"Cay nồng" - siêu mẫu châu Âu |
Tới đó mợ quên bẵng câu chuyện về chủ nghĩa Mác - Lênin với các văn kiện, mợ quay sang cái làn thực phẩm... Xong xuôi, mợ lấy thịt và giò, thứ đem cất, thứ đem thái rim, thứ đem bày ra đĩa. Hai gò má mợ hồng hào, nhoáng mỡ. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Tàu đỗ lại đột ngột khiến người đàn ông răng bạc và tôi cũng bật ngửa về phía sau. Nó chạy thêm vài chục thước nữa, rồi dừng hẳn lại. Ga mới đứng sừng sững dưới ánh đèn. Ga này vắng khách. Trên đường kè xi măng, chỉ có dăm người đủng đỉnh lên tàu. Những chiếc vali nhỏ nơi tay họ giống như hộp đựng đồ hóa trang của diễn viên. Ga không lớn, nhưng kiểu kiến trúc nặng nề. Chúng giống những tảng đá xếp xô lệch, chồng chất lên nhau. Và những cây cột đèn đứng thành hàng đều đặn trên khoảng sân rộng, trông trơ trọi, chẳng ăn nhập vào đâu. Tuyến đường này, tôi đã đi vài lần. Tên các nhà ga, tôi không nhớ hết. Những cái tên Nga, dài lòng thòng, trúc trắc đối nghịch tâm hồn giản dị của họ. Nhưng bù vào đó, địa thế và kiến trúc các nhà ga, tôi nhớ như in. Ga này xấu xí. Không hiểu vì sao, cứ nhìn thấy nó tôi đã có cảm giác nặng nề, u uất. Dường như những dáng thô lậu, thiếu hài hòa ấy hăm dọa con người, đem cho họ những dự cảm không may mắn.
Tàu dừng ở ga khá lâu, có lẽ do bảng điều phối chung của ngành đường sắt. Trong khoảng thời gian chờ đợi, tôi móc trong túi được một nắm kẹo. “Chìa khóa vàng.” Tôi mời khách đồng hành. Ông ta cười váng lên:
- Răng tôi sắp hỏng hết rồi. Kẹo là kẻ thù số một đấy.
Tôi nhí nhách bóc kẹo, mong cho con tàu nhanh nhanh rời ga.
Rồi cũng tới lúc tàu rời ga thật. Những khối đen nặng nề từ từ trôi về phía sau. Cả các cột đèn trơ trọi, với những bình thủy tinh chụp hình trái anh đào lộn ngược. Cả cái bồn hoa hẹp và dài, chạy dọc theo kè xi măng, rùm ròa loài cây gai đầy hoa nở.
Người đàn ông mở sổ ra xem, và nói:
- Còn ba ga nữa thôi. Khoảng một giờ bốn mươi phút nữa ta sẽ tới Mátxcơva.
Tôi đáp,
- Vâng.
Ông ta hỏi,
- Có người chờ cô ở đấy chứ?
Tôi lúng búng đáp,
- Không biết. Có thể có.
Ông khách liếc nhìn tôi, rồi nhún vai:
- Một con chuột nhắt như thế này mà không có ai ra đón ư?
Tôi mỉm cười, thay cho câu trả lời. Còn ông ta rung đùi nhìn tôi, mắt nheo lại đầy hoài nghi. Lúc ấy, có tiếng mở cửa. Hai gã trai trẻ bước vào. Một gã cao to, lưng gấu, tóc vàng. Gã kia tóc đen, lông mày đen, ria mép đen, kiểu như người xứ Grudia. Toa tàu tràn ngập mùi rượu. Người đàn ông ngồi bên tôi ngả người ra phía sau, duỗi dài đôi cẳng chân. Rồi ông ta đưa mắt nhìn hai gã trai trẻ. Ngược lại, hai gã không nhìn ông ta mà nhìn tôi:
- A...
Gã tóc đen cất tiếng reo rồi xô tới:
- Mày có quần bò mốc không? Tao mua.
Tôi lắc đầu,
- Không có.
Dường như gã không nghe tôi trả lời, gã cao giọng nhắc lại lần thứ hai.
- Quần bò mốc, quần bò hoa. Tao mua cho.
Tôi đáp lại, to tiếng hơn.
- Không có.
Gã tóc vàng, lưng gấu cúi đầu xuống:
- Tao trả 130 rúp, bán đi. Ở Mátxcơva chúng nó mua rẻ hơn. Chỉ 115 rúp thôi.
Tôi đáp,
- Tôi đã bảo là tôi không có.
Gã tóc đen cau mày, hàng ria mép đen đụng đậy,
- Mày không muốn bán cho chúng tao, phải không?
Gã móc túi, chìa ra một nắm bạc.
- Chúng tao không ăn cắp, chúng tao trả tiền. Nhìn đây.
Hơi rượu phả vào tận mũi tôi. Tôi thấy óc não bắt đầu quay cuồng, hai thái dương nóng rừng rực.
- Tôi đã bảo là tôi không có. Mấy người điên hay sao?
Mắt gã trai tóc đen long lên, tức giận. Gã nhét tiền vào túi, tiến lên một bước, đứng chặn ngay trước mặt người đàn ông răng bạc. Rồi gã xỉa ngón tay vào trán tôi:
- Mày không chịu bán, phải không? Tụi Việt Nam chúng mày không bán, còn ai bán. Lần trước, một con bé giống mày bán cho tao chiếc áo phông tồi. Đem về nhà, em gái tao mặc. Một lần, đã rách hết đường chỉ. Ở đường phố Áccbát ấy, biết không, chỉ có chúng mày và tụi digan bán hàng rong.
Nước mắt và muối cùng lúc tràn lên che kín mắt tôi. Người đàn ông răng bạc đứng lên, làm gì đó, hình như túm cổ gã trai. Tôi nghe tiếng ông ta hét:
- Cút ngay, cút ngay, không ta cho chúng mày xuống đường tàu.
Tiếng ông ta bập bùng như gõ trống bên tai. Hình ảnh ông cũng lờ mờ, bị lủi chìm trong màn nước mắt. Tôi trùm tấm khăn len lên đầu, khóc nức nở, khóc như bị đòn oan, không còn kiềm chế được. Người khách đồng hành vỗ vai tôi nhẹ nhẹ, ra chiều an ủi. Rồi sau đó, ông ta khoanh tay, ngồi im lặng với vẻ mặt của một người từng trải, kiên nhẫn chờ đợi.
Bây giờ, tôi không hiểu vì sao tôi đã khóc như thế. Nhưng lúc ấy, nước mắt như dòng lũ không ngăn được. Lần đầu tiên, trong đời, tôi khóc trước một người khách lạ. Ông ta lại rút thuốc ra châm. Còn tôi, khi đã khan hét giọng, tôi rũ xuống như tàu lá héo, ngã vật vào góc toa tàu. Bên ngoài, những thị trấn, những phố lẻ lác đác ánh đèn trôi qua. Giống như những đốm lửa lạnh lẽo, xa cách, chúng nhắc nhở sân ga Mátxcơva năm trước.
Năm ngoái, cũng bà Vêra trao cho tôi bức điện: “Hằng đến ngay Mátxcơva. Khách sạn Ratxia. Phòng 607”.
Tôi biết cậu Chính đã sang Nga, vì từ ba tháng trước, mẹ tôi viết thư báo. Tôi cũng ngồi trên con tàu này, vượt qua hàng ngàn cây số để tới Matxcơva vào một sớm lạnh lẽo. Tuyết chưa rơi, nhưng những đám lá vàng cuồi cùng của mùa thu đã ngả sang nâu sạm. Trên hè, những mảnh lá úa tàn bị gió lùa theo gót khách vãng lai. Trên không, thỉnh thoảng lại có vài chiếc lá vàng hiếm hoi bay lượn, như mảnh ước mơ của mùa thu bay lượn trước cửa ngõ mùa đông. Áo mỏng quá, tôi rét. Tôi phải giở bản đồ thành phố, nhanh chóng tìm bến xe điện ngầm gần nhất để xuống. Dưới các đường hầm ấm hơn trên mặt đất nhiều. Tìm được bến, tôi cắm đầu cắm cổ chạy. Lúc ấy, dân Mátxcơva chưa đi làm. Đường phố vắng, chỉ có những cảnh sát giao thông đứng trực trên các ngã tư, và trên quảng trường. Vừa chạy, tôi vừa ước ao một chén chè nóng pha đường. Nhưng lúc ấy, có tài thánh cũng không kiếm nổi một chén chè. Chưa tới giờ các quán ăn công cộng cũng như các bútphét mở cửa. Xuống ga, tôi ném đồng năm xu vào cửa tự động rồi bước qua hàng rào, vào trong. Tuyến đường tôi đi ngay gần đó. Hai phút sau, tôi đã ngồi trong toa, tở dồn dập vì mệt và lạnh. Da dẻ tôi dần dãn ra trong bầu không khí ấm. Ngả người ra phía sau, tựa vào lưng ghế, tôi nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng bánh xe nghiến lúc tới các bến đỗ, tiếng của các hành khách mới lên. Khách vắng, cả toa chỉ dăm người. Tuy thế, tôi không thấy côi cút, tôi mong mỏi giờ gặp gỡ. Tôi sẽ biết tin mẹ tôi và mọi chuyện bên nước nhà.
Mỗi ga, người phát thanh viên lại xướng lên trong loa phóng thanh. Nhờ đó tôi có thể mở mắt đứng dậy vào đúng ga cần tới.
Tàu dừng hẳng, tôi bước lên bờ kè. Ở đó, phải nhảy một lúc cho ấm người, tôi mới đủ dũng khí ra đi. Từ ga tàu điện ngầm tới khách sạn rất gần, chỉ qua vài khúc phố với một vườn cây nhỏ, ngả nghiêng những thân liễu mềm, thân bạch dương trắng óng. Cỏ đã trụi, đất phơi ra màu đen xỉn như xỉ than nghiền vụn. Những con chim câu già lông cánh xác xơ kiếm ăn sớm, kéo lê bộ đuôi bẩn thỉu dọc hè phố. Dưới bờ sông đào, con sông đang ngủ, làn nước màu chì phẳng lặng, không gợn sóng xao. Có một người đàn ông cao lớn, thọc hai tay vào túi, đi dọc theo bờ kênh. Vừa đi, ông ta vừa huýt sáo khe khẽ. Đó là giai điệu một ca khúc đang được ưa chuộng “Tình Yêu Màu Xanh”. Tôi đi sau người đàn ông, lắng nghe tiếng huýt sáo vọng trong không gian yên tĩnh như mơ ngủ. Tiếng sáo làm tôi bớt lạnh. Giờ này, có tới, người gác khách sạn cũng không cho vào. Vì lẽ đó, tôi đã mê mải đi theo thứ âm nhạc dân dã kia. Tôi đuổi theo nó mãi, tới khi người đàn ông dừng lại trước một tòa nhà cao tầng, ngẩng lên tìm kiếm một địa chỉ nào đó, và ông ta thôi không còn huýt sáo nữa. Sang đường, tới khách sạn, tôi phải đợi hơn nửa giờ sau mới được vào. Cậu tôi đã chờ tôi ở phòng khách tầng dưới, cùng với một chàng trai. Anh ta là phiên dịch của đoàn. Nhờ anh ta năn nỉ với người gác phòng, tôi được đưa lên tầng gác thứ sáu, nơi cậu tôi ở. Hành lang trải dạ thẫm màu, vắng tanh. Khách còn đang ngủ. Cậu Chính nói oang oang:
- May quá, nhờ cậu chú cháu tôi khỏi phải đứng dưới nhà. Thôi nhé, lúc nào cần tôi sẽ gọi.
Tôi nói.
- Cậu khe khẽ thôi. Có phải ở nhà mình đâu?
Cậu há miệng.
- Ờ ờ...
Rồi đưa tay chào người phiên dịch. Tôi thấy anh liếc tôi, mủm mỉm cười trước khi mở cửa phòng mình. Chúng tôi còn phải đi xa nữa, người phiên dịch ở phía đông , cậu Chính ở phía tây. Qua gian sảnh chung, tôi thấy hai phụ nữ trẻ đang ngồi đan áo. Cậu bảo:
- Giá cháu giỏi tiếng Nga, bán được mấy chiếc áo len cánh dơi cho các cô này thì tốt.
Tôi nhìn cậu, không nói gì. Tới trước cửa phòng, cậu rút chìa khóa, mở cửa.
- Vào đi cháu.
Tôi vào trước, cậu vào sau. Cậu khóa cửa cẩn thận rồi mới đưa tôi vào phòng. Tôi hỏi:
- Cậu ở một mình?
- Ờ, tiêu chuẩn của cậu.
Ngẫm nghĩ tí chút, cậu nói thêm:
- Ở một mình là tiện nhất.
Nói xong, cậu đưa mắt liếc ra ngoài cửa sổ. Nơi đó, những mái nhà thành phố hiện lên trong làn ánh sáng trắng như sữa của bình minh. Cậu ngó nghiêng lần nữa, vẻ yên tâm. Lúc đó, cậu nói:
- Cháu đem giải quyết mớ hàng này.
Rồi quì xuống, cậu lôi chiếc túi du lịch nhét trong ngăn dưới cùng của chiếc tủ gỗ ra.
- Hàng mợ chuẩn bị đầy đủ lắm cơ.
Kéo phécmơtuya roạt một tiếng, cậu sắp sửa lôi các thứ hàng xếp bên trong ra. Tôi vội nói:
- Từ từ đã cậu.
Cậu bảo.
- Nhưng lát nữa cậu còn phải họp đoàn, còn làm việc với bạn.
Tôi bảo.
- Chẳng đi đâu mà vội, ở đây, người ta không thức dậy sớm như bên mình.
Cậu băn khoăn.
- Nhưng lỡ tay phiên dịch nó sang.
Tôi nói.
- Chẳng sang người ta cũng thừa biết.
- Hằng...
Cậu quát lên, mặt tái mét.
- Mày nói gì thế!
Tôi đáp:
- Cháu nói thật.
Cậu gằn giọng.
- Cháu mới chắt, đồ mất dạy.
Tôi lặng im. Cậu hùng hổ đi tới trước cửa sổ, vén tấm rèm lên, chẳng hiểu cậu tìm thấy gì trong khung cảnh của thành phố sớm mai yên tĩnh? Hai tay chống nạnh, đôi vai nhô lên, chắc cậu đang trút những hơi thở dài, bực bội. Lát sau, cậu quay vào, giọng hiền từ hơn.
- Thôi... Nhưng lẽ ra, cháu cũng không nên nói thế.
Tôi lặng im, không đáp. Cậu khẽ nói.
- Hằng này, cậu không muốn nhờ người khác, hoặc họ dìm giá, hoặc họ thóc mách, đồn thổi. Cháu giúp cậu.
Tôi bỗng thấy mỏi mệt đến nỗi muốn lăn ra giường ngay. Các đầu khớp xương nhức buốt. Da nổi gai ốc đầy lưng, và những cơn ớn lạh liên tục chạy dọc theo xương sống. Cảm giác giá lạnh cộng với cơn đói dày vò, khiến các cơ bắp như chảy lan ra, không có cơ hồ giữ lại. Tủi cực chăng? Khóc chăng? Nước mắt đã cạn. Tôi nhìn cậu, nói khe khẽ:
- Đáng lẽ, cậu nên thông báo cho cháu tình hình gia đình, sức khỏe mẹ cháu ra sao? Đáng lẽ, cậu nên cho cháu một chén nước chè. Cháu từ hàng nghìn cây số tới đây.
Cậu đứng ngẩn người ra, rồi ờ ờ... những tiếng vô nghĩa, tay cậu trở nên thừa thãi. Lát sau, cậu đi đến tủ lạnh, mở cánh cửa. Bên trong, lổng chổng một đống bánh mì tròn, thứ bánh mì bán trong các bút phét, hai xu một chiếc.
Tôi nói:
- Cám ơn cậu.
Nói đoạn, tôi đứng lên.
- Cậu làm ơn mở khóa cửa cho cháu.
Cậu mở cửa. Tôi đi dọc hành lanh, tới gian sảnh. Hai người phụ nữ trẻ vẫn đang đan. Tôi hỏi họ bút phét ở đâu? Họ chỉ đường cho tôi. Đi tới cuối mút hành lang, xuống tầng thứ 3. Bút phét đã mở. Khách ăn còn vắng. Chỉ vài ba người đàn ông to béo ngồi ăn dăm bông với pho mát. Bàn trong cùng, một cặp trai gái cao gầy, tóc bạch kim, có lẽ người Bắc Âu đang uống bia. Tôi mua một phần tư con gà, một đĩa trứng ốplếp với một chiếc bánh ngọt phết mứt dâu. Chừng ấy, đủ cho tôi chống cơn rét mệt. Ăn sáng xong, tôi trở về phòng, mang theo túi hoa quả. Trong phòng, chừng non một chục người ngồi. Đó là đoàn công tác của cậu tôi sang họp. Anh chàng phiền dịch ngồi sát cửa, ghé mắt nhìn xuống phố xá. Những người khác, vừa nghe vừa nặn trứng cá hoặc gãi mụn ruồi. Người nào cũng có vẻ bồn chồn. Chắc chắn họ đang tính cách nào bán hàng hóa nhanh nhất và nhờ ai mua được nhiều hàng hóa nhất. Cậu Chính đang cao giọng nói:
- Tôi yêu cầu các đồng chí nêu cao tinh thần gương mẫu trên đất nước bạn. Tất cả phải có ý thức tổ chức.
Tôi lặng lẽ quay ra. Tới gian sảnh tôi ngồi vào một góc ghế bành, chờ đợi. Nhưng trong góc chiếc ghế bành êm ái bọc nhung đỏ, tôi thấy côi cút. Tôi thấy cực nhục. Cơn đói và rét qua rồi, chỉ còn lại cơn xâm kích của các làn sóng tê tái. Chúng giống như các làn sóng biển thực sự, cứ ào tới rồi lại rút ra xa, lặp đi lặp lại triệu triệu lần. Nhưng không phải nước mặn, mà một thứ muối xót xa, một nỗi đau quằn quại,1 mỗi buồn thê thảm, không thể cắt nghĩa.
- Mẹ ơi i i...
Chùa Kim Liên (Hà Nội) - ảnh Việt Nam xưa |
Gương mặt mẹ hiện lên, trong khoảnh khắc ấy. Một gương mặt hiền dịu, tươi cười. Vừa thân yêu, vừa xa cách.
Dẫu sao, mẹ cũng vẫn là mẹ của tôi. Tôi yêu người. Từ biệt cô Tâm, với làng quê, với bao nhiêu ưu ấp, tôi trở về thành phố. Mẹ đang ngồi chải đầu. Hình như mẹ vừa gội đầu xong, tóc chưa kịp khô. Tôi chạy ào tới mẹ:
- Mẹ... Mẹ nhớ con không?
Mẹ ngẩng lên, đôi mắt chớp chớp xúc động. Nhưng qua giây phút ấy, mẹ lại dằn dỗi, nói:
- Nhớ! Chỉ có con nhiều thú vui, con mới chẳng nhớ ai.
Tôi ôm mẹ cười:
- Chẳng nhớ ai thật. Nhưng chỉ nhớ riêng mẹ thôi.
Rồi tôi nói thêm, khẽ khàng:
- Mẹ buồn cười lắm. Chẳng ai thay thế được mẹ.
Mẹ cúi đầu im lặng. Có lẽ, đó là nỗi im lặng sung sướng. Tối hôm ấy, mẹ nấu chè sen cho tôi ăn. Suốt đêm, tôi ôm mẹ ngủ. Chỉ còn ba ngày nữa là tựu trường. Đã bước vào năm học, tôi sẽ chẳng còn thời giờ nhõng nhẽo. Vừa từ giã đám bạn học cũ, tôi đã có những bạn gái mới, những nữ sinh viên đại học tương lai. Suốt ba ngày liền, họ kéo đến, sắm sanh quần áo, sách vở, tính toán trước những khoản tiền phải nộp cho nhà trường. Giá một đôi guốc bây giờ cũng đủ cho các bà mẹ có con gái lớn lo thắt tim. Có một cô, trong đám nữ sinh ấy, phải rửa bát thuê cho hàng phở, gánh nước suốt một vụ hè mới sắm nổi một bộ quần áo thường và một đôi guốc. So với các bạn, tôi phong lưu hơn. Cô Tâm sắm cho tôi một sấp vải các loại, từ thứ hàng kaki, hàng len ngoại may quần với các thứ phin nõn pha nilông, pôpơlin màu, vải sợi bông thô, lụa tằm pha sợi tổng hợp. Cứ sấp vải ấy, tôi có thể may quần áo đủ mặc suốt bốn năm . Nhưng mẹ tôi lại kỳ cục tìm mua cho tôi một mảnh phin nõn Nhật màu hoa cà, điểm những chấm trắng lấp lánh như chấm tuyết. Rồi mẹ lặn lội xuống tận Hàng Bông may cho tôi một chiếc sơmi kiểu mới, tại một hiệu may đang có tiếng là thời trang.
- Cô Loan bảo bây giờ đang có mốt áo Đan Mạch. Mẹ may cho con kiểu ấy.
Tôi ôm cổ mẹ.
- Mẹ trở thành một tay chơi chính hiệu rồi đấy. Hơn con nửa cây số công mười lăn phân.
Mẹ cười sung sướng. Chiếc áo trông rất kỳ khôi, với các mảnh vải đan chéo, bổ ngang, các thứ quai và khóa sáng loáng. Mặc lên, tôi hóa thành một nữ ca sĩ trong băng nhạc da đen, da đỏ nào đó ở châu Mỹ Latinh. Nhưng tôi đã mặc nó trong ngày tựu trường. Mẹ tôi nắc nỏm khen.
- Đẹp lắm, con ạ. Hiện đại lắm.
Chắc những danh từ ấy mẹ nghe lỏm của thiên hạ, đám người ngày ngày vẫn tới hàng của mẹ mua măng khô, miến, đỗ, lạc, đường... Mấy anh chàng sinh viên khóa trên nhìn tôi cười nhăn nhở.
- Ai vẽ cho em cái áo mốt thế?
Tôi im lặng. Và bọn họ cười ré lên. Nhưng tôi vẫn mặc cái áo tím kỳ khôi ấy, để thấy mẹ tôi cười. Người lớn, đôi khi cũng không khác con nít là bao. Những cơn mưa thu lại rơi, rổn rảng trên mái tôn. Nhưng gia đình tôi đã trở lại vui vẻ. Tối tối, mẹ ngồi đan áo. Chiếc áo len màu hoàng yến sẽ cho tôi diện dịp Tết Nguyên Đán này. Còn tôi, tôi cắm cúi trên các trang sách, thấy nhịp điệu đời sống xiết bao êm ái, thanh bình. Trong ngõ nhỏ, tiếng hát của anh què lại rống lên:
Rồi thu sang lá vàng rời đầy...
Nhưng tôi không còn thấy tim tái tê vì nỗi buồn thống thiết, vì một thất vọng che chắn cuối chân trời. Tôi chỉ cảm nhận trong những âm thanh ấy, một nỗi xót xa mơ hồ khiến ta phải não lòng, một niềm thương cảm trìu mến, ý muốn được che chở cho ai đó, được ủ ấp một mái đầu nào đó, được đưa bàn tay cho một bàn tay chới với giữa dòng nước xiết.
Tôi vào trường được hơn hai tháng, một chủ nhật, mẹ rủ tôi tới nhà cậu Chính. Không muốn làm mất lòng mẹ, tôi nhận lời. Thế là, sau mấy năm trời, tôi trở lại khu tập thể K. Khu nhà ấy đã cũ nhiều. Con đường chạy qua các trục chính đã tróc lở nhiều khúc. Các khoảng sân, các bậc thềm cũng như vậy. Người ta tự tu tạo bằng nhiều thứ vật liệu khác nhau, trông như nhiều mụn và khác màu trên một mảnh áo. Các bức tường vôi nhạt màu, hoen mưa gió, in những hình vẽ loằng ngoằng thô tục của bọn trẻ hư. Không khí oi nóng, quẩn tụ một thứ khói lạ, rất khó gọi tên. Có lẽ, nó là tổng hợp của khói thuốc lào, thuốc lá, khói các bếp dầu vừa tắt, khói ngún từ các bếp lò đun mùn cưa, và khói từ các đống rác nhỏ rải rác khắp các ngóc ngách khu nhà. Rất nhiều nhà mở đĩa hát và máy nghe băng nhạc. Nhạc Rock, nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến xen lẫn điệu hát chèo và cải lương. Thanh niên tụ thành từng nhóm trước hè, miệng phì phèo thuốc giương những cập mặt thô lỗ nhìn người qua đường, buông lời chòng ghẹo. Tất cả đã thay đổi. Trạm gác gỗ ngoài cửa cũng không còn. Những mảnh ván đã được dọn trơ trụi, chỉ còn cây tre làm gạt chắn vẫn ngơ ngất chọc lên trời.
Cậu mợ Chính đang ngồi vặt lông vịt trong nhà. Thấy mẹ con tôi, mợ Thành rửa tay chạy vào, niềm nở chào hỏi. Hai đứa con trai họ Đỗ đã lớn lên nhiều, so với hồi tôi gặp. Nhờ thực phẩm của bà bác trợ cấp, chúng hồng hào béo tốt hẳn lên.
- Cháu chào bác. Em chào chị Hằng.
Lần này, không cần mệnh lệnh của ông bố, chúng cũng cất tiếng đồng thanh. Mẹ chúng liếc nhìn tôi, cười hớn hở.
- Cháu Hằng lớn lên, xinh quá nhể.
Mợ ta béo ra nhiều, mặc bộ quần áo lụa xanh hoa dây hồng, lại đính thêm một hàng đăngten lòe xòe dưới gấu áo. Mợ xăng xái đi lại, pha trà, rót nước, cả hai lườn, cả đôi mông lặc lè mỡ. Mặc dù đon đả mời nước, đôi mắt hẹp của mợ vẫn liếc về chiếc làn thực phẩm của mẹ tôi đặt dưới sàn nhà, gần góc tủ. Tuy vậy, lúc ấy trong mợ vẫn dễ chịu hơn lúc ngồi trước bàn, vừa ngậm tăm vừa đọc tuyển tập của Lênin. Sau lần đến nhà mợ đầu tiêu, tình cờ tôi được nghe một đứa bạn kể. Bố mẹ nó là giảng viên trường đại học, được trưng tập về giảng dạy ở trường Đoàn. Họ phải làm việc dưới quyền mợ Thành vì mợ là Đảng viên lâu năm. Cả hai khốn khổ 8 năm ròng vì bị trù úm. Vốn là những người có kiến thức, giàu lòng tự trọng, họ không thể chịu được một người ngu dốt, lại chỏng lỏn. Mợi ta vừa tự ti, vừa cường hào một cách phi lý. Có lẽ, bởi vì mợ mới học hết cấp hai trong trường bổ túc công nông, mà lại có trọng trách duyệt toàn bộ chương trình triết học.
- Kìa, cháu uống nước đi. Em mời chị.
Mợ ta vỗ vai tôi, rồi chỉ chén trà nóng, tươi cười. Khi cười, những nốt rỗ có bớt phần nguy hiểm. Tôi hỏi mợ:
- Hồi trước, cháu thấy mợ có bộ tuyển của Lênin mới tinh. Đâu rồi?
- Trong tủ, mợ cất trong tủ.
Người đàn bà trả lời hăng hái, tay chỉ chiếc tủ gỗ mới, nước sơn vécni còn mùi thơm.
- Cháu có cần, mợ cho mượn. Mợ đã nghiên cứu xong chủ nghĩa Mác-Lênin rồi, Giờ, mợ đang phải nghiên cứu các văn kiện.
Nói tới đó, chợt mợ đổi giọng kêu:
- Ấy, chị để em... để em.
"Tự hỏi" - thiếu nữ Nhật Bản |
Vừa nói, mợ vừa lao tới, đỡ gói đường trên tay mẹ. Miện túi nilông bị sút sợi thun buộc, chỉ chút nữa đường đổ tung tóe. Mợ Thành cười hỉ hả.
- May thật là may.
Tới đó mợ quên bẵng câu chuyện về chủ nghĩa Mác-Lênin với các văn kiện, mợ quay sang cái làn thực phẩm. Cùng với mẹ tôi, mợ lần lượt dỡ từng túi đường, đổ vào những chiếc thẫu thủy tinh cao cổ miệng loe, những chiếc thẫu dùng ngâm rượu rắn cho đàn ông, ngâm mơ, ngâm táo cho đàn bà con trẻ. Xong xuôi, mợ lấy thịt và giò, thứ đem cất, thứ đem thái rim, thứ đem bày ra đĩa. Hai gò má mợ hồng hào, nhoáng mỡ.
- Gớm, bác cho hai cháu nhiều đường thế! Uống tới mùa thu sang năm cũng chưa hết. Anh Chính ơi! Xong chưa? Nhớ hãm tiết canh đúng kỹ thuật đấy nhé. Chị Quế chỉ thích mỗi món tiết canh vịt thôi.
Nói xong, mợ cười, hai mắt tít lại. Mẹ tôi cũng cười, hồn nhiên, thành thật. Giờ đây, mẹ đã có vị trí xứng đáng trong gia đình người em trai. Mẹ hoàn toàn mãn nguyện. Cái khoảng thời gian me bị khinh khi, ghẻ lạnh đã qua rồi. Giờ đây, mẹ trở thành người bảo trở. Mẹ gom góp từng xu để bù trì cho đứa em trai.
Và mái nhà cũ kỹ của chúng tôi sẽ không thể nào thay đổi. Mái nhà như hai mảnh vá khác màu. Trưa hè bỏng rãy, mùi nhựa đường khét lẹt bốc lên. Và mưa thu, gõ, gõ, gõ, gõ trên mảnh tôn đã lốm đốm thủng. Quá vãng đã được chôn vùi trong tro trấu. Món cháo lú của tinh thần hào hiệp và đức hy sinh. Đầu óc những người đàn bà nói chung là ngắn ngủi. Họ chỉ sống với khoảng khắc đang sống...
Đột nhiên, cậu Chính cao giọng gọi tên tôi.
- Cháu Hằng,
- Dạ.
- Vào bưng cho cậu đĩa tiết canh.
Tôi chạy vào buồng, bưng đĩa tiết canh theo chỉ thị của cậu. Tới mâm, tôi đặt xuống, ngắm nghía. Tiết canh đông cứng như khối thạch, chân đĩa không có ngấn nước long. Bên trên, gan vịt thái mỏng, lạc rang vừa lửa vàng rươm rắc đều cộng với tỏi nhánh đập vụn. Cậu lại gọi:
- Còn đĩa rau thơm ăn kèm, bưng lên nốt.
Một đĩa rau húng chó, húng láng, răm, ngổ, hành sống, mùi ta, mùi tàu. Không thiếu thứ gì. Cậu giải thích.
- Gia vị mỗi người mỗi sở thích. Ai thích gì, lấy thứ nấy.
Rồi cậu xoa tay.
- Hồi trên chiến khu Việt Bắc, chỉ nhờ tài đánh tiết canh vịt mà đại đội trưởng yêu cậu đấy.
Mợ Thành hể hể, đế thêm.
- Bây giờ cũng thế. Thủ trưởng của cậu Chính, có giỗ có Tết có tiệc tùng đều gọi cậu tới làm món tủ: tiết canh với hầm ba ba.
Cậu Chính hỏi vợ.
- Chai rượu mùi đâu Thành nhỉ?
Mợ Thành đáp.
- Trong tủ, ở góc trái ấy nhé.
Cậu mở tủ, lầy chai rượu cam ra. Mâm cơm đã dọn trên giường, sau khi khép hai cánh cửa và kéo tấm màn che một cách kỹ lưỡng. Vịt luộc, vịt rang gừng, tiết canh, chả quế và giò mẹ tôi vừa đem tới. Cậu Chính rót rượu.
- Nào, cả nhà ta vui vẻ.
Mọi người nâng cốc. Tôi cũng nâng cốc, chạm cốc với họ.
- Nào, hãy vui vẻ. Sự vui vẻ ấy kéo dài thêm một năm. Qua năm sau, cậu Chính bị bệnh đái đường. Căn bệnh oái oăm, nhất là thời buổi gạo châu củi quế. Cậu phải ăn toàn thịt, mà lại toàn thịt nạc, không được lẫn một tí ti mỡ nào. Cậu là chuyên viên hai, lương gốc 115 đồng, nhà nước bao cấp không thể chiêu đãi cậu cho tới nơi tới chốn. Khi tôi đến viện, cậu ngồi bó gối trên giường, hai hốc mắt sâu hoắm, da xanh nhớt như da nhái.
- Mẹ đâu?
Cậu hỏi tôi, mắt hướng về phía cửa phòng, có ý trông ngóng. Tôi đáp.
- Mẹ cháu còn mua thêm cân cam.
Cậu rên rỉ.
- Cam với quít. Có ăn được đâu mà mua.
Tôi nói.
- Mẹ cháu vẫn tưởng cậu được phép ăn hoa quả.
Cậu nói cấm cảu.
- Kiêng. Kiêng tất. Bác sĩ bảo thế.
Nói xong, cậu ngồi thừ ra, trong ánh mắt hằn lên nỗi âu lo. Đúng lúc ấy mẹ tôi bước vào phòng. Mẹ cúi chào mọi người rồi rón rén ghé ngồi bên giường bệnh.
- Cậu xanh quá.
Mẹ rền rĩ, nước mắt ứa vòng quanh. Cậu Chính cau mày nhìn mẹ quát.
- Đã chết đâu mà khóc? Chị gỡ bỏ mẹ đi.
Lần đầu tiên, tôi thấy cậu văng tục, nói năng không còn nghiêm túc và thanh lịch như mọi bận. Trong đôi mắt hoảng loạn của cậu, lóe lên những tia sáng hãi hùng. Cậu sợ chết. Những ngón tay cậu run run. Cả những sợi râu thưa thớt lởm chởm đâm dưới cằm cũng run run. Mẹ tôi cắn môi, nhìn cậu.
- Bác sĩ bảo sao?
Quay mặt vào tường, cậu đáp trống không.
- Kiêng tuyệt đối, hoa quả cũng không được ăn. Và phải dùng thêm thuốc ngoại, thuốc của Mỹ.
Mẹ tôi cúi mặt, nhìn những ngón chân đen đủi xỏ trong đôi dép kiểu Thái Lan đã cũ, đế bẹt hẳn ra. Hồi lâu, mẹ thở dài và nói.
- Cậu cứ yên tâm chữa bệnh. Trước sau, chị cũng sẽ có...
Nói xong, mẹ xắp đặt những thứ thuốc bổ, những thứ thực phẩm cần thiết cùng hoa quả lên bàn. Mẹ nhờ cậy gửi gắm cậu cho những người bệnh xung quanh, rồi cúi chào họ trước khi dắt tôi ra về. Dọc đường, hai mẹ con cùng im lặng. Khi đã vào nhà, cất túi, mẹ bảo tôi.
- Sông có khúc, người có lúc. Đời người, ai cũng có đận gian truân. Vả chăng, cậu chỉ còn mẹ là người thân duy nhất. Con hiểu không?
- Vâng, con hiểu.
Tôi đáp. Và sau một lát đắn đo, tôi nói thêm.
- Mẹ yên tâm.
Từ dạo ấy, bữa ăn của chúng tôi rút xuống. Thoạt đầu, từ mức có vài lạng thịt quay hoặc vài khúc cá rán giảm xuống món đậu om cà chua hành trường kỳ hoặc nhộng rang. Sau đó món đậu om cà chua biến thành cá thầu dầu hoặc cá riếc răm kho khô. Còn món nhộng rang xuống cấp thành tép biển rang nuối. Cả những thứ rau độn bình thường cũng chạy theo sơ đồ của sự xuống dốc: từ súplơ, đậu hà lan, su hào, đậu đũa, dưa chuột chúng tôi trượt qua các loại cải xanh, lá bắp cải già muối dưa răm, cải soong và cả rau chuối thái ghém....
- Mát lắm con ạ, ăn cho nó giải nhiệt.
- Thứ rau này lành lắm, ăn nhiều da dẻ đỡ mụn nhọt.
Mẹ lý giải như thế, mỗi bận mẹ vác về một thứ rau mà chỉ nhìn đã đủ chán ngắt. Đang mùa đông, bệnh của cậu tăng lên, đòi hỏi lượng thuốc mua ngoài tăng gấp đôi. Thực phẩm bồi dưỡng cho cậu cũng nhân lên theo cấp độ đó. Mặt mẹ tôi quắt queo. Không hỏi, nhưng tôi biết mẹ đã phải nhịn bữa quà trưa ở chợ, lúc tôi học trong trường. Hai gò má mẹ nhô lên, những nếp nhăn kéo dầy dưới hai đuôi mắt. Những nốt tàn nhang hai bên cánh mũi và trên gò má lan rộng, kết liền thành từng mảng nâu sạm trên gương mặt mẹ, khiến nó u ám và xấu xí.
Bữa ăn của mẹ con tôi chỉ còn dưa cải muối trường kỳ với với su hào kho mỡ. Món su hào thái hình khẩu mía, kho mặn với tương rồi rưới mỡ nước lên giả làm thịt kho hoặc cá kho tôi nhớ mãi. Tôi đã ăn nó suốt một mùa đông. Tồi sẽ nhớ nó cho tới lúc xuống mồ. Tôi sẽ nhớ cả cảm giác tái tê của những buổi tối, khi đạp xe từ trường về, hai lỗ mũi đặc kịt bụi, bụng đói đến teo tóp lại trong lưng quần, tôi đã thèm một miếng thịt ra sao khi đi qua nhà bà Miều hoặc nhà chị Lan, hoặc nhà anh Hợp, mùi thịt kho tàu thơm lừng bay ra, khiến tay chân tôi run lên, mắt mũi tối tăm lại. Tôi sẽ nhớ mãi những buổi đêm như thế, đi học thêm ngoại ngữ về, tôi đã đạp đi đạp lại ba vòng quanh một hàng phở, điệu như rong chơi, nhưng thực chất để hít thở mùi vị ngon lành của nó lan tỏa trong không gian. Tôi sẽ nhớ cảm giác hổ thẹn của mình, lúc quay đi để nuốt nước bọt trước một người đàn bà mập mạp ngồi tuốt xâu chả nướng bỏ vào bát bún...
Một tối, không chịu nổi, tôi nói với mẹ.
- Con không đủ sức ngồi nghe giảng nữa. Mẹ bán một chiếc nhẫn đi lấy tiền mua thức ăn.
Mẹ tôi cau có.
- Nhẫn của cô Tâm, không bán được.
Tôi cố gắng ôn tồn.
- Nhưng cô đã cho con. Con phải sống, phải học được trước khi cần đeo nhẫn.
Mẹ tôi đáp.
- Không.
Tôi muốn khóc. Nhưng tôi cố ghìm giữ cho nước mắt khỏi trào ra.
- Con đói.
Mặt mẹ tôi tím lạnh, hai mắt tối sầm, dữ dằn. Mẹ đột ngột đứng đật, hét như người động kinh.
- Không. Tao đã bảo không là không.
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khủng khiếp như thế. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ xưng hô với tôi thô lỗ thế. Tôi im bặt, lủi ra ngoài sân. Cơn đói tan biến. Các nỗi thèm khát cũng tan biến. Chờ mẹ nguôi ngoai, tôi lên giường trùm chăn ngủ sớm. Tôi đã ngủ một giấc rất dài, rồi thức dậy khoảng hơn hai giờ sáng. Một cảm giác lạnh lẽo khiến căn nhà trống trải thêm. Tôi nhìn sang giường mẹ tôi, không thấy mẹ nằm ở đó. Chiếc chăn bông vẫn cuộn tròn, xếp gọn ghẽ cuối chân giường. Lúc ấy, có tiếng nức nở rất khẽ vẳng tới. Tiếng khóc của mẹ tôi. Không bật đèn, chờ cho mắt quen với bóng tối, tôi hé cửa ra sân. Mẹ tôi ngồi trong bếp, gục đầu lên hai cánh tay. Cánh cửa bếp nửakhép nửa mở, tôi nhìn thấy bóng đôi vai mẹ run rẩy từng cơn. Tiếng khóc bị nén trong họng, chỉ bật ra những cơn nức nghẹn, ngắt quãng, nghe tủi cực và ấm ức. Tôi đứng giờ lâu, phân vân giữa ý muốn vào an ủi mẹ và nỗi sợ hãi. Trong cơn giận dữ bùng nổ buổi tối, có nguyên cớ nào đó rất lạnh lùng, không thể cắt nghĩa. Nó khiến tôi ghê rợn. Thời khắc trôi qua, sương xuống ướt đầm mái tóc. Tôi run lên vì rét. Tôi sực nhớ mình chưa kịp mặc áo ấm. Tôi trở vào nhà nằm thao thức chờ mẹ lên. Nhưng chờ mãi vẫn nghe những tiếng nấc, như một ảo thanh vẳng bên tai. Lâu dần, tôi ngủ quên...
Sáng hôm sau, tiếng xe máy ồn ĩ bên ngoài đánh thức tôi. Cửa đã mỡ. Ngay giữa sân, người đàn ông đi chiếc Honda 67 đen trùi trũi đang ngồi chễm chệ. Ông ta vẫn đeo cặp kính mắt xanh chai như bữa trước. Và nụ cười nham nhở như bữa trước đọng trên môi.
- A... a... Cô nương dậy muộn quá. Ở nông thôn chúng tôi mà lười thế là không lấy được chồng.
Ông ta nhìn thấy tôi, liền nói chõ vào nhà. Sau lưng ông ta, một người đàn bà vừa nhảy xuống: cô Tâm. Tôi choàng áo bông, chạy ào ra đón cô. Toàn thân cô, hai tay cô, cả hai gò má và cằm cô lạnh buốt. Cô mỉm cười.
- Cháu của cô.
Nhưng rồi, chưa kịp ôm tôi vào lòng, cô đã lại đẩy bật tôi ra nhìn chằm chằm.
- Hằng làm sao thế?
Tôi cười.
- Có sao đâu cô?
Nhanh như sóc, cô luồn hai bàn tay vào trong áo len, vuốt dọc theo sườn và lưng tôi.
- Làm sao mà cháu trơ xương sườn, xương sống ra thế này?
Cô hỏi, giọng khẽ khàng, nhưng âm diệu khác lạ, nghe như thất thanh. Tôi chưa kịp trả lời, mẹ tôi đã từ trong bếp đi ra. Hai mắt mẹ tôi sưng mọng, gương mặt héo hon nhuốm vẻ hoảng hốt, sợ hãi.
- Chị vừa lên. Chị vào nhà chơi.
Mẹ quay sang người đàn ông.
- Mời bác vào nhà chơi.
Tay mẹ tôi cầm siêu nước. Chắc mẹ đã nấu cơm xong và đun được siêu nước đầu tiên. Từ chiếc vòi nhôm, làn khói bay ra. Người đàn ông đeo kính, đáp lại lời chào mời của mẹ tôi bằng một cái gật đầu rất hiên ngang, đoạn quay sang cô Tâm.
- Mấy giờ em dón chị?
Cô tôi bảo.
- Nửa tiếng nữa nhé. Giờ chú đi đi. Nhà chúng tôi có câu chuyện hàn huyên.
Nhà văn Dương Thu Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét