"Vườn hoang" - người đẹp Việt Nam |
Mặc dù sự bành trướng lên phía bắc bị chặn lại và người Hồi giáo buộc phải rút lui khỏi châu Âu, nhưng họ đã lập nên ở Tây Ban Nha một vương quốc Hồi giáo của caliph Cordova, và tiếp tục thống trị miền nam Tây Ban Nha thêm 7 thế kỷ nữa. (ảnh không liên quan đến bài viết)
24. Các chi phái Shi’i
Khi phong trào Shi’i bắt đầu, nó xuất hiện trên bề mặt như một phong trào vì những động cơ chính trị hơn là tôn giáo. Trạng thái tinh thần những người Shi’i bị chi phối bởi nhiều thế kỷ phải đóng vai là nhóm thiểu số bị chèn ép trong đạo Hồi, vì thế không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các phong trào bè phái trong nội bộ đạo Hồi đều là phong trào Shi’i.
Đại đa số những người Hồi giáo Shi’i chấp nhận danh sách tiêu chuẩn về mười hai vị Imam đến trước vị Imam “ẩn thân” thứ mười ba, và vì thế mà họ được gọi là phái “Mười hai”, hay Ashariyah. Đó là những người Shi’i ở Iran, họ giữ lập trường “ôn hòa” đối với các Imam nói trên. Nhưng một chi phái nhỏ hơn, được gọi là Ismaili, đôi khi còn được gọi là phái “Bảy vị”, vì họ chỉ chấp nhận bảy vị Imam đầu tiên và không công nhận tư cách Imam của những vị còn lại. Phái “Mười hai” cho rằng con trai út của vị Imam thứ sáu được thừa kế chức vị của cha vì con cả Ismail đã phạm tội uống rượu. Nhưng phái Ismaili khẳng định rằng quyền kế vị đã được chuyển cho Ismail, và tuyên bố ông ta là vị Imam hiện thân cuối cùng, nhưng con trai ông ta là Muhammad at-Tamm sẽ trở lại với tư cách là Mahdi, vị Imam hiện đang ẩn thân. Phái Ismaili có cách nhìn lịch sử theo kiểu chu kỳ, và họ coi tất cả những tôn giáo đại chúng đang tồn tại đều có liên hệ với nhau.
Lịch sử Ismaili rất đáng quan tâm, vì nó chứng tỏ một thái độ xã hội cực đoan sinh ra từ phái Shi’i có thể chuyển từ chủ nghĩa lý tưởng sang chủ nghĩa cuồng tín, và từ chủ nghĩa vô chính phủ sang chủ nghĩa chuyên chế dễ dàng như thế nào. Vào thế kỷ thứ chín một nhóm tín đồ Ismaili gọi là những người Qarmati xuất hiện ở miền nam Irắc và Bahrain. Những người Qarmati sống cuộc sống theo kiểu công xã, mọi thứ đều là của chung và mỗi người vì mọi người. Nhưng họ cũng chống đối các caliph, và sử dụng bạo lực chống những người mà họ coi là kẻ thù. Và họ cũng đã lập được những kỳ công lạ thường, chẳng hạn vào năm 930, họ tấn công vào Mecca và thậm chí đã có lúc mang cả tảng Đá Đen ra khỏi Kaaba.
Những người Qarmati còn mở đường cho một sự kiện thậm chí còn vĩ đại hơn: sự xuất hiện của triều đại Fatimid thuộc phái Ismaili. Dòng họ này nhận thức sứ mạng của mình ở một cấp độ rất cao về hệ tư tưởng. Người cai trị triều đại này coi mình như vị Mahdi á thánh hay gần như một Imam, và sứ mệnh của ông ta là tiêu diệt chế độ caliph tiếm quyền đáng ghét ở Baghdad, cải đạo những người Hồi giáo Sunni theo đức tin chân chính Shi’i, và thiết lập một đế chế toàn cầu dưới quyền một hoàng đế tối cao.
Xuất xứ từ Bắc Phi (mặc dù họ vẫn tuyên bố thuộc dòng dõi của Fatimah, con gái Mohammed), dòng họ Fatimid xâm chiếm Ai Cập năm 969, tại đây họ biến Cairo thành thủ đô, xây dựng một trường đại học và một thánh đường vĩ đại. Ngoài việc dùng quân đội để tăng cường sức ép với Baghdad, những người Fatimid còn cử các thừa sai đi để tổ chức lật đổ, cũng như để tiến hành cải đạo trong các vùng đất của kẻ thù. Nhưng sau khi đạt đến đỉnh cao vào năm 1059, lúc họ chiếm đóng Baghdad trong vòng một năm, những người Fatimid bắt đầu xuống dốc. Họ không chỉ bị các caliph cũng đang suy tàn cướp phá, mà còn bị cả thế lực Thổ Nhĩ Kỳ đang trỗi dậy và các cuộc Thập tự chinh Thiên Chúa giáo tấn công. Bản thân chế độ của họ rốt cuộc cũng không thể đứng vững được vì thực tế là đa số những người Hồi giáo không chấp nhận tín ngưỡng Ismaili hay không công nhận tính hợp pháp trong yêu sách về ngôi vị Imam của Fatimid. Ngay cả những tín đồ Ismaili cũng mất lòng tin vào họ, và triều đại này kết thúc vào năm 1171.
Tuy vậy chi phái này để lại một nhóm gọi là Nizaris, rất phát triển trong các cộng đồng Hồi giáo miền núi, và dưới hình thức những hội kín ở các thành phố tại Irắc, Iran và những vùng xung quanh trong khoảng thời gian từ năm 1099 cho đến 1266. Được thành lập bởi một thừa sai Ismaili nhiệt thành, một người từng đòi quyền thừa kế ngai vàng Fatimid nhưng bị bác bỏ, những người Nazaris sinh sống bằng cướp bóc và khủng bố, và tin rằng việc giết những người bị coi là kẻ thù là một bổn phận tôn giáo. Người ta nói họ dùng cây gai dầu (hashish – một loại ma túy) tôi luyện thân mình để thực hiện những hành động đẫm máu của họ. Họ cuối cùng cũng bị tiêu diệt bởi cuộc xâm lược của người Mông Cổ, những người đã chiếm Baghdad vào năm 1258, kết thúc triều đại Caliphate ở đây và gián tiếp tạo điều kiện cho nền văn hóa Hồi giáo đơm hoa kết quả thêm nữa ở các nơi khác - ở Ba Tư, Ấn Độ, Ai Cập và sau này là Thổ Nhĩ Kỳ.
Phái Ismaili ngày nay vẫn còn tồn tại dưới hình thức nhiều nhóm nhỏ. Nhóm Druze, một nhóm tín đồ bí ẩn và theo chế độ kết nạp tập trung ở miền nam Syria. Các tín đồ Druze không để lộ giáo lý của họ cho những người ngoài chi phái biết. Họ tuyên bố rằng phái của họ được thành lập bởi al-Hakim, thủ lĩnh đời thứ sáu của dòng họ Fatimid, ông này vào năm 1017 đã tuyên bố mình là hóa thân của Thượng đế. Năm 1021 ông ta biến mất. Dù người ta cho rằng ông ta bị mất trí và bị giết chết, nhưng phái Druze từ ngày đó đã coi ông là vị Imam ẩn thân. Những môn phái Ismaili khác tập trung ở Ấn Độ và Yemen. Nổi tiếng nhất, với số tín đồ đông tới hàng triệu, là phong trào Hocca mà lãnh tụ tinh thần là Aga Khan. Aga Khan III (1877-1957) được tán tụng rất nhiều trong thế kỷ vừa qua như một người hoạt động nhân đạo, một nhà thể thao và một nhà hoạt động nhà nước Ấn Độ.
Mặc dù có nguồn gốc đa dạng và phân tán về mặt chính trị, nhưng rõ ràng là không phải tình cờ mà Hồi giáo Shi’i lại cắm rễ lâu đời trong vùng bình nguyên Lưỡng Hà, nơi những ngày lễ Tết Năm mới cổ xưa bao gồm cả nghi lễ về trận chiến của anh hùng Marduk với sự Hỗn mang, và nghi lễ than khóc cho cái chết của Tammuz, một cách gợi nhắc tới trận chiến của Husain và than khóc cho cái chết của ông. Phái Shi’i cũng rất mạnh tại Iran vốn thuộc đạo Zoroastria (đạo Thiện cách tân), với đức tin vào một trận chiến ở tầm mức vũ trụ giữa cái Thiện và cái Ác, vào một vị tiên tri ẩn thân sắp xuất hiện, và một sự đảo ngược có tính chất khải huyền cái hiện trạng mà các tín đồ đang phải chịu đựng. Những ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo và đạo Mani (Bái hỏa giáo) đối với phái Shi’i cũng không thể loại trừ, vì về mặt tinh thần, Husain đối với người Hồi giáo Shi’i có gì đó giống như một vị chúa cứu thế.
Bảo tàng Luis Finot hay Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, nay là Bảo tàng lịch sử. |
25. Hồi giáo Mật tông (Sufism)
Bức tranh về đạo Hồi sẽ rất thiếu sót nếu ta chỉ nói đến những phe phái chính thức, đến lịch sử và luật tục thờ phụng chính thống, mà bỏ qua khía cạnh tu tâm thần bí là cái thường đem lại cho tín ngưỡng của Mohammed một bộ mặt khác hẳn, nhiều màu sắc hơn và cũng nổi tiếng hơn với những người không theo đạo Hồi. Truyền thống này được thế giới không phải Hồi giáo biết đến với cái tên Sufism, và những người đi theo nó gọi là các sufi. Thượng đế của các sufi cũng là Thượng đế của người Hồi giáo trong kinh Koran.
Nguồn gốc của cái tên Sufi còn chưa rõ, nhưng nhiều người gán nó cho một từ Arập, suf, có nghĩa là len thô, chỉ những người tu hành khổ hạnh đi tìm kiếm một con đường nội tâm mặc quần áo bằng len thô, chứ không hẳn là chỉ cách ăn mặc như một biểu tượng của họ để tự phân biệt với những tín đồ bình thường tự bằng lòng với sự tuân thủ bề mặt với lý tưởng Hồi giáo.
Các sufi không chỉ tuân phục ý chí và luật lệ của Thượng đế “ở bề ngoài” như các tín đồ bình thường mà họ còn làm hơn thế nữa. Họ cố gắng để tiếp cận với Thượng đế một cách gần gụi hơn, và nhắm tới việc hợp nhất bản thân mình với sự tồn tại của Thượng đế. Họ làm điều đó bằng những bí pháp và những phép mật tu. Và xung quanh việc tìm kiếm bí thuật Sufi đã hình thành nên rất nhiều các tập tục thờ phụng với những vẻ đẹp lạ thường: những bậc thầy tâm linh, những câu chuyện ngụ ngôn, những câu cách ngôn hoa mỹ và những câu chuyện thông thái, sự thông linh, những trường phái thiền định, và những bí thuật để xuất hồn hay tham thiền nhập định qua múa hát và đọc thần chú.
Các sufi tin rằng phép tu của họ có nguồn gốc từ những trải nghiệm tâm linh của chính Mohammed. Vị Tiên tri rõ ràng đã nhập định rất thâm sâu và hiểu biết Thượng đế rất gần gũi, thậm chí đã từng trải nghiệm trạng thái xuất hồn và lên đồng. Một số đoạn thơ trong kinh Koran cũng biện minh cho việc có thể gặp được Thượng đế ở khắp mọi nơi: “Phương Đông và phương Tây đều thuộc Allah. Ngươi quay hướng nào cũng giáp mặt Allah”.
Những đoạn khác gợi đến khía cạnh bí truyền: kinh Koran kể rằng Allah trong lần cuối cùng đã đưa bề tôi của Ngài là Mohammed đến một thánh đường thiêng liêng để thần khải những ký dấu thần thánh nào đó. Theo một vài truyền thuyết thì chuyện này là nói đến việc Thượng đế dùng phép màu đưa Mohammed đi từ Mecca đến Jerusalem trong vòng một đêm, và sau đó mang ông lên trời để chỉ cho ông thấy những cảnh tượng mà những người chết không được nhìn thấy.
Như vậy các sufi không chỉ tin rằng con đường của họ chính là con đường của Mohammed, mà nhiều người còn tin rằng Mật tông Sufi mới thực sự là con đường ngắn nhất để đi đến sự giác ngộ – đúng như ý nghĩa trong tuyên bố nổi tiếng của Mohammed nói rằng Hồi giáo không phải gì khác mà là một sự trở lại với đức tin nguyên thủy thực sự về Abraham và về vườn Địa đàng.
Về phương diện lịch sử, Mật tông Sufi tồn tại song hành với các tín ngưỡng tự nhiên thần giáo (shaman) châu Á, thuyết Platon mới, phép tu Thiên Chúa giáo và những triết học của Ấn giáo và Phật giáo, và vì thế chắc chắn có những ảnh hưởng không thể tránh khỏi giữa chúng. Nhưng trong lịch sử Hồi giáo, Mật tông Sufi đã hình thành như một trào lưu khoảng một thế kỷ sau cái chết của Mohammed. Giống như phái Shi’i nhưng theo một cách khác, Mật tông Sufi là một phản ứng chống lại sự xa hoa hủ bại, chống lại việc từ bỏ giá trị nguyên thủy của đức tin giản dị và thuần khiết của đạo Hồi, điều mà những tín đồ bình dị nhìn thấy qua sự phô trương đắc thắng của các caliph.
Con đường hướng vào nội tâm của Mật tông Sufi dành tầm quan trọng tối cao cho thái độ cá nhân của tín đồ với đức tin và tình yêu với Thượng đế, một tình yêu mà tự nó đã là sự đền bù. Những người theo Mật tông Sufi hoàn toàn đắm mình trong tình yêu Thượng đế, một tình yêu dâng hiến trọn vẹn và tuyệt đối đến mức không còn trên ý niệm mà là có thể diễn đạt bằng những lời lẽ của tình yêu thể xác. Không ai thể hiện điều này thuyết phục hơn nàng Rabi’a al-Adawiya thần bí của xứ Basra, vốn là một nữ nô được dạy dỗ để làm người thổi sáo. Đêm đêm nàng thường cầu nguyện Thượng đế như sau:
Ôi vị Chúa tể của thiếp, những ngôi sao trên trời lấp lánh, và đôi mắt của những người đàn ông đã khép lại, các ông vua đã đóng cửa cung điện, những người tình đã ở bên người thương của họ, còn ở đây thiếp một mình bên Ngài.
Nàng còn nói:
Thiếp gặp Tiên tri trong mộng và Ngài nói với thiếp: “Ôi Rabi’a yêu dấu, sao nàng không yêu ta?”. Còn thiếp bảo: “Ôi Tiên tri của Thượng đế, có ai là người lại không yêu Ngài? Nhưng tình yêu Thượng đế đã chiếm trọn lòng thiếp đến mức thiếp không còn chút tình yêu hay ghét hận nào nữa để dành cho Ngài.”
Và nữa: "Nếu có ai thờ phụng Thượng đế chỉ vì sợ hãi hay vì muốn được đền đáp thì đó là một kẻ tồi tệ… Cho dù Thiên đàng và Địa ngục đều là hư ảo, thì chẳng lẽ thiếp lại không vâng thuận Ngài hay sao?”.
Đó chính là tinh thần Sufi thuần túy vang vọng qua nhiều thời đại. Khi thời gian trôi đi, tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Thượng đế của các sufi ngày càng trở nên có tổ chức hơn, với những nghi thức, những học thuyết và những hội đoàn cụ thể, chúng định hình cuộc sống của những người dấn thân theo con đường này.
Chẳng hạn, Abu Yazid al-Bistami đã mô tả những giai đoạn của đời sống tâm linh để dẫn đến trạng thái fana, tức là hoàn toàn vượt qua cái tôi cá nhân để nhập vào với Thượng đế. Trạng thái fana này được thể hiện trong sự ngây ngất xuất thần: khi đó al-Bistami không biết là ông hay Thượng đế trong ông đang nói, và ông không hề e dè với cả những lời lẽ như “Ta là Thượng đế của con”, “Hãy dành sự tôn kính cho ta, ta oai nghi đường bệ biết bao”, hay “Tên hiệu của ta còn vĩ đại hơn cả Mohammed”. Những tín đồ Hồi giáo chính thống sẽ bị sốc khi nghe những lời lẽ như vậy.
Vào năm 922, al-Hallaj, một người từng được Thượng đế nhập vào mình trong trạng thái xuất thần, đã bị hành quyết ở Baghdad vì dám nói “Ta là Chân lý” – vì “Chân lý” là một phẩm chất chỉ dành cho Allah. Al-Hallaj đã lấy Jesus, một mẫu người của bí thuật nội tâm trong đạo Hồi, để làm gương Thượng đế hóa thân cho mình. Và ông ta bị hành hình theo cùng một cách với Jesus: bị đóng đinh câu rút.
Cũng vào thời gian đó, một sự kiện có lợi cho Mật tông Sufi đã xảy ra. Caliph Junayd xứ Baghdad tuyên bố rằng không được phép đặt những mật pháp bí thuật trong phép tu sufi lên trên những quy định về đạo đức và tập quán theo luật Hồi giáo, và rằng bản chất của tình yêu tôn giáo đòi hỏi phải phân biệt giữa người tu hành và Thượng đế, kể cả lúc các sufi đang trong trạng thái “hòa nhập” với Đấng Tối cao. Tuyên bố đó đã gián tiếp công nhận tính thích đáng của con đường Mật tông Sufi.
Al-Ghazali vĩ đại, người đã từng là một học giả Hồi giáo bình thường, mãi cho đến khi chính ông ta trải nghiệm trạng thái xuất hồn, rồi sau đó nỗ lực tìm hiểu con đường Mật tông, đã làm cho Mật tông Sufi trở thành một chi phái được kính trọng trong thế giới đạo Hồi. Ông diễn giải phép tu tâm của Mật tông Sufi như một thái độ tâm linh gắn liền với những hoạt động bộc lộ ra bên ngoài và được ứng dụng vào cuộc sống tôn giáo, như chúng ta đã thấy trong sự luận bàn của ông về hành hương hajj.
Con đường Mật tông Sufi có liên quan đến các vị sheikh, tức những bậc thầy tâm linh, và các wali, tức các vị thánh. Thoạt đầu, theo truyền thống Shi’i, các sufi cũng nói về những vị thánh ẩn thân, về vị Mahdi sắp xuất hiện hay vị Imam cứu thế có tính chất khải huyền. Các vị thánh này trong Mật tông Sufi không giống như tiên tri Mohammed, nhưng theo cách nào đó họ cũng vĩ đại gần như ông. Với sufi, tu hành để đạt đến wilaya, tức là đạt đến hàng thánh hay “bạn của Thượng đế”, là một mục tiêu tâm lý cũng cao cả y như tuân phục ý chí của Thượng đế là mục tiêu biểu kiến của đạo Hồi.
Rồi vào khoảng thế kỷ thứ 10 và 11 xuất hiện mục tiêu song hành về tuân phục và đạt được linh thánh đi liền với nhau trong người tu hành, đó là khi quan niệm được lưu truyền trong giới sufi cho rằng các tín đồ cần được chỉ dẫn bởi sheikh, tức là người dẫn dắt tâm linh cho mình. Vị sheikh, ở Ấn Độ gọi là pir hay murshid, là một người Hồi giáo nhưng ít nhiều cũng là một guru (tu sĩ) Ấn giáo. Sự phó thác đến quên bản thân mình cho sự điều khiển của ông ta, “như xác chết nằm trong tay người tẩm liệm”, là một trải nghiệm rất kỳ lạ về sự xả kỷ và nhằm phát triển tâm linh của người tu hành.
Từ sau khi có sự diễn giải của al-Ghazali, những gì mà các bậc thầy sufi thực hiện đã trở thành chuẩn mực cho sự mộ đạo Hồi giáo, trong đó việc rèn luyện nội tâm cũng được chú ý đặc biệt như những hoạt động tôn giáo bề ngoài. Nhưng ngoài việc chú ý đến nội tâm, thì Mật tông Sufi còn có những bí pháp xuất hồn đặc biệt để nhận biết được Thượng đế, được các vị sheikh chỉ dạy: những lễ nghi giống như dhikr (hay wird), tức là đọc to những cái tên bí mật của Thượng đế, hay nhảy múa theo các điệu nhảy bí thuật…
Những bí thuật như thế được phát triển nhờ những bậc Sufi vĩ đại hiện diện khắp thế giới Hồi giáo sau thế kỷ thứ 10. Và bước sang thế kỷ 20, họ vẫn còn tồn tại dù ảnh hưởng đã giảm đi nhiều. Đa số các sufi hiện giờ không còn là những thầy tu khổ hạnh sống nơi heo hút như trước nữa, cho dù mức độ tu hành thâm sâu của họ có lẽ cũng chẳng kém gì các nhà sư hay tu sĩ ở các tôn giáo khác. Nhưng với đa số các tín đồ bình thường thì các sufi này giống với những thành viên hội kín hơn là các nhà tu hành: người ta có thể được một vị sheikh hay vị pir khai tâm bằng cách mật truyền cho một bí pháp hay một câu thần chú, và sau đó có thể tự mình thực hành việc tu luyện. Một vài câu thần chú khai tâm sufi, nhất là ở đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) trước kia còn hàm ý chính trị và cách mạng. Cũng vì thế mà nhiều sufi bị các chính phủ Hồi giáo hiện đại đàn áp, vì những người chủ trương hiện đại hóa coi thái độ của họ gợi lại tâm lý trung cổ, mê tín và phi sản xuất.
Các sufi với những bậc thánh sư của họ đã và đang là một lực lượng thu phục nhân tâm mạnh mẽ trong thế giới Hồi giáo. Đạo Hồi được du nhập vào Ấn Độ và Inđônêxia thoạt đầu chính là dưới hình thức thần bí này; dễ thấy là nếu không có những vị thánh bí ẩn với vẻ ngoài mê hoặc như vậy thì đạo Hồi có lẽ sẽ khó có thể bám rễ vào được những nền văn hóa có khuynh hướng rất khác với văn hóa Arập này. Ngày nay, các tu sĩ sufi đang rất thành công trong việc truyền bá đạo Hồi ở châu Phi.
Các tín đồ Hồi giáo biết rất rõ về đức hạnh và linh thánh của những vị thánh trên trần thế này. Người ta kéo nhau đến những nơi các vị đang tu hành, và nếu họ đã chết, thì đến mộ của họ. Trong thời kỳ hoàng kim của Mật tông Sufi, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19, những truyền thuyết về các vị thánh được lan truyền rất rộng rãi, và con số những người hành hương đến các đền thánh cũng nhiều chẳng kém gì số người đến Mecca. Nhiều đền thánh ngày nay vẫn được người ta thường xuyên lui tới. Trong những vùng Hồi giáo Shi’i, đền thờ các Imam, như đền thờ Husain ở Karbala (Irắc) lúc nào cũng đông nghẹt người. Trong vô số thánh đường ở các làng mạc, có những thánh đường nằm ngay bên lăng mộ của các vị thánh địa phương, tuy không được trang trí bằng các họa tiết arabesque hay lát bằng gạch men, nhưng chúng rất nổi tiếng và có thể nhận ra ngay qua hình dáng của ngôi mộ, những dòng chữ ghi trên mộ, và những lá cờ nhiều màu treo trên lăng.
Đạo Hồi nói chung tin rằng các vị thánh và các tiên tri có quyền năng làm các phép lạ.
Mohammed không làm ra các phép lạ, trừ phép lạ về kinh Koran. Nhưng các vị thánh có một sứ mệnh khác với sứ mệnh của Mohammed. Mohammed là vị Sứ giả của Thượng đế, một người vừa bí ẩn và hấp dẫn hơn lại vừa gần gũi và đại chúng hơn. Còn các vị thánh thì cần phải làm những phép lạ để chứng minh sự thỏa mãn tâm linh siêu việt hơn sự thỏa mãn vật chất, và phải làm những việc cứu nhân độ thế để giúp giữ thế giới này gắn kết lại với nhau. Họ là những bậc thầy trong việc tạo ra cho đại chúng tín đồ những hình mẫu lý tưởng và những giấc mơ nằm bên dưới vòm trời của Thượng đế nhưng vượt cao hẳn lên trên thế giới trần tục. Baraka, tức phép lạ và quyền lực bí ẩn của các vị thánh vĩnh viễn nằm lại cùng ngôi mộ và di hài của họ, và vì thế mà những người hành hương kéo đến đó để cầu xin ân huệ và chữa trị bệnh tật.
"Khó phai" - siêu mẫu nội y châu Âu |
26. Đạo Hồi trong lịch sử
Năm Mohammed rút khỏi Mecca đến Medina (622), được chọn làm năm bắt đầu của kỷ nguyên Hồi giáo. Đó là một lựa chọn xác đáng bởi vì Medina chính là nơi Mohammed đã biến đức tin của ông thành một tôn giáo, một nhà nước hùng mạnh, và cuối cùng thành một đế chế thế giới.
Được khích lệ bởi những hồi ức còn mới mẻ lan truyền khắp xứ Arập về vị Tiên tri, vào thời điểm Mohammed qua đời, những người Arập đã sẵn sàng để đưa đạo Hồi vượt ra ngoài tổ quốc của ông. Và họ đã làm điều đó với một tốc độ nhanh chưa từng có khiến thế giới phải choáng váng. Các caliph, những người kế vị của Mohammed, chỉ trong vòng một thế kỷ đã thống trị cả một vùng đất từ Tây Ban Nha và Marốc ở phía tây trải dài cho đến tận Indus (Ấn Độ) ở phía đông. Đế chế Byzantine kiệt quệ quay cuồng trước ảnh hưởng của họ và mất đi phần lớn các vùng đất của mình. Đế quốc Ba Tư hoàn toàn sụp đổ, phải chuyển sang đức tin và sự thống trị Hồi giáo. Những người Hồi giáo chinh phục Bắc Phi và tiến vào châu Âu. Mặc dù bước tiến của họ vào châu Âu cuối cùng đã bị chặn đường, nhưng một phần Tây Ban Nha vẫn bị người Hồi giáo tiếp tục thống trị dưới triều đại của caliph Cordova.
27. Đế chế Umayyad và Abbasid
Khi Abu Bark chết, Umar Ibn al-Khattab lên làm caliph. Umar là nhà tổ chức thực sự của đế quốc Arập. Dưới sự chỉ huy của Umar, những người Hồi giáo Arập đã xâm chiếm Syria, khi đó còn là lãnh thổ của đế quốc Byzantine Thiên Chúa giáo. Người Hồi giáo đánh bại các đạo quân Byzantine ở đó, chiếm luôn đế quốc của họ và tiếp tục tiến lên miền bắc cho đến khi họ phải dừng lại ở miền nam Anatolia (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Năm 642, những đạo quân Hồi giáo cũng tiến về phía tây, chiếm Ai Cập khi đó cũng là lãnh thổ của đế quốc Byzantine. Những cuộc xâm chiếm và chinh phục này là một phần của cuộc jihad, tức là Thánh chiến Hồi giáo để bành trướng ảnh hưởng của đạo Hồi.
Năm 656, Umar bị ám sát. Lần này các lãnh tụ đạo Hồi chọn Uthman Ibn Affan lên làm caliph. Mười hai năm sau, Uthman bị những người ủng hộ Ali ám sát. Sau khi Uthman chết, Ali lên kế vị ông ta làm caliph. Nhưng tổng trấn xứ Damacus là Mu’awiyah công khai chống lại Ali. Kết quả là Ali bị ám sát sau 5 năm cầm quyền. Lần này các bộ tộc Arập tranh giành quyền hành chính trị và tôn giáo xoay ra đánh lẫn nhau.
Mu’awiyah là thủ lĩnh của bộ tộc Omayyad, bộ tộc mạnh nhất ở xứ Arập, và hầu hết người dân của bộ tộc này đã cải theo đạo Hồi. Bộ tộc Omayyad dưới sự chỉ huy của Mu’awiyah chiếm Damascus vào năm 636, và ông ta trở thành tổng trấn của Damascus. Sau khi Ali bị ám sát, Mu’awiyah tự tuyên bố mình là caliph mới. Ông biến Damacus thành kinh đô của đế quốc Hồi giáo Arập và dùng nó làm căn cứ để đàn áp tất cả những bộ tộc chống đối. Khi Mu’awiyah chết vào năm 680, ông ta đã chỉ định cho con trai là Yazid làm caliph. Bắt đầu từ đó trở đi, chức vị caliph trở thành một chức vị cha truyền con nối của dòng họ cai trị đế quốc.
Dưới triều đại các caliph Omayyad, bằng những cuộc chinh phục, người Hồi giáo đã mở thêm rộng rất nhiều vùng lãnh thổ được cai trị theo đạo Hồi. Năm 711, Omayyad tiến về phía Tây chiếm xứ Morroco ở Bắc Phi để làm bàn đạp quay lên phía bắc tiến sang châu Âu theo ngả Tây Ban Nha. Họ vượt qua eo Gibraltar, xâm chiếm vương quốc Visigothic ở Tây Ban Nha. Đã có lúc người ta tin rằng người Hồi giáo đã sắp sửa chiếm được toàn bộ châu Âu Thiên Chúa giáo. Nhưng khi các đoàn quân Hồi giáo tiến vào đến trung tâm nước Pháp thì họ bị người Franks dưới sự chỉ huy của Charles Martel đánh bại trong trận chiến nổi tiếng ở thành Tours năm 732.
Mặc dù sự bành trướng lên phía bắc bị chặn lại và người Hồi giáo buộc phải rút lui khỏi châu Âu, nhưng họ đã lập nên ở Tây Ban Nha một vương quốc Hồi giáo của caliph Cordova, và tiếp tục thống trị miền nam Tây Ban Nha thêm 7 thế kỷ nữa.
Như vậy, sau gần một thế kỷ chiến đấu, những người Hồi giáo, được khích lệ bởi những lời giáo huấn của vị Tiên tri, đã tiến hành công cuộc chinh phục đất đai và bành trướng đạo Hồi của mình bằng lưỡi gươm và đã tạo nên một đế quốc trải dài từ biên giới Ấn Độ cho đến tận bờ biển Đại tây dương - một đế quốc lớn nhất cho đến thời bấy giờ. Và ở bất kỳ đâu mà các đạo quân Hồi giáo đặt chân đến thì đều diễn ra sự cải đạo trên quy mô lớn của các cư dân ở đó sang đạo Hồi.
Khi đế chế Omayyad hình thành vào thế kỷ thứ 8, tiếng Arập được họ sử dụng như ngôn ngữ chung trong toàn bộ đế quốc. Mặc dù những người Thiên Chúa giáo vẫn còn trụ lại được ở các vùng núi phía tây Syria, nhưng tôn giáo duy nhất có thể giữ được tính đồng nhất toàn vẹn trong đế chế là đạo Hồi. Và đạo Hồi thực sự đã có một ảnh hưởng quyết định đối với sự bành trướng mở rộng cũng như hướng mục tiêu chinh phục của đế chế Omayyad.
Triều đại Omayyad đã xây dựng nhiều đường sá, thành lập các nhà thương và khuyến khích phát triển giáo dục. Các học giả từ khắp các miền đất trong và ngoài Arập kéo đến Damascus, họ lập ra những trường phái y học mới và nghiên cứu các tư tưởng triết học. Đế chế Omayyad được coi là đỉnh cao của nền văn minh Hồi giáo sơ kỳ và cũng là người mở đầu cho truyền thống biến các thành phố lớn thành các trung tâm phát triển văn hóa trong thế giới Hồi giáo.
Tuy nhiên, triều đại Omayyad chỉ tập trung phát triển hành chính, giáo dục, mở mang học vấn và các lĩnh vực khác của đời sống tại các đô thị, trong khi đó những vùng nông thôn rộng lớn thì hầu như bị bỏ rơi. Điều đó gây ra sự xung đột giữa các cư dân nông thôn chiếm đa số trong vùng Trung Đông bấy giờ với các cư dân thành thị. Sự xung đột đó kết hợp với những tranh chấp giữa phái Sunni và Shi’i, là phái giành được sự ủng hộ của các tầng lớp dân nghèo trong đế chế, cũng như xung đột giữa các bộ tộc Arập cuối cùng đã làm sụp đổ đế chế Omayyad.
Vào năm 750, triều đại Umayyad bị lật đổ bởi người Abbasid (ở Babylone) vốn là những người Hồi giáo Shi’i, bộ tộc có nguồn gốc từ Abbas, một trong những người chú của Mohammed. Người Abbasid chuyển thủ đô của đế quốc Hồi giáo về Baghdad, một thành phố mà họ mới xây dựng trên bờ sông Tigris. Ngày nay Baghdad là thủ đô của Irắc.
Những thế kỷ của triều đại caliph Omayyad và caliph Baghdad (680-1258) cũng như triều đại caliph Cordova ở Tây Ban Nha (755-1236) là Thời đại Vinh quang của nền văn minh Hồi giáo sơ kỳ. Những thế kỷ này cũng đồng thời là Thời đại Đen tối của châu Âu.
"Vọng" - tranh của họa sĩ Võ Xuân Huy |
28. Các quốc gia Hồi giáo độc lập
Với sự sụp đổ của triều đại Omayyad, những người Hồi giáo ở Tây Ban Nha thành lập nên một quốc gia độc lập và tách khỏi đế quốc Hồi giáo phương Đông. Đó là triều đại caliph Cordova (755-1236). Bắt đầu từ năm 800, các vùng đất khác của đế quốc Omayyad thực chất cũng trở thành các vương quốc Hồi giáo độc lập dưới quyền kiểm soát của các bộ tộc có thế lực địa phương. Nhưng sau các cuộc chiến tranh mà châu Âu Thiên Chúa giáo gọi là các cuộc Thập tự chinh, những cuộc chiến đã gây ra bao cảm giác cay đắng và những sự hiểu lầm giữa hai tôn giáo cho đến giờ vẫn còn chưa lành hẳn, thì triều đại của các caliph Baghdad sụp đổ, đế chế Hồi giáo chia ra thành nhiều nhóm các quốc gia Hồi giáo nhỏ hơn.
Khi các quốc gia Hồi giáo độc lập xuất hiện, sự cố kết trong đế quốc Hồi giáo đã giảm đi rất nhiều. Nhưng người Hồi giáo vẫn còn tiếp tục kiểm soát một vùng lãnh thổ rất rộng lớn trên thế giới. Xa hơn về phía đông, đế quốc Ba Tư và đế quốc Moghul ở Ấn Độ đã phát triển thành những nền văn minh Hồi giáo huy hoàng. Họ nắm quyền hành mãi cho đến khi người Anh chiếm Ấn Độ vào năm 1700.
29. Đế chế Maroc
Đế chế Marốc ở Bắc Phi là sự phát triển kế thừa đế chế Omayyad. Vào khoảng năm 680, khi sự bành trướng của đế quốc Hồi giáo theo hướng bắc và đông tạm thời bị chặn đứng, những đạo quân Hồi giáo thiện chiến của đế quốc Omayyad từ bán đảo Arập tràn sang phía tây vào Bắc Phi. Ngoài việc xâm chiếm lãnh thổ, những cuộc chinh phục của họ còn nhằm mở rộng đạo Hồi. Mục tiêu lâu dài là sử dụng Marốc như một bàn đạp cho sự xâm lược và cải đạo đất nước Tây Ban Nha.
Do gặp phải sự chống đối của các bộ lạc địa phương, các caliph Omayyad chỉ kiểm soát được vùng đồng bằng, các cảng biển và khu vực quanh các thành phố Fès, Marrakech, Rabat và Meknes – được gọi là ”những thành phố của đế chế”. Còn bên ngoài các thành phố này, những cư dân sinh sống tại miền núi Rif và Atlas và các vùng sa mạc hẻo lánh ít khi chấp nhận sự cai trị của các caliph Omayyad.
Bộ tộc Arập đầu tiên xác lập được quyền cai trị thực sự trên vùng đất này là người Idrissids do Moulay Idriss chỉ huy, họ đến Marốc vào cuối thế kỷ thứ 8. Idriss khá thành công trong việc cải đạo Hồi cho những người Berber, và nhờ đó đã thiết lập được quyền lực ở vùng này, ít nhất cũng ở miền Bắc Marốc. Từ đó Idriss đã dựng nên một vương quốc Hồi giáo Arập.
Triều đại Idriss tồn tại trong một thời gian gần ba thế kỷ và cuối cùng bị các quốc vương người Berber cũng là Hồi giáo - đó là dòng họ Almoravids - lật đổ vào thế kỷ thứ 11. Người Almoravids lật đổ triều đại Idriss dưới danh nghĩa là để giải phóng những người Hồi giáo Marốc khỏi những sự đồi bại đang nẩy nở lan tràn trong vương quốc Hồi giáo Marốc. Họ đã xây dựng nên thành phố Marrakech.
Theo Nguyensinh
"Người xưa" - Hot girl Trung Quốc Tôn Thất Kỳ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét