp thành cha, vậy mà dám chê bai những người thày của mình là hèn kém, là dốt, là mù… thì anh ta nếu không phải phường vô ơn bạc nghĩa cũng là quân đầu đường xó chợ, trốn học đi bụi đời. 
Sau lần cha Thư nghe thày “tu xuất” báng bổ đạo được vài ngày thêm ông cha Hoè hăng hái bôi đen cái áo choàng thâm nữa. Ông này kể về một “chiến sĩ đầy lòng quả cảm của Hội thánh, một nhà lãnh đạo và tổ chức hết sức khôn ngoan của địa phận”, người đó là “cha Vinh” vừa mới bị “đuổi khỏi hàng ngũ giáo sĩ hết sức đột ngột” vì tội… hủ hoá. 
Bằng một giọng vô cùng khoái trá của kẻ tiểu nhân, cha Hoè kể lại vụ việc “ngã ngựa” của người đồng liêu. Trước hết cha mạt sát: “Ông Vinh được chết lành thì còn ai muốn giữ mình cho nên. Một đời mưu chước hại người, nay mới bị người hại lại. Mà dơ dáy vô cùng, dẫu người thân cũng phải che mặt mà tránh…” 
Chửi bới chán chê rồi cha mới đi vào tường thuật chi li bằng thứ ngôn ngữ chẳng phải của nhà tu hành chút nào: “Cái đứa nữ ấy cũng đã ngoài ba chục tuổi, vốn có tính huê nguyệt, người mỡ màng phốp pháp, ăn nói cũng khôn khéo, ngọt ngào… Cha đã có tuổi hay đau ốm vặt nên cái đứa kia mới có dịp bưng cơm lên dọn cơm xuống, rồi hầu nước hầu thuốc, lâu dần thành cô hầu phòng, ngày nào không thấy đến, ông già lại có ý giận, có ý ghen…”. 
Lẽ ra nói về “cái sự trượt ngã của người khác”, nhất của đức cha Tổng Giám mục, nếu là người có đôi chút tự trọng, ắt chỉ nói qua loa, vắn tắt, bóng gió, ngờ đâu, cha Hoè càng kể càng chi li, thích chí: “Mà chuyện cũng đã dăm sáu năm nay rồi, chứ chẳng phải mới có ngày hôm qua… Mãi đến đêm hôm vừa rồi, cái chuyện mờ ám giữa hai người mới hoàn toàn bị vỡ lở. Ai đời ngủ với nhau lại không cài then cửa bao giờ. ờ thì cái chuyện ăn vụng bị bắt quả tang tiếng là xấu nhưng thế gian cũng đã thường. Cái tâm lý con người mình có thể hiểu được…”. 
Rào đón kỹ càng rồi, cha mới hạ nhục đồng liêu xuống đất đen: “Nhưng cái ông già ấy lại quỳ sụp xuống mà xưng con xưng cháu, khóc lóc kêu van những kẻ đối địch hãy tha thứ , hãy làm ngơ , cần gì sẽ dâng hiến bằng hết thì tôi không thể nào hiểu nổi. Cái tâm lý ấy nó kỳ quái quá, làm sao mà hiểu được …” 
Cái giọng bôi bác “thày cả” độc địa không chút tình cảm thông, đập một nhát cho chết, rõ là không phải giọng của linh mục “đồng liêu” mà là của… ông nhà văn ra sức bôi bác nhà thờ lấy điểm với Đảng: “Cấy ác thì gặp ác, dẫu là tôi tớ của Chúa cũng chẳng thể bênh. Chúa chẳng có tội gì còn bị đẩy lên khổ giá huống hồ một kẻ tội lỗi chất chồng. Rồi còn nhục nhã hơn nữa kia, chưa hết đâu…”. 
Thật khó hiểu vì sao, đức cha Hoè sau khi đã thoả thuê mạt sát đức cha Vinh tội hủ hoá, lại còn lớn tiếng chửi bới suốt lượt cả giới linh mục nhà Chúa mà chính ông ta cũng là một thành viên: “Có nhiều cha hễ mở miệng nói rặt điều nhân đức nhưng cách sống lại rất đáng phàn nàn. Chuyện ông Vinh chỉ là một chuyện vặt được lôi ra trước công luận. Còn lắm chuyện hệ trọng hơn vẫn được nhiều đấng bậc ở toà giám giữ kín trong bóng tối, con là cái thằng hay thóc mách nên cũng biết được ít nhiều. Vì được biết ít nhiều nên con mới dám nói này nói nọ mà không sợ bị phạt vạ treo chén. Họ làm bậy còn được quyền tế lễ Chúa, huống là con…”. 
Thực là một lời tố cáo hết sức đanh thép “sự thối nát” của Toà Giám mục, nhất từ miệng đức cha sống ngay trong nhà Chúa thử hỏi ai còn dám nghi ngờ. 
Bôi đen đạo thiên chúa là cảm hứng xuyên suốt “Cha và con và…” cho tới tận chương cuối. Ông cha Vinh sau khi bị bắt quả tang ngủ với cô hầu phòng đã “cướp quyền của Đức Chúa Trời, tự huỷ hoại cuộc sống của mình. Khi người nhà xứ phá cửa vào đã thấy xác treo lủng lẳng…”. 
Thế rồi một hôm cha quản hạt cho gọi cha Thư – ông linh mục đang “chán đạo muốn về đời”, tra vấn: “Xin cha tha lỗi cho tôi nếu tò mò muốn hỏi một câu này: cha còn điều gì chưa được hoàn toàn hài lòng về những người cộng sản?”. 
Đó là một xúc phạm với cha Thư - vốn rất cảm tình với cách mạng, bởi vậy cha nghiêm mặt: “Thưa cha, sao cha lại hỏi con chuyện đó?”. 
Rồi cha bầy tỏ “lập trường cách mạng”: “Con cảm phục cuộc cách mạng nói chung, có cách mạng chúng con mới được làm người tự do, làm một giáo sĩ tự do.Nhưng con chưa thể hoàn toàn bằng lòng những cán bộ cách mạng nói riêng. Đến là mâu thuẫn. Nhưng… thưa cha, con có thể sống được lâu dài với cái mâu thuẫn ấy. Vì con biết vâng lời người cầm quyền...”. 
Ông nhà văn Nguyễn Khải quả rất ranh ma khi mượn lời toàn người nhà Chúa mạt sát các đấng chăn chiên. Cuốn sách gọi là tiểu thuyết “Cha và con và…” thực ra là một bản án hết sức nặng nề đối với Thiên Chúa giáo tại Việt Nam mà lạ thay gần 40 năm sau khi ra đời vẫn chưa một ý kiến phản biện nào thuộc phía những người bị bôi xấu. Cuốn sách vẫn nghiễm nhiên là một “thành tựu” trong kho tàng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
Chính vì cuốn sách vẫn được coi như thành tựu văn học hiện đại, vẫn được rao giảng trong nhà trường nên cần thiết phải đi cho hết nó. 
Nhà văn cho ông cha trẻ nói năng “lập trường” vậy, đến ông cha già quản hạt lại còn “cách mạng” hơn. Cha “chỉnh” câu trả lời của cha Thư: “Vâng lời chưa đủ, còn phải hiệp tác. Có hoan hỉ thật lòng thì mới hợp tác được”. 
Vậy cha quản hạt muốn cha Thư phải ngoan ngoãn vâng lời nhà cầm quyền một cách tự nguyện chứ không phải miễn cưỡng, tức phải “hoan hỉ mà vâng lời” kia. Bởi vậy sau khi gặp cha quản hạt trở về, cha Thư vui vẻ cho phép cậu giúp lễ tham gia vào… đội gặt của hợp tác xã. Khi cậu ta đi rồi, cha càng thấy chán đạo, càng cảm thấy nhà thờ ngày càng giống như nhà tù: “Rồi trong cái nhà tù này chỉ còn có ta thôi, một ông cha xứ đã lẩn thẩn và mấy người hầu việc đã quá già. Nhà tu, nhà nguyện, nhà dòng, nơi chỉ chăm lo có sự cứu rỗi thì bóng tối và cái chết là ơn ích của nó…”. 
Không hiểu ông nhà văn còn đòi hỏi nhà thờ những gì ngoài “chăm lo sự cứu rỗi”, không lẽ ông muốn biến nhà thờ thành hợp tác xã thủ công sản xuất quạt nan hoặc đậu phụ thì mới xua được “bóng tối và cái chết”? Nhìn nhận tôn giáo nông cạn thế mà ông muốn nhân danh “chủ nghĩa xã hội” để “triết luận” với thiên chúa giáo thì thật tức cười. 
Cái nỗi buồn chán đạo đẩy ông cha trẻ đến chỗ muốn cởi bỏ cái áo chùng thâm: “Còn luyến tiếc làm gì, còn tìm cách lại gần làm gì cái thế gian của những bổn phận, những mưu trá, những khổ đau. Những…ngay trong toà nhà của ông thánh Phêrô vẫn có đầy đủ mọi tấn bi kịch đã từng xảy ra ở ngoài đời”. 
Nếu “ngoài đời” cũng đầy rẫy những thối tha như trong “nhà thờ” thì đức cha cứ ở yên trong nhà Chúa tội gì về với đời? Tuy nhiên, ông cha trẻ còn cho rằng “nhà thờ” còn thua cả “ngoài đời” ở chỗ: “Ngoài đời còn có sự sống và ánh sáng, chứ còn ở đây thì chỉ có mùi ẩm mốc và cái chết…”. 
Thật là một câu chửi đạo Thiên Chúa mang đầy tính khái quát. 
Cha Thư đã chất chứa trong tâm can biết bao sự phiền muộn và khinh ghét giáo hội, lại thêm khi tới thăm gia đình ông chánh trương được bà vợ ông này “tố khổ” tội lỗi của các linh mục trước kia: “Trình cha với cố, mấy năm Pháp nó đóng đồn ở đây, cha Hoàng Quỳnh từ Phát Diệm sang coi sóc xứ đạo này, chúng con đã tưởng tới ngày mạt thế. Cha đòi lại ruộng đất được chính phủ chia cho năm trước, rồi truy tô các chủ ruộng, thiếu một đồng cũng không được. Kẻ nào chậm chạp lập tức bị nhốt hầm ngay. Ông lão nhà con cũng bị nằm hầm cả mấy tháng. Kẻ có đạo chỉ biết kêu xin có Chúa, nhưng đấng thay mặt Chúa lại bịt chặt cả mọi đường. May mà anh em bộ đội về giải phóng sớm, chậm chút nữa không khéo các cụ ấy giết chết hết con chiên…”. 
Đến vợ ông chánh trương tức phu nhân của ông đứng đầu các con chiên mà còn thở ra những lời lẽ “căm thù” các đấng chăn chiên như thế, thử hỏi cái xứ đạo này có đáng “giải tán” không? Ông cha trẻ nghe chuyện không tin, hỏi lại: 
- Trong nhà xứ có hầm nhốt người à? 
Ông chánh trương xác nhận: 
- Thưa, nó vốn là cái hầm chứa đồ thánh, cha Quỳnh về mới cho xây rộng ra để nhốt người… Năm anh em bộ đội về đánh bốt chúng con cho xây bịt lại luôn… 
Chỉ tưởng tượng thêm chút nữa, ông nhà văn sẽ biến nhà thờ thành bốt Tây có súng lớn, có bãi mìn chống lại cách mạng. Bà vợ ông chánh trương lại tố cáo tội ác của các cha: “Trình cha con cứ nghĩ cái năm thằng cháu trai đậy chiếu nằm đấy mà không có tiền mua áo. Chồng chạy vào cha Hiển, vợ chạy sang ông bà Tư van vỉ khóc lóc cả buổi , rút lại vợ về tay không, chồng cũng về tay không. mà là chánh trương với cha xứ cả đấy. Vậy là phải bó cháu bằng bao tải , bằng chiếu, chồng gánh một đầu. Vợ gánh một đầu, trời lại mưa tầm tã…”. 
Rõ ra là một màn con chiên đấu tố “linh mục”, tự nguyện đấu tố chứ chẳng phải do Đảng “phóng tay phát động”. Bà vợ ông chánh trương khóc sụt sùi: “Một đời người ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ những khổ là khổ. Kêu Chúa, Chúa cao xa quá nên nghe không thấu, đến với cha, cha xua tay bảo: “Vậy cái khó của tôi thì tôi kêu ai? Gắng mà chịu chứ!”. 
Những lời “tố đạo” của con chiên làm ông linh mục trẻ như bừng tỉnh. Ông ngộ ra rằng: “Nếu các đấng bậc ấy tin là có một Thiên Chúa thật, có hoả ngục và thiên đàng thật, có sự xét xử tối hậu thật, lẽ đâu họ dám hành động càn rỡ đến thế? Hình như họ đã không còn tin ở những điều thiêng liêng đó nữa…”. 
Thế là ông linh mục xét lại “đức tin” của các cha. Ông cho rằng “đức tin” ấy là không có thực, là vờ vịt, giả vờ để các cha “hành nghề” linh mục: “Với họ đi tu là một nghề nghiệp, Hội Thánh là một tổ chức xã hội, danh vị và tiền bạc vẫn có sức mạnh vạn năng , mọi tội lỗi và đam mê chỉ khác đi là đã được thánh hoá… Các đấng bậc tự cho phép thoả mãn mọi dục vọng, còn giáo hữu thì è vai gánh vác mọi khó khăn thì vừa cuồng ngạo vừa ngu ngốc, bọn áo chùng chúng ta ở giáo phận này là sứ thần của quỷ chứ đâu phải của Chúa?”. 
Than ôi, một khi linh mục Thư đã báng bổ đạo của chính ông như thế, đã vứt bỏ đức tin như vậy, con đường tất yếu dẫn ông tới là “bỏ đạo” về với “chính quyền”. Quả nhiên một tối cha Thư mặc ra ngoài chiếc áo chùng thâm một cái áo dài trắng – biểu tượng của sự từ chối chức linh mục và cho mời ông chủ tịch mặt trận và ông chánh trương xứ tới trịnh trọng đề nghị: “Thưa hai cụ, hai cụ là đại diện có thẩm quyền của giáo dân xứ nhà…tôi cúi mình cầu xin hai cụ hãy rửa tội cho tôi lần nữa... vì từ nay tôi là tôi tớ trung thành của các người…”. 
Như vậy ông cha Thư không còn là “con cái Chúa” nữa mà là tôi tớ của giáo dân trong mặt trận Tổ Quốc của Đảng, tức “đầy tớ của nhân dân” như cán bộ Đảng. Thế là ông Chủ tịch mặt trận làm lễ “rửa tội” cho ông linh mục theo kiểu chính quyền: “Ông vục nước đổ lên đầu cha xứ lần nữa, miệng đọc to: “Tao rửa mày nhân danh Cha và Con và Giáo hữu xứ Nhất…”. 
Như vậy, lẽ ra “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, ông nhà văn đã cho ông Chủ tịch mặt trận sửa “thánh thần” thành “giáo hữu” – tức là từ nay, ông linh mục sẽ từ bỏ “thánh thần” mà trở về với “nhân dân”. 
"Quyến rũ" - siêu mẫu nội y châu Âu
Thật là một hư cấu vừa lố bịch vừa ấu trĩ tới mức dở hơi trong “triết luận về Chủ Nghĩa xã hội và Thiên Chúa giáo “như phê bình gia” Vương Trí Nhàn tôn vinh nhà văn Nguyễn Khải.
Sau tháng 4-1975, Nguyễn Khải cho ra lò “Gặp gỡ cuối năm” viết về trí thức ở lại Sài Gòn. Khoảng năm 1980, nhà viết kịch Hồng Phi (anh ruột nhà văn Chu Lai) ghé tôi kể: “Họp trao đổi về “Gặp gỡ cuối năm” tớ phát biểu: “Anh Khải ơi, thằng Nhật Tuấn nó bảo anh đánh người ngã ngựa, không quân tử”. Tôi bảo đây là ý kiến riêng, nói ra làm gì? 
Xin nhắc lại câu chuyện tôi đã viết trong phần đầu loạt bài chân dung này. Năm 1978-79, NXB Văn Học thực hiện biên soạn Tổng tập văn học Việt Nam. Tôi được giao gặp từng nhà văn để hỏi tác giả muốn chọn những tác phẩm nào. Một buổi sáng tôi tới nhà Nguyễn Khải ở bãi Phúc Xá. Lúc đó ông đang ngồi bàn viết, trước mặt là tranh vẽ bìa cuốn “Cha và con và…” sắp in. Nguyễn Khải chọn đi chọn lại trong kho chữ của mình rồi bất chợt kêu lên: “Tung tóe mẹ nó hết rồi Tuấn ơi…”. Ông nhìn tôi thất thần rồi cười khảy: “Nhưng không sao, tao sẽ vót nhọn gươm đâm một cú cuối cùng”. 
15 năm sau, Nguyễn Khải tưởng đã quên chuyện đó. Tuy nhiên, chuyển vào định cư ở Sài Gòn, tư tưởng ông dần dà đã thay đổi. Vào khoảng đầu năm 1990, vào dịp đại hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh, ngoài hành lang vào giờ nghỉ, tôi gặp Nguyễn Khải hỏi thân mật: “Anh Khải ơi, thanh gươm của anh sao rồi?”. Nhà văn Nguyễn Khải cười bẽn lẽn: “Tớ thương Đảng lắm. Tớ chưa có ý định ấy…”. 
Tuy nhiên, năm 2000 trong “Nghĩ muộn”, ông đã dám viết: “Tôi là người viết báo, chính những đối tượng mà tôi tìm hiểu để viết bài cũng băn khoăn như thế, cũng có người nói thẳng việc này việc kia đã làm mất lòng người. Nhưng tôi đâu dám viết, nói cũng không dám, thành ra nói dối, viết dối và sống cũng dối. Căn bệnh nói dối bắt đầu từ lý thuyết Cách mạng dần dần tách khỏi thực tiễn Cách mạng, nhưng chỉ có một lựa chọn, hãy bênh vực đến cùng sự đúng đắn của lý thuyết đã trở thành bảo bối hộ thân của người cầm quyền”. 
Ông đã nhận ra: “Nhà chính trị, nhà văn, nhà khoa học, những người hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ điều cốt tử nhất là phải giữ được sự độc lập trong quan sát, suy nghĩ, tổng kết, không bị bó trong cái vòng kim cô nào cả, không là tín đồ trung thành của một học thuyết nào cả để có thể phát huy hết tiềm lực trí tuệ của riêng mình dấn bước vào những cuộc dò tìm mới”. 
Không đầy 6 năm sau, tháng 5-2006, Nguyễn Khải đã viết xong tuỳ bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” như một bản tổng kết đời mình trong văn học. Và cũng không đầy 2 năm sau, bản “sám hối” này đã lan truyền khắp trên mạng trong nước và ngoài nước và nghe nói, vào dịp Ban chấp hành TƯ ĐCS VN họp Hội nghị 7, Giáo sư Chu Hảo đã chuyển bản “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải tới các quý vị trong Ban Bí thư Trung ương Đảng coi như tài liệu tham khảo cho Hội nghị dự định bàn về trí thức. 
Đã muộn, vào tuổi “xưa nay hiếm”, Nguyễn Khải mới đặt bút viết: “Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mười lăm phút chữ nghĩa đã loè nhoè, chả rõ mình đang đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa trang vừa đọc…”. 
Vậy là khi ở đời chẳng còn chút lạc thú gì, nhà văn mới bắt đầu… chán, chán cả công danh, sự nghiệp: “Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng”. 
Giải thưởng Hồ Chí Minh là tột đỉnh vinh quang của nhà văn cách mạng mà lại coi như “tấm bia sang trọng cắm lên một đời văn” thì quả thực nỗi chết đã ám ảnh Nguyễn Khải không rời ra rồi. 
Thế rồi như phản kháng chiều hướng ngưng trệ của cơ thể, Nguyễn Khải làm một cuộc xê dịch nữa ra Bắc, trở về quê, nơi nhà văn đã lớn lên và đã trưởng thành. Thế nhưng cái mảnh đất đầy kỷ niệm đó nay cũng đã trở thành một nỗi dửng dưng: “Cái mảnh đất thân thuộc đã hoá ra xa lạ. Đạp xe cả ngày chả gặp người quen nào, hoặc có gặp nhưng đã là hai ông già ở tuổi bảy mươi làm sao nhớ lại gương mặt của nhau cái thời mới mười tám đôi mươi… Đường phố không quen, mặt người không quen, còn lại một ông bạn thân tối ngày đi họp, đủ các thứ hội hè để ông đến họp, vẫn là cái khát khao của người đã già, đã nghỉ hưu có dịp gặp lại bạn cũ, trò chuyện là chính, nhắc lại chuyện ngày xưa là chính, rồi than thở, đủ thứ than thở, chuyện nhà chuyện nước. Cũng buồn nhỉ? Chuyện người già có vui bao giờ, người đã xong một việc có làm gì cũng không thể vui”. 
Rõ ra là một cảm giác rã rời, không còn tha thiết, gắn bó, không còn bồi hồi kỷ niệm, không còn nghĩ ngợi lo toan trách nhiệm với quê nhà. Nếu như ngày xưa, trong tiểu thuyết “Chủ tịch huyện” chân dung những cán bộ xã, huyện, tỉnh được vẽ vời thành những “con người thời đại” đầy năng lượng, xốc vác, năng nổ vì dân vì nước thì bây giờ, dưới mắt nhà văn chỉ còn lại là các “quan tham” mặt mũi đầy… “thịt”: “Vì tôi là người có gốc địa phương nên Tỉnh ủy có gặp và mời ăn một lần cho phải phép. Nhưng nhìn những gương mặt quan chức của tỉnh hôm nay mà kinh ngạc. Mặt người nào cũng đầy những múi thịt, sần sùi, nói nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục và không bao giờ nhìn thẳng vào mặt mình để nói, cứ như là đang nói với một ai khác ngồi cạnh mình hoặc ngồi sau mình”. 
Dường như Nguyễn Khải đã hết e dè, hết giữ gìn, hết sợ ngay cả quan đầu tỉnh ông cũng hết nể vì như ngày xưa: “Bữa sắp về Hà Nội, Bí Thư tỉnh ủy lại mời gặp, không phải là gặp chính thức mà là cùng ngồi ăn sáng với ông vì ông cũng đang bận. Buổi gặp vừa hình thức vừa khó chịu vì chỉ có người lãnh đạo của tỉnh nói, nói như người rao hàng, mắt nhìn đâu đâu, bụng nghĩ đâu đâu. Tôi chỉ còn nhớ một chuyện, có một ông tướng, là danh tướng, người địa phương, có đem một giống hoa lạ từ Hà Nội về, tự tay ông trồng ở vườn hoa của Tỉnh ủy vì phải chọn đúng ngày, đúng giờ, cả đúng hướng nữa mới đem lại thịnh vượng, hạnh phúc cho dân trong tỉnh. Thật vậy sao?”. 
Khác hẳn ngày xưa, nhà văn Nguyễn Khải đi đến đâu cán bộ Đảng, chính quyền cũng xúm lại hỏi han, mừng rỡ, bây giờ hầu như chẳng mấy ai quan tâm tới nhà văn: “Tôi về một xã, xã cho tôi ở nhà một anh bưu tá, lúc rảnh rỗi hỏi chuyện gì anh cũng bảo không biết. Ở xã ba ngày, Đảng ủy, Ủy ban không ai tiếp cả”. 
Và thật bất ngờ, cái anh Chủ tịch xã có tới nhưng nom anh thật chẳng khác gì một anh lái heo: “Có một buổi tối có một anh chàng to béo đến chơi với gia đình, cả vợ lẫn chồng nhà chủ ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm. Anh ta ngồi ưỡn người trên ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi nhưng không hỏi gì, chào cũng không, mắt nhìn cứ lừ lừ, mà hắn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ tay này hẳn là dân buôn bán ở tỉnh có họ hàng gì với anh chủ nhà, tạt qua chốc lát rồi đi. Nhưng anh bưu tá lại bảo đó là ông chủ tịch xã. Lại một ngạc nhiên nữa!”. 
Vậy là trở lại quê cũ, con người cảnh vật đã đổi thay, khác trước hoàn toàn và ông nhà văn có cái nhìn “tổng kết”: “Trong mấy ngày xuống xã vừa vui vừa buồn. Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều hơn hay”. 
Chuyến đi đó càng làm Nguyễn Khải nhận rõ gánh nặng của tuổi già đã chất lên vai ông và từ nay mọi chuyện đã khác: “Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người”. 
Tuổi 70 như Nguyễn Khải vừa diễn tả dường như đã trở thành một cái mốc, từ đó ông có những nghĩ ngợi vượt lên trên khỏi những chuyện “xã hội” – chuyện hàng xã, hàng huyện, ông nghĩ tới những chuyện cao xa hơn. Ông nghĩ về các thứ chủ thuyết, chủ nghĩa và phải chăng những suy nghĩ sau đây là nhắm vào học thuyết Mác Lê: “Học thuyết là do con người làm ra, một trí tuệ sáng láng nhất vẫn cứ bị ràng buộc bởi nhiều vòng tự giác và không tự giác của thời thế, của cuộc đời. Bởi vì họ không thể là Thượng Đế để biết hết vô vàn nguyên nhân những tác động qua lại, uốn éo, bất ngờ của nó đưa đẩy mọi sự vật tới những thay đổi rất nhỏ, không mấy ai chú ý, cuối cùng là những biến thiên cực lớn. Chả có học thuyết nào dự đoán đúng những gì sẽ xảy ra trong tương lai và cũng chẳng thể dự đoán được cái kết cuộc của nhiều sự việc đang xảy ra trong hiện tại. Mọi lời tiên tri đều có tính mê sảng, đồng cốt. Dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì”. Có nhiều cơ sở kết luận Nguyễn Khải nhắm vào cái chủ nghĩa bắt ông đội lên đầu cái vòng kim cô suốt một đời cho tới tận lúc chết vẫn chưa được tháo ra - chủ nghĩa Mác - Lênin. Cho đến tuổi 70 ông mới nhận ra đã dành cả một thời thanh xuân để tin vào chủ thuyết đó mà thực ra nó chỉ là một cái “kho tạp nham” chẳng có chút giá trị gì. Sám hối của “con chiên” Nguyễn Khải trước các Giáo chủ về mặt tư tưởng như vậy là đã không còn nhân nhượng, không còn nể nang mà đã quyết liệt sổ toẹt đi hết.
Nhà văn Nhật Tuấn
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Đội voi ngự của Tử Cấm Thành triều Nguyễn ngày Quốc khánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét