Mỹ nữ trong hậu cung Hồi giáo. |
Ngoài những luật như: cấm trộm cắp, nói dối, giết người, ngoại tình và uống rượu. Đạo Hồi cũng bắt buộc mọi tín đồ phải có đức khoan dung, khiêm tốn và đối xử với nhau một cách công bằng. (ảnh không liên quan đến bài viết)
30. Đế chế Ottoman
Do sự mở rộng của các đế chế Hồi giáo Omayyad và Abbasid, đế chế Byzantine Thiên Chúa giáo cổ xưa đã mất đi phần lãnh thổ của mình ở Trung Đông, bán đảo Arập và Bắc Phi. Nhưng con đường phát triển lên miền bắc của các đế chế Hồi giáo này bị ngừng lại, chủ yếu là do những xung đột trong nội bộ những bộ tộc Arập.
Do sự mở rộng của các đế chế Hồi giáo Omayyad và Abbasid, đế chế Byzantine Thiên Chúa giáo cổ xưa đã mất đi phần lãnh thổ của mình ở Trung Đông, bán đảo Arập và Bắc Phi. Nhưng con đường phát triển lên miền bắc của các đế chế Hồi giáo này bị ngừng lại, chủ yếu là do những xung đột trong nội bộ những bộ tộc Arập.
Năm 1071, các bộ lạc người Thổ theo đạo Hồi đánh bại người Byzantine trong trận chiến Malazgirt ở miền đông Anatolia. Vùng đất còn lại ở miền bắc của đế quốc Byzantine Thiên Chúa giáo dần dần bị co hẹp. Người Thổ phát triển đạo Hồi trên các vùng lãnh thổ miền bắc của đế quốc Byzantine trước kia. Họ cũng du nhập vào xứ sở này tinh thần buôn bán, mà kết quả là hình thành nên các tuyến đường lạc đà đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào Trung Đông. Dọc các tuyến đường này họ xây dựng những khu thành quách rất ấn tượng để cho thương nhân có thể dừng lại nghỉ ngơi. Một số tuyến đường lạc đà từ thế kỷ 12 này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.
Sự trỗi dậy của thế lực Thổ Nhĩ Kỳ và sự tiêu vong của đế quốc Byzantine Thiên Chúa giáo khiến cho các cường quốc châu Âu thời đó phải e ngại. Việc người Thổ Nhĩ Kỳ cải đạo các tín đồ Thiên Chúa giáo sang đạo Hồi đã khiến Giáo hoàng Urban đệ Nhị phải hứa hẹn ban thưởng cho những ai sẵn sàng đi chiến đấu với người Thổ dưới lá cờ Thiên Chúa giáo. Từ đó mà cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất chống lại người Thổ được phát động. Về sau, tiếp tục còn có ba cuộc Thập tự chinh nữa, gây ra rất nhiều xung đột và máu đổ, nhưng đồng thời cũng đẩy mạnh những giao tiếp thương mại và văn hóa giữa người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo.
Trong khi phần phía tây của Anatolia, dọc theo bờ Hắc hải và Địa trung hải, vẫn còn là lãnh thổ Byzantine, thì đế chế Seljuk Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nền văn hóa Hồi giáo của mình ở miền trung Anatolia. Đế chế Seljuk diệt vong vào thế kỷ 13, sau khi bị các lực lượng xâm lăng người Mông Cổ tiến đánh. Đế chế Byzantine đang ngắc ngoải nên khoảng trống quyền lực do người Seljuk để lại chỉ được lấp đầy khi có sự trỗi dậy của đế chế Ottoman, một thế lực Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn đế chế Seljuk rất nhiều.
Đế chế Ottoman, lấy tên từ Osman - thủ lĩnh của một vùng đất nhỏ ở Anatolia, đã phát triển thành một trong những đế quốc lớn nhất trên thế giới. Vào thời đỉnh cao của nó, đế chế Ottoman kiểm soát hầu hết Bắc Phi, Irắc và một vùng rộng lớn lãnh thổ Đông Âu.
Cho đến giữa thế kỷ 15, nhờ sự hậu thuẫn của các nước châu Âu, Constantinople, thủ đô của đế chế Byzantine vẫn còn đứng vững mặc dù bị bao vây bốn bề bởi đế chế Ottoman. Mehmed II, sultan của đế quốc Ottoman, lên kế thừa ngai vàng năm 1451 đã quyết định chiếm lấy nó. Thành phố lẫy lừng này cuối cùng phải đầu hàng sau khi bị vây hãm suốt bảy tuần lễ, chấm dứt cái chết kéo dài của đế quốc Byzantine Thiên Chúa giáo vào năm 1453. Sau đó thành phố được đổi tên thành Istambul.
Sự bành trướng về phía tây của đế chế Ottoman bị chặn lại vào năm 1529, khi các đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong việc đánh chiếm thành Vienna, thủ đô của đế chế Hapsburg. Tham vọng bành trướng xa hơn về phía tây của đế chế Ottoman lại bị thất vọng thêm một lần nữa khi mưu toan chiếm Vienna lần thứ hai bị thất bại vào năm 1683. Thất bại lần thứ hai này phải trả bằng cái giá là mất phần lớn lãnh thổ Hung ga ri.
Đế chế Ottoman là một đế chế hiếu chiến, vì thế các nước Thiên Chúa giáo ở Tây Âu coi nó như một mối đe dọa, và họ tổ chức các liên minh nhằm đánh lại người Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thế kỷ 17 về sau, đế chế Ottoman dần dần sa vào chỗ trì trệ và suy sụp, và cuối cùng nó tan rã vào năm 1918, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc. Đế chế Ottoman đã tồn tại trong hơn 600 năm.
31. Giai đoạn thoái trào
Từ cuối thế kỷ thứ 12 cho thế kỷ 14, các nước Thiên Chúa giáo châu Âu tổ chức những cuộc chiến tranh với người Hồi giáo để khôi phục đất thánh và chiếm lấy đất đai của cải ở vùng Trung Đông. Những cuộc xâm lược này ngày nay được gọi dưới cái tên là các cuộc Thập tự chinh. Vào thế kỷ 13, những người Hồi giáo đã đánh đuổi được các đoàn quân Thập tự chinh Thiên Chúa giáo khỏi các vùng đất Arập.
Nhưng ở những vùng đất khác thì người Hồi giáo không được thành công cho lắm. Ở phía tây của đế chế Hồi giáo, những người Thiên Chúa giáo Tây Ban Nha dần dần giành lại đất đai từ tay người Hồi giáo, vương triều của caliph Cordova sụp đổ. Vào cuối thế kỷ 15 việc tái chiếm lại đất đai đã hoàn thành, và những người Hồi giáo bị buộc phải cải theo Thiên Chúa giáo nếu không thì phải rời khỏi Tây Ban Nha.
Bước sang thế kỷ 16, cùng với việc các nước châu Âu liên minh chống lại đế chế Ottoman, sự phát triển của thế giới Hồi giáo dường như bắt đầu trì trệ. Thế giới Hồi giáo trở thành đối tượng để khống chế hay thành mục tiêu của các cuộc xâm lược thực dân của các nước châu Âu. Đến thế kỷ 19 thì hầu hết các quốc gia Hồi giáo đều nằm trong vòng ảnh hưởng của châu Âu hay trực tiếp bị cai trị như các thuộc địa. Bước sang đầu thế kỷ 20, cùng với sự tan rã của đế quốc Ottoman, thế giới Hồi giáo hầu như không còn vai trò ảnh hưởng quan trọng nào nữa đối với những biến chuyển trong lịch sử thế giới.
Những nguyên nhân khiến cho nền văn minh Hồi giáo sơ kỳ rực rỡ, năng động đi vào con đường suy thoái là rất phức tạp. Một phần là do những nhân tố từ bên ngoài: sự ngăn chặn của các cường quốc châu Âu ở phía tây; các cuộc tấn công của những kẻ xâm lược như Thành Cát Tư Hãn ở phía đông, những tiến bộ về công nghệ và phát kiến địa lý của châu Âu, các cuộc xâm lược thực dân. Còn về những nhân tố bên trong, thì luật Shari’ah càng ngày càng trở nên cứng nhắc hơn, đang phát huy tác dụng ngược chiều. Sự kiểm soát của bộ luật được cho do Thượng đế phê chuẩn này không tránh khỏi làm cho xã hội bị trì trệ, nó ưu ái sự tuân thủ bảo thủ hơn là sự đổi mới và những tư tưởng cách tân.
32. Những đặc trưng chíng trị - xã hội
Xuất phát từ nhu cầu về một tôn giáo độc thần để thống nhất dân tộc Arập, đạo Hồi rốt cuộc đã phát triển thành một tôn giáo thế giới. Sự phát triển nhanh chóng đó có những cơ sở của nó. Đạo Hồi phát triển nhanh và mạnh nhất trong những vùng đất của tôn giáo đa thần (xứ Arập, Bắc Phi, Trung Á và lục địa Tiểu Ấn Độ), ngoài việc nó là một tôn giáo “tiên tiến” hơn, thì ở đây còn có nguyên nhân từ sự cố kết chặt chẽ về chính trị và xã hội trong cộng đồng của tôn giáo này so với các dân tộc đa thần giáo, từ đó mà tạo ra sức mạnh áp đảo của các đoàn quân chinh phục Hồi giáo. Hơn bất cứ một tôn giáo lớn nào khác, các cộng đồng Hồi giáo không chỉ là một cộng đồng tôn giáo mà còn mang đậm tính chất một cộng đồng xã hội và chính trị. Và đặc điểm đó có nguồn gốc từ trong giáo lý (kinh Koran và Hadith) cũng như từ lịch sử hình thành của nó.
33. Sự gắn kết giữa tôn giáo và chính trị
Trong các xã hội Hồi giáo không có sự phân biệt rạch ròi giữa tôn giáo với chính trị và luật pháp. Điều đó có nguồn gốc ngay từ lịch sử hình thành của tôn giáo này. Kinh Koran cũng như Hadith có một danh sách dài dằng dặc các luật lệ và quy định áp dụng cho xã hội Hồi giáo. Ta nhớ rằng những chương kinh dài nhất với đầy những luật lệ và quy định như vậy là do Mohammed khải thị khi ông đang củng cố và phát triển cộng đồng tín đồ của mình tại Medina, ở đó ông không chỉ là một lãnh tụ tôn giáo mà còn là một thủ lĩnh chính trị và một nhà lập pháp.
Những khải thị trong kinh Koran thời kỳ Medina rõ ràng là để đáp ứng cho những yêu cầu về tổ chức xã hội và chính quyền của vị Tiên tri ở đây, bất kể đó có phải là sự mách bảo của Thượng đế cho những vấn đề của ông hay không. Cũng vì thế mà kinh Koran, có thể nói, đã cung cấp một bộ khung luật pháp cho việc tổ chức chính quyền chính trị và xác định các bổn phận, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các “công dân” tín đồ trong một xã hội Hồi giáo. Đồng thời qua đó nó cũng xác định mô hình tổng quát về một nhà nước chính trị đã được Thượng đế phê chuẩn. Tất nhiên là những vấn đề của nhà nước chính trị thời Mohammed là rất khác so với những thời kỳ sau đó, nhưng việc diễn giải từ cái mô hình tổng quát đó để đi đến các phán quyết áp dụng cho những tình huống chính trị cụ thể của mỗi thời đại là công việc của các giáo sĩ và học giả Hồi giáo.
Ở Medina, mỗi khi có vấn đề gì nẩy sinh, về giáo sự hay về chính trị, xã hội mà các tín đồ thấy cần phải hỏi ý kiến của vị Tiên tri, thì họ chờ đợi ông sẽ nhận được thần khải từ Thượng đế để chỉ đường cho họ. Những “chỉ dẫn” sau đó sẽ được đưa vào kinh Koran, vì đó là “giáo huấn của Thượng đế”. Cũng chính vì thế mà kinh Koran trở thành nguồn gốc quan trọng nhất của luật Hồi giáo. Trong trường hợp Tiên tri không nhận được thần khải từ Thượng đế giải đáp cho những vấn đề đó thì các tín đồ được phép tự do phát biểu các ý kiến cá nhân, cùng nhau thảo luận dựa trên những nguyên tắc được nêu trong các khải thị trước đó để đưa ra một quyết định. Đó chính là nguồn gốc của sunna, là tập quán bàn bạc và thỏa thuận để đi đến imja hay là sự nhất trí trong cộng đồng. Những phán quyết này sau đó sẽ trở thành luật.
Vai trò lãnh tụ tôn giáo của Mohammed gắn liền với vai trò là thủ lĩnh chính trị của ông. Ông không chỉ tổ chức một cộng đồng tôn giáo mà còn tổ chức một xã hội với chính quyền của nó. Vì thế giáo lý của ông cũng phục vụ cho mục tiêu chính trị, như là một phần không thể tách rời của tôn giáo này. Và vì ông là một thủ lĩnh tôn giáo, nên đồng thời ông cũng là thủ lĩnh chính trị. Như vậy là do đặc điểm hình thành của nó mà đạo Hồi, ngay từ khi mới xuất hiện, đã thể hiện không chỉ như một tôn giáo mà còn như một thể chế xã hội và chính quyền.
Quan điểm của Mohammed được các tín đồ kế thừa sau khi ông chết, hay đúng hơn là đã được bao hàm trong kinh Koran và Hadith Tiên tri. Những người được bầu lên làm caliph (người kế vị Mohammed làm nhà lãnh đạo tôn giáo) thì cũng đồng thời là người chỉ huy cái đế chế Arập Hồi giáo vừa mới hình thành. Tước vị caliph quyết định vai trò thủ lĩnh đế chế. Cho dù sau đó caliph Omayyad Mu’awiyah đã đảo lại trật tự này khi ông ta chỉ định con trai mình làm caliph, đem tước vị caliph gắn với quyền kế thừa đế chế, thì sự liên kết chặt chẽ giữa tôn giáo với chính trị trong đạo Hồi vẫn còn nguyên. Và minh chứng hùng hồn nhất cho điều này là yêu sách của các sultan Thổ Nhĩ Kỳ của đế quốc Ottoman, đế quốc Hồi giáo hùng mạnh nhất thời Trung cổ năm thế kỷ sau đế chế Omayyad, đòi độc quyền tước vị caliph về cho mình. Với tư cách là sultan của đế quốc Hồi giáo bao trùm phần lớn thế giới đạo Hồi, họ thấy quyền lực trần thế của mình, theo lô-gíc của kinh Koran, phải được mang cái nhãn tôn giáo, chỉ khi đó họ mới không chỉ là sultan của đế quốc Ottoman mà còn là “Đấng Thống lĩnh các tín đồ” của toàn bộ thế giới Hồi giáo nữa.
"Trinh nữ" - Hot girl Hằng Ruby |
Kinh Koran nêu ra rất nhiều các luật lệ mà các tín đồ Hồi giáo phải một mực tuân thủ. Những luật lệ này bao trùm một phạm vi rất rộng, từ những quy tắc ứng xử cá nhân, quan hệ trong gia đình, với láng giềng, với cộng đồng cho đến đời sống kinh tế và chính trị của quốc gia, từ hôn nhân, bố thí, cho đến quan hệ với những người không theo đạo Hồi và trừng phạt tội lỗi. Đạo Hồi đã biến kinh Koran không chỉ là cuốn sách về thần khải của Thượng đế, mà còn thành nguồn gốc của những luật tục thực tiễn. Một nguồn gốc khác để quy định các luật Hồi giáo là Hadith, tức cuốn sách ghi lại ngôn hành và những truyền thuyết về Tiên tri Mohammed. Khi có một tình huống thực tiễn xảy ra trong cộng đồng và xã hội Hồi giáo mà phải viện dẫn đến luật, thì các học giả thông thái và các giáo sĩ được công nhận trong cộng đồng sẽ tìm trong kinh Koran và Sách Tiên tri (Hadith) những quy định có sẵn để áp dụng cho nó.
Cũng có lúc kinh Koran và Hadith không cung cấp được những chỉ dẫn rõ ràng cho một tình huống cụ thể nào đó. Trong những trường hợp như vậy, các tòa án Hồi giáo sẽ cố gắng để đưa ra phán quyết dựa trên những tình huống tương tự trong kinh Koran và Hadith, hay bằng cách thảo luận và thỏa hiệp chung giữa các nhà học giả có thẩm quyền trong cộng đồng. Các quan tòa cũng có thể dựa trên cách diễn giải của chính họ dựa theo kinh Koran. Những luật lệ Hồi giáo rút ra từ kinh Koran và Hadith, và các phán quyết của tòa án Hồi giáo được gọi là Shariah, hay là “con đường của Thượng đế”. Trong số đó có những luật như cấm trộm cắp, nói dối, giết người, ngoại tình và uống rượu. Những luật lệ này cũng bắt buộc người Hồi giáo phải có đức khoan dung và khiêm tốn và đối xử với nhau một cách công bằng.
Như vậy Shariah chính là Kinh Koran và Hadith được bình giải và khai triển bởi những nhà luật học được thừa nhận. Bằng cách sử dụng phép so sánh tương tự và bằng cách quyết định dựa trên sự đồng thuận nhất trí, các học giả hợp pháp này sẽ quyết định luật lệ trong kinh Koran sẽ được áp dụng ra sao cho những trường hợp cụ thể đang đặt ra trước họ. Sau đó, luật Hồi giáo sẽ biến chúng thành nghĩa vụ bắt buộc, tức là luật pháp hóa, và đưa ra những thước đo khách quan để xác định một người nào đó có thực sự tuân phục Thượng đế hay không, hay anh ta chỉ nói ra mồm là tuân phục nhưng thực ra thích những thần tượng trong trí tưởng tượng của mình hơn.
Có thể coi luật Hồi giáo là một cố gắng để đấu tranh với xu hướng lẫn lộn giữa lòng mộ đạo và sự ích kỷ của con người. Việc tuân thủ luật Hồi giáo thậm chí còn trở thành yêu cầu bức thiết hơn với quan niệm về một cộng đồng hay một ngôi nhà Hồi giáo, một khối thống nhất trên thế giới về chính trị, kinh tế, và luật pháp cũng giống như nó đã thống nhất về mặt “tôn giáo” thuần túy. Chừng nào mà lý tưởng Shariah vẫn tồn tại trong cộng đồng đó, thì việc tự nguyện tham gia vào Ngôi nhà Hồi giáo và hành động theo những chuẩn mực của nó cũng là một biểu hiện của sự tuân phục Hồi giáo với Allah. Vì lý tưởng của sự tuân phục trong tất cả các lĩnh vực của đời sống hàng ngày hàm chứa một cách lô-gíc sự gắn kết mình với những người khác, những người cũng tuân phục Thượng đế như mình: cho nên việc tuân thủ luật Hồi giáo là một phép thử về sự chân thành trong tín ngưỡng của họ. (Như Tân Ước Thiên Chúa giáo cũng thừa nhận, rất dễ nghĩ rằng mình yêu Chúa, trong khi lại căm ghét một người khác cũng yêu Chúa như mình).
Từ lý tưởng về cộng đồng Hồi giáo sinh ra quan niệm jihad, thường được dịch ra các thứ tiếng khác với nghĩa là Thánh chiến. Người Hồi giáo diễn giải jihad trước hết như một biểu tượng của cuộc đấu tranh tinh thần. Nó có nghĩa là cuộc thánh chiến chống lại những cái trái đạo lý (Hồi giáo), mà cũng có thể là cái vô thần, và nó cũng áp dụng cho cuộc chiến thần thánh của các cá nhân chống lại những bản năng tội lỗi của chính họ. Theo nghĩa đó nó cũng gần giống với ý tưởng Thiên Chúa giáo về việc các cá nhân đấu tranh với lương tâm để tự hoàn thiện bản thân mình. Và vì thế Jihad vẫn thường được coi là cột trụ thứ sáu của đạo Hồi.
Nhưng Jihad cũng được đề ra để bảo vệ đạo Hồi và cho phép thi hành luật Hồi giáo trên bình diện xã hội, mặc dù đạo Hồi cấm việc cưỡng bức cải đạo về mặt cá nhân. Vì đạo Hồi, theo nguyên lý, là một tôn giáo và đồng thời là một cộng đồng, nên chỉ những người theo chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối mới có thể bác bỏ học thuyết về jihad của đạo Hồi, vì các cộng đồng khác cũng đấu tranh để bảo vệ hay để mở rộng lối sống của họ giống y như người Hồi giáo vậy.
35. Vai trỏ xã hội
Sự gắn kết giữa tôn giáo và chính trị của đạo Hồi còn được tăng cường hơn nữa bởi việc đạo Hồi không chỉ tự thể hiện trong lĩnh vực thờ phụng tôn giáo và thể chế chính trị mà còn đảm đương những chức năng xã hội của cộng đồng.
Chúng ta đã nói đến zakat hay là việc bố thí trợ giúp cho người nghèo. Hầu như tôn giáo lớn nào trên thế giới cũng đều kêu gọi lòng từ thiện ở các giáo dân, nhưng không có tôn giáo nào khác ngoài đạo Hồi đưa việc biểu lộ sự thiện tâm thành một bổn phận bắt buộc, một trong năm Cột trụ của đức tin Hồi giáo, đối với các tín đồ và quy định những luật lệ để thực hiện nó. Từ đó đến chỗ các nhà nước Hồi giáo coi việc bố thí một phần thu nhập cho các công việc phúc lợi và trợ giúp người nghèo như một nghĩa vụ và biến nó thành một loại thuế trực thu là một bước hoàn toàn lô-gic. Lại ở đây nữa chúng ta thấy giữa tôn giáo và nhà nước hành động như một cơ cấu thống nhất với nhau.
Nhưng đạo Hồi không chỉ giới hạn trong việc kêu gọi và quy định những cơ chế thể hiện và thực thi lòng tốt, nó còn xác định bổn phận của các tín đồ trong những mối quan hệ xã hội của họ, với gia đình, dòng họ, những người quen thân, cộng đồng Hồi giáo và nhân loại nói chung. Đi xa hơn nữa, kinh Koran còn xác định bổn phận và quyền lợi của các tín đồ không chỉ với tư cách là tín đồ mà còn với tư cách “công dân”, như những quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do thân thể, an ninh về cuộc sống và tài sản, quyền được sống, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội…
Một khía cạnh khác của vai trò xã hội của đạo Hồi là chức năng đảm bảo giáo dục, ngoài việc là một hệ thống an sinh xã hội của nó. Trong các nước Hồi giáo, trước khi có trường học thì ở đây đã có các thánh đường. Bởi vì đạo Hồi không tách rời giữa các phần của cuộc sống với nhau, nên hầu hết các nước Hồi giáo Arập đều không có các trường học thế tục mãi cho đến thế kỷ 20. Trẻ em được dạy dỗ ngay trong thánh đường, bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo trong các cộng đồng, hay bởi các sheihk, những người sẽ đảm bảo cho việc giáo dục chúng dựa trên nền tảng của Kinh Koran và Hadith. Cái tên Arập của trường học trong thánh đường này là jaamea, mà ngày nay người ta còn sử dụng để chỉ các trường đại học.
36. Tầng lớp học giả và giáo sĩ
Vì toàn bộ cuộc sống tôn giáo và trần tục của các tín đồ cũng như tổ chức của xã hội Hồi giáo phụ thuộc vào các luật lệ của Thượng đế, nên đảm bảo diễn giải một cách đúng đắn những luật lệ này từ kinh Koran và từ Hadith là một vấn đề rất quan trọng. Vì đó là công việc của các học giả và giáo sĩ được thừa nhận trong cộng đồng, nên tầng lớp này có một vai trò rất đặc biệt trong các xã hội Hồi giáo.
Chính xuất phát từ tầm quan trọng của việc diễn giải luật trong kinh Koran mà sự uyên bác về kinh Thánh được đánh giá rất cao trong xã hội Hồi giáo. Ulema, tức hội đồng Hồi giáo, một hội đồng gồm những học giả và giáo sĩ có học vấn được ủy quyền để diễn giải kinh Koran, thường là tổ chức không thể thiếu trong các quốc gia Hồi giáo và họ thực tế chỉ huy các thánh đường. Từ triều đại của các caliph, chính họ đã thành lập nên các trường đại học để nghiên cứu Thượng đế và cơ sở triết học của đức tin Hồi giáo.
Bởi vì ngôn ngữ của kinh Koran và những diễn giải hợp pháp của nó được thực hiện bằng tiếng Arập trong toàn bộ thế giới Hồi giáo, nên uy quyền của các học giả và giáo sĩ có học vấn (có học vấn trong đạo Hồi có nghĩa là phải thông thạo tiếng Arập) còn trở nên lớn hơn nữa và đồng thời cũng thống nhất hơn. Trong khi văn hóa và tôn giáo đại chúng giữa các nước có thể tương đối khác nhau, thì yếu tố ngôn ngữ Arập lại cho thấy học vấn “truyền thống” và việc diễn giải “đúng đắn” kinh Koran chỉ khác nhau tương đối ít, thậm chí cả khi thế giới Hồi giáo không đồng nhất về mặt chính trị.
Tuy nhiên vai trò của Hội đồng học giả thường chỉ giới hạn trong những vấn đề luật lệ có liên quan đến toàn xã hội. Còn với những vấn đề trong cuộc sống thường ngày và ở phạm vi các cộng đồng nhỏ thì vai trò diễn giải luật thường thuộc về các giáo sĩ. Các giáo sĩ là những người học kinh Koran và luật tại các trường Hồi giáo. Nhưng ở các cộng đồng địa phương, một giáo sĩ được các tín đồ kính trọng và tin cậy trước hết không phải vì trình độ học vấn của ông ta mà là vì tinh thần bảo thủ nguyên tắc và niềm tin của ông ta rằng mình biết cách diễn giải đúng nhất những luật lệ của Thượng đế.
Vì không có sự phân biệt rạch ròi giữa luật pháp và tôn giáo trong các xã hội Hồi giáo, nên như lịch sử đã cho thấy, giới học giả Hồi giáo và các giáo sĩ thường hay can thiệp vào các công việc của chính quyền và làm chính trị. Ngay tại các quốc gia Hồi giáo hiện đại ngày nay, ảnh hưởng của giới học giả và giáo sĩ vẫn rất lớn, nhất là ở các vùng nông thôn, cho nên hầu hết những nhà chính trị địa phương đều không muốn làm mất lòng họ khi không cần thiết.
Lễ mừng thọ “tứ thập niên” vua Khải Định: Kỳ đài treo cờ hoàng gia ở cột cờ chính và rất nhiều cờ, phướn xung quanh. |
Gần một trăm năm đã trôi qua kể từ khi đế quốc Ottoman, đế chế Hồi giáo cuối cùng tan rã. Quãng thời gian đó đã mang lại nhiều thay đổi mạnh mẽ trong thế giới Hồi giáo, diễn ra trên một bình diện rất rộng, từ nền chính trị và các chính phủ cho đến cuộc sống riêng tư của các tín đồ.
Một trăm năm trước, hầu hết thế giới Hồi giáo đều nằm dưới sự kiểm soát của các thế lực châu Âu. Theo thời gian, các nước Hồi giáo đã đứng lên chống lại ách thực dân và các cuộc kháng chiến này đã dẫn đến nền độc lập. Nhưng thay vì hình thành một hay hai nhà nước Hồi giáo rộng lớn như từng diễn ra trong quá khứ, thì phong trào kháng chiến đã dẫn đến sự hình thành của hơn bốn mươi quốc gia riêng biệt. Những tình cảm thế tục về dân tộc và quốc gia cũng quan trọng không kém tình cảm tôn giáo trong việc dấy động lên phong trào đấu tranh vì nền độc lập và trong việc xác định biên giới của các quốc gia mới. Dầu vậy, tôn giáo vẫn là một phần rất quan trọng trong những nước này, và đạo Hồi vẫn là một lực lượng mạnh mẽ trên khắp thế giới.
Các nước Hồi giáo trên thế giới ngày nay có nhiều kiểu chính phủ khác nhau, có các vương quốc quân chủ, quân chủ lập hiến, chế độ cộng hòa, chế độ dân chủ, và có cả các nền độc tài. Trong một số nước như Arập Xêút và Iran, những luật lệ và tập quán Hồi giáo truyền thống được các chính phủ tuân thủ nghiêm ngặt. Ở các nước khác, như Thổ Nhĩ Kỳ, Albania hay Algeri thì giữa tôn giáo với nhà nước có sự tách biệt.
Các nước Hồi giáo còn khác nhau theo nhiều phương diện khác nữa. Ở một số nước, phụ nữ cho đến giờ vẫn chưa có quyền bầu cử. Trong khi đó ở Pakistan, một quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn thứ hai trên thế giới, thì một phụ nữ được bầu làm thủ tướng, một chức vụ quyền thế nhất trong nước. Một số quốc gia Hồi giáo rất giàu có, như những nước vùng vịnh Ba Tư, nơi có nhiều dầu mỏ. Nhưng một số nước khác lại rất nghèo, như trường hợp Banglades và hầu hết các nước Tây Phi.
Nhưng dù những nước Hồi giáo ngày nay có những sự khác biệt chia rẽ họ với nhau, thì giữa họ vẫn có chung một di sản và một sự ràng buộc mạnh mẽ qua tôn giáo của mình.
38. Sự tụt hậu
Bước sang thế kỷ 20, thế giới Hồi giáo đã tụt hậu rất nhiều so với châu Âu và châu Mỹ. Nó trở nên co thủ trong sự nghèo khổ và lạc hậu về công nghệ. Hầu hết thế giới Hồi giáo là đối tượng của sự cai trị thuộc địa châu Âu kéo dài cho đến giữa thế kỷ 20 mới chấm dứt: Hà Lan kiểm soát Inđônêxia, hàng triệu người Hồi giáo cũng như người Ấn giáo sống dưới lá cờ nước Anh, nước Pháp cai trị một vùng rộng lớn của Bắc Phi Hồi giáo. Những quốc gia Hồi giáo còn tự trị duy nhất là Đế quốc
Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và đế quốc Ba Tư trải rộng trên phần lớn Trung Đông. Tuy vậy, đó là những chế độ đã lỗi thời và thối nát, với những người dân bị áp bức đến mức suy sụp ở đây thì những chế độ này thậm chí còn có phần ngột ngạt hơn cả ách cai trị thực dân. Tuy vậy, dù các đế quốc này có sự độc lập danh nghĩa, nhưng thực tế vẫn lệ thuộc vào phương Tây theo đủ mọi kiểu.
Và cuối cùng, bản thân tín ngưỡng Hồi giáo trong nửa đầu thế kỷ 20 đã không còn ở vào trạng thái sung mãn. Về triết lý và thần học, nó hầu như không với được đến thế giới quan hiện đại, còn ở mức độ đại chúng thì nó chìm ngập trong một thứ chủ nghĩa thần bí mà nhiều người đã coi đó không còn là đạo Hồi đích thực, và cũng không thể đáp ứng được với yêu cầu của thế giới hiện đại.
39. Sự phục hưng Hồi giáo
Nhưng trong phần tư cuối cùng của thế kỷ 20, người ta lại chứng kiến một bước phát triển có tính chất đột biến trong thế giới Hồi giáo. Rất hiếm khi, kể từ khi có sự bành trướng choáng váng của đạo Hồi trong thế kỷ đầu tiên của nó, tôn giáo này mới có cơ hội cho một sự thay đổi mạnh mẽ trong một thời gian ngắn như thế.
Thực tế là từ giữa thế kỷ 20, tất cả các vùng đất của thế giới Hồi giáo đều đã giành được độc lập. Các đế quốc Ottoman và Ba Tư cổ xưa ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ (với quy mô đã giảm đi rất nhiều) và Iran. Những cái tên mới đến cùng với những chế độ mới và những thay đổi mạnh mẽ trong chính trị, kinh tế và xã hội. Một số nước Hồi giáo đã bất ngờ trở nên vô cùng giàu có, hầu hết là nhờ vào dầu mỏ; những quốc gia Hồi giáo như Kuwait và Arập Xêút đạt được mức thu nhập quốc dân trên đầu người thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Dân số Hồi giáo phát triển rất nhanh, chủ yếu nhờ tỷ lệ sinh đẻ cao ở nhiều nước với điều kiện y tế tốt hơn, và cũng nhờ những nỗ lực truyền giáo. Làn sóng tị nạn và việc hình thành những cơ sở Hồi giáo ở các thành phố lớn châu Âu cũng như Bắc Mỹ đã cho tôn giáo này một tủ kính trưng bày trên khắp thế giới. Bản thân đạo Hồi cũng đang trải qua những cuộc vật lộn đổi mới tri thức tôn giáo và những cuộc vận động nhằm đơn giản hóa và thuần khiết hóa tín ngưỡng và lễ nghi của mình.
Tất nhiên sự thay đổi này không đồng đều. Ngôi nhà Hồi giáo không chỉ gồm những quốc gia giàu có nhất trên thế giới, mà còn cả những nước nghèo nhất như Bangladesh và hầu hết các nước Tây Phi. Và trong sự phục hưng của đạo Hồi, có một vài yếu tố có vẻ giống một thứ chủ nghĩa dân tộc quá khích, sinh ra từ sự cuồng tín tôn giáo hơn là sự thức tỉnh tinh thần thực sự. Nhưng những vấn đề như vậy không phải lúc nào cũng được thế giới bên ngoài nhìn nhận một cách đúng đắn, vì chúng đòi hỏi một tầm nhìn xa về mặt thời gian, trước khi có thể nhận thức rõ ý nghĩa thực sự của những hiện tượng này.
Nhưng dù nhìn nhận như thế nào đi nữa thì vẫn có một điều rõ ràng là đạo Hồi ngày nay đang ở trong thời điểm phấn khích về tôn giáo, và nó được kết hợp với công cuộc xây dựng quốc gia và phát triển lòng tự tin dân tộc, một tình huống có thể so sánh với cuộc Cải cách Tin lành trong thế giới Thiên Chúa giáo trước đây; cuộc Cải cách từng gây ra sự cố chấp điên cuồng và những xung đột xã hội dữ dội, vậy mà nó vẫn buộc được châu Âu phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử của mình.
"Màn đêm" - người đẹp Nhật Bản |
Nhiều khi sự phục hưng của đạo Hồi truyền thống trong các quốc gia Hồi giáo ngày nay lại kết hợp với sự nổi dậy của các giai cấp thấp cổ bé miệng ở các nước này, dù đó là nông dân ở nông thôn hay quần chúng ở thành thị, chống lại các tầng lớp tinh hoa “Tây hóa”, những người thống trị chính quyền và nền kinh tế trong giai đoạn hình thành một quốc gia hiện đại. Điều này đặc biệt thấy rõ trong ba thập niên đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong khi tầng lớp tinh hoa này luôn cổ động cho việc xây dựng quốc gia và phát triển một nền công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục và những thể chế chính trị hiện đại (hiện đại tức là theo kiểu phương Tây), thì lợi ích của chúng không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng đối với những người không thuộc tầng lớp tinh hoa. Trong khi đó những tác động có tính chất phá hoại của chúng đối với nông thôn, với gia đình, với những giá trị đạo đức và tinh thần Hồi giáo truyền thống lại quá sức chịu đựng đối với họ. Mặc dù vậy, đa số tầng lớp tinh hoa từ bên trong họ đã hình thành sự coi thường đối với những giá trị truyền thống, và sự khát khao học hỏi lối sống của những người Âu Mỹ không phải Hồi giáo.
Sự bùng nổ chính trị và xã hội của đạo Hồi trở nên rõ ràng vào cuối thập niên 1970’, nhất là trong cuộc cách mạng Iran năm 1979. Đó là sự bùng nổ của lòng căm thù bị kìm nén lâu ngày đối với những tầng lớp thống trị. Thường được dẫn dắt bởi các giáo sĩ và các nhà thần bí cực đoan, những tầng lớp bị áp bức nắm lấy ngọn cờ đạo Hồi thuần khiết như một biểu tượng cho cái mà họ vừa ủng hộ lại vừa chống lại: đạo Hồi là đức tin và là nền văn hóa của họ, thực sự là của họ cho dù nó đã bị tha hóa đi, và cho dù chính họ cũng bị tha hóa đi vì nó. Rồi họ một mực đòi luật Shari’ah phải trở thành luật của nhà nước giống như nó là luật của thánh đường, tầng lớp giáo sĩ phải được tôn trọng, của cải phải được phân phối công bằng theo lý tưởng Hồi giáo, và những tiêu chuẩn Hồi giáo trong ăn mặc, trong cuộc sống gia đình và trong giáo dục phải được đề cao chứ không được coi thường như hiện tại.
41. Sự đa dạng cuối thế kỷ XX
Arập Xêút là vùng đất khai sinh ra đạo Hồi, nơi có các thánh địa Mecca và Medina. Đạo Hồi ở đây vốn được thiết lập một cách vững chắc. Phái Wahhabi là một chi phái Sunni nghiêm ngặt, nó phản đối chủ nghĩa thần bí của Mật tông Sufi và đòi hỏi sự cai trị của một nhà nước dựa trên cơ sở diễn giải theo từng chữ kinh Koran và luật Shari’ah. Dưới sự chi phối của nó, kịch, phim ảnh, rượu và sự chung đụng quá mức giữa hai giới bị cấm. Vậy mà, bị chấn động vì sự giàu có bất ngờ và những thay đổi xã hội không tránh khỏi sau đó, Arập Xêút đang phấn đấu để vừa trở thành một quốc gia hiện đại đồng thời lại vừa là một nước Hồi giáo bảo thủ; kết quả cuối cùng của thử nghiệm này còn phải chờ xem.
Ở các nước Hồi giáo còn lại thì bức tranh có khác hơn. Lý tưởng Hồi giáo truyền thống được trộn lẫn với những tư tưởng xã hội mới. Phong trào này thường mang nhãn hiệu chủ nghĩa xã hội Arập, mà ở nhiều nước được đại diện bởi đảng Ba’ath, nó tìm cách kết hợp chủ nghĩa quốc gia Arập (mà mục tiêu cuối cùng là thống nhất các dân tộc Arập thành một quốc gia) với những yêu cầu của kinh Koran về công lý và phân phối công bằng của cải, được thể hiện qua một chính quyền với hình thức hiện đại và năng động về mặt xã hội. Nhưng các nước tiến theo hướng này không giống nhau và cũng có sự khác biệt trong tính chất. Ở Libya chẳng hạn, chế độ của Muammar al-Qaddafi kết hợp hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa với một chủ nghĩa quốc gia mạnh mẽ, và với sự hậu thuẫn của đạo Hồi trong điều kiện chính quyền địa phương nằm trong tay các imam. Trái lại, ở nước láng giềng Tunisia, chính phủ mang danh nghĩa là xã hội chủ nghĩa và Hồi giáo lại giữ một vị thế ôn hòa hơn nhiều, và thực sự đã đi tiên phong trong việc tìm kiếm cách thức để thích ứng những tập quán Hồi giáo với những điều kiện hiện đại.
Phía bắc của thế giới Arập là Thổ Nhĩ Kỳ, quê hương của người Thổ, một chủng tộc không phải Arập mà các sultan của họ từng thống trị một thời gian dài đối với hầu hết những dân tộc Arập trong thời đại đế quốc Ottoman. Vào thế kỷ 19, đế quốc rộng lớn này tuột dần khỏi gọng kìm của các sultan. Người Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một “Người phương Tây ốm yếu”. Mặc dù đã có những cải cách, mà cao điểm là cuộc đảo chính của “Những người Thổ trẻ tuổi” năm 1908, nhưng vị thế của nó có vẻ chỉ càng thêm tồi tệ hơn cả trong lẫn ngoài đế quốc. Nhưng sau Thế chiến thứ I, Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất đế quốc của mình và ngoặt sang một hướng phát triển hoàn toàn mới dưới luật sắt của Keman Ataturk (1881-1938). Các sultan của đế chế Ottoman đã đoạt tước hiệu caliph cổ xưa của thế giới Hồi giáo Arập, nhưng Ataturk lại theo đuổi việc hình thành một nhà nước thế tục quân sự theo kiểu Tây phương. Ông ta chấm dứt vai trò của tòa án Hồi giáo và các trường tôn giáo, đặt ra các luật lệ thế tục thay cho luật Shari’ah, thủ tiêu ngôi vị caliph và tầng lớp sufi, cấm mặc trang phục tôn giáo bên ngoài những nơi thờ phụng. Công cuộc thế tục hóa của ông ta phải đối đầu với một loạt những vấn đề lớn cũng như nhỏ: ngày Chủ nhật trở thành ngày nghỉ cuối tuần thay vì ngày thứ Bảy, và việc đội fez - chiếc khăn đội đầu truyền thống kết hợp phong tục Thổ Nhĩ Kỳ cổ xưa với đạo Hồi - bị loại ra ngoài vòng luật pháp. Việc sử dụng bảng chữ cái La Mã thay cho chữ Arập làm chữ viết giúp cho việc tách quốc gia này ra khỏi thế giới Hồi giáo. Nhưng sau cái chết của Ataturk, chương trình phi Hồi giáo hóa đã giảm bớt nhịp độ, và sự ủng hộ kiên trì của tầng lớp nông dân đối với đạo Hồi cho thấy tôn giáo này có sức kháng cự dai dẳng như thế nào.
Như thế là vào cuối thế kỷ 20, việc thế tục hóa và Tây phương hóa trên quy mô lớn được Ataturk coi như giải pháp cho vấn đề phát triển của các nước Hồi giáo. Tư tưởng này đã có ảnh hưởng vượt ra ngoài Thổ Nhĩ Kỳ: vị cha đẻ của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại này là một mẫu người hùng đối với một số nhà lãnh đạo đảng Ba’ath ở thời kỳ đầu, và các lãnh tụ của một số nước Hồi giáo lớn như Pakistan và Inđônêxia, những nước giành đã được độc lập hay đang trải qua sự thay đổi vào giữa thế kỷ 20, đã coi ông ta như một biểu tượng để ganh đua; họ là những tín đồ chính thống thành thực, nhưng trong khi bị lý tưởng về một quốc gia Hồi giáo quyến rũ, thì họ vẫn muốn có sự “tiến bộ” bằng bất kỳ giá nào. Nhưng những sự kiện vào cuối thập kỷ 1970’ nhìn chung lại đi ngược lại chính sách của những lãnh tụ này - dĩ nhiên chúng đã có mầm mống từ sớm hơn.
Cuối thập kỷ 1970’ đã có những tiếng nói mạnh mẽ cho rằng đạo Hồi hoàn toàn không phải là một cản trở bất tiện và khó xử đối với công cuộc hiện đại hóa, trái lại nó là một bộ khung tốt về mặt hệ tư tưởng cho việc xây dựng một trật tự xã hội và kinh tế công bằng hơn, giống như hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa ở phương Tây, và đồng thời nó lại là một thành lũy vững chắc để chống lại những tác động xói mòn (chủ yếu là từ phương Tây) đang đe dọa đời sống gia đình và niềm tự hào về quê hương và nền văn hóa của họ. Bốn nguyên tắc theo họ phải là cơ sở cho sự phục hưng Hồi giáo từ cuối thập niên 1970’ là:
1. Luật Shari’ah, hay luật Hồi giáo hệ thống hóa theo kinh Koran và theo truyền thống phải là luật cơ bản của nhà nước.
2. Các chính sách và hoạt động của nhà nước phải phù hợp với luật Shari’ah, các giáo sĩ và học giả Hồi giáo phải có vai trò quan trọng trong chính phủ, như vậy sẽ đạt được cái mà phương Tây gọi là sự liên minh giữa nhà thờ và nhà nước.
3. Của cải phải được phân phối một cách công bằng theo lý tưởng Hồi giáo về sự bình đẳng và tình anh em.
4. Phải chống lại những ảnh hưởng ngoại lai (không phải Hồi giáo) trong xã hội, và lối sống của dân chúng cần phải tuân thủ những luật lệ và giá trị Hồi giáo.
Phía đông thế giới Arập, đất nước Iran vào đầu thập niên 1980’ là một ví dụ kịch tính nhất của sự phục hưng Hồi giáo. Cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ayatollah Khomeini đã lật đổ quốc vương Muhammad Pahlavi vào năm 1979. Một nước “Cộng hòa Hồi giáo” được thành lập, trong đó luật Shari’ah trở thành chuẩn mực và những giáo sĩ như Khomeini giữ một vai trò quyết định. Nền quân chủ huy hoàng đã mất đi sự ủng hộ của đại chúng vì những lý do đã nói ở trên. Thay chỗ cho nền quân chủ là một khung cảnh cách mạng cổ điển của những người dân thường, là những người đang khao khát trả thù, là sự đổ vỡ kinh tế và xã hội, và là những hình bóng đang xuất hiện của một nhà nước bình quân hơn, cô lập hơn, và dựa trên luật Hồi giáo nhiều hơn nhà nước trước đây.
Ở tiểu lục địa Ấn Độ, một sự phục hưng tương tự của đạo Hồi nghiêm ngặt, truyền thống đã sinh ra những vấn đề và những xu hướng có thể so sánh với nhau qua các phiên bản của nó. Pakistan hình thành với tư cách một nhà nước Hồi giáo vào thời điểm độc lập và ly khai với Ấn Độ thuộc Anh vào năm 1947. Nó giữ lại hệ thống luật pháp dựa trên luật pháp nước Anh và theo đuổi một đường lối “tiến bộ” trong một thời gian; nhưng đến năm 1979, Shari’ah cũng trở thành luật pháp nhà nước dưới sức ép của phong trào phục hưng Hồi giáo. Những gian phòng để cầu nguyện được bố trí trong các nhà máy và các rạp chiếu bóng, các chương trình của đài phát thanh và truyền hình bị kiểm duyệt để loại trừ bất cứ thứ gì đáng ghét đối với tín ngưỡng và đạo đức Hồi giáo - một kiểu cách tương tự như ở các nơi khác. Ở Cộng hòa Ấn Độ, thiểu số người Hồi giáo chiếm 10% dân số bị tác động bởi tinh thần và sách báo phục hưng, đã trở nên kích động hơn, và vì thế đã kéo dài mãi những xung đột căng thẳng và thậm chí bạo động giữa thiểu số Hồi giáo và đa số Ấn giáo.
Xa hơn về phía đông nam, ở đất nước Malaysia, phong trào phục hưng Hồi giáo đe dọa sự cân bằng chủng tộc mong manh vốn đã giúp gắn kết quốc gia này lại với nhau. Malaysia có 50% dân số là người Malays theo đạo Hồi, 35% người Trung Hoa, và 15% người Hindu và các sắc dân khác. Từ khi độc lập khỏi nước Anh, chính phủ Malaysia do tầng lớp thị dân giàu có người Malays thượng lưu kiểm soát, họ là tín đồ Hồi giáo ôn hòa và duy trì mối quan hệ tốt với người Trung Hoa là những người kiểm soát nền kinh tế. Nhưng một phong trào cực đoan, với một đảng chính trị có tinh thần chiến đấu được khích động bởi các giáo sĩ sốt sắng, đã nổi lên trong số những nông dân Malays nghèo ở vùng nông thôn. Nó đem lại cho những người dân quê giản dị và sùng đạo một nơi để bộc lộ nỗi tức giận của họ đối với người Trung Hoa cũng như những người Malays thành thị trần tục, và đòi hỏi một nhà nước khắt khe dựa trên mô hình Hồi giáo thuần khiết ở các nước khác. Dĩ nhiên điều đó có thể gây ra sự chống đối mạnh mẽ từ những người Trung Hoa thiểu số, những người mà cuộc sống kinh tế của họ ràng buộc với Malaysia, nhưng không phải là người Hồi giáo và chẳng hề muốn sống dưới một chế độ như vậy.
Đạo Hồi ở Inđônêxia từ lâu được coi như một tôn giáo chỉ tồn tại trên bề mặt. Nó đến với quốc đảo rộng lớn này tương đối muộn, và chỉ tựa trên đỉnh chóp của nền văn hóa tinh thần vẫn còn thấm nhuần sâu sắc những ảnh hưởng của Ấn giáo và Phật giáo, mà trên hết là do khuynh hướng hướng đến thuyết thông linh và tự nhiên thần giáo của người bản xứ. Khía cạnh Mật tông Sufi của Hồi giáo hết sức thích hợp với tính khí của người Inđônêxia, cho nên nó giành được sự ủng hộ trọn vẹn nhất. Tuy vậy, ở đây một đảng Hồi giáo và một phong trào Hồi giáo nghiêm ngặt cũng giành được sự ủng hộ rộng rãi.
Ở Tây Âu, dân số Hồi giáo tăng lên thấy rõ từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II qua các đợt tị nạn. Người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại các nhà máy ở nước Đức, người Pakistan định cư ở nước Anh, và người Angiêri di cư đến nước Pháp với một số lượng đông đảo. Điều đó cùng với sự hiện diện ngày càng nhiều người trong lĩnh vực ngoại giao và kinh doanh từ các nước Hồi giáo đã làm mọc lên những thánh đường và trung tâm Hồi giáo khắp nơi ở châu Âu, cho dù những người Hồi giáo ở đây chỉ là những nhóm thiểu số.
Ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, tình hình cũng tương tự. Trong khi những người tị nạn Hồi giáo còn ít, những quan hệ ngoại giao và thương mại giữa các nước châu Mỹ với các đối tác Hồi giáo đã mang những người Hồi giáo đến các thành phố lớn của Tây bán cầu, và những nhà từ thiện Hồi giáo đã xây dựng nên những trung tâm đạo Hồi ở Washington, Los Angeles, New York và nhiều nơi khác.
Cũng cần phải nhắc đến những người “Hồi giáo đen”, một phong trào của những người Mỹ da đen, thoạt đầu theo chủ trương ly khai cực đoan, nhưng đang tiếp cận ngày càng chặt chẽ hơn với tín ngưỡng và nghi lễ Hồi giáo chuẩn mực. Vốn lấy tên là phong trào Quốc gia Hồi giáo, phong trào này ngày nay là Hội truyền giáo Hồi giáo Mỹ quốc và mở cho cả người da trắng cũng như da đen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét