"Bạch kim" - siêu mẫu nội y châu Âu |
Phải công nhận Hà Nội có nhiều loại phở, đặc biệt có nhiều tên gọi để phân biệt. Ví dụ: gọi theo món, ta có phở bò, phở gà, phở heo, phở tôm… Gọi theo cách chế biến, ta có phở tái, phở chín, phở gầu, phở tái chín, phở tái nạm gầu, phở tái nạm sách… Bây giờ, Hà Nội còn phân biệt tên gọi phở theo nơi xuất xứ nữa như phở Hàng Buồm, phở Huế, phở Sài Gòn... Đấy là chưa kể, phở còn được gọi tên theo giá trị của đồng tiền bát gạo như phở hào hạng, Phở bình dân, Phở bụi, Phở nhà hàng… Trong những loại phở ấy, tôi “khoái” nhất cái thứ Phở bụi.
Phở bụi, bạn đừng nhầm là phở bình dân nhé! Phở bụi rẻ hơn và rải rác khắp nơi, từ trong ngõ, đầu phố đến vỉa hè ở Hà Nội... Phở bụi là thứ phở như thế nào? Thì đại khái nó cũng gần giống với thứ phở bán rong còn tồn tại mấy chục năm về trước. Cũng ngon, bổ, rẻ mà chỗ ăn lại mát mẻ, thoáng đãng nữa. Chứ còn, thứ phở bình dân bây giờ phần lớn bán trong nhà, mà giá cả có khi chẳng “bình dân” chút nào. Rẻ thì cũng từ 15 đến 20 nghìn đồng một bát. Đã thế, ta lại phải ngồi ăn trong cái quán ngột ngạt, nóng bức, nhiều mùi khói khét hơn là mùi thơm của phở. Ăn phở kiểu ấy, ta thà mua một nắm xôi nếp lạc, ăn cho đỡ nhạt miệng!
Phở gánh - ảnh Việt Nam xưa |
“Ông hỏi phở bụi ư? - Chỉ 10 nghìn đồng một bát thôi! Nếu có hứng thì mời ông thêm 2 nghìn quẩy nữa là 12 nghìn, còn 3 nghìn lẻ thì đủ để ông ngồi quán nước chè đằng kia, hút điếu thuốc lá hay rít điếu thuốc lào cho “sướng cái miệng”! Vậy nhé, cùng là 15 nghìn đồng, nhưng ông vừa được ăn một bát phở ngon, lại vừa được tráng miêng bằng thứ nước chè xanh nóng và thơm phưng phức. Còn gì sung sướng và tiết kiệm hơn thế!” - Bà chủ hàng phở bụi phân tích cặn kẽ cho một vị khách sành ăn.
Có người cãi lý, phở ngon thì giá phải đắt chứ! Đúng, nhưng không có nghĩa nếu suy theo lôgic thì phở bụi ăn không ngon! Nếu không tin, bạn cứ thử ngồi một quán phở bụi ở Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội mà ăn thử (bật mí đó là cũng là quê hương của cụ Nguyễn Tuân, cái người thích ăn phở và viết tùy bút cực hay về phở). Tôi tin, ông thần khẩu của bạn cũng sẽ phải chép miệng mà khen đáo khenđể: “Ờ nhỉ, đến thế kỷ XXI này, Hà Nội ta vẫn còn thứ phở rẻ và ngon quá!”. Ấy là một bát phở đầy đặn với hành hoa, với những sợi phở mềm trắng nõn, với nước thịt xương ngọt, không béo ngậy và điểm những miếng thịt bò thái mỏng còn sốt dẻo, đang chờ người ăn. Dĩ nhiên, phở bụi vẫn không thiếu cái vị cay cay của một bát phở chính hiệu, ấy là gừng. Gừng chính là nhịp cầu nối cái “quốc hồn quốc túy” của một bát phở, chính xác hơn là của một Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ và ở hiện tại gắn kết với nhau, khiến người ăn phở có cảm giác nâng nâng vì chút men cay cay cùng vị nong nóng. Tỉnh người ra thì thấy yêu đời và yêu người đến lạ lùng.
"Bến phà ở sông Đà" - tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái |
Cứ thả sức tường tượng đôi mắt bạn là một chiếc máy quay cận cảnh, đôi tai bạn là những máy ghi âm chuyên dụng. Sẽ có “ối” chuyện đời thường của những người lao động, để bạn “thu âm, ghi hình”, để rồi thấy thấm thía hơn cái nghề mà bạn theo đuổi, cái nghề phải hóng hớt, rất bụi, nhưng lại kiếm được nhiều chuyện “hay ho” lắm! Yên tâm đi, những câu chuyện của người lao động bao giờ cũng dễ nghe, dễ hiểu và dễ cuốn hút người đọc hơn là những bài báo rỗng hoác, xa lạ được đăng cùng ngày trên một tờ nhật báo. Ai lại không nhoẻn miệng cười khi nghe một lời hỏi thăm nhẹ nhàng và hóm hỉnh: “Hôm qua, bác “kiếm” có khá không? Ai lại không rưng rức vui lẫn khóc thầm trước một lời động viên chân thành “Ôi dào, ông đừng buồn. Mai tin chắc, chúng mình sẽ kiếm được một mẻ tiền công lớn!”. Ai có thể cầm chừng được nước mắt khi nghe bằng trái tim cái tiếng nấc nghẹn lòng của một người bố đạp xích lô nói với một cậu con trai là tân sinh viên: “Con ạ, lắm khibố mẹ túng quẫn tiền ăn, tiền học lo cho mày. Mày phải gắng sức học tập thật giỏi đấy, biết chưa?!!”…
Bao nhiêu câu chuyện cảm động đời thường cứ chạy theo vòng quay thời gian của việc ngồi ăn một bát phở bụi, thì lòng ta lại có bấy nhiêu cái vị mặn nồng, cay, ngọt, đắng, chua, chát và thơm ngon của một bát phở bụi. Lúc ấy vị và chất phở đã thẩm thấu vào gan vào ruột mỗi người rồi đấy! Ta thêm tỉnh người, lòng khoan khoái và tự trấn an trong những ngày tiết trời se lạnh “Một bát phở bụi ấm áp tình người, thật đáng bỏ tiền ra để thưởng thức!”.
MonngonHanoi.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét